Tổng quan về pháp chế doanh nghiệp: Công việc và cơ hội việc làm
Mục Lục
Có một sự thật là các doanh nghiệp ngày nay không thể nào tồn tại và phát triển tốt nếu không có pháp chế doanh nghiệp. Bởi vì trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý cần giải quyết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu pháp chế doanh nghiệp là gì, vai trò, công việc, cơ hội việc làm trong ngành này. Hãy đọc hết bài viết để không bỏ lỡ thông tin nào nhé!
I. Pháp chế doanh nghiệp là gì?
Pháp chế doanh nghiệp tiếng Anh là “Lawyer-in-house” hoặc “Corporate Law”. Đây là vị trí thực hiện việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng theo luật pháp Nhà nước. Họ hỗ trợ cơ quan quản lý tạo ra các quy tắc nội bộ để quản lý, kiểm soát, điều hành doanh nghiệp. Và thực hiện các công việc phát sinh liên quan đến pháp luật trong doanh nghiệp.
Tìm việc làm, tuyển dụng pháp chế có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên Admin Pháp Chế/Luật (phòng Phát triển mặt bằng)
– Nhân viên Pháp Chế Luật dân sự và Luật hình sự
II. Vai trò của bộ phận Pháp chế doanh nghiệp
1. Tạo và góp ý các quy chế nội bộ doanh nghiệp
Bộ phận pháp chế doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở vai trò xây dựng các quy chế, quy tắc quản lý nội bộ trong doanh nghiệp mà còn tham gia đóng góp ý kiến cho các nhà quản lý cấp cao. Cụ thể là họ sẽ trực tiếp soạn thảo, xây dựng bộ quy chế nội bộ, các văn bản quy định thông báo cho nhân viên. Trong trường hợp các nhà lãnh đạo, chủ sở hữu công ty xây dựng các dự thảo, điều lệ, hợp đồng lao động, nội quy lao động,… thì pháp chế doanh nghiệp cũng sẽ tham gia thẩm định, đóng góp ý kiến dưới góc độ pháp lý, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
2. Điều tiết, kiểm soát hoạt động pháp chế trong doanh nghiệp
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp. Ví dụ như việc vi phạm nội quy của cá nhân, phòng ban; kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc các vấn đề về tranh chấp quyền lợi trong và ngoài doanh nghiệp,…
Bộ phận pháp chế doanh nghiệp nói chung có vai trò điều tiết, giám sát và kiểm soát hoạt động của các bộ phận khác. Đảm bảo tất cả mọi hoạt động phải tuân thủ theo các quy định, quy chế nội bộ của doanh nghiệp và quy định của pháp luật. Họ cũng giúp nhà quản trị tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người lao động hoặc thay mặt nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia tố tụng, tham mưu.
III. Mô tả công việc nhân viên pháp chế doanh nghiệp
1. Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp
Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp là công việc thường xuyên và phổ biến nhất của bộ phận pháp chế. Họ tư vấn không chỉ cho các nhà quản trị, nhà điều hành doanh nghiệp mà còn cho các phòng ban và nhân sự của doanh nghiệp. Các vấn đề mà pháp chế doanh nghiệp tư vấn là về thuế, tài chính, thế chấp tài sản, chứng khoán, đầu tư, vay, lao động, mua bán tài sản, chuyển nhượng cổ phần,… Nói chung là họ tư vấn cho mọi vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp.
2. Tư vấn, hỗ trợ hoạt động quản trị, điều hành nội bộ tại doanh nghiệp
Thông thường, mỗi doanh nghiệp đều xây dựng bộ quy định nội bộ để quản lý nhân sự, đảm bảo tất cả mọi người hoạt động một cách có kỷ luật, có tổ chức và theo đúng quy định Pháp luật. Pháp chế doanh nghiệp sẽ là người thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ nhà quản lý xây dựng bộ quy định này.
Đồng thời họ sẽ kiểm tra, giám sát cá nhân, phòng ban trong việc thực hiện các quy định. Ngoài ra, còn có một số hoạt động mà bộ phận Pháp chế doanh nghiệp sẽ phải tư vấn và hỗ trợ như: tổ chức lấy ý kiến cho việc ra quyết định trong doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn trong việc thử việc, ký kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm, phúc lợi cho người lao động, thực hiện các thủ tục hành chính về lao động,…
3. Các công việc liên quan đến tư vấn hợp đồng
Hợp đồng giữa các đối tác, khách hàng, người lao động luôn cần có các điều lệ, cam kết, luật pháp. Vì vậy, bộ phận pháp lý doanh nghiệp có trách nhiệm tư vấn, soạn thảo hoặc hỗ trợ soạn thảo các dự thảo hợp đồng phục vụ cho toàn bộ các hoạt động kinh doanh, giao dịch của doanh nghiệp.
Nhân viên pháp chế phụ trách chính trong việc thực hiện các thủ tục, đàm phán xử lý việc sửa đổi, chuyển nhượng hợp đồng, giải quyết các vấn đề phát sinh, chấm dứt, thanh lý hợp đồng. Họ cũng phải rà soát, hiệu chỉnh các bản dự thảo hợp đồng do các đối tác, khách hàng, các bộ phận chuyên môn trình lên cho nhà quản lý. Nhằm đảm bảo các hợp đồng đó không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Tư vấn, đại diện cho doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp
Các vụ kiện tụng, tranh chấp giữa các doanh nghiệp hoặc khách hàng thường vô cùng phức tạp và rắc rối. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ trực tiếp của bộ phận pháp chế của doanh nghiệp. Họ sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, tư vấn cho doanh nghiệp quyết định có khởi kiện hay không.
Nếu khởi kiện thì pháp chế sẽ chuẩn bị tất cả các bước cần thiết cho việc kiện tụng. Lúc này, nhân viên pháp chế thực hiện tư vấn phương án, lập các giấy tờ liên quan trong quá trình khởi kiện cho tòa án và sẽ tham gia các hoạt động tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Khi có quyết định của toà án thì pháp chế doanh nghiệp sẽ tư vấn, thực hiện thủ tục kháng cáo bản án và tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm, tham gia yêu cầu thi hành án đối với quyết định của Tòa án hay phán quyết của Trọng tài thương mại.
5. Các loại việc pháp chế khác liên quan
Ngoài các công việc trên thì pháp chế doanh nghiệp cũng đại diện thực hiện các công việc khác liên quan đến nhà nước. Điển hình như đại diện cho doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước khi có yêu cầu hoặc chuẩn bị thủ tục xin Nhà nước cấp các loại giấy phép cho doanh nghiệp. Họ cũng phải thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật, chính sách pháp luật mới của nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để phổ biến lại cho nhà quản lý và các bộ phận liên quan trong doanh nghiệp.
IV. Tiêu chuẩn trở thành nhân viên pháp chế doanh nghiệp
1. Trình độ chuyên môn
Về trình độ chuyên môn thì bạn phải nắm vững các kiến thức cơ bản của pháp luật theo tiêu chuẩn đào tạo ngành Luật của các trường đại học. Cụ thể là kiến thức về luật doanh nghiệp, luật về tài sản, luật thuế, luật về hợp đồng, luật về bất động sản, luật về giao dịch bảo đảm,… Bạn cũng phải nắm rõ hệ thống các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, gồm các điều luật, các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện thủ tục pháp lý. Ngoài ra, khi đi làm tại doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nào thì bạn sẽ phải nghiên cứu thêm pháp luật quy định cụ thể về ngành nghề của doanh nghiệp đó.
2. Kỹ năng nghề nghiệp
– Tư duy luật sư: Kỹ năng này đề cập đến việc bạn phải luôn tập suy nghĩ như một luật sư trong mọi hoàn cảnh xảy ra hằng ngày. Có hai điểm mấu chốt trong việc tư duy như luật sư đó là “nhìn thật rộng, đánh tập trung” và “tìm ra giải pháp cho một vụ tranh chấp phù hợp luật lệ”. Dễ hiểu hơn, đó là việc bạn phải đi tìm, phân tích các sự kiện xảy ra, sử dụng kiến thức luật pháp, đặt câu hỏi và tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Để có được tư duy luật sư thì bạn cần có thói quen đặt câu hỏi liên tục và tự trả lời như một luật sư thực thụ.
– Kỹ năng tư vấn pháp luật: Đây là công việc phổ biến và thường xuyên của bộ phận pháp lý doanh nghiệp nên bạn cần luyện tập nó thật tốt. Đầu tiên, bạn phải chú ý đến kỹ năng giao tiếp của bản thân, đảm bảo truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu, đầy đủ nhưng không lan man, dài dòng. Bên cạnh đó phải nắm rõ các điều luật trong và ngoài doanh nghiệp để tư vấn một cách chính xác.
– Kỹ năng soạn thảo văn bản: Đặc trưng của pháp luật và các điều lệ đó chính là sự rắc rối, khó hiểu. Do đó, người làm pháp chế doanh nghiệp cần có kỹ năng soạn thảo văn bản một cách dễ hiểu, cô đọng. Bởi vì, các bên liên quan như doanh nghiệp, khách hàng, đối tác không phải ai cũng có thể nắm hết được các điều khoản, điều luật rắc rối. Điều này sẽ gây khó khăn và mất thời gian trong quá trình ký kết hợp đồng và làm việc giữa các bên.
– Kỹ năng đàm phán hợp đồng: Một lỗi thường gặp của các luật sư hoặc người làm pháp lý đó là “mau nói, chậm nghe”. Tức là họ chưa lắng nghe tận tường các ý kiến của đồng nghiệp, đối tác mà đã phản bác, đưa ra ý kiến trái chiều. Do đó, bạn cần chú ý khi đàm phán hợp đồng thì cần bình tĩnh, lắng nghe đầy đủ các ý kiến, cẩn thận ghi nhớ hoặc ghi chép để tìm ra luận điểm phù hợp, thuyết phục nhất.
– Kỹ năng nghiên cứu khoa học: Nếu muốn trở thành một nhân viên pháp chế doanh nghiệp giỏi, vững vàng thì bạn cần rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học. Càng cập nhật thêm nhiều kiến thức hàn lâm thì bạn sẽ tự tin hơn trong khi giải quyết công việc. Bên cạnh đó, bạn sẽ có nền tảng để khám phá cách tư duy hiệu quả, sáng tạo hơn.
– Kỹ năng xây dựng văn bản chế độ: Văn bản chế độ được hiểu là pháp luật của riêng doanh nghiệp đó, bao gồm các quy định, quy chế, quy trình áp dụng cho toàn thể cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp. Để việc điều hành, quản lý doanh nghiệp được hiệu quả, có trật tự, đi đúng với pháp luật hiện hành thì người làm pháp chế doanh nghiệp phải có đầu óc biết xây dựng văn bản chế độ phù hợp, chắc chắn, không có kẽ hở, đảm bảo hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
– Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức công việc: Để đảm bảo hoàn thành tốt và đầy đủ mọi công việc về mặt pháp lý của doanh nghiệp thì người làm pháp lý doanh nghiệp chắc chắn phải có kỹ năng lập kế hoạch tốt. Đặc biệt là tại các thời điểm doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề rắc rối liên quan, nếu không biết cách sắp xếp, tổ chức công việc tốt thì bạn khó mà hoàn thành hết những nhiệm vụ pháp chế.
– Kỹ năng giao tiếp và tâm lý học: Hai kỹ năng này đặc biệt quan trọng đối với việc tư vấn pháp lý và đàm phán trong các cuộc tranh chấp. Bạn phải biết cách lắng nghe, mềm mại và cứng rắn đúng chỗ, với từng đối tượng để đảm bảo truyền đạt thông tin hiệu quả và được chấp thuận ý kiến đưa ra.
– Khả năng ngoại ngữ và tin học: Đối với vị trí pháp chế doanh nghiệp thì bạn sẽ cần đến ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh khi giải quyết các vấn đề với đối tượng là người nước ngoài. Nếu làm tại các doanh nghiệp đa quốc gia thì tiếng Anh là điều kiện bắt buộc. Bên cạnh đó, bạn cũng phải có kỹ năng tin học văn phòng để soạn thảo các văn bản cần thiết liên quan đến pháp chế.
3. Thái độ, đạo đức nghề nghiệp
Là một pháp chế doanh nghiệp, bạn phải là một người liêm chính, trung thành tuyệt đối với doanh nghiệp vì rất dễ gặp những cám dỗ từ các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần có sự kiên định, tin vào những luận điểm đúng đắn của bản thân để đưa ra lời khuyên bổ ích về pháp lý cho doanh nghiệp. Với tính chất công việc phải tư vấn cho nhiều người, nhiều phòng ban khác nhau thì bạn cũng cần có sự tận tình, tận tâm trong công việc để giúp giải quyết được nhiều vấn đề pháp lý, giúp doanh nghiệp đứng vững trên nền tảng pháp luật.
Thế Giới Di Động đang tuyển dụng chuyên viên pháp chế trên toàn quốc với mức lương thưởng hấp dẫn. Ứng tuyển ngay!
V. Triển vọng và khó khăn của pháp chế doanh nghiệp
1. Triển vọng của nhân viên pháp chế doanh nghiệp
Trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà đang dần hội nhập với thế giới, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp sinh mới trong quá trình hoạt động. Do đó, việc xây dựng một bộ phận pháp lý thuộc nội bộ doanh nghiệp đã dần trở nên phổ biến hơn. Nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm các nhân viên am hiểu pháp luật, có khả năng chịu áp lực để giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến pháp lý. Vậy nên, có thể nói cơ hội việc làm trong ngành này cũng ngày càng được mở rộng, mang đến nhiều cơ hội cho những người học luật thử thách bản thân trong môi trường doanh nghiệp.
2. Khó khăn của nhân viên pháp chế doanh nghiệp
Tuy có nhiều cơ hội để phát triển nhưng nhân viên pháp chế cũng gặp phải những khó khăn khó tránh khỏi trong quá trình làm việc. Thứ nhất là những rủi ro ngoài mong đợi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu nhân viên pháp chế tư vấn không đúng thì có thể dẫn đến những thiệt hại cho doanh nghiệp. Thứ hai là vì làm việc thường xuyên với các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp nên đôi khi sẽ bị một số đồng nghiệp không có thiện cảm với bộ phận pháp lý. Thứ ba là nhân viên pháp chế thường khá nguyên tắc, sợ rủi ro, tuân thủ luật lệ nên đôi khi đó là rào cản để doanh nghiệp phát triển
VI. Con đường đến với nghề pháp chế doanh nghiệp
1. Môi trường làm việc và mức lương
Bộ phận pháp chế doanh nghiệp thuộc nội bộ doanh nghiệp nên sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của các cấp lãnh đạo. Vì tính chất công việc liên quan đến luật pháp, luật lệ nên môi trường làm việc sẽ khá áp lực, nhất là trong các vụ kiện tụng, tranh chấp của doanh nghiệp. Theo thống kê, mức lương trung bình của nhân viên pháp chế doanh nghiệp tại Việt Nam là khoảng hơn 12 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là khoảng 8 triệu đồng/tháng. Mức lương của bạn sẽ tùy vào năng lực và doanh nghiệp mà bạn làm việc.
2. Cơ hội việc làm pháp chế doanh nghiệp
Trong tình hình kinh tế hội nhập và phát triển toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tuyển dụng nhiều nhân viên pháp chế nội bộ để giúp điều hành, quản lý nội bộ và giải quyết các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp. Các cử nhân và những người làm việc trong ngành luật sẽ có nhiều cơ hội để ứng tuyển vào các doanh nghiệp trong bộ phận pháp chế nếu trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết ở trên.
Xem thêm:
– Ngành Luật là gì? Mức lương, cơ hội việc làm và trường đào tạo
– Công việc và cơ hội nghề nghiệp ngành Pháp chế ngân hàng
– Pháp chế là gì? Con đường trở thành Chuyên viên pháp chế
Mong rằng qua bài viết này, những bạn đang hoặc sẽ học ngành Luật sẽ tìm được cho mình thêm hướng đi mới nếu yêu thích công việc pháp chế doanh nghiệp. Nếu thấy bài viết này có ích thì đừng quên chia sẻ cho những người cũng quan tâm đến ngành nghề này nhé!