Top 30+ Lễ hội truyền thống nổi tiếng Việt Nam
Hãy cùng chúng tôi khám phá Top Lễ hội truyền thống nổi tiếng Việt Nam, Top 15 Lễ hội truyền thống nổi tiếng miền Bắc, Top 6 lễ hội truyền thống nổi tiếng ở miền Trung, Top 10 lễ hội truyền thống nổi tiếng ở miền Nam
A. Top 15 Lễ hội nổi tiếng ở miền Bắc
1. Hội gò Đống Đa (Hà Nội) – Mùng 5 Âm lịch
Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Ðây là lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo.
2. Lễ hội Cổ Loa (Hà Nội)- Từ mùng 6 đến 16 Âm lịch
Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sáng 6 Tết, hội mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12 giờ trưa). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm.
Ngoài ra trong lễ hội còn có nhiều trò chơi khác nhau: chơi đu, thổi cơm thi, hát trù, hát chèo… Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.
3. Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) – Từ mùng 6 đến hết tháng 3 Âm lịch
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mồng sáu tháng Giêng là khai hội, thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam.
Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Chùa Hương không chỉ còn là giá trị một vùng miền, mà là di tích của quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc, vì nó là giá trị sống của chuỗi phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay. Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn…
4. Lễ hội chùa Keo (Thái Bình) – Mùng 4 Âm lịch
Lễ hội chùa Keo được tổ chức tại Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lễ hội được tổ chức trong hai kì một năm: Hội xuân từ ngày 4 Tết Nguyên đán. Chùa Keo được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam với gác chuông là công trình kiến trúc được làm hoàn toàn bằng gỗ, như một hoa sen vươn lên giữa màu xanh bát ngàn của quê lúa Thái Bình.
Hội chùa Keo thờ thiền sư Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc Sư. Mỗi khi lễ hội diễn ra đã thu hút du khách thập phương ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng đến du xuân, cầu may mắn. Trong khi diễn ra lễ hội còn kèm theo các trò chơi dân gian truyền thống, giải trí gắn liền với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp.
5. Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) – Khai hội mùng 6
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, khai hội vào ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
Điều đặc biệt ở kiến trúc chùa Bái Đính là không gian nơi đây luôn mở. Ngay từ khi xây dựng với đại tượng Phật còn đặt ở ngoài trời đã thu hút rất đông các đoàn người hành hương chiêm bái. Kiến trúc khu chùa mới nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm…
Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô.
6. Hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) – Mùng 6 – 8 Âm lịch
Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6 – 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Bên cạnh những nghi lễ, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
7. Hội đền Hùng (Phú Thọ) – Từ mùng 9 – 13/3 Âm lịch
Lễ hội đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương khai mạc từ ngày 9 đến 13 tháng 3, chính hội vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội lớn mang tính quốc gia để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Phong tục giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta.
Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Người dân hành hương về đất Tổ trong tâm khảm đều có niềm tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng.
8. Hội chợ Viềng (Nam Định) – Mùng 8 Âm lịch
Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Tại hội chợ Viềng chủ yếu bán các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông như cái cày, cái cuốc, quang gánh hay những vật dụng cần thiết cho cuộc sống như quần áo, giày dép, gạo, thịt…
Hội chợ Viềng, khu hội chợ chính nằm trong thôn Trung Thành nhưng bao xung quanh nó là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm, rất đẹp như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng… được xây dựng từ thế kỷ 19 cách đây hàng trăm năm. Hàng năm hội chờ Viềng thu hút hàng trăm du khách thập phương và địa phương đi dự hội chợ Viềng và đi lễ chùa, đền phủ Bà Chúa để cầu may cầu lộc đầu xuân.
9. Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) – Từ 10/1 đến hết 3 Âm lịch
Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân tại núi Yên Tử, xã Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc… cùng những hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,… tưng bừng, nhộn nhịp. Bên cạnh đó là hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách.
10. Hội Lim (Bắc Ninh) – Ngày 13 Âm lịch
Hội Lim là một lễ hội lớn được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá – nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ. Trong ngày này, các Liền chị có cơ hội được giao lưu hát giao duyên, thể hiện giọng ca quan họ truyền thống ở Bắc Ninh như là hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Bên cạnh đó, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Đấu vật, đấu võ, đầu cơ, nấu cơm, dệt cửi, đánh đu…
11. Lễ hội đền Trần (Nam Định) – Từ ngày 13 – 15 Âm lịch
Hội đền Trần bắt đầu bằng lễ khai ấn từ giờ Tý (nửa đêm) ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.
Nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp. Ở cả 3 đền trong đền Trần, gồm: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa thường xuyên diễn ra các lễ hầu đồng hay lên đồng.
12. Lễ hội Bà chúa Kho (Bắc Ninh) – Từ ngày 14 đến hết tháng Giêng Âm lịch
Lễ hội diễn ra ở Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hội khai mạc vào ngày 4 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng.
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cổ Mễ (gồm: Đình – Chùa – Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng. Lễ hội Bà chúa Kho có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) để cầu tài cầu lộc. Đầu năm đi xin lộc, cuối năm trả lễ bà chúa Kho từ lâu đã trở thành phong tục lâu đời của người dân Việt Nam.
13. Lễ hội hoa ban
Lễ hội hoa Ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường được người Thái ở Tây Bắc tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc…
Lễ hội Hoa Ban thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui. Lễ hội hoa ban này được tổ chức vào ngày 5/2 âm lịch với mong muốn thỉnh bái thần rừng, thần hang cùng hồn vía đôi trai, gái qua một sự tích lưu lại cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
14. Lễ hội Kinh Dương Vương
Ngày 18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, dân làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) lại nô nức khai hội Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ. Lễ hội tái hiện nhiều phong tục và nghi thức truyền thống đặc sắc mà lễ phục ruộc (còn gọi rước nước) là một lễ thức độc đáo quan trọng, không thể bỏ qua. Tương truyền, lễ phục ruộc ở Lễ hội Kinh Dương Vương ngoài mục đích rước nước về tế lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình phụ tử: “gọi cha về cứu dân làng”.
Lễ hội Kinh Dương Vương một lễ hội đặc biệt mang ý nghĩa hội tụ văn hóa và thể hiện lòng biết ơn, sự trân trọng đến Thủy tổ nước Việt Nam ta. Lễ hội này được diễn ra tại đền thờ Kinh Dương Vương tỉnh Bắc Ninh. Đến với lễ hội này bạn sẽ được tham gia nhiều nghi thức truyền thống và phong tục đẹp được tái hiện ở lễ hội Kinh Dương Vương.
15. Hội Xoan – Phú Thọ
Hội Xoan được tổ chức ở làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến hết ngày mùng 10 tết Nguyên Đán nhằm tưởng nhớ đến Xuân Nương – một trong những cánh tay đắc lực trên chiến trường của Hai Bà Trưng.
Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên), sau đó truyền rộng rãi trong dân chúng và được tổ chức thành các phường hát. Mỗi phường Xoan thường có từ 15 đến 18 người hoặc đông hơn. Trừ trùm phường, các thành viên khác thường là trai gái tuổi 16-18. Nam gọi là kép, nữ gọi là đào, số đào thường đông hơn số kép. Người ta tổ chức hát xoan để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn…
B. Top 6 lễ hội truyền thống nổi tiếng ở miền Trung
1. Lễ hội vật ở Làng Sình (Thừa Thiên Huế)
Làng Sình hay còn có cái tên gọi khác là Làng Lại Ân. Nó nằm ở hữu ngạn sông Hương thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây là địa chỉ cuối cùng về phương Nam còn lưu giữ truyền thống vật võ. Được xem là một sinh hoạt văn hoá mang nét đặc trưng của người Việt. Lễ hội vật làng Sình thường diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng Giêng Âm lịch. Hội Vật được tổ chức không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ. Mà nó được xem như là một hoạt động giải trí đơn thuần sau những ngày Tết. Bởi vậy, ngoài việc thể hiện sức khỏe còn tạo tiếng cười cho mọi người. Giúp người dân có được tinh thần sảng khoái để bước vào năm mới. Hội vật Làng Sình mang yếu tố tâm linh. Với mong muốn cầu mong cho dân làng khỏe mạnh, yên ổn, mùa màng tươi tốt. Đồng thời nâng cao sức khỏe đầy tinh thần thượng võ, lòng dòng cảm và mưu trí đối với lớp trẻ. Người địa phương còn quan niệm, nếu năm nào hội vật thu hút được nhiều người đến xem thì năm đó người làng sẽ làm ăn khấm khá. Bởi vậy, mặc dù hội Vật thường diễn ra vào mùa đông, với cái lạnh như cắt da cắt thịt. Nhưng tuy nhiên vẫn thu hút hàng nghìn người tham dự.
2. Lễ hội đền vua Mai Hắc Đế (Nam Đàn, Nghệ An)
Lễ hội đền vưa Mai Hắc Đế từ lâu đã trở thành một trong những nét đẹp truyền thống của người con Nam Đàn. Cũng như là điểm đến thú vị của du khách thập phương trong những ngày đầu xuân. Lễ hội thường được diễn ra vào ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Cứ đến hẹn lại lên, du khách từ mọi nơi lại nô nức trở về lễ hội Đền Vua Mai. Mục đích là để tưởng nhớ công đức Vua Mai Thúc Loan cùng với các tướng lĩnh của ông đánh bại quân xâm lược phương Bắc. Từ đó xây dựng nước Vạn An độc lập (722-726). Trong suốt 3 ngày 13, 14, 15 tháng Giêng âm lịch các hoạt động hội hè diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia. Ví dụ như bóng chuyền, đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên,.. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật & thể thao như: Múa, hát, triển lãm, phim về các chuyên đề lưu động, bóng đá, bóng chuyền,.. Hoặc tổ chức những chuyến tham quan ở những khu vực lễ hội như di tích tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, mộ đồng chí Lê Hồng Phong, Bên Sa Nam…
3. Lễ hội truyền thống ở miền Trung – lễ hội vía Bà (An Nhơn, Bình Định)
Lễ hội vía Bà khai mạc vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống ở miền Trung được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ công ơn đức độ của Bà Đỗ Thị Tân. Bởi bà Tân là người đỡ đẻ rất có tâm. Người chẳng ngại đêm hôm đường sá xa xôi, chỉ cần nơi nào có sản phụ sinh nở bà đều có mặt giúp các sinh linh chào đời bình an. Vì vậy, để tưởng nhớ, dân làng lập miếu thờ ngay trên mảnh đất nơi bà sinh sống ngày xưa. Đồng thời lễ hội diễn ra hàng năm cũng với mong muốn cầu cho dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no. Bên cạnh phần lễ còn có phần biểu diễn múa lân, sư tử. Ngoài ra, lễ hội còn có các màn biểu diễn nghệ thuật. Ví dụ như hát tuồng, kéo co, đẩy gậy, đập niêu và xem hát quan họ.
4. Lễ hội cầu ngư (Huế) – Nét đặc sắc bạn nên thử qua
Đây là lễ hội của người dân Thị trấn Thuận An, Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Với mục đích để tôn kính ngài Thương Quý Công. Bởi ngài Trương Quý Công (quê Thanh Hóa) ngày xưa đã có công dạy dân nghèo đánh cá, chèo thuyền buôn bán. Lễ hội được coi như là một phong tục của người dân Thuận An. Cứ 4 năm một lần, làng lại tổ chức lễ hội lớn với các vở kịch mô tả các hoạt động đánh bắt cá. Tất cả đều mang nét đẹp dân gian của cư dân vùng biển.
5. Lễ hội Đống Đa (Tây Sơn, Bình Định)
Lễ hội Đống Đa được tổ chức nhằm ghi nhớ chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Đồng thời tôn vinh chiến công lừng lẫy của các nghĩa quân Tây Sơn. Đặc biệt là Nguyễn Huệ (vua Quang Trung). Lễ hội thường diễn ra vào ngày 4, 5 tháng Giêng âm lịch tại Bảo tàng Quang Trung, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định. Đây là một trong những lễ hội nổi tiếng ở miền Trung. Bên cạnh những nghi lễ truyền thống còn tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian. Như là trống trận Tây Sơn, võ thuật, trò chơi dân gian, đua thuyền, hát tuồng… Tất cả đều thu hút đông đảo du khách. Tham dự lễ hội bạn như được sống lại một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc cùng với tinh thần thượng võ của người dân Bình Định.
6. Lễ hội Dinh Thầy Thím (Bình Thuận)
Lễ hội này đã trở thành nét văn hóa của Bình Thuận, Bình Định từ lâu đời. Hàng năm, cứ đến ngày 14-16 tháng 9 Âm lịch, hàng nghìn du khách và người dân địa phương lại tập trung về Di tích lịch sử – văn hóa Dinh Thầy Thím tỉnh Bình Thuận để hành hương, trẩy hội. Tại lễ hội, có rất nhiều nghi lễ cổ xưa vẫn được bảo tồn. Ngoài ra, còn có bao nhiêu là trò chơi dân gian thu hút đông đảo du khách. Như là tuồng cổ, võ thuật, lắc thúng, bắn cá chuồn, kéo co, múa lân, múa rồng. Các hoạt động này khiến không khí lễ hội trở lên vô cùng náo nhiệt.
C. Top 10 lễ hội truyền thống nổi tiếng ở miền Nam
1. Lễ Hội Tống Ôn
Lễ Tống Ôn là một tục lễ có từ rất lâu đời ở vùng đất Nam Bộ tuy ngày nay không còn được phổ biến như trước nữa nhưng vẫn còn nhiều địa phương như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, An Giang,… tổ chức. Mặc dù những ngày lễ này không thống nhất ngày giờ với nhau. Nhưng đều có điểm chung là tổ chức ở những nơi thờ tự như chùa, miễu,… tục lễ này có vào thời còn khai hoang lập địa nên có nhiều dịch bệnh gây hại cho con người. Vì vậy người dân nam bộ khi ấy cứ nghĩ do ma quỷ những người khuất mặt khuất mày gây ra. Vì thế họ làm lễ Tống Ôn có nghĩa tống tiễn, xua đi những tà khí, dịch bệnh gây hại cho con người. Để chuẩn bị làm lễ Tống Ôn họ chuẩn bị các đồ vật cúng thần trước và một chiếc thuyền để các đồ vật vừa cúng thần xong rồi thắp nhang khấn vái đem ra sông thả thuyền trôi theo dòng nước. Với mong muốn đem đi những điều xui xẻo, bệnh tật, được tai qua nạn khỏi, hướng tới một cuộc sống an lành và hạnh phúc.
2. Lễ Hội Đua Bò Bảy Núi
Lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội của đồng bào dân tộc người Khmer mang đậm nét bản sắc văn hóa dân gian và là một môn thể thao độc đáo ở vùng Bảy Núi. Được tổ chức vào dịp lễ Dolta của người Khmer, vào ngày 30/8 âm lịch hằng năm ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Người ta sẽ lựa chọn một cặp bò nhanh nhẹn nhất, khỏe mạnh nhất. Và chăm sóc cho chúng được nghỉ ngơi tập luyện, ăn uống theo chế độ, sau 2 tháng cặp bò này có thể ra trận đua và có cả người điều khiển nữa. Sau khi đôi bò nào được giành giải cao nhất trong năm thì chúng được coi như một tài sản quý báu của gia đình và cả làng phum sóc. Vì chúng sẽ đem lại may mắn trong việc gieo trồng và đem lại cho người dân nơi đây một mùa bội thu, nhà nhà no ấm. Hằng năm vào dịp lễ hội đua bò náo nhiệt và hấp dẫn ở nơi này thu hút hàng ngàn du khách ghé thăm và các tỉnh lận cận đã có mặt từ rất sớm, từ lúc bắt đầu cho kết thúc cuộc đua lúc nào cũng tưng bừng. Reo hò, vỗ tay. Cổ vũ rất nhiệt tình góp phần cho trận đấu trở nên náo nhiệt và vui hơn trong dịp lễ này.
3. Lễ Hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông hay lễ hội Nghinh Ông Thủy Tướng là lễ hội có truyền thống đâu đời của ngư dân miền duyên hải, và của những người đi biển. Đây là một lễ hội tưởng nhớ công ơn của loài cá voi – vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã nhiều lần cứu giúp người dân vượt qua sóng to gió lớn ở ngoài biển khơi. Hằng năm lễ hội được tổ chức trong vòng ba ngày. Nhưng lại không thống nhất về thời gian giữa các địa phương. Ví dụ ở Bình Đại, Bến Tre lễ hội được cử hành vào ngày 16/6 âm lịch, còn ở Thắng Tam thì 16/8 âm lịch. Đi dọc theo miền duyên hải Nam Bộ du khách sẽ bắt gặp nhiều ngôi đền, miếu thờ cá ông, đặc biệt nhất là ở đình thờ cá Ông ở xã Cần Thạnh có bộ xương cá Ông dài đến 12m, ở Vũng Tàu có bộ xương dài tới 25m. Trước ngày lễ hội đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá lớn nhỏ của ngư dân đã được trang trí cờ hoa neo đậu sẵn để thực hiện nghi thức rước Ông ra biển cùng các lễ cúng của ngư dân rất trang trọng. Bên cạnh đó các ngư dân còn mời thỉnh lẫn nhau, kể cả khách từ nơi xa đến đây tham quan cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình với nhau. Phải nói đây là một lễ hội đậm đà, mang bản sắc thuần phong mỹ tục sâu sắc nhất của miền Tây Nam Bộ.
4. Lễ Hội Bà Chúa Xứ Núi Sam
Lễ hội Bà Chúa Xứ còn gọi là Vía Bà được diễn ra ở miếu bà tọa lạc tại chân Núi Sam, thành phố Châu Đốc, An Giang. Hằng năm lễ được tổ chức vào ngày 23/4 – 27/4 âm lịch nhưng ngày Vía Bà chính là ngày 25/4 vì đây là ngày phát hiện ra tượng bà. Hằng năm cứ vào mùa lễ thì có hàng trục khách thập phương từ xa đến đây để cúng bái với ý nguyện cầu cho một năm ấm no, mọi tai ương đều qua hết. Lễ được bắt đầu từ ngày 23/4 cho đến 0h đêm hôm đó du khách sẽ được xem nghi thức tắm bà bằng nước mưa pha với nước hoa và thay y phục mới cho bà. Hôm sau du khách sẽ được xem lễ rước bà từ đỉnh núi xuống bằng chín cô gái đồng trinh, đó chỉ là lặp lại cảnh rước bà khi xưa. Bên cạnh những lễ hội đặc sắc đó còn có Văn hóa nghệ thuật dân gian được biểu diễn như: múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén,… Đây là một lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc và còn là di tích lịch sử và kiến trúc quan trọng của tỉnh và cả khu vực. Năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia.
5. Lễ Hội Đôn Ta – Dolta
Lễ Đôn Ta còn được gọi là lễ “Xá tội vong nhân” là ngày lễ của người Khmer tổ chức. Nếu như người kinh mình có lễ Vu Lan thì người Khmer cũng có lễ Đôn Ta là lễ cúng ông bà tổ tiên diễn ra trong 3 ngày từ 29/8 đến 1/9 âm lịch hằng năm. Theo phong tục của dân tộc người Khmer không tổ chức ngày giỗ hằng năm cho người chết vì vậy họ tổ chức lễ nhằm để tưởng nhớ người thân ông bà đã khuất và cầu phước cho những người còn sống. Vào những ngày này trong phum sóc người Khmer cúng ông bà đã quá cố, tiếp theo họ sẽ tặng quà ông bà, cha mẹ còn sống, xong sẽ đến bữa cơm sum họp gia đình. Họ còn lên chùa làm lễ nhưng trước khi đi họ thắp nhang cầu mời ông bà đã khuất cùng lên chùa làm lễ. Trong thời gian diễn ra lễ Đôn Ta, tại các chùa sẽ có nhiều tiết mục văn nghệ, nhạc ngũ âm, nhiều trò chơi vui dân gian, múa Lâm – thol,… góp phần ngày lễ trở nên phấn khởi và vui tươi. Đặc biệt ở An Giang vùng đất Bảy Núi này còn diễn ra lễ hội đua bò truyền thống thu hút nhiều du khách đến tham quan.
6. Lễ Tết Khmer Chol Chnam Thmay
Lễ Chol Chnam Thmay được gọi là lễ chịu tuổi là lễ tết lớn nhất của người Khmer diễn ra 3 ngày liên tiếp tính theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer tức là vào đầu tháng Chét của người Khmer. Lễ Chol Chnam Thmay còn là những ngày lễ Tết của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, Sri Lanka. Khi du khách đi đến những khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh,… du khách sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con nơi đây chuẩn bị Tết cổ truyền của mình. Cũng khá giống với Phong tục ngày tết nguyên đán của người Kinh ở vùng miền Tây Nam Bộ là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mọi người đều may cho mình bộ quần áo mới và gói bánh tét, chuẩn bị hoa quả, hương đèn để lễ Phật. Theo truyền thống ngày tết của người Khmer sẽ tổ chức ở các ngôi chùa Khmer, nhưng ngày nay do sống cộng cư với người Việt đã ảnh hưởng phong tục người Việt nên họ còn tổ chức lễ đón giao thừa, và cúng ông bà ở nhà trong những ngày lễ Chol Chnam Thmay. Trong ngày lễ này người Khmer còn tổ chức nhiều trò vui như: đốt đèn trời, đánh quay lửa,… đây cũng là một trong những lễ hội văn hóa đặc trưng của miền Tây, hấp dẫn du khách từ nhiều nơi đến đây.
7. Lễ Hội Kỳ Yên
Lễ Hội Kỳ Yên còn được gọi là cúng đình, mặc dù các lễ hội không thống nhất với nhau về giờ giắt, ngày tháng, thứ tự và chi tiết nhưng thường được tổ chức vào ngày rằm tháng riêng đến rằm tháng 3 âm lịch và diễn ra xuyên suốt 3 ngày 2 đêm ở các đình làng của mỗi địa phương. Với người dân xưa nay, đình làng là nơi thờ các vị thần Thành hoàng được Thượng đế giao cho trách nhiệm cai quản toàn làng xã để che chở phù hộ cho dân sống bình yên, làm ăn phát đạt. Vào những ngày lễ hội này, đình làng luôn thu hút rất đông người dân đến đây thắp nhang họ cầu mong gia đình mình vạn sự bình an, nông dân được trúng mùa, cuộc sống no đủ,… và cũng là dịp để người dân họp mặt, bàn chuyện, vui chơi, cùng nhau xem lễ rước thần thắt chặt tính cộng đồng. Đặt biệt có các trương trình văn nghệ với nội dung hướng về đạo lý làm người và đây là một lễ hội hoàn toàn không có chuyện ăn nhậu say xỉn như các lễ hội khác. Vì vậy, đây là một lễ hội đang được duy trì và bảo tồn để có điều kiện phát triển trên vùng quê Nam bộ.
8. Lễ Hội Cúng Trăng Ok Om Bok
Lễ hội cúng trăng Ok Om Bok là lễ hội của người khmer, hằng năm lễ hội được tổ chức vào rằm tháng 10 Âm lịch (15/10). Thông qua lễ hội này người Khmer được bày tỏ lòng biết ơn đến thần Mặt Trăng là vị thần bảo hộ mùa màng mang đến cho người dân Khmer một vụ mùa tốt tươi. Lễ hội này diễn ra ở khắp các tỉnh miền Tây nhưng quy mô lớn nhất là ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Được tổ chức dưới hình thức tại gia đình hoặc ở chùa, riêng ở thành phố Trà Vinh được tổ chức vào ngày 14/10 tại hai bên bờ sông Long Bình du khách được xem đua ghe ngo truyền thống nơi này. Về với khu di tích Ao Bà Om thì được tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, đập nồi, nhảy bao,… hoặc tham quan bảo tàng Văn hoá dân tộc Khmer. Tối đến, mọi người được xem văn nghệ của người Khmer trình diễn hoặc ngồi xem thả đèn nước và ngắm nhìn đèn trôi trên mặt ao trong đêm trăng rằm lung linh huyền ảo này. Lễ hội Ok Om Bok còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
9. Lễ Hội Kathina
Lễ hội Kathina hay còn gọi là lễ dâng bông, dâng y cà sa của người dân Khmer tỉnh Sóc Trăng được tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ và theo quy định của Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa sẽ chọn 1 ngày cụ thể và thông báo cho các Phật tử trong phum sóc biết để chuẩn bị tiến hành làm lễ Kathina. Vì vậy mà mỗi phum sóc ở các tỉnh sẽ khác nhau về ngày tổ chức nhưng theo truyền thống thì thường diễn ra trong 2 ngày. Vào những ngày này người dân nơi đây lại nô nứt tổ chức lễ hội với mong muốn phum sóc nơi này được bình yên, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu. Trong lễ hội này người dân sẽ thỉnh chư tăng đến tụng kinh, cầu an cho gia chủ, ngày thứ hai là ngày đông vui nhất vì ngày này toàn bộ cư dân trong phum sóc làm lễ rước Kathina. Người dân sẽ dâng các vật phẩm gồm áo cà sa, bình bát và các lễ vật thiết yếu phục vụ việc sinh hoạt của các nhà sư. Đi kèm đó là đội trống Sa – dăm, đội Rô – băm cùng chục thiếu nữ xếp thành hai hàng để rước về chùa và dâng lên cho các nhà sư. Đây là lễ hội không đơn thuần là chỉ dâng y cà sa mà nó còn góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp của đạo Phật và tạo nét gần gũi, thân thiện trong cộng đồng người theo đạo Phật ở Việt Nam.
10. Lễ Cúng Dừa – Lễ Hội Tâm Linh
Lễ Cúng Dừa còn được gọi là lễ hội Thác Côn. Là một lễ hội của người Khmer ở An Trạch, thị trấn Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được diễn ra hằng năm tính theo Phật lịch của người Khmer nhưng tương ứng với rằm tháng Ba âm lịch của người Kinh. Lễ hội Thác Côn này đã tồn tại gần trăm năm nay, ai đến đây dự lễ này cũng phải mua một cặp dừa để cúng ông tà Thác Côn với tục lệ cúng những chiếc bình bông làm bằng trái dừa. Vì theo tín ngưỡng dân gian truyền thống cầu cho tấm lòng trong trắng như nước ở trong trái dừa tinh khiết trong lành là biểu thị cho sự may mắn. Đây là lễ hội không chỉ thu hút rất nhiều người dân ở địa phương mà còn thu hút khách từ các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, Cần Thơ, An giang,… cả người Campuchia nữa. Du khách Đến đây vào mùa lễ hội cúng dừa ở Sóc Trăng sẽ hiểu được văn hóa tín ngưỡng của người dân Sóc Trăng nói riêng và của miền sông nước nói chung là lễ hội văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ.
Tổng hợp Internet