Tổng quan về Thái Nguyên – Trang thông tin Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên

THÁI NGUYÊN: VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC TRONG VÙNG TRUNG DU MIỀN NÚI PHÍA BẮC VIỆT NAM

Tỉnh Thái Nguyên, là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ; phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội; diện tích tự nhiên 3.562,82 km².

Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính: (2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện) 

Thái Nguyên có dân số trên 1,2 triệu người gồm 8 dân tộc cùng sinh sống; có 9 đơn vị hành chính: (2 thành phố: 1 thị xã và 6 huyện) Thành phố Thái Nguyên; Thành phố Sông Công; Thị xã Phổ Yên; Huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương với 180 xã, phường, thị trấn. 

Với vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km. Thái Nguyên còn là điểm nút giao thông quan trọng với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành; đường quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn; Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc; quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; quốc lộ 37 Bắc Ninh,  Bắc Giang, Tuyên Quang; đường Hồ Chí Minh; đường vành đai 5; Hệ thống đường sông Đa Phúc – Hải Phòng; đường sắt Thái Nguyên – Hà Nội – Kép, Lạng Sơn.

Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên

Địa hình không phức tạp so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên. Khí hậu chia làm 4 mùa rõ rệt Xuân – Hạ – Thu – Đông; Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500 mm; tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.300 đến 1.750 giờ. Nhìn chung khí hậu của tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp.

Tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng…Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước; kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thủy ngân…Khoáng sản, vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng. Tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sâu khoáng sản. Về than có 4 mỏ với trữ lượng trên 100 triệu tấn. Quặng sắt có 47 mỏ và điểm mỏ với trữ lượng gần 100 triệu tấn. Ti tan có 18 mỏ với trữ lượng thăm dò khoảng 18 triệu tấn; Thiếc có 3 mỏ với trữ lượng trên 13 triệu tấn; Vonfram với trữ lượng trên 110 triệu tấn…Về vật liệu xây dựng có 2 mỏ sét với trữ lượng trên 80 triệu tấn; đá vôi xây dựng với trữ lượng 100 tỷ m3; mỏ sét cao lanh với trữ lượng trên 20 triệu m3…

Tiềm năng về nông lâm nghiệp

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng phát triển nông, lâm nghiệp. Chè Thái Nguyên, đặc biệt chè Tân Cương là sản phẩm nổi tiếng cả nước Việt Nam với diện tích 21.361ha, đứng thứ 2 trong cả nước, được trồng tập trung ở 4 vùng (TP Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ) với sản lượng chè búp tươi trên 200.000 tấn/năm với hơn 30 cơ sở chế biến chè trên khắp địa bàn tỉnh. 
Cây ăn quả: có trên 15 nghìn ha cây ăn quả các loại được trồng tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sản phẩm từ hoa quả, giải quyết tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân.
Rừng: Diện tích rừng với trên 110 nghìn ha trong đó diện tích rừng tự nhiên là 73.383 ha, rừng trồng hơn 40.000 ha, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất và chế biến.

Về du lịch: Với lợi thế có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên như Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, các di tích lịch sử như: An toàn khu Việt Bắc – ATK, có rừng Khuôn Mánh và di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ ở huyện Võ Nhai. Bên cạnh đó, còn có các di tích kiến trúc nghệ thuật, chùa, đình, đền tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Khu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Khu di tích vua Lý Nam Đế, Đền Đuổm, chùa Hang, chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn. Hiện nay, Thái Nguyên đang quy hoạch đầu tư Khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu du lịch hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, Hồ Suối Lạnh…và hệ thống khách sạn chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Hạ tầng điện, nước, viễn thông: Điện có 2 hệ thống (hệ thống điện lưới quốc gia và hệ thống điện mua từ Trung Quốc) đảm bảo công suất và chất lượng điện ổn định; trên địa bàn có 2 đơn vị cung cấp nước sạch (Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên và Nhà máy nước Yên Bình) đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất; bưu chính viễn thông, giao thông (kể cả đường bộ, đường sắt và đường thủy) đều phát triển thuận lợi.

Về đào tạo: là trung tâm đào tạo đứng thứ 3 toàn quốc với 9 trường đại học trong đó Đại học Thái Nguyên có 7 trường (Công nghiệp, Nông lâm, Sư phạm, Y dược, Khoa học, Kinh tế, Công nghệ thông tin); Đại học Việt Bắc; Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh đang đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật; Hàng năm đào tạo trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề đáp ứng được yêu cầu lao động kĩ thuật cho tỉnh và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

 

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thái Nguyên