Tổng quan về bao bì và những yếu tố tạo nên bao bì đẹp
Bao bì không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản sản phẩm mà còn đại diện cho hình ảnh của doanh nghiệp. Một chiếc bao bì đựng đẹp, ấn tượng còn quyết định đến lựa chọn mua hàng của khách.
Vậy bao bì là gì? Có những loại bao bì hàng hóa nào? Làm thế nào để có được chiếc bao bì đẹp, mang lại hiệu quả kinh doanh cao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất cả, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
1. Tổng quan về bao bì
Hẳn là khi mua bất kì sản phẩm nào, từ nước uống cho tới đồ ăn, bạn có thể nhận thấy một điểm chung là chúng đều được đóng gói để bạn có thể cầm nắm, mang đi và sử dụng. Và thứ đóng gói sản phẩm này người ta gọi chung là bao bì.
Vậy có bao giờ bạn thắc mắc rằng bao bì là gì? Chúng xuất hiện lâu chưa và có chức năng gì? Trước khi tìm kiếm dòng sản phẩm bao bì phù hợp, cùng điểm qua những thông tin cơ bản này nhé!
Mục Lục
1.1 Khái niệm
Hiểu một cách đơn giản, bao bì là sản phẩm dùng để bao bọc, chứa đựng và bảo vệ giá trị của hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, bảo quản trong kho và giúp con người sử dụng sản phẩm dễ hơn.
1.2 Lịch sử hình thành
Ngay từ thời cổ đại, con người đã biết tận dụng các loại lá cây (lá chuối) để gói những sản phẩm khác. Dần dần, chúng được thay thế bằng các loại vỏ cây, các loại da thú với mục đích chính là đựng các loại trái cây, các thứ kiếm được từ rừng về nơi trú ẩn.
Tuy nhiên, các loại bao bì thô sơ này dễ bị vỡ, rách, không thể chứa đựng được các loại vật phẩm dạng lỏng, không có khả năng bảo quản trong thời gian dài. Do vậy, gốm xuất hiện và phát huy được những tác dụng nhất định.
Cụ thể, vào tám ngàn năm trước, gốm được người Trung Quốc sử dụng dưới hình dạng những chiếc bình dùng để đựng và bảo quản các sản phẩm dạng lỏng, dạng rắn. Và thậm chí cho đến ngày nay, các loại bao bì làm từ gốm vẫn được sử dụng.
Mặc dù chất liệu gốm không nguy hiểm, không gây ô nhiễm cho nước, không khí và môi trường nói chung. Thế nhưng chúng vẫn có những hạn chế nhất định, ví dụ như dễ vỡ và không thể sử dụng lại được.
Do đó, bao bì bằng thủy tinh đã xuất hiện và khắc phục các hạn chế của bao bì bằng gốm. Theo đó, thủy tinh được phát hiện vào năm 1550 TCN, được con người chế tạo thành các chai lọ đầu tiên sử dụng tại Ai Cập.
Thời gian đầu, các chai lọ thủy tinh chỉ mới được sản xuất bằng phương pháp thủ công. Về sau, công nghệ dần phát triển cho ra nhiều hình thức, mẫu mã và chủng loại phong phú. Đặc biệt, những chai lọ thủy tinh có khả năng tái sinh do có khả năng thu hồi và tái chế.
Sau đó, theo nhu cầu và sự phát triển của công nghệ, các chất liệu bao bì khác (giấy, nhựa, kim loại…) cũng dần được phát hiện và ứng dụng rộng rãi trong đời sống sản xuất.
Và từ những công nghệ thủ công, việc chế tạo bao bì ngày được ứng dụng bằng các công nghệ sản xuất hiện đại, cho ra những mẫu mã bắt mắt, không chỉ đáp ứng công dụng bảo quản mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa.
1.3 Chức năng của bao bì
Với lịch sử trải dài như vậy, có thể nhận thấy ngay từ xa xưa, con người đã biết được tầm quan trọng của chiếc bao bì. Trước hết, mục đích ra đời của bao bì chính là đảm bảo công dụng chứa đựng, bảo quản sản phẩm.
Đây là công năng nguyên thủy nhất của bao bì, được ví như tấm bảo vệ giúp sản phẩm đựng bên trong không bị rơi, va đập hay chịu tác động từ môi trường bên ngoài. Đồng thời ngăn chặn không cho bụi, vi khuẩn bám vào sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Song song với chức năng bảo quản, bao bì còn giúp khâu vận chuyển hàng hóa diễn ra một cách an toàn và thuận lợi. Hơn nữa, đóng gói sản phẩm bằng bao bì sẽ tránh được tình trạng hao hụt về số lượng, ngăn sự biến dạng chất lượng sản phẩm bên trong.
Đặc biệt, bao bì còn là tiếng nói của thương hiệu, của sản phẩm đựng bên trong. Nhờ việc in ấn các hình ảnh, thông tin bên ngoài bao bì mà người ta biết được sản phẩm đựng bên trong là gì, được sử dụng như thế nào.
Đối với người kinh doanh, bao bì không chỉ dừng lại ở các chức năng trên mà còn là đại diện hình ảnh thương hiệu. Chúng được xem là công cụ marketing hoàn hảo với chi phí thấp. Chỉ cần in ấn sáng tạo ngoài bao bì, vừa thu hút được khách hàng, vừa giúp định vị thương hiệu dễ dàng.
1.4 Phân loại các loại bao bì
Cùng với sự đa dạng của các sản phẩm cần đóng gói chính là sự phong phú của các loại bao bì đựng. Điều này cũng khiến người dùng khá khó khăn trong việc lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp.
Hiện nay, người ta căn cứ vào nhiều yếu tố như công dụng, chất liệu, độ cứng… để phân thành các nhóm bao bì hàng hóa chính sau đây:
Theo công dụng:
- Bao bì trong: Là loại bao bì đóng gói trực tiếp hàng hóa, tiếp xúc với sản phẩm đựng bên trong, thường được bán cùng sản phẩm. Ví dụ như vỏ kẹo, hộp sữa, chai nhựa đựng nước suối,v.v.
- Bao bì ngoài: Loại này có tác dụng đóng gói sản phẩm, giữ nguyên vẹn số lượng và chất lượng, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Ví dụ như thùng carton, hộp xốp,v.v.
Theo số lần sử dụng:
- Bao bì dùng 1 lần: Đúng như tên gọi, đây là loại bao bì chỉ sử dụng 1 lần rồi bỏ. Loại bao bì này chỉ phục vụ cho một lần lưu chuyển của sản phẩm từ khi sản phẩm được sản xuất ra đến khi sản phẩm được tiêu dùng trực tiếp. Thường là các loại hộp nhựa dùng 1 lần đựng thực phẩm
- Bao bì sử dụng nhiều lần: Loại bao bì này chủ yếu được sản xuất từ các vật liệu bền vững như kim loại, thủy tinh, chất dẻo tổng hợp… nên có thể sử dụng lại nhiều lần.
Theo chất liệu:
- Bao bì kim loại: Loại này thường được sử dụng để đựng các sản phẩm dạng lỏng, các chất dễ cháy nổ như xăng, hóa chất… Chúng an toàn và có thể tái sử dụng nhiều lần, thân thiện với môi trường sống.
- Bao bì thủy tinh: Chất liệu này không độc hại, không phản ứng với thực phẩm bên trong nên thường được sản xuất các loại bao bì đựng sản phẩm dạng lỏng. Tuy nhiên, một nhược điểm nhỏ của thủy tinh là dễ vỡ nếu không cẩn thận khi sử dụng.
- Bao bì nhựa: Loại bao bì làm từ nhựa rất quen thuộc với chúng ta. Tiện lợi, giá thành rẻ chính là ưu điểm của các loại bao bì nhựa. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra chính là tác hại của chúng đối với môi trường sống.
- Bao bì giấy: Nhờ ưu điểm không độc hại, chống ẩm tốt, dễ in ấn hình ảnh, thông tin nên được sử dụng nhiều hiện nay. Có thể kể đến như thùng carton, hộp giấy, cốc giấy… Loại này có thể thu hồi để tiếp tục tái chế sản xuất thành các loại bao bì hàng hoá khác.
- Bao bì gỗ: Thường được sử dụng ở dạng hòm, thùng chứa kín. Chất liệu này dễ sử dụng, có độ bền tương đối cao, có khả năng thu hồi để sử dụng lại. Tuy nhiên, gỗ tương đối nặng, dễ hút nước, dễ bắt lửa và dễ hư hỏng.
- Bao bì hàng dệt: Là các loại dạng túi, bao… được làm chủ yếu từ các loại sợi gai, đay, vải hay nylon. Ưu điểm loại bao bì dệt này là mềm, độ bền cao, phục vụ chủ yếu cho mục đích đựng các sản phẩm dạng hạt rời.
- Bao bì gốm, sứ: Xuất hiện từ thế kỉ 15, gốm được sản xuất thành các loại bao bì gia dụng để đựng thực phẩm, làm chén, tô, dĩa ăn uống. Tuy nhiên, đồ gốm khá dễ vỡ và không tái chế được.
- Bao bì khác: Các chất liệu như tre, nứa, mây… sản xuất ra các loại bao bì ở dạng giỏ, thúng, rổ. Đây là loại bao bì nửa cứng, thường để chứa đựng các loại rau quả và một số sản phẩm khác.
Phân loại theo độ cứng:
- Bao bì cứng: Đây là loại có khả năng chịu được va đập từ bên ngoài mà vẫn giữ nguyên hình dạng, chủ yếu được làm từ các vật liệu như kim loại, sắt…
- Bao bì nửa cứng: Loại này cũng có tính năng cơ học chịu được lực va đập nhưng bị giới hạn ở mức độ nhất định. Khi vượt qua giới hạn chịu đựng, chúng có thể bị biến dạng, móp méo trong quá trình sử dụng.
- Bao bì mềm: Loại này dễ bị biến dạng khi chịu tác động của lực lớn, thường chỉ sử dụng để đóng gói các sản phẩm dạng hạt, bột mà không sợ chất lượng bị ảnh hưởng.
1.5 Vai trò của bao bì trong hoạt động kinh doanh thương mại
Có thể nói, không một doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm lại không có chiếc bao bì đựng. Chúng chính là cái “hồn” của sản phẩm, đóng vai trò thiết yếu đối với sự thành công của các doanh nghiệp vì:
Thứ nhất, bao bì có tác dụng giữ nguyên số lượng, chất lượng sản phẩm. Nhờ có bao bì, doanh nghiệp có thể bảo quản sản phẩm từ khâu lưu kho, phân phối, vận chuyển mà không bị tác động bởi môi trường bên ngoài.
Bao bì còn đảm bảo hàng hóa không bị va đập, rơi rớt, biến dạng. Từ đó, nhà sản xuất có thể trao tay tới khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất. Đồng thời giảm thiểu trường hợp hư hỏng sản phẩm làm hao hụt gây lãng phí, thâm hụt tiền bạc.
Ngoài ra, bao bì còn cho phép doanh nghiệp tập trung hàng hóa thành các đơn vị buôn bán, vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các kĩ thuật tiên tiến trong khâu vận chuyển, xếp dỡ và giao hàng.
Thứ hai, bao bì là một trong những cơ sở để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh cũng như an toàn cho người lao động. Bao bì ngăn chặn các tác động từ môi trường (bụi bẩn, vi khuẩn) tới sản phẩm; là lớp bảo vệ cho các nhân viên bốc vác, vận chuyển, nhất là với các mặt hàng dễ cháy nổ.
Cuối cùng, bao bì là phương tiện quan trọng để doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, phục vụ khách hàng, dễ dàng buôn bán quốc tế. Nhờ có bao bì, người tiêu dùng sẽ lựa chọn được sản phẩm phù hợp, sử dụng đúng cách và hiệu quả.
2. Yếu tố tạo nên bao bì thành công
Như đã nói ở trên, bao bì có vai trò cực quan trọng đối với hoạt động kinh doanh thương mại. Có lẽ câu nói “thành bại tại bao bì” là minh chứng tốt nhất cho tầm quan trọng của việc đầu tư về mặt hình ảnh – tức chiếc bao bì đựng.
Thế nhưng không phải người làm kinh doanh nào cũng tạo nên một bao bì thành công và hiệu quả. Có thiết kế bao bì nhận được phản hồi tích cực từ người dùng nhưng cũng có bao bì hoàn toàn thất bại. Vậy tiêu chuẩn nào để làm nên một bao bì thành công?
2.1 Thiết kế bao bì ấn tượng
Theo khảo sát, có tới 95% người mua hàng nhìn vào bao bì để lựa chọn sản phẩm. Một chiếc bao bì đẹp, ấn tượng sẽ tăng khả năng mua hàng của khách so với chiếc bao bì xấu, mặc dù chất lượng bên trong tương đương nhau.
Đó chính là lí do mà đa số các doanh nghiệp lớn đều đầu tư vào chiếc bao bì đựng, nhất là các mặt hàng thực phẩm, đồ ăn thức uống. Vậy nên, để thành công, trước hết bạn phải sở hữu một thiết kế bao bì đẹp, ấn tượng.
Thiết kế đẹp ở đây bao gồm thiết kế hình ảnh, các thông tin về sản phẩm, thương hiệu. Khâu này phải đảm bảo ngắn gọn, súc tích, thể hiện được phong cách riêng của thương hiệu. Màu sắc, bố cục cần hài hòa, thu hút được ánh nhìn.
Bên cạnh đó, thiết kế đẹp nhưng cũng phải hướng đến sự tiện dụng. Tức là đẹp nhưng vẫn phải đảm bảo công năng chính là bảo quản sản phẩm, dễ sử dụng. Ví dụ như thiết kế hộp nhựa đựng cơm, mẫu mã bắt mắt nhưng phải kín, có khả năng giữ nhiệt tốt, dễ tháo mở khi sử dụng.
2.2 Chọn đúng chất liệu
Bên cạnh yếu tố thiết kế, chất liệu bao bì cũng là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Nhiều người thường chỉ nhìn vào yếu tố bắt mắt nhưng lại quên rằng xúc giác cũng chính là cách ghi điểm với khách.
Bởi lẽ, khi sử dụng sản phẩm, khách hàng sẽ cầm nắm chiếc bao bì đầu tiên. Mà chất liệu lại quyết định đến chất lượng bao bì hàng hóa. Hơn nữa, chọn chất liệu làm bao đựng cũng ảnh hưởng đến công năng bảo quản sản phẩm bên trong.
Do đó, chọn chất liệu bao bì không chỉ cần bền đẹp mà còn phải có tính năng bảo quản sản phẩm khỏi các tác động bên ngoài như độ ẩm, bụi bẩn, nhiệt độ, va đập… Cách tốt nhất là hãy dựa vào đặc điểm của loại sản phẩm bạn bán để chọn nhé!
2.3 In ấn chất lượng
Hiện nay, gần 100% các doanh nghiệp đều lựa chọn phương án in ấn bên ngoài bao bì. Không chỉ giới thiệu thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng mà còn quảng bá thương hiệu, giúp khách hàng ghi nhớ tới doanh nghiệp.
Nhưng sẽ thật thiếu chuyên nghiệp nếu hình ảnh, thông tin in ấn bị nhòe, mờ. Điều này không chỉ khiến chất lượng sản phẩm bên trong bị đánh giá thấp mà còn làm mất thiện cảm của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, in ấn cũng là yếu tố quyết định đến sự thành công của chiếc bao bì đựng. Hiện nay, nhiều cơ sở in ấn ứng dụng các công nghệ in hiện đại như in offset, flexo… cho chất lượng, hình ảnh sắc nét, màu tươi sáng. Việc của bạn là hãy lựa chọn các công ty in ấn uy tín để được đảm bảo chất lượng in.
Trên đây là bài tổng hợp về bao bì cũng như các yếu tố để tạo nên một sản phẩm thành công. Hi vọng thông qua bài viết này đã giúp các bạn lựa chọn được dòng sản phẩm bao bì phù hợp cho lĩnh vực kinh doanh của mình. Chúc các bạn kinh doanh hiệu quả!
0
0
votes