Tổng quan về thanh toán quốc tế – Saigon Academy
Ngày nay, các ngân hàng hiện đại hoạt động đa năng nhằm tăng thu nhập không những từ các nghiệp vụ ngân hàng truyền thống, mà ngày càng mở rộng các nghiệp vụ ngoại bảng như kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, bảo lãnh…
Các hoạt động ngoại bảng mang lại thu nhập cho ngân hàng dưới dạng phí ngày một tăng không những về mặt số lượng mà cả tỷ trọng.
Tuy nhiên, các hoạt động ngoại bảng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt, khi một số người cho rằng hoạt động ngoại bảng mang lại thu nhập hấp dẫn nhưng ngân hàng không hề phải bỏ vốn, càng làm cho họ chủ quan, lơ là, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong các nghiệp vụ ngoại bảng, thì thanh toán quốc tế là nghiệp vụ quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao, mang lại khoản thu phí ngày một tăng cho ngân hàng thương mại.
Thông qua nghiệp vụ thanh toán quốc tế để chắp nối phát triển các nghiệp vụ khác như tín dụng, tài trợ xuất nhập khẩu, mua bán ngoại tệ, bảo lãnh, mở rộng quan hệ tài khoản, quan hệ ngân hàng đại lý…
Do đó, nghiệp vụ thanh toán quốc tế có thể được xem là nghiệp vụ ngoại bảng đặc trưng của các ngân hàng thương mại ngày nay.
Mục Lục
1. Khái niệm thanh toán quốc tế
1.1. Cơ sở hình thành thanh toán quốc tế
Thật hiếm khi một quốc gia lại tự sản xuất mọi thứ mình cần. Điều kiện tự nhiên, địa lý, trình độ phát triển và các yếu tố khác của mỗi nước xác định phạm vi và năng lực sản xuất của nước đó.
Điều này nói lên rằng, các quốc gia luôn phụ thuộc lẫn nhau về rất nhiều loại hàng hóa cần thiết cho sản xuất và tiêu dùng.
Kết quả là, một nước sẽ nhập khẩu những hàng hóa với giá rẻ, đồng thời xuất khẩu những hàng hóa có ưu thế về năng suất lao động, nhằm tận dụng những lợi thế so sánh (tuyệt đối và tương đối) trong ngoại thương.
Sự di chuyển hàng hóa giữa các nước tạo nên hạot động xuất nhập khẩu của một quốc gia, từ đó hình thành nên chuyên ngành quan hệ kinh tế quốc tế và kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương.
Hàng hóa xuất nhập khẩu được chuyên chở từ nước này sang nước khác bằng các phương thức vận tải khác nhau như: đường biển, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường sông hoặc kết hợp hai hay nhiều phương thức vận tải với nhau, từ đó hình thành nên chuyên ngành vận tải hàng hóa trong ngoại thương.
Nhìn chung, việc chuyên chở hàng hóa từ nước này sang nước khác có thể gặp rủi ro bất trắc trong quá trình chuyên chở; do đó, để đảm bảo an toàn và tạo sự ổn định trong kinh doanh cho các nhà xuất nhập khẩu thì hàng hóa xuất nhập khẩu phải được bảo hiểm, từ đó hình thành nên chuyên ngành bảo hiểm hàng hóa trong ngoại thương.
Thông thường, một thương vụ được kết thúc bằng việc bên mua thanh toán, nhận hàng và bên bán giao hàng, nhận tiền theo các điều kiện quy định trong hợp đồng mua bán.
Hai bên mua bán có thể thỏa thuận các phương thức thanh toán như ứng trước, ghi sổ, chuyển tiền, nhờ thu hay tín dụng chứng từ. Thông qua đó, người mua và người bán không thanh toán trực tiếp cho nhau, mà thông qua sự trợ giúp của ngân hàng, từ đó hình thành nên chuyên ngành kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán quốc tế.
Trong hoạt động ngoại thương, đối với nhà xuất khẩu từ khi nhận được đơn đặt hàng cho đến khi nhận được tiền hàng xuất khẩu thường phải mất một thời gian khá dài, do đó, ngoài nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng như thông báo L/C, mua bán ngoại tệ… nhà xuất khẩu còn có nhu cầu được tài trợ cho hoạt động xuất khẩu trước và sau khi giao hàng.
Chẳng hạn, trước khi giao hàng nhà xuất khẩu có nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua hàng xuất khẩu, còn sau khi giao hàng, nhà xuất khẩu có nhu cầu tài trợ cho bộ chứng từ hàng xuất (negotiate) hay chiết khấu hối phiếu (discount). Tương tự, nhà nhập khẩu sau khi ký kết hợp đồng ngoại thương cũng có nhu cầu tài trợ, như tài trợ ký quỹ mở L/C, tài trợ trên cơ sở thế chấp bộ chứng từ và hàng hóa nhập khẩu (tài trợ bắc cầu), bảo lãnh hối phiếu nhờ thu (aval)… từ đó hình thành nên chuyên ngành tài trợ xuất nhập khẩu.
Vì tiền tệ sử dụng trong hợp đồng mua bán quốc tế có thể là đồng tiền của nước người mua, của nước người bán hoặc đồng tiền của nước thứ ba, từ đó hình thành nên nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại để giúp những nhà nhập khẩu chuyển đổi tiền tệ nhằm thực hiện thương mại quốc tế và phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Vì các hoạt động kinh tế đối ngoại nêu trên liên quan đến các bên ở các nước có vị trí địa lý và tập quán khác nhau, nguồn luật điều chỉnh vừa mang tính địa phương, vừa mang tính quốc tế, do đó, các tranh chấp cũng thường phát sinh, từ đó hình thành chuyên ngành luật kinh tế quốc tế.
Qua phân tích cho thấy, hoạt động thanh toán quốc tế được bắt nguồn từ hoạt động ngoại thương, và mục đích chính của hoạt động thanh toán quốc tế là để hỗ trợ và phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa các nước diễn ra một cách trôi chảy và hiệu quả.
Hơn nữa, hoạt động ngoại thương và hoạt động thanh toán quốc tế liên quan và gắn liền với nhiều lĩnh vực hoạt động khác, mỗi lĩnh vực hoạt động là một mắt xích không thể thiếu trong một dây chuyền hoạt động kinh tế đối ngoại của mỗi quốc gia nói riêng và trên quy mô toàn thế giới nói chung.
Tuy nhiên, thanh toán quốc tế là khâu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và nhiều khi là khâu quyết định đến hiệu quả và tăng trưởng ngoại thương, bởi vì chỉ khi hoạt động thanh toán an toàn và trôi chảy thì người bán mới thu được tiền và người mua mới trả được tiền, và đây lại là cơ sở nền tảng bậc nhất khiến cho việc động xuất nhập khẩu tồn tại phát triển.
Tóm lại, cơ sở hình thành hoạt động thanh toán quốc tế là hoạt động ngoại thương. Ngày nay, nói đến hoạt động ngoại thương là nói đến thanh toán quốc tế, và ngược lại, nói đến thanh toán quốc tế thì chủ yếu là nói đến ngoại thương. Nhưng hoạt động ngoại thương là hoạt động cơ sở, còn hoạt động thanh toán quốc tế là hoạt động phái sinh.
Vì hoạt động thanh toán quốc tế được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, cho nên khi nói đến hoạt động thanh toán quốc tế là nói đến hoạt động thanh toán của ngân hàng thương mại, và không ngân hàng thương mại nào lại không phát triển các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế, trong đó lấy hoạt động thanh toán quốc tế làm trọng tâm phát triển.
1.2. Khái niệm thanh toán quốc tế
Quan hệ quốc tế giữa các nước bao gồm nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, khoa học kỹ thuật… trong đó quan hệ kinh tế mà chủ yếu là ngoại thương chiếm vị trí chủ đạo, là cơ sở cho các quan hệ quốc tế khác tồn tại và phát triển.
Quá trình tiến hành các hoạt động quốc tế dẫn đến nhu cầu chi trả, thanh toán giữa các chủ thể ở các nước khác nhau, từ đó hình thành và phát triển hoạt động thanh toán quốc tế, trong đó, ngân hàng là cầu nối trung gian giữa các bên.
Từ phân tích trên, ta đi đến khái niệm: Thanh toán quốc tế là việc thực hiện các nghĩa vụ chi trả và quyền hưởng lợi về tiền tệ phát sinh trên cơ sở các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân nước này với tổ chức, cá nhân nước khác, hay giữa một quốc gia với tổ chức quốc tế, thông qua quan hệ giữa các ngân hàng của các nước liên quan.
Từ khái niệm trên cho thấy, thanh toán quốc tế phục vụ cho hai lĩnh vực hoạt động là kinh tế và phi kinh tế.
Tuy nhiên, trong thực tế, giữa hai lĩnh vực hoạt động này thường giao thoa với nhau, không có một ranh giới rõ rệt. Hơn nữa, do hoạt động thanh toán quốc tế được hình thành trên cơ sở hoạt động ngoại thương và phục vụ chủ yếu cho hoạt động ngoại thương, chính vì vậy, trong quy chế về thanh toán và thực tế tại các ngân hàng thương mại, người ta thường phân hoạt động thanh toán quốc tế thành 2 lĩnh vực rõ ràng là:
Thanh toán trong ngoại thương (hay gọi theo cách cũ là thanh toán mậu dịch) và thanh toán phi ngoại thương (tức thanh toán phi mậu dịch).
Thanh toán quốc tế trong ngoại thương (thanh toán mậu dịch) là việc thực hiện thanh toán trên cơ sở hàng hóa xuất nhập khẩu và các dịch vụ thương mại cung ứng cho nước ngoài theo giá cả thị trường quốc tế. Cơ sở để các bên tiến hành mua bán và thanh toán cho nhau là hợp đồng ngoại thương.
Thanh toán phi ngoại thương (thanh toán phi mậu dịch) là việc thực hiện thanh toán không liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như cung ứng lao vụ cho nước ngoài, nghĩa là thanh toán cho các hoạt động không mang tính thương mại.
Đó là việc chi trả các chi phí của các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, các chi phí đi lại ăn ở của các đoàn khách Nhà nước, tổ chức và cá nhân; các nguồn tiền quà biếu, trợ cấp của cá nhân người nước ngoài cho cá nhân người trong nước, các nguồn trợ cấp của một tổ chức từ thiện nước ngoài cho tổ chức, đoàn thể trong nước…
2. Vai trò của thanh toán quốc tế
2.1. Thanh toán quốc tế đối với nền kinh tế
Trước xu thế kinh tế thế giới ngày càng được quốc tế hóa, các quốc gia đang ra sức phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hợp tác và hội nhập; trong bối cảnh đó, thanh toán quốc tế nổi lên như là chiếc cầu nối giữa kinh tế trong nước với phần kinh tế thế giới bên ngoài, có tác dụng bôi trơn và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, đầu tư nước ngoài, thu hút kiều hối và các quan hệ tài chính, tín dụng quốc tế khác.
Hoạt động thanh toán quốc tế ngày càng được khẳng định trong hoạt động kinh tế quốc dân nói chugn và hoạt động kinh tế đối ngoại nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, mỗi quốc gia đều đặt hoạt động kinh tế đối ngoại lên hàng đầu, coi hoạt động kinh tế đối ngoại là con đường tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước.
Thanh toán quốc tế là khâu quan trọng trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân thuộc các quốc gia khác nhau. Nếu không có hoạt động thanh toán quốc tế thì hoạt động kinh tế đối ngoại khó tồn tại và phát triển được.
Nếu hoạt động thanh toán quốc tế được nhanh chóng, an toàn, chính xác sẽ giải quyết được mối quan hệ lưu thông hàng hóa – tiền tệ giữa người mua và người bán một cách trôi chảy và hiệu quả. Về giác độ kinh doanh, người mua thanh toán, người bán giao hàng thể hiện chất lượng của một chu kỳ kinh doanh, phản ánh hiệu quả kinh tế và tài chính trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Tóm lại, hoạt động thanh toán quốc tế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia; được thể hiện chủ yếu trên các mặt sau:
– Bôi trơn và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế như một tổng thể;
– Bôi trơn và thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
– Thúc đẩy và mở rộng hoạt động dịch vụ như du lịch, hợp tác quốc tế.
– Tăng cường thu hút kiều hối và các nguồn lực tài chính khác.
– Thúc đẩy thị trường tài chính quốc gia hội nhập quốc tế.
2.2. Ngân hàng thương mại với thanh toán quốc tế
Trong thương mại quốc tế, không phải lúc nào các nhà xuất nhập khẩu cũng có thể thanh toán tiền hàng trực tiếp cho nhau, mà thường phải thông qua ngân hàng thương mại với mạng lưới chi nhánh và hệ thống ngân hàng đại lý rộng khắp toàn cầu. Khi thay mặt khách hàng thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế, các ngân hàng trở thành cầu nối trung gian thanh toán giữa hai bên mua bán.
Với vai trò trung gian thanh toán, các ngân hàng tiến hành thanh toán theo yêu cầu của khách hàng, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong giao dịch thanh toán, tư vấn, hướng dẫn khách hàng những biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán quốc tế nhằm hạn chế rủi ro, tạo sự tin tưởng cho khách hàng trong quan hệ giao dịch mua bán với nước ngoài.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện thanh toán quốc tế, khách hàng không đủ năng lực về vốn sẽ cần đến sự tài trợ của ngân hàng, ngân hàng sẽ thực hiện tài trợ xuất nhập khẩu cho khách hàng một cách chủ động và tích cực. Nhìn chung, ngân hàng là người cung cấp hoàn hảo các loại hình dịch vụ kỹ thuật và tài chính nhằm hỗ trợ cho các khách hàng thực hiện hoạt động thương mại quốc tế.
Ta thử hình dung, nếu không có hệ thống ngân hàng thương mại hiện đại như ngày nay thì hoạt động thương mại quốc tế không những không phát triển mà còn rất khó tồn tại theo đúng nghĩa của nó.
Như vậy, ngày nay hoạt động thương mại quốc tế luôn cần đến sự tham gia, hỗ trợ về kỹ thuật nghiệp vụ và tài chính của ngân hàng. Ngân hàng cung cấp các phương án lựa chọn phương thức thanh toán quốc tế, tài trợ xuất nhập khẩu, đảm bảo an toàn và quyền lợi cho cả hai bên mua bán, thông qua đó thúc đẩy ngoại thương phát triển và mở rộng quan hệ với các quốc gia trên thế giới.
Tóm lại, trong dây chuyền hoạt động kinh tế đối ngoại của quốc gia, hệ thống ngân hàng tham gia và đóng vai trò trung tâm trong hầu hết các giai đoạn như: thanh toán quốc tế, tài trợ xuất nhập khẩu, mua bán ngoại tệ, bảo lãnh ngân hàng trong ngoại thương…
Thanh toán giữa các nước sẽ được thực hiện thông qua ngân hàng và vai trò của ngân hàng trong thanh toán quốc tế chính là chất xúc tác, là cầu nối, là điều kiện đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các bên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tài trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu.
2.3. Thanh toán quốc tế – hoạt động sinh lời của ngân hàng thương mại
Trong thời gian gần đây, hoạt động thanh toán quốc tế tại các ngân hàng thương mại Việt Nam được quan tâm đầu tư phát triển hơn bao giờ hết, như việc đầu tư đào tạo cán bộ chuyên gia thanh toán quốc tế, đầu tư lớn cho công nghệ thanh toán hiện đại, tổ chức lại mạng lưới thanh toán quốc tế trong hệ thống đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…
Chính vì vậy, dịch vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại Việt Nam đã thu được những kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, một thực tế là hầu hết các ngân hàng thương mại mới chỉ tập trung chủ yếu vào khâu làm thế nào để mở rộng và hạn chế rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế, mà chưa chú trọng đến khâu phân tích, đánh giá, lượng hóa hiệu quả kinh tế của hoạt động này. Chính vì vậy, nội dung này nhằm xây dựng một hệ thống chỉ tiêu để các ngân hàng thương mại có thể vận dịch vào phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế của ngân hàng mình là như thế nào.
Ngày nay, hoạt động thanh toán quốc tế là một dịch vụ trở nên quan trọng đối với các ngân hàng thương mại, nó đem lại nguồn thu đáng kể không những về số lượng tuyệt đối mà cả về tỷ trọng. Thanh toán quốc tế còn là một mắt xích quan trọng trong việc chắp nối và thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng như kinh doanh ngoại tệ, tài trợ nhập khẩu, bảo lãnh ngân hàng trong ngoại thương, tăng cường nguồn vốn huy động, đặc biệt là vốn bằng ngoại tệ…
Việc hoàn thành và phát triển hoạt động thanh toán quốc tế có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, nó không chỉ là một dịch vụ thanh toán thuần túy mà còn là khâu trung tâm không thể thiếu trong dây chuyền hoạt động kinh doanh, bổ sung và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.
Ngày nay, do nghiệp vụ ngân hàng quốc tế phát triển thuận tiện, an toàn và hiệu quả, nên hầu hết các hoạt động thanh toán quốc tế đều diễn ra thông qua hệ thống ngân hàng, đồng thời hoạt động thanh toán quốc tế đã phát triển theo một tập quán thống nhất trên quy mô toàn thế giới thông qua các phương thức thanh toán quốc tế khác nhau.
Thông qua cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế cho khách hàng, ngân hàng thu một khoản phí để bù đắp cho các chi phí của ngân hàng và tạo ra lợi nhuận kinh doanh cần thiết. Tùy theo phương thức thanh toán, môi trường cạnh tranh và độ tín nhiệm của khách hàng mà biểu phí và mức phí dịch vụ áp dụng có thể là khác nhau cho các khách hàng khác nhau. Biểu phí dịch vụ thanh toán quốc tế cấu thành nên doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng thương mại.
Một thực tế là, đối với ngân hàng thương mại hiện đại thì thu nhập từ phí dịch vụ có xu hướng ngày một tăng không những về số lượng mà cả về tỷ trọng. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại ngày nay hoạt động là đa năng, tạo ra một dây chuyền kinh doanh khép kín, mỗi nghiệp vụ tạo ra một mắt xích không thể thiếu, trong đó hoạt động thanh toán quốc tế được xác định là nghiệp vụ căn bản, làm tiền đề cho các nghiệp vụ khác phát triển, như kinh doanh ngoại tệ, tài trợ xuất nhập khẩu, bảo lãnh ngân hàng trong ngoại thương…
Do đó, việc các ngân hàng thương mại chú trọng mở rộng hoạt động thanh toán quốc tế là hiển nhiên và dễ hiểu. Bên cạnh mở rộng hoạt động thanh toán quốc tế, thì việc phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động này cũng không kém phần quan trọng và để làm được điều này phải cần đến một hệ thống chỉ tiêu toàn diện.
3. Hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động thanh toán quốc tế
Để điều chỉnh quan hệ trong nước, mỗi nước phải xây dựng cho mình một hệ thống pháp luật riêng phù hợp với thể chế chính trị, xã hội, tập quán và trình độ phát triển; chính vì vậy, luật pháp giữa các nước thường là khác nhau. Tuy nhiên, khi tham gia các hoạt động quốc tế, các nước đều bình đẳng với nhau, nên không thể dùng luật pháp của một nước nào đó áp đặt buộc nước khác phải theo. Để giải quyết vấn đề mâu thuẫn luật pháp giữa các nước trong quan hệ quốc tế, người ta đã xây dựng một hệ thống luật pháp thống nhất mang tính quốc tế để điều chỉnh các hoạt động quốc tế, trong đó có hoạt động thanh toán quốc tế.
Trong thực tế, tất cả chúng ta, không loại trừ một ai, không loại trừ bất kỳ một hoạt động nào, đều phải tuân thủ tuyệt đối tất cả các nguồn luật mà chính ta là đối tượng điều chỉnh. Trong khi đó, các nguồn luật, quốc gia và quốc tế, lại nhiều vô kể, một người không thể đọc, nghiên cứu được tất cả các nguồn luật. Chính vì vậy, khi tiến hành một hoạt động nào đó, người ta trước hết phải bám sát và tuân thủ nguồn luật riêng (luật chuyên ngành) điều chỉnh hoạt động đó. Thanh toán quốc tế là một hoạt động đặc thù trên phạm vi quốc tế, do đó, nó cũng có hệ thống văn bản pháp lý đặc thù (nguồn luật riêng) để điều chỉnh. Hệ thống văn bản pháp lý hiện nay chủ yếu đã được luật hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì hệ thống văn bản pháp lý tùy ý cùng song song tồn tại. Sự khác nhau cơ bản giữa luật và văn bản pháp lý tùy ý là ở chỗ: Luật có tính bắt buộc thực hiện tuyệt đối, không loại trừ; trong khi đó, văn bản pháp lý tùy ý chỉ có hiệu lực pháp lý (trở thành luật) khi các bên liên quan dẫn chiếu áp dụng. Do có tính chất tùy ý, bất kỳ một hoạt động nào, bất kỳ một vh pháp lý tùy ý nào cũng không được mâu thuẫn với các nguồn luật, nếu trái thì sẽ trở nên vô hiệu. Chính vì vậy, hoạt động thanh toán quốc tế cũng tuân thủ quy tắc này.
Theo trình tự pháp lý giảm dần, ta có hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động thanh toán quốc tế như sau:
– Các nguồn luật và công ước quốc tế;
– Hiệp định đa phương và song phương;
– Các nguồn luật quốc gia;
– Thông lệ và tập quán quốc tế (văn bản pháp lý tùy ý).
Từ thực tiễn trên ta rút ra các đặc điểm sau:
- Trình tự ưu tiên về tính pháp lý theo thứ tự giảm dần sẽ là: Công ước và luật quốc tế; luật quốc gia, thông lệ và tập quán quốc tế. Nếu có mâu thuẫn giữa các nguồn luật thì: Luật quốc gia sẽ được ưu tiên vượt lên trên về tính chất pháp lý đối với thông lệ và tập quán quốc tế; công ước và luật quốc tế sẽ được ưu tiên vượt lên trên về tính chất pháp lý đối với luật quốc gia.
- Thông lệ và tập quán quốc tế chỉ là những văn bản quy phạm pháp luật tùy ý. Điều này được thể hiện ở các nội dung sau:
– Chúng chỉ có hiệu lực khi trong hợp đồng có dẫn chiếu áp dụng rõ ràng. Đồng thời, một khi trong hợp đồng có dẫn chiếu áp dụng, thì chúng lại trở nên văn bản pháp lý có tính chất bắt buộc thực hiện.
– Các bên tham gia hợp đồng có thể loại trừ, bổ sung hay sửa đổi các điều khoản của thông lệ và tập quán quốc tế. Trong trường hợp này, thì những quy định khác rõ ràng trong hợp đồng sẽ được ưu tiên vượt lên trên về mặt pháp lý đối với thông lệ và tập quán quốc tế. Một thực tế là, trong thương mại và thanh toán quốc tế vốn dĩ là phức tạp và nhiều rủi ro hơn so với thương mại và thanh toán nội địa, bởi vì nó chịu chi phối bởi không những luật lệ và tập quán địa phương mà còn những luật lệ và tập quán quốc tế. Chính vì vậy, các bên liên quan tham gia quá trình thương mại và thanh toán quốc tế cần am hiểu thấu đáo về quy trình nghiệp vụ, thông lệ, tập quán và luật pháp địa phương, cũng như quốc tế.
4. Điều kiện thanh toán quốc tế
4.1. Điều kiện về tiền tệ
Liên quan đến điều kiện tiền tệ, các bên cần thỏa thuận những vấn đề như: đồng tiền tính giá (đồng tiền tính toán), đồng tiền thanh toán và bảo đảm rủi ro tỷ giá.
- Phân loại tiền tệ trong thanh toán quốc tế
Để có cái nhìn tổng quan về tiền tệ được sử dụng trong thanh toán quốc tế, ta phân loại tiền tệ theo một số tiêu chí sau:
- Căn cứ vào phạm vi sử dụng, tiền tệ bao gồm:
– Tiền tệ quốc gia: là đồng tiền của một nước do ngân hàng trung ương phát hành theo luật pháp của nước đó, ví dụ: USD, VND, CNY… Đây là đồng tiền pháp định và gọi là nội tệ đối với nước phát hành. Đồng tiền quốc gia có thể được sử dụng trong thanh toán quốc tế, nhưng với mức độ khác nhau, điều này phụ thuộc vào uy tín đồng tiền và sự lựa chọn của các bên trong thanh toán.
– Tiền tệ quốc tế: Được hình thành trên cơ sở các hiệp định của các tổ chức tài chính, các khối kinh tế như: SDR, EUR, XOF, ZCD…
Ngoại trừ SDR là đồng tiền do IMF phát hành dành cho các ngân hàng trung ương các nước thành viên để xử lý trạng thái mất cân đối của cán cân thanh toán quốc tế. SDR chỉ tồn tại ở dạng tiền tín dụng và không có chức năng lưu thông trên thị trường.
Còn lại, các tiền tệ quốc tế của các khối là đồng tiền pháp định cho tất cả các nước thành viên và có thể được sử dụng trong thanh toán quốc tế phụ thuộc vào uy tín và sự lựa chọn của các bên.
– Tiền tệ thế giới: Là đồng tiền được tất cả các nước trên thế giới thừa nhận và sử dụng làm phương tiện thanh toán quốc tế. Tiền tệ thế giới có thể được hình thành theo 2 cách:
+ Trên cơ sở thỏa thuận của tất cả các nước trên thế giới. Hiện nay, một đồng tiền như vậy chưa tồn tại.
+ Tính chất tiền tệ tự nhiên của vàng. Hiện nay, vàng có 2 chức năng chủ yếu: chức năng hàng hóa thông thường và chức năng tiền tệ, do đó, chỉ có vàng được sử dụng làm dự trữ ngoại hối và sử dụng trong thanh toán quốc tế mới được xem là tiền tệ thế giới.
- Căn cứ vào tính chất chuyển đổi, ta có:
– Đồng tiền tự do chuyển đổi: là đồng tiền được tự do chuyển đổi không hạn chế (không cần giấy phép) sang các đồng tiền khác và ngược lại trong các giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú.
– Chuyển đổi đối nội: là việc chuyển đổi nội tệ ra các ngoại tệ và ngược lại chỉ áp dụng hạn chế cho người cư trú.
– Chuyển đổi toàn phần: là việc chuyển đổi tự do nội tệ (không cần giấy phép) sang các ngoại tệ và ngược lại cho tất cả các giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú.
– Chuyển đổi từng phần: là việc chuyển đổi nội tệ sang các ngoại tệ và ngược lại chỉ áp dụng hạn chế cho một hay một nhóm các giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú.
– Đồng tiền không chuyển đổi: là đồng tiền không được chuyển đổi sang bất kỳ đồng tiền nào khác. Trong thực tế một đồng tiền như vậy là không tồn tại theo nghĩa tuyệt đối.
Các khái niệm chuyển đổi nêu trên chỉ là tương đối. Trong thực tế, nói là chuyển đổi tự do chuyển đổi hoàn toàn, nhưng trong chừng mực nào đó, các chính phủ vẫn có những biện pháp (trực tiếp hay gián tiếp) kiểm soát các giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú.
- Căn cứ vào hình thái tồn tại của tiền tệ
– Tiền mặt: Bao gồm tiền giấy và tiền kim loại của từng quốc gia. Trong thanh toán quốc tế, ngày nay tiền mặt ít được sử dụng và chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong khối lượng thanh toán chung. Thay vì sử dụng tiền mặt, thì tiền điện tử ngày càng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực du lịch quốc tế.
– Tiền tín dụng: Đây là loại tiền vô hình tồn tại dưới dạng những con số ghi trên các tài khoản, sổ sách của ngân hàng. Đây là loại tiền được sử dụng phổ biến và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong thanh toán quốc tế.
- Căn cứ mức độ sử dụng trong dự trữ và thanh toán quốc tế
– Đồng tiền mạnh: là đồng tiền tự do chuyển đổi, có giá trị ổn định và đứng đằng sau nó là một nền kinh tế hùng hậu. Đồng tiền mạnh được sử dụng phổ biến trong dự trữ và thanh toán quốc tế như USD, EUR, GBP, JPY…
– Đồng tiền yếu: là đồng tiền không tự do chuyển đổi, giá trị không thật ổn định và đứng đằng sau nó là một nền kinh tế nhỏ hoặc phát triển ở mức thấp. Đồng tiền yếu được sử dụng chủ yếu trong lưu thông nội địa, ít được sử dụng trong thanh toán quốc tế, ví dụ VND, LAK…
- Căn cứ mục đích sử dụng trong thanh toán quốc tế
– Tiền tệ tính toán: là tiền tệ dùng để biểu hiện giá cả hàng hóa và tính toán tổng giá trị hợp đồng.
– Tiền tệ thanh toán: là đơn vị tiền tệ được sử dụng trong thanh toán công nợ, thanh toán giá trị hợp đồng ngoại thương.
- Điều kiện bảo đảm hối đoái
Hiện nay, trong một số tài liệu có đề cập đến điều kiện bảo đảm hối đoái bao gồm các biện pháp: Bảo đảm hối đoái bằng vàng, bảo đảm hối đoái theo một đơn vị tiền tệ; bảo đảm hối đoái theo một rổ tiền tệ.
Qua nghiên cứu các hợp đồng ngoại thương, không thấy có điều khoản nào về “điều kiện bảo đảm hối đoái”, thay vào đó chỉ có “điều khoản về giá” như đã trình bày ở trên.
Lý do thật dễ hiểu: Giá cả hàng hóa hiện nay là giá quốc tế, đơn giá ghi trong hợp đồng bằng đồng tiền nào thì thanh toán bằng đồng tiền đó. Nhà xuất khẩu hay nhà nhập khẩu không gặp bất kỳ trở ngại nào trong việc chuyển đổi tiền tệ (theo tỷ giá chéo). Do đó, việc trình bày các biện pháp bảo đảm hối đoái là không thực tế, làm cho nội dung môn học trở nên phức tạp.
Vấn đề còn lại liên quan đến bảo đảm hối đoái chính là biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá với nhà xuất khẩu khi có khoản thu bằng ngoại tệ và đối với nhà nhập khẩu khi có khoản thanh toán bằng ngoại tệ. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhà kinh doanh xuất nhập khẩu có thể sử dụng các công cụ như: hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn hay tương lai.
4.2. Điều kiện về địa điểm thanh toán
Địa điểm thanh toán là nơi người bán nhận được tiền còn người mua trả tiền. Lẽ đương nhiên, người bán luôn muốn nhận được tiền tại nước mình, bởi vì thu được tiền nhanh và an toàn hơn; còn người mua lại muốn được trả tiền tại nước mình, bởi vì như vậy đỡ đọng vốn. Về phương diện lý thuyết, việc thanh toán còn có thể diễn ra ở một nước thứ ba, nước phát hành đồng tiền thanh toán. Trong thực tế, việc quy định địa điểm thanh toán phụ thuộc chủ yếu vào:
– Tương quan lực lượng giữa hai bên trong quan hệ hợp đồng;
– Phương thức thanh toán;
– Đồng tiền thanh toán là của nước nào.
4.3. Điều kiện về thời gian thanh toán
Điều kiện về thời hạn thanh toán quy định khi nào người nhập khẩu phải trả tiền cho người xuất khẩu. Do đó, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ luân chuyển vốn, tới khả năng hạn chế rủi ro về lãi suất, tỷ giá, thanh khoản… đối với các bên tham gia hợp đồng. Nếu lấy thời điểm giao hàng (chuyển giao quyền sở hữu) làm mốc, thì thời hạn thanh toán có thể là: trả tiền trước, trả tiền ngay, trả tiền sau, hoặc kết hợp các cách này.
- Trả tiền trước
Theo quy định này, người mua phải trả cho người bán toàn bộ hoặc một phần tiền hàng trước khi hàng bán chuyển giao hàng hóa dưới quyền định đoạt của người mua hoặc trong khoảng thời gian từ khi người bán chấp nhận đơn hàng cho đến trước khi người bán thực hiện đơn hàng của người mua.
Mức tiền ứng trước nhiều hay ít phụ thuộc vào thị trường là của người mua hay của người bán. Nếu thị trường là của người bán, thì khả năng người mua phải ứng trước với một tỷ lệ lớn là dễ hiểu. Ngoài ra, việc ứng trước tiền còn phụ thuộc vào tầm quan trọng của hàng hóa, thời hạn sản xuất của hàng hóa, mối quan hệ giữa các bên giao dịch và tập quán trong ngành buôn bán có liên quan.
Số tiền ứng trước chính là khoản tín dụng mà người mua cung cấp cho người bán. Do được cấp tín dụng nên vị thế tài chính của người bán được củng cố đồng thời người bán chắc chắn bán được hàng.
- Trả tiền ngay
Nếu lấy thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa làm mốc thì thanh toán ngay bao gồm:
(1) Việc thanh toán diễn ra ngay khi người xuất khẩu đặt hàng hóa dưới quyền định đoạt người mua, nhưng hàng hóa chưa được bốc lên phương tiện vận tải.
(2) Việc thanh toán diễn ra ngay khi người xuất khẩu đặt hàng hóa dưới quyền định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải. Vì hàng hóa đã được xếp lên phương tiện vận tải nên trên chứng từ vận tải phải thể hiện “Shipped on board”, “On board” hay “Laden on board”.
(3) Việc thanh toán diễn ra ngay khi người xuất khẩu đặt bộ chứng từ hàng hóa dưới quyền định đoạt của người mua. Người bán sau khi giao hàng, lập bộ chứng từ thanh toán chuyển cho người mua và yêu cầu được thanh toán ngay. Tùy theo phương thức thanh toán mà bộ chứng từ có thể được người mua chuyển trực tiếp, qua bưu điện, qua thuyền trưởng hoặc qua hệ thống ngân hàng quốc tế.
(4) Việc thanh toán diễn ra ngay sau khi nhà nhập khẩu nhận xong hàng hóa tại nơi quy định. Địa điểm nhà nhập khẩu nhận hàng có thể tại nước xuất khẩu, tại nước nhập khẩu hay tại nước thứ ba theo thỏa thuận.
- Trả tiền sau
Cũng lấy thời điểm chuyển giao hàng hóa làm mốc, trả tiền sau hàm ý người bán giao hàng trước và thu tiền sau, hay nói cách khác, người bán cung cấp cho người mua một khoản tín dụng theo sự thỏa thuận giữa hai bên. Theo truyền thống, thì các khoản nợ này được hoàn trả bằng tiền, tuy nhiên, ngày nay do phát triển hình thức gia công hay hợp đồng hợp tác kinh tế, mà việc hoàn trả có thể thực hiện bằng hàng hóa do chính hợp đồng hợp tác tạo ra. Ví dụ, hợp đồng nhập khẩu thiết bị toàn bộ trả chậm (trả sau), theo đó người mua có thể hoàn trả tín dụng cho người bán bằng cách giao một phần sản phẩm do chính các thiết bị toàn bộ đó sản xuất ra.
Trong thực tế, người ta có thể kết hợp cả ba cách trả tiền nêu trên, nghĩa là kết hợp trả trước, trả ngay và trả sau.
4.4. Điều kiện về phương thức thanh toán
Điều khoản phương thức thanh toán là một bộ phận không thể thiếu cấu thành nên hợp đồng ngoại thương. Lựa chọn phương thức thanh toán sao cho thích hợp với từng thương vụ, mối quan hệ giữa các bên hợp đồng… là một yếu tố góp phần hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế.
Trong cuộc sống hàng ngày, các giao dịch kinh tế và phi kinh tế giữa người cư trú với người không cưu trú làm phát sinh nhu cầu thanh toán lẫn nhau. Thông thường, người thụ hưởng và người trả tiền không thanh toán trực tiếp cho nhau mà thông qua hệ thống ngân hàng.
– Người trả tiền ủy thác cho ngân hàng phục vụ mình làm thủ tục trả tiền cho người thụ hưởng ở nước ngoài thông qua một ngân hàng đại lý;
– Còn người thụ hưởng ủy thác cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ tiền ở người mắc nợ ở nước ngoài thông qua một ngân hàng đại lý.
Như vậy, việc thanh toán không diễn ra trực tiếp giữa người trả tiền và người thụ hưởng, mà gián tiếp thông qua ngân hàng. Để việc thanh toán diễn ra chính xác, bên ủy thác và ngân hàng nhận ủy thác phải thỏa thuận những nội dung, điều kiện và cách thức tiến hành chuyển tiền hoặc trả tiền thích hợp. Toàn bộ nội dung, điều kiện và cách thức để ngân hàng tiến hành chuyển tiền và trả tiền giữa người cư trú với người không cư trú gọi là phương thức thanh toán quốc tế.
Do thanh toán quốc tế trong ngoại thương là kết quả của hợp đồng mua bán, do đó, khái niệm theo nghĩa hẹp như sau: Phương thức thanh toán quốc tế trong ngoại thương là toàn bộ quá trình, điều kiện quy định để người mua trả tiền và nhận hàng, còn người bán thì giao hàng và nhận tiền theo hợp đồng ngoại thương thông qua hệ thống ngân hàng phục vụ.
Do hoạt động ngoại thương đóng vai trò chủ yếu trong kinh tế đối ngoại, do đó, khi nói đến thanh toán quốc tế mà không nói rõ là thanh toán trong lĩnh vực nào thì ta hiểu đó là thanh toán trong ngoại thương.
Như vậy, nội dung phương thức thanh toán chính là các điều kiện quy định trong hợp đồng thương mại, theo đó, người mua trả tiền và nhận hàng, còn người bán thì giao hàng và thu tiền. Việc giao, nhận hàng và thu, chi tiền thường không diễn ra đồng thời, mà là một quá trình; quá trình này kết thúc khi người mua đã trả tiền và nhận được hàng; còn người bán thì đã giao hàng và nhận được tiền.
Trong thực tế, điều kiện quy định để các bên giao nhận hàng hóa và chi trả tiền là rất đa dạng, do đó tồn tại nhiều phương thức thanh toán quốc tế khác nhau, trong đó, mỗi phương thức đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, thể hiện thành mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức nào cũng phải xuất phát từ yêu cầu của người xuất khẩu là thu tiền về nhanh, đầy đủ và từ yêu cầu người nhập khẩu là mua được hàng hóa đúng số lượng, chất lượng và đúng hạn. Việc lựa chọn phương thức thanh toán thích hợp phải được hai bên xuất khẩu và nhập khẩu bàn bạc thống nhất, ghi vào hợp đồng ngoại thương.
Các phương thức thanh toán chủ yếu hiện nay bao gồm:
– Phương thức ứng trước (advanced payment);
– Phương thức ghi sổ (open account);
– Phương thức chuyển tiền (Remittance);
– Phương thức nhờ thu (Collection of payment);
– Phương thức tín dụng chứng từ (Documentary credit).
Để hiểu được nội dung, đặc điểm và phân biệt được sự khác nhau giữa các phương thức, cách đơn giản nhất là phân tích rủi ro có thể xảy ra đối với người mua và người bán trong từng phương thức. Mức độ rủi ro trong từng phương thức phụ thuộc vào độ lệch thời gian tính từ thời điểm người mua trả tiền so với thời điểm người mua nhận được hàng hóa; hoặc từ thời điểm người bán giao hàng cho đến thời điểm nhận được tiền.
Biểu đồ sau cho thấy, phương thức thanh toán nào càng hấp dẫn nhà nhập khẩu thì lại càng chứa đựng nhiều rủi ro cho nhà xuất khẩu và ngược lại.
5. Ngân hàng đại lý, tài khoản Nostro và Vostro
5.1. Ngân hàng đại lý
Trong thanh toán nội địa, bên cạnh các phương tiện thanh toán như séc, thẻ thanh toán… thì tiền mặt là phương tiện truyền thống được sử dụng trong thanh toán. Khác với thanh toán nội địa, trong thanh toán quốc tế, tiền mặt hầu như không được sử dụng làm phương tiện thanh toán, ngoại trừ một tỷ lệ rất nhỏ được sử dụng trong thanh toán phi mậu dịch. Thanh toán quốc tế được thực hiện chủ yếu bằng chuyển khoản qua ngân hàng, bù trừ trên các tài khoản mở tại ngân hàng lẫn nhau.
Để tiến hành thanh toán cho nhau, các ngân hàng ở các nước liên quan phải thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý trên cơ sở một thỏa ước ngân hàng. Trong thỏa ước ký kết, các nội dung chủ yếu cầu được quy định bao gồm:
– Các mẫu chữ ký có liên quan;
– Các khóa mã Telex, Swift (nếu có);
– Các điều khoản và điều kiện.
– Danh mục ngân hàng đại lý.
– Báo cáo thường niên và các văn bản thông tin khác.
– Hợp đồng tín dụng, trong đó bao gồm thỏa thuận về hạn mức tín dụng trong thời gian luân chuyển chứng từ qua bưu điện, hạn mức tín dụng cho việc xác nhận chứng từ, đảm bảo cho các hối phiếu được xác nhận, tỷ lệ ký quỹ, phí thanh toán…
5.2. Tài khoản Nostro và Vostro
Khi thiết lập quan hệ đại lý, các ngân hàng phải duy trì thường xuyên các loại tài khoản chủ yếu sau:
– Tài khoản Nostro là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn “của chúng tôi” mở tại ngân hàng đại lý (chúng tôi là chủ tài khoản, còn ngân hàng đại lý là người giữ tài khoản cho chúng tôi).
– Tài khoản Vostro (Hay còn gọi là Loro) là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn “của quý vị” mở tại ngân hàng chúng tôi (quý vị là chủ tài khoản, ngân hàng chúng tôi là người giữ tài khoản cho quý vị).
Nếu xét từ vị thế của ngân hàng Việt Nam thì tài khoản Nostro là tài khoản của ngân hàng Việt Nam mở tại ngân hàng đại lý ở nước ngoài, có số dư bằng ngoại tệ.
Cũng xét từ vị thế của ngân hàng Việt Nam, thì tài khoản Vostro là tài khoản của ngân hàng nước ngoài mở tại ngân hàng đại lý Việt Nam, có số dư bằng nội tệ VND.
Điểm cần lưu ý là, tài khoản Nostro hay Vostro có thể được duy trình bằng một ngoại tệ tự do chuyển đổi, được sử dụng phổ biến trong thanh toán quốc tế. Điều này là phổ biến đối với các nước có đồng tiền chưa được tự do chuyển đổi, phải dùng ngoại tệ mạnh trong thanh toán quốc tế.
Nếu tiền được chuyển từ Việt Nam cho nước ngoài thì:
– Nếu bằng ngoại tệ, tài khoản Nostro sẽ được sử dụng (ghi nợ tài khoản Nostro);
– Nếu bằng VND, thì tài khoản Vostro sẽ được sử dụng (ghi có tài khoản Vostro).
6. Các bên liên quan đến thanh toán quốc tế
6.1. Các bên liên quan
Các bên chủ yếu liên quan đến sự di chuyển của hàng hóa và tiền tệ trong thương mại và thanh toán quốc tế bao gồm:
6.1.1. Người mua, người bán và các đại lý
Người mua – The Buyer (nhà nhập khẩu) là người có nhu cầu hàng hóa, liên hệ với người bán để đặt đơn mua những hàng hóa theo yêu cầu về số lượng, chủng loại, chất lượng, giá cả… và chuyển hàng hóa vào trong nước (nhập khẩu).
Người bán – The Seller (nhà xuất khẩu) là người có hàng hóa tự sản xuất hoặc khai thác ra, liên hệ với người mua để thỏa thuận các điều khoản về hợp đồng mua bán và chuyển hàng hóa ra nước ngoài (xuất khẩu). Thông thường, người bán là người lập hóa đơn thương mại và ký phát hối phiếu.
Người sản xuất hàng hóa – Manufacturer: Là người trực tiếp sản xuất hay làm ra hàng hóa nhưng không phải là người xuất khẩu. Thông thường, người sản xuất phát hành phiếu đóng gói, phiếu phân loại và bản kê chi tiết; trong một số trường hợp, người sản xuất còn phát hành giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng, số lượng hàng hóa.
Các đại lý – Agents: Nhìn chung, người mua thường có đại lý của mình đặt tại nước người xuất khẩu, và ngược lại, người bán có đại lý của mình đặt tại nước người nhập khẩu. Các đại lý như vậy là cần thiết bởi vì khoảng cách giữa các nước thường rất xa; hơn nữa, các đại lý này có thể chăm sóc khách hàng và xử lý các tình huống một cách trực tiếp, cụ thể và nhanh chóng.
Ví dụ, một đại lý của nhà nhập khẩu có thể khai thác được nguồn hàng theo yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả; trong khi đó, đại lý của nhà xuất khẩu có thể chăm sóc hàng hóa nếu người mua từ chối nhận hàng.
6.1.2. Các ngân hàng
Ngân hàng của nhà nhập khẩu có thể trợ giúp:
– Tư vấn về nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài;
– Thấu hiểu những nhu cầu của nhà nhập khẩu và sẵn sàng tư vấn để nhà nhập khẩu bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình.
– Kiểm tra bộ chứng từ thanh toán hàng nhập khẩu;
– Nhận tiền từ nhà nhập khẩu thanh toán cho bộ chứng từ;
– Thực hiện chuyển tiền cho người xuất khẩu;
– Tài trợ cho nhà nhập khẩu thực hiện thương mại quốc tế.
Ngân hàng của nhà xuất khẩu có thể trợ giúp:
– Tư vấn về những nhà nhập khẩu nước ngoài;
– Thấu hiểu những nhu cầu của nhà xuất khẩu và sẵn sàng tư vấn để nhà xuất khẩu bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình.
– Kiểm tra bộ chứng từ thanh toán hàng xuất khẩu;
– Tổ chức thanh toán cho bộ chứng từ;
– Nhận tiền thanh toán trên danh nghĩa người xuất khẩu;
– Tài trợ cho nhà xuất khẩu thực hiện thương mại quốc tế.
6.1.3. Người chuyên chở (Carrier)
Hàng hóa có thể được chuyên chở giữa các quốc gia bằng các phương thức vận tải khác nhau. Sử dụng phương thức vận tải nào phụ thuộc chủ yếu vào vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên của tuyến đường và thỏa thuận giữa người mua và người bán. Trong thương mại quốc tế, người chuyên chở có thể là:
– Công ty vận tải biển (Shipping Company);
– Hãng vận tải hàng không (Airlines);
– Công ty vận tải đường bộ (Trucking Company);
– Hãng vận tải đường sắt (Railways)
– Công ty vận tải đường sông (Barges/inland Waterways);
– Bưu điện (Post Offices);
– Chuyển phát (Couriers).
Người chuyên chở trong ngoại thương phát hành các chứng từ vận tải như: vận đơn đường biển; biên lai đường biển không chuyển nhượng; vận đơn hàng không…
6.1.4. Công ty bảo hiểm (Insurance Company)
Công ty bảo hiểm cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ nước này sang nước khác. Theo thỏa thuận, người mua bảo hiểm có thể là nhà nhập khẩu hay nhà xuất khẩu. Các loại rủi ro được bảo hiểm là theo thỏa thuận giữa công ty bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Công ty bảo hiểm phát hành các chứng từ bảo hiểm hàng hóa như: Bảo hiểm đơn (Insurance Policy); Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate); tờ khai bảo hiểm bao (Declaration under an open cover).
6.1.5. Chính phủ và các tổ chức thương mại
Nước người nhập khẩu có thể áp dụng những hạn chế nhập khẩu một số loại hàng hóa nhất định, do đó, người nhập khẩu phải xin giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa này.
Những nước hạn chế về nguồn ngoại hối có thể ưu tiên thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu bằng ngoại tệ có sẵn, hoặc phải được phép của cơ quan quản lý ngoại hối mới được mua và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Hiện nay, với những lý do khác nhau, hầu hết các nước đều yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định; do đó, nhà kinh doanh muốn nhập khẩu những loại hàng hóa này nhất thiết phải xin được giấy phép nhập khẩu trước, nếu không hàng hóa sẽ bị tịch thu.
Tương tự, bản thân nhà nhập khẩu hoặc theo quy chế của nước nhập khẩu yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải được kiểm tra giám định về chất lượng và xuất xứ hàng hóa trước khi được gửi đi. Nhiều cơ quan tổ chức thương mại đứng ra làm việc này, chẳng hạn Phòng Thương mại hoặc cơ quan giám định quốc tế.
Nước người xuất khẩu có thể áp dụng cơ chế cấp phép đối với một số hàng hóa xuất khẩu nhất định nhằm bảo đảm rằng hàng hóa được định giá đúng. Hệ thống cấp phép xuất khẩu còn cho phép theo dõi và kiểm soát nguồn thu từ xuất khẩu của quốc gia.
Hải quan và các cơ quan chức năng tiến hành làm thủ tục thông quan, thu thuế xuất nhập khẩu cho ngân sách Nhà nước và phát hành hóa đơn hải quan. Nghĩa vụ phải tả thuế và mức thuế đánh vào hàng hóa xuất nhập khẩu phụ thuộc vào loại hàng hóa và hiệp định giữa các chính phủ.
Xem thêm: Khóa học xuất nhập khẩu online
Xem thêm: Video YouTube học xuất nhập khẩu