Tổng sản phẩm quốc dân là gì?
Học thuật
Tổng sản phẩm quốc dân là giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được các nhân tố sản xuất trong nước sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định.
Tổng sản phẩm quốc dân hay còn gọi là Tổng sản phẩm quốc gia (gross national product- GNP) là giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được các nhân tố sản xuất trong nước sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định.
Khác với GDP, GNP không bao gồm sản phẩm trong nước do các nhân tố sản xuất thuộc sở hữu của người nước ngoài tạo ra ở nền kinh tế trong nước, nhưng lại bao gồm cả sản phẩm do các nhân tố sản xuất thuộc sở hữu của cư dân trong nước tạo ra ở nước ngoài. Nếu gọi phần sản phẩm mà các nhân tố sản xuất nước ngoài tạo ra trong nước là thu nhập từ tài sản ở nước ngoài phải trả và ký hiệu là PI(P), phần sản phẩm mà các nhân tố sản xuất trong nước tạo ra ở nước ngoài là thu nhập từ tài sản ở nước ngoài nhận được và ký hiệu là PI(R), chúng ta có thể viết được công thức sau:
GNP = GDP + PI(R) – PI(P) hoặc GNP = GDP + NPI
trong đó NPI = PI(R) – PI(P) và được gọi là thu nhập ròng từ tài sản ở nước ngoài.
GNP cho chúng ta biết quy mô thu nhập và mức sống của cư dân một nước. Khi nghiên cứu dãy số thời gian của GNP tính theo giá cố định, chúng ta biết được tình hình gia tăng thu nhập và cải thiện mức sống của cư dân một nước. Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng GNP thực tế thấp hơn tốc độ tăng dân số, mức thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm. Vì vậy, khi phân tích và so sánh quốc tế về mức sống, người ta thường dùng chỉ tiêu thu nhập quốc dân đầu người, một chỉ tiêu được tính bằng cách lấy GNP tính theo chi phí nhân tố trừ đi quỹ khấu hao (D), sau đó chia cho dân số.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân)