Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi dự án điện hạt nhân hợp tác với Nga
Ngày 27/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố đất nước ông chính thức gia nhập hàng ngũ các quốc gia năng lượng hạt nhân sau khi dự án nhà máy điện hạt nhân Akkuyu chính thức được chuyển giao lô nhiên liệu đầu tiên.
Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Mersin phía nam đất nước. Nhà máy này được xây dựng thông qua quá trình hợp tác giữa công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà máy này bao gồm 4 lò phản ứng VVER-1200 và dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu điện của Thổ Nhĩ Kỳ. Bắt đầu xây dựng tổ máy đầu tiên từ năm 2018, công trình này vừa hoàn thành ngày 27/4 và ghi nhận lần nạp nhiên liệu hạt nhân đầu tiên của mình trong cùng ngày.
Cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng tham gia trực tuyến vào lễ khánh thành nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Phát biểu tại buổi lễ, ông Erdogan tuyên bố: “Với việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân bằng đường hàng không và đường biển tới nhà máy điện của chúng tôi, Akkuyu hiện đã đạt được vị thế của một nhà máy hạt nhân”.
Theo hãng tin RT trích dẫn, ông Erdogan ca ngợi “các kỹ sư và công nhân” đã làm việc chăm chỉ và cẩn thận để hoàn thành được công trình trị giá 20 tỷ USD với công suất 4.800 megawatt.
Nhận định về việc này, ông cho biết nhà máy Akkuyu là “khoản đầu tư chung lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng dự án này sẽ còn được mở rộng quy mô hơn nữa để hoạt động hết công suất vào năm 2028. Tới thời điểm đó, nó sẽ cung cấp 10% nhu cầu năng lượng của đất nước và giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Thêm vào đó, ông cũng tuyên bố: “Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi trong dự án này, chúng tôi sẽ hành động càng sớm càng tốt để thúc đẩy các dự án nhà máy điện hạt nhân thứ 2 và thứ 3 mà chúng tôi dự định xây dựng ở các khu vực khác nhau”.
Về phía nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Putin khẳng định đây là một dự án hàng đầu giúp “mang lại lợi ích kinh tế chung và tất nhiên, giúp tăng cường quan hệ đối tác nhiều mặt” giữa Moscow và Ankara. Ông cho biết với dự án này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhập khẩu ít khí đốt tự nhiên của Nga hơn trong tương lai nhưng sẽ được hưởng lợi thế của một quốc gia có năng lượng hạt nhân của riêng mình. Theo ông, nguồn năng lượng này “là một trong những loại năng lượng rẻ nhất”.
Đồng thời, ông cũng đánh giá cao việc Tổng thống Erdogan “quan tâm đến việc mở rộng quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ”. Không giống như các đồng minh NATO còn lại, Thổ Nhĩ Kỳ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm ngoái. Thay vào đó, Moscow và Ankara đã tăng cường thương mại song phương và đã đồng ý vào tháng 8/2022 rằng nước này sẽ mua khí đốt tự nhiên từ Nga bằng đồng ruble.
Bản thân 2 nhà lãnh đạo của 2 nước cũng đã gặp mặt nhiều lần kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu. Trước buổi lễ hôm 27/4, ông Putin và ông Erdogan cũng đã có một cuộc điện đàm, trong đó họ thảo luận về cuộc xung đột Ukraine, thỏa thuận ngũ cốc giữa Moscow và Kiev do Liên Hợp Quốc và Ankara làm trung gian, cũng như những diễn biến ở Syria và các “vấn đề khu vực” khác.