Tổng quan về tài sản tài chính
Tài sản tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc dịch chuyển tài sản trong nền kinh tế. Việc hiểu rõ về loại tài sản này giúp cho doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn trong thời gian ngắn, đáp ứng được các nhu cầu vốn trong kinh doanh.
Tài sản tài chính đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Mục Lục
1. Định nghĩa của tài sản tài chính
Tài chính vừa là phạm trù kinh tế vừa là phạm trù lịch sử. Khái niệm này ra đời song hành với quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Chính vì thế, có nhiều định nghĩa khác nhau về tài chính trong xã hội hiện nay.
Theo cách hiểu phổ biến nhất thì tài chính là phạm trù kinh tế phản ánh các mối quan hệ phân phối của cải.
Tài sản là vật chất, tiền bạc, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (Điều 105, Luật Dân sự 2015).
Từ các khái niệm nêu trên có thể định nghĩa về tài sản tài chính như sau: Tài sản tài chính là những loại tài sản có giá trị không dựa vào nội dung vật chất của chúng mà dựa vào các quan hệ trên thị trường. Giá trị tài sản tài chính được thể hiện dưới dạng các loại giấy tờ, chứng chỉ, hợp đồng. Chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, tiền gửi ngân hàng,…
Tài sản tài chính là thành phần để luân chuyển vốn nhàn rỗi từ các nhà đầu tư sang các đối tượng đang cần huy động vốn.
Giá trị của tài sản tài chính được xác định dựa trên các quan hệ thị trường
2. Tài sản tài chính bao gồm những gì?
Tài sản tài chính được phân loại theo nhiều mục đích khác nhau của người sử dụng. Một số tài sản tài chính tiêu biểu trong thị trường hiện nay gồm:
– Tiền mặt: Tiền mặt là biểu hiện hình thức vật chất của tiền tệ dưới dạng tiền giấy hoặc kim loại. Ngoài ra, trong tài chính kế toán, tiền mặt còn có thể bao gồm các khoản tương đương tiền. Đó là các khoản đầu tư ngắn hạn, có tính thanh khoản cao và có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt.
– Tiền gửi ngân hàng: Tiền gửi ngân hàng là các khoản tiền của các tổ chức, cá nhân được gửi tại ngân hàng nhằm mục đích dự trữ, tiết kiệm và thu lãi hàng tháng theo một tỷ lệ lãi suất nhất định. Hiện nay, các ngân hàng đã cho phép khách hàng quản lý tài khoản trực tuyến. Đối với ngân hàng VIB, khách hàng có thể quản lý tài khoản tiết kiệm tiện lợi, dễ dàng thông qua ứng dụng ngân hàng MyVIB 2.0 ngay trên điện thoại.
– Chứng chỉ tiền gửi: Chứng chỉ tiền gửi là loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản lãi suất nhất định từ khoản tiền gửi cố định tại ngân hàng.
– Cổ phiếu: Cổ phiếu là chứng chỉ được phát hành bởi công ty cổ phần, bút toán ghi sổ hay dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một số lượng cổ phần của công ty đó. Khi nắm trong tay cổ phiếu, khách hàng sẽ được chia sẻ lợi nhuận tương ứng với số cổ phiếu này tùy theo tình hình tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp.
– Các khoản cho vay: Các khoản cho vay là tài sản có thể được thanh toán cố định hoặc có thể xác định được. Đối với ngân hàng, các khoản cho vay được xem là tài sản và họ có quyền bán cho các bên có nhu cầu.
– Công cụ phái sinh: Công cụ phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào một tài sản cơ sở đã được phát hành trước đó. Bên cạnh đó, công cụ phái sinh còn là một hợp đồng giữa hai bên để trao đổi một số lượng chuẩn tài sản thực hay tài sản tài chính theo mức giá xác định trước vào ngày cụ thể trong tương lai.
Khi nắm giữ cổ phiếu, khách hàng sẽ nhận được khoản lợi nhuận của công ty.
3. Những đặc điểm mà tài sản tài chính sở hữu
Tài sản tài chính mang một số đặc điểm cụ thể sau:
Tính thanh khoản
Tính thanh khoản của tài sản tài chính được thể hiện ở khả năng chuyển đổi tài sản đó thành tiền mặt trong thời gian ngắn. Đây được xem là yêu cầu bắt buộc khi xác định một tài sản có phải là tài sản tài chính hay không.
Để đảm bảo tính thanh khoản, tài sản cần có hai tiêu chí gồm quá trình chuyển đổi thành tiền phải được diễn ra nhanh chóng và chi phí chuyển đổi thấp. Thời gian và chi phí chuyển đổi càng thấp thì tính thanh khoản của tài sản càng cao và ngược lại.
Tính rủi ro
Thực tế, rủi ro của tài sản tài chính được xếp cao hơn so với các loại tài sản thông thường khác. Bởi chúng phải chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau trong nền kinh tế thị trường. Những rủi ro thường gặp đối với các tài sản tài chính:
– Rủi ro thanh toán xuất hiện khi các chủ thể phát hành tài sản tài chính đối mặt với nguy cơ phá sản.
– Rủi ro thị trường chịu ảnh hưởng của sự tăng, giảm giá của thị trường tài sản tài chính.
– Rủi ro lạm phát do sự tăng giá liên tục của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường dẫn đến sự mất giá của đồng tiền.
Lạm phát ảnh hưởng lớn tới giá trị của tài sản tài chính.
Tính sinh lợi
Một đặc điểm nổi bật tiếp theo của tài sản tài chính là khả năng sinh lợi cho nhà đầu tư. Khi sở hữu bất động sản hay vàng bạc, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận khi giá cả tăng lên. Còn đối với cổ phiếu, khách hàng không chỉ được hưởng lợi khi giá chênh lệch mà còn được chia cổ tức, lợi nhuận khi hoạt động kinh doanh của công ty đi lên.
Một số đặc điểm khác của tài sản tài chính có thể kể đến như:
– Tính tiền tệ: Một số tài sản tài chính có thể thực hiện chức năng trung gian trao đổi và thanh toán các giao dịch tiền tệ.
– Tính hối đoái: Tài sản tài chính có giá trị được biểu hiện bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau.
– Tính chuyển đổi: Một số loại tài sản tài chính có thể được chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác.
– Tính phức hợp: Một tài sản tài chính có thể là phức hợp của nhiều tài sản tài chính khác nhau hợp thành.
4. Ưu điểm và nhược điểm của tài sản tài chính
Tài sản tài chính được phân loại thành hai nhóm là tài sản có tính thanh khoản cao và tài sản có tính thanh khoản thấp. Theo đó, mỗi nhóm lại có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.
Đối với tài sản tài chính có tính thanh khoản cao
Ưu điểm: Dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian ngắn nhờ đó doanh nghiệp có thể huy động vốn nhanh chóng.
Nhược điểm: Một số loại tài sản tài chính có tính thanh khoản cao không nhận được nhiều sự quan tâm. Giá trị của tài sản tài chính chỉ mạnh nhờ vào tài sản cơ sở.
Đối với tài sản tài chính có tính thanh khoản thấp
Ưu điểm: Một số loại tài sản có giá trị vô cùng cao chẳng hạn như bất động sản hoặc đồ cổ.
Nhược điểm: Giá trị cao cũng có thể nhược điểm của nhóm tài sản này khi mà doanh nghiệp cần chuyển đổi tài sản thành vốn trong thời gian ngắn sẽ gặp phải không ít khó khăn.
Bất động sản là loại tài sản tài chính có tính thanh khoản thấp
5. Chức năng của tài sản tài chính
Tài sản tài chính có hai chức năng cơ bản sau:
– Tài sản tài chính tham gia vào quá trình chuyển dịch vốn thặng dư để đầu tư vào tài sản hữu hình. Theo đó, vốn nhàn rỗi được chuyển từ nhà đầu tư sang nhà phát hành sử dụng. Lúc này, nhà đầu tư sẽ có thêm một khoản thu từ lợi nhuận còn nhà phát hành có vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh.
– Tài sản tài chính giúp phân tán rủi ro kinh doanh, chia sẻ một phần các bất lợi cho các nhà đầu tư tài chính.
Như vậy, không thể phủ nhận vai trò của tài sản tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng loại tài sản này để huy động vốn nhanh chóng, dễ dàng.