Tổng quan về công tác xã hội trong lĩnh vực CSSK trên thế giới và ở Việt Nam

Theo Hiệp hội nhân viên CTXH Quốc tế 7/2000 tại Montreal, Canada (IFSW), CTXH được định nghĩa như sau: “CTXH thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc cơ bản của nghề

CTXH thực hiện trợ giúp đối với các nhóm đối tượng đích thông quan 4 chức năng cơ bản: phòng ngừa, chữa trị, phục hồiphát triển. Các lĩnh vực hoạt động của nghề công tác xã hội gồm có: công tác xã hội với trẻ em và gia đình, công tác xã hội với người khuyết tật, công tác xã hội với người cao tuổi, công tác xã hội với các tệ nạn xã hội và tội phạm, công tác xã hội trong trường học, công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK), CTXH lần đầu tiên được triển khai trong các bệnh viện vào năm 1905 tại Boston, Mỹ. Đến nay, hầu hết các bệnh viện ở Mỹ đều có phòng Công tác xã hội và đã trở thành một trong những điều kiện bắt buộc để các bệnh viện được công nhận là hội viên của Hội các bệnh viện.

CTXH trong bệnh viện là việc sử dụng nguyên lý, phương pháp và kỹ năng của CTXH vào việc trị liệu xã hội cho người bệnh nhằm gia tăng sự hài lòng của họ khi sử dụng dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng Chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND). Nhân viên CTXH có thể làm việc trực tiếp với bệnh nhân hoặc gián tiếp thông qua việc lập kế hoạch, tiến hành nghiên cứu, xây dựng chính sách hoặc trong quản lý. Làm việc trực tiếp với bệnh nhân có thể bao gồm các hoạt động như đánh giá nhu cầu của bệnh nhân, lập kế hoạch cho việc chăm sóc sau khi điều trị, tư vấn để giúp các bệnh nhân/người nhà giải quyết với các vấn đề liên quan đến tình trạng bệnh của họ… Ngoài ra, nhân viên CTXH cũng có thể là thành viên của nhóm điều trị, cung cấp thông tin, tư vấn giúp nhóm điều trị hiểu được các vấn đề của bệnh nhân.

Đến nay, CTXH có mặt tại hơn 80 nước trên thế giới, đã và đang hỗ trợ cho những người yếu thế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại bình đẳng và công bằng xã hội.

HOẠT ĐỘNG CTXH TRONG CÁC LĨNH VỰC CỦA NGÀNH Y TẾ

Trong hệ thống y tế: Hoạt động CTXH trong ngành Y tế bao gồm CTXH trong bệnh viện và ngoài cộng đồng. Khi mô hình bệnh tật ở Mỹ chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, mô hình CSSK dựa vào cộng đồng là mô hình y tế phù hợp trong CSSK nhân dân. Trong mô hình này, bệnh viện chỉ là một khâu trong CSSK, CTXH sẽ tham gia vào toàn bộ quá trình điều trị của bệnh nhân từ đầu đến cuối. Vì thế, vai trò của CTXH là vô cùng quan trọng trong quản lí và điều trị bệnh nhân cả trong bệnh viện và ngoài cộng đồng. Vai trò của NVCTXH đã được mở rộng khi họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chuyên môn y tế và cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao.

Tại Bệnh viện: NVCTXH đóng vai trò là nhân viên tâm sinh học trong việc khuyến khích, động viên, trao quyền… cho bệnh nhân và để họ tự quyết định các vấn đề về sức khoẻ từ đó làm tăng sự hài lòng của BN và nâng cao hiệu quả điều trị; rút ngắn thời gian điều trị (từ đó giúp giảm chi phí điều trị) và giúp bệnh viện cung cấp những dịch vụ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu người bệnh. NVCTXH còn hỗ trợ tâm lí cho người nhà BN, cung cấp thông tin, hướng dẫn chăm sóc BN trong quá trình điều trị cũng như hỗ trợ người nhà BN giải quyết các vấn đề tâm lý sau khi BN ra viện.

Vai trò của NVCTXH đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ điều trị BN mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư hoặc nhóm yếu thế (trẻ em, vị thành niên, phụ nữ, người già…) và hỗ trợ sau điều trị BN

Chức năng của NVCTXH tại bệnh viện là giúp các bệnh nhân và gia đình họ hiểu một căn bệnh cụ thể, chẩn đoán và khuyên nhủ về các quyết định cần thiết. NVCTXH cũng là thành viên quan trọng của nhóm điều trị, làm việc cùng bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên y tế khác. NVCTXH giúp những nhà cung cấp dịch vụ y tế hiểu hơn về các khía cạnh xã hội và tình cảm của người bệnh.

MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ PHẬN CTXH TRONG BỆNH VIỆN

Tại các BV ở Mỹ, Khoa dịch vụ xã hội là nơi triển khai các hoạt động CTXH, khoa có đội ngũ nhân viên CTXH được đào tạo bài bản về CTXH chuyên ngành y tế với trình độ cử nhân, thạc sĩ.

Ở Canada, các BV cũng có Khoa dịch vụ xã hội, tương tự như các khoa chuyên môn khác trong BV, khoa dịch vụ xã hội phải làm việc 24/7 để cung cấp dịch vụ cho BN một cách tốt nhất. Ngoài ra Khoa còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ qua điện thoại cho BN.

Tại các bệnh viện Singapore, hệ thống nhân viên CTXH đã và đang dần được hình thành và phát triển. Bước đầu, các bệnh viện sử dụng đội ngũ thực tập sinh trong các trường y tế công cộng để đào tạo kỹ năng về CTXH. Đội ngũ nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp này cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho việc hướng dẫn cho những bệnh nhân nghèo, các bệnh nhân nước ngoài tiếp cận với các dịch vụ xã hội tại Singapore.

NHÂN LỰC LÀM CTXH

Hội CTXH Úc hiện có khoảng 6.000 thành viên và số NVCTXH trong cả nước ước tính khoảng 19.300 người (80% nhân viên CTXH trong các CSYT là nữ và phần lớn làm việc bán thời gian). Riêng ở Mỹ, hiện có khoảng 500.000 NVCTXH, trong đó 54,4% ở độ tuổi từ 45 trở lên và nữ chiếm 90,2%.

Hầu hết, NVCTXH đều được đào tạo bài bản về CTXH với 79,8% có trình độ đại học, 27% có trình độ thạc sĩ về CTXH. Tại Úc, nhân viên CTXH được đào tạo 4 năm đại học, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hội CTXH Úc và ít nhất 980 giờ thực hành trước khi được ra làm việc chính thức tại các cơ sở y tế. Theo Hội CTXH Mỹ, NVCTXH ở Mỹ được trang bị kiến thức tốt để làm việc trong khu vực BV, bởi họ hiểu được những yếu tố về thể chất, tinh thần và yếu tố môi trường quyết định sự khoẻ mạnh của cá nhân và cộng đồng.

Tại Đức, muốn trở thành nhân viên CTXH trong bệnh viện, các ứng viên phải được rèn luyện qua rất nhiều khóa tập huấn chuyên môn, trong đó có cả những kỹ năng về y tế cơ bản như băng bó, tiêm,… và những kiến thức nhất định về chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, các ứng viên còn phải được trang bị những kiến thức về hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, luật chăm sóc sức khỏe… để có thể tham vấn cho người bệnh – những thân chủ của họ tiếp cận các dịch vụ xã hội để đảm bảo tối đa quyền lợi của họ trong việc tiếp cận các nguồn lực CSSK.

Tại bệnh viện Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nhân viên CTXH được đào tạo từ chính bộ môn CTXH của trường. Các nhân viên CTXH được chia về các khoa điều trị nhằm tăng cường sự hỗ trợ về tâm lý cho các bệnh nhân nặng và chịu nhiều rủi ro trong cuộc sống.

KHÓ KHĂN CỦA HOẠT ĐỘNG CTXH TRONG BV

Khi mới hình thành CTXH trong BV, vai trò của NVCTXH chưa được nhìn nhận đúng, điều này không những đã ảnh hưởng xấu tới việc hoàn thành nhiệm vụ, làm giảm sút về tinh thần, gây hoang mang trong đội ngũ NVCTXH mà còn làm giảm sự ảnh hưởng của họ trong CV, gây khó khăn trong giao tiếp, làm việc với các đồng nghiệp và ảnh hưởng đến niềm tin của BN dành cho NVCTXH…

Mối liên hệ qua lại giữa CTXH và cá nhân bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi kĩ năng, kiến thức, khả năng lắng nghe, thấu hiểu và không phán xét/đánh giá của NVCTXH. Do đó, NVCTXH cần phải được cung cấp kiến thức, kĩ năng trong giao tiếp, cảm thông, không đánh giá/phán xét người bệnh để hoàn thành tốt vai trò của mình.

TẠI VIỆT NAM: Ngành CTXH được phát triển từ cuối thập kỷ 40 với sự ra đời của trường đào tạo chuyên ngành về công tác xã hội đầu tiên tại miền Bắc. Đến cuối những năm 60, một lớp cán sự CTXH (trung cấp) được tổ chức tại Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, các chương trình đào tạo về công tác xã hội bị dừng lại.

Năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành mã đào tạo ngành CTXH trong hệ thống giáo dục Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp (Quyết định 35/2004/QĐ-BGD-ĐT). Hiện nay, đã có hơn 30 trường Đại học và Cao đẳng tham gia đào tạo ngành CTXH. Ước tính, hàng năm có ít nhất 1.200 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng ngành CTXH và hàng trăm người tốt nghiệp trung cấp ngành CTXH.

CÁC MÔ HÌNH CTXH TRONG CSSK Ở VIỆT NAM

Vấn đề đang nảy sinh tại các bệnh viện hiện nay là tình trạng quá tải và mâu thuẩn tiềm ẩn giữa bệnh viện (bác sỹ, điều dưỡng) và bệnh nhân. Quá tải bệnh nhân xảy ra ở hầu hết các bệnh viện nhất là tuyến trung ương. Theo thống kê của Bộ Y tế, công suất sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế năm 2011 là ở mức 111% trên cả nước, đặc biệt một số bệnh viện ở mức quá tải trầm trọng: Bệnh viện K – 172%, Bệnh viện Bạch Mai -168%, Bệnh viện Chợ Rẫy – 139%, Bệnh viện Nhi Trung ương – 119%… Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số các vấn đề xã hội khác trong bệnh viện như hiện tượng “cò bệnh viện” bởi bệnh nhân thiếu các thông tin khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh hoặc bởi tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ nhân viên y tế và bệnh nhân…

Tuy nhiên, cũng giống như các nước đang phát triển, việc áp dụng mô hình CTXH tại các bệnh viện ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Trong những năm gần đây, tại một số bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh cũng đã triển khai một số hoạt động CTXH với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và các tình nguyện viên, nhằm hỗ trợ nhân viên y tế trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc người bệnh… Các hoạt động này đã góp phần làm giảm bớt khó khăn cho các bệnh nhân và gia đình bệnh nhân trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Một số mô hình tổ chức của hoạt động CTXH trong bệnh viện và tại cộng đồng cũng đã được hình thành trong thực tiễn như: phòng CTXH, phòng Chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội… thuộc bệnh viện hay nhóm CTXH tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã/phường…

Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện duy nhất cho đến nay đã thành lập được Phòng công tác xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động của Phòng CTXH tại Bệnh viện Nhi trung ương mới chỉ thiên về nhiệm vụ huy động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ người bệnh. Việc cung cấp, hỗ trợ thông tin cho người bệnh về quy trình khám chữa bệnh, kết nối các dịch vụ trong và ngoài bệnh viện cũng như hỗ trợ nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân vẫn chưa làm được đầy đủ.

Bệnh viện Nhân Dân 115 (thành phố Hồ Chí Minh) cũng có bộ phận công tác xã hội –  nhưng bộ phận này trực thuộc Phòng Điều dưỡng và có tên gọi là Đơn vị Chăm sóc khách hàng. Hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện mới dừng ở cung cấp thông tin về quy trình khám chữa bệnh, tư vấn bệnh… cho người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cũng có đội ngũ cán bộ gồm 20 người làm nhiệm vụ chỉ dẫn, hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân, vận chuyển bệnh nhân đến các khoa cận lâm sàng và khoa điều trị. Bộ phận này do Phòng Điều dưỡng quản lý

Tại Bệnh viện tỉnh Nghệ An cũng có những hoạt động về CTXH với sự tham gia của đội ngũ nhân viên CTXH tình nguyện hỗ trợ các nhóm bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại một số bệnh viện khác, hoạt động về CTXH cũng đã bắt đầu được triển khai nhằm giảm bớt áp lực công việc cho nhân viên y tế và tăng cường các trợ giúp xã hội cho bệnh nhân trong quá trình KCB. Tuy nhiên, mô hình tổ chức của bộ phận hoạt động CTXH rất khác nhau – có thể là một bộ phận thuộc Phòng Hành chính hoặc gắn với hoạt động của các tổ Công đoàn thuộc tất cả các khoa/phòng…

Có thể thấy, hoạt động CTXH trong bệnh viện của nước ta hiện nay mới chỉ mang tính tự phát. Tất cả các mô hình hiện đang triển khai tại các bệnh viện vẫn chưa thực hiện đúng và đầy đủ chức năng CTXH trong bệnh viện. Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động chủ yếu xuất phát từ tấm lòng từ thiện và kinh nghiệm của bản thân, chưa được đào tạo bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng CTXH nên thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa cao. So với các mô hình CTXH trong bệnh viện ở các nước trên thế giới thì nhân viên CTXH trong các bệnh viện ở Việt Nam còn chưa thực hiện được đầy đủ các vai trò.

Tại cộng đồng, hiện nay nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia đang triển khai và rất cần có sự tham dự của nhân viên CTXH, nhất là các chương trình liên quan đến những nhóm xã hội đặc thù như quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV; phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; phòng, chống lao; phòng chống tâm thần; quản lý sức khỏe hộ gia đình; sức khỏe sinh sản; phòng chống tai nạn thương tích… Tại tuyến xã, phường, các chương trình này từ trước đến nay thường do nhân viên y tế và các cán bộ đoàn thể đảm nhận theo tinh thần tự nguyện, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp kể cả các đơn vị hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe hiện nay cũng chưa có sự tham gia của CTXH.

THS. VŨ THỊ MINH HẠNH 

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế