Tổng hợp ý kiến xây dựng các Dự án Luật – Đoàn Đại biểu Quốc Hội TPHCM

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 9/9/2020 Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1- Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về Đối tượng điều chỉnh vào dự thảo Luật để tạo sự thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. 

2- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định theo hướng Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định chủ hộ trong trường hợp các thành viên của hộ gia đình không thống nhất ý kiến về việc cử chủ hộ để phù hợp với Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3- Có ý kiến đề nghị  xem xét bổ sung vào dự thảo Luật thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã. 

II- GÓP Ý CỤ THỂ

1- Về giải thích từ ngữ (Điều 2)

  – Khoản 1:

  + Có ý kiến đề nghị xem lại nội dung khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật vì  Hiến pháp năm 2103 không có quy định chỗ ở hợp pháp (Điều 22 Hiến pháp năm 2013).  Chỗ ở hợp pháp, về quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự gồm sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng, sở hữu cộng đồng… như vậy quyền sở hữu tại khoản 1 là quyền sở hữu như thế nào? Nếu định nghĩa như khoản 1 khi thực hiện sẽ gặp khó khăn, công dân cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề đòi quyền sở hữu.

  + Có 02 ý kiến đề nghị bổ sung “nhà chung cư” vào nội dung khoản 1 nhằm xác định “Chỗ ở hợp pháp” bao gồm cả nhà chung cư.

– Khoản 2: có ý kiến đề nghị xem lại quy định “trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử;…” vì mâu thuẩn với Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi 2017.

Có ý kiến cho rằng nếu hộ gia đình không thống nhất đề cử thì như thế nào? Đề nghị cần xem xét có quy định theo hướng trong trường họp không thống nhất được người chủ hộ thì thực hiện như thế nào? Trường hợp vì một lý do nào đó, hộ gia đình đó chỉ còn một người, nhiều người nhưng ở đó tuổi chưa thành niên hoặc bị bệnh nhưng có đủ năng lực hành vi dân sự, Luật cũng cần quy định rõ. Nếu không sẽ có trường hợp bỏ trống không có chủ hộ nhưng lại có quy định về trách nhiệm của chủ hộ trong dự thảo Luật

– Khoản 3: một số ý kiến đề nghị sửa lại như sau: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại chỗ ở hợp pháp dưới hình thức thường trú, tạm trú”.

– Khoản 5: có ý kiến đề nghị xem lại nội dung định nghĩa về “Cơ quan đăng ký” để phù hợp với Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

. – Khoản 6: có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn nữa về “Hộ gia đình” trong dự thảo Luật, tránh mâu thuẫn với khái niệm “Hộ gia đình” trong Luật Đất đai.

– Có ý kiến đề nghị chuyển khoản 9, khoản 10 lên sau khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật để tạo sự thống nhất trong quy định về cư trú.

          2- Về hạn chế quyền tự do cư trú (Điều 6)

          – Có ý kiến đề nghị nên chuyển Điều 6 đứng sau Điều 4 dự thảo Luật vì cùng quy định về nội dung, phạm vi quyền tự do cư trú

          – Khoản 1: có ý kiến đề nghị nên tách điểm d thành một quy định riêng vì khoản 1 chỉ quy định về đối tượng.

  3- Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8)

          – Khoản 4: có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “thường trú, đăng ký tạm trú” để tránh trùng lắp. Khoản 4 viết lại như sau: “Không tiếp nhận, trì hoãn việc nhận hồ sơ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú”.

          – Khoản 6: có ý kiến đề nghị ách những hành vi “làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú” thành một khoản riêng vì những hành vi này có thể được thực hiện với lỗi vô ý, còn những hành vi khác trong khoản 6 luôn được thực hiện với lỗi cố ý.

          – Khoản 7: có ý kiến bỏ cụm từ “cố ý”, vì lỗi vô ý trong trường hợp này cũng cần bị xử lý để nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý cư trú.

          – Khoản 9: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “cầm cố, nhận cầm cố” bằng cụm từ “sử dụng để vay tiền” vì giấy tờ về cư trú không phải là đối tượng của biện pháp cầm cố. Khoản 9 viết lại như sau: “Sử dụng giấy tờ giả về cư trú, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú, khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, điều kiện để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, sử dụng để vay tiền, hủy hoại giấy tờ về cư trú”. 

          – Khoản 11: có ý kiến đề nghị nên chuyển khoản 11 đến sau khoản 7 Điều 8 dự thảo Luật nhằm đảm bảo thống nhất về hình thức.

          4- Về quyền của công dân về cư trú (Điều 9)     

          Khoản 3: có ý kiến cho rằng theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì “chỉ có cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mới có thể truy cập, khai thác thông tin trực tiếp từ các cơ sở dữ liệu này” nhưng khoản 3 Điều 9 lại có quy định “được khai thác thông tin về cư trú của mình” dễ gây hiểu nhầm là công dân cũng được quyền khai thác thông tin trực tiếp từ các cơ sở dữ liệu. Vì vậy, đề nghị sửa lại nội dung khoản 3 Điều 9 theo hướng làm rõ quyền khai thác ở đây chỉ được thực hiện gián tiếp thông qua cổng dịch vụ công hoặc yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền cung cấp thông tin.

          5- Về nơi cư trú của công dân (Điều 12)

  Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “nơi cư trú của công dân” thành “nơi cư trú của cá nhân” để phù hợp với quy định tại Điều 40 Bộ luật dân sự năm 2015. Hiện nay, có nhiều trường hợp do lịch sử để lại là người không có quốc tịch hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (không phải là công dân Việt Nam) nhưng đã cư trú ổn định tại Việt Nam, được đăng ký hộ khẩu thường trú. Tương tự, đề nghị xem xét điều chỉnh các nội dung có liên quan đến vấn đề này trong dự thảo Luật. 

  6- Về nơi cư trú của người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang (Điều 16)

  Có ý kiến cho rằng thực tiễn còn có lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và các lực lượng khác trong thời gian tập trung huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đã biên chế vào các đơn vị Quân đội, Công an. Để bảo đảm quyền lợi cho công dân và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý các đối tượng này trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đề nghị bổ sung vào Điều 16 nội dung quy định theo hướng “Nơi cư trú của các đối tượng thuộc lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và các lực lượng khác trong thời gian tập trung huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là đơn vị nơi người đó tập trung huần luyện, thực hiện nhiệm vụ”.

  7- Về nơi cư trú của người được nuôi dưỡng, chăm sóc (Điều 19)

  Điều 19 quy định “Nơi cư trú của người được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở trợ giúp xã hội đó. Trường hợp được cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc thì nơi cư trú của người được nuôi dưỡng, chăm sóc là nơi cư trú của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc.”

  Có ý kiến đề nghị cần xem lại đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng được đề cập trong Điều 19 dự thảo Luật có phù hợp Điều 25 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định về Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội chưa?. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 26 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định về Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội thì  đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Nghị định 136 khi sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định. Cho thấy các cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập hợp pháp đều thực hiện việc chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng tại Điều 25  Nghị định 136 và đối tượng quy định tại Điều 19 cần được gọi chung là người “được bảo trợ”. Đối tượng “được bảo trợ” có thể người được nuôi dưỡng và chăm sóc sẽ do một hộ gia đình hay cá nhân cụ thể, không phải do cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc. Đề nghị chỉnh lý lại tiêu đề Điều 19 để không bỏ sót một nhóm đối tượng quan trọng góp phần tăng cường cho công tác quản lý cư trú được hiệu quả hơn. 

  8- Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21)

          Một số ý kiến cho rằng quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại Điều 21 được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký thường trú. Đây là hướng tiếp cận hợp lý, tuy nhiên khi so sánh Điều 21 về điều kiện đăng ký thường trú với Điều 25 về điều kiện đăng ký tạm trú, nhận thấy thời gian để đủ điều kiện đăng ký tạm trú còn dài hơn thời gian để đủ điều kiện đăng ký thường trú. Ý kiến này đề nghị trong quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại Điều 21, cần bổ sung điều kiện thể hiện ý định cư trú ổn định, lâu dài tại chỗ ở đăng ký thường trú.

          – Có ý kiến đề nghị ngoài các điều kiện tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 21   cần bổ sung quy định về điều kiện như sau: “Công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi có thời gian cư trú tại nơi ở này từ 3 tháng đến 6 tháng” nhằm hạn chế áp lực gia tăng dân số cơ học tại các Thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời giúp người dân xác định được nơi phù hợp sẽ gắn bó lâu dài sau thời gian sinh sống từ 3 tháng đến 6 tháng này.

– Điểm b khoản 6: có ý kiến đề nghị bổ sung “Ủy ban nhân dân cấp huyện” vào nội dung điểm b, khoản 6 vì một số huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã (ví dụ các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Côn Đảo…).

9- Về quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú (Điều 20)

Có ý kiến cho rằng đối với người không có điều kiện đăng ký thường trú, không có điều kiện đăng ký tạm trú hiện nay còn nhiều và rất cần được quan tâm, về mặt quản lý cư trú cũng không thể bỏ đối tượng này. Ý kiến nay đề nghị  nên tách Điều 20 dự thảo Luật theo hướng quy định đối với các trường hợp cụ thể, đối với các trường hợp sẽ cư trú hay cư trú tạm thời… vì Hiến pháp quy định là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nếu người dân có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện thường trú, tạm trú không có quyền sở hữu, có quyền sở hữu nhưng không đủ diện tích thì nên tạo những điều kiện thuận lợi cho người dân được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.

10- Về địa điểm không được đăng ký thường trú mới (Điều 24)

Khoản 3 Điều 24 quy định người dân không được đăng ký thường trú mới tại chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp phương án bồi thường, tái định cư… chưa được thực hiện trong một thời gian dài thì sẽ gây cản trở đối với quyền tự do cư trú của công dân, đề nghị cần xem lại quy định này.

Bên cạnh đó, có ý kiến không nên đồng nhất những trường hợp không được tách hộ quy định tại khoản 1 Điều 26 với những trường hợp không được đăng ký thường trú mới tại Điều 24, vì về bản chất tách hộ không làm phát sinh thêm địa điểm đăng ký thường trú mới mà chỉ tách từ địa điểm đã được đăng ký thường trú trước đó.

11- Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25); Xóa đăng ký tạm trú (Điều 30)

Có ý kiến cho rằng cần lưu ý đến khả năng thực hiện thủ tục xóa đăng ký kịp thời trong các trường hợp quy định tại điểm d, g, h, i khoản 1 Điều 25 và điểm c, e, g, h khoản 1 Điều 30, bởi đây là những trường hợp cơ quan quản lý cư trú khó nắm được thông tin nếu không được các cá nhân, tổ chức có liên quan (ví dụ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, chủ căn hộ cho thuê…) đến các trường hợp này thông báo. Ý kiến này đề  nghị cần bổ sung quy định các cá nhân, tổ chức có liên quan có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan quản lý cư trú biết thông tin về sự thay đổi thông tin về cư trú trong những trường hợp trên.

  Có ý kiến đề nghị yêu cầu thêm việc ràng buộc công dân phải thực hiện việc đăng ký tạm trú, thường trú hoặc quy định xử phạt vi phạm hành chính để nâng cao ý thức công dân. Vì khi thực hiện xóa đăng ký tạm trú, thường trú là chỉ xóa thông tin nơi thường trú và tạm trú còn mọi thông tin khác vẫn được giữ nguyên trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, mục đích của việc ban hành Luật cư trú (sửa đổi) chính là việc quản lý công dân đang cư trú ở địa phương nào nếu không có sự ràng buộc sau khi “vắng mặt tại nơi thường trú, tạm trú” thì rất khó khăn cho địa phương trong quá trình quản lý cư trú.

  – Khoản 1 Điều 25:

  + Điểm d quy định về xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp “vắng mặt nơi thường trú từ 12 tháng  liên tục và không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi thường trú“. Thực tế hiện nay, rất nhiều trường hợp người dân đi các nơi làm việc, làm việc được hơn một năm thì mất việc và quay về địa phương thì đã bị xóa khẩu, nếu muốn nhập lại hộ khẩu thì khá phức tạp, tốn kém thời gian, phát sinh thêm thủ tục hành chính phiền hà cho người dân, nếu muốn xin việc khác hoặc làm lại căn cước công dân bị mất cũng không thể thực hiện được vì chưa có hộ khẩu. Vì vậy, chỉ nên xử phạt những trường hợp vắng nhặt tại nơi lưu trú từ trên 12 tháng liên tục nhà không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký quản lý cư trú nơi thường trú. 

  + Điểm h quy định “Người đăng ký thường trú tại chỗ ở đã chuyển quyền sở hữu thì bị xóa đăng ký thường trú sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu, trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú”. Do đó, đối với trường hợp này nếu chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú thì người được đồng ý cho đăng ký thường trú phải đảm bảo điều kiện về diện tích sàn và thực tế cư trú tại nơi đó. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về hợp đồng mượn nhà, xác nhận diện tích sàn và đảm bảo vẫn thực tế cư trú.

  – Điểm g khoản 1 Điểu 30 “Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ”. Có ý kiến cho rằng trong trường hợp xóa đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú cần chú ý đến việc chấm dứt hợp đồng thuê, mượn ở nhờ vì khái niệm chấm dứt là một khái niệm pháp lý chưa rõ ràng. Đề nghị cần làm rõ hơn khái niệm thế nào là “chấm dứt” trong dự thảo Luật.

12- Về điều kiện đăng ký tạm trú (Điều 28)

Theo khoản 1, Điều 28, dự thảo Luật quy định người nào sinh sống tại một chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú. Như vậy, trong trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không đồng ý cho người thuê, người mượn, người ở nhờ đăng ký tạm trú thì rõ ràng những người thuê, mượn, ở nhờ sẽ vi phạm Luật Cư trú (ví dụ không đăng ký tạm trú trong trường hợp ở nhà thuê trên 30 ngày).

Theo điểm b khoản 1 Điều 29 thì khi người thân của người thuê, người mượn, người ở nhờ có thể ở chung với nhau và những người thân này phải đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, người thân của người thuê, người mượn, người ở nhờ nhà ở thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu nhà ở vì hợp đồng cho thuê nhà, cho ở nhờ… được xác lập giữa 02 bên là chủ nhà và người thuê, ở nhờ, mượn nên khi có bất cứ sự thay đổi nào liên quan đến hợp đồng phải có sự đồng ý của chủ nhà. Vì vậy, ý kiến này đề nghị bổ sung điều kiện người thân của người thuê, người mượn, người ở nhờ được đăng ký tạm trú khi có sự đồng ý của chủ nhà vào Điều 28 dự thảo Luật.

  Khoản 1 Điều 28 Người đến sinh sống tại một chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc mục đích khác trên 30 ngày thì phải đăng ký tạm trú”;

  Điểm c khoản 1 Điều 30 “Vắng mặt tại nơi tạm trí từ 06 tháng liên tục trở lên mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào;”;

  Điểm d khoản 1 Điều 32 Công dân đi khỏi địa bàn đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú hoặc xuất cảnh ra nước ngoài”. 

  Có ý kiến cho rằng các quy định này không áp dụng với các chủ thể đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý mà có chỗ ở hợp pháp thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã dưới hình thức thường trú, tạm trú nhưng đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đề nghị  bổ sung vào sau khoản 1 Điều 28; điểm c khoản 1 Điều 30 và điểm d khoản 1 Điều 32 nội dung “… trừ các đối tượng thuộc lực lượng Quân đội, Công an nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và các lực lượng khác trong thời gian tập trung huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”. 

13- Về khai báo tạm vắng (Điều 32)

  – Điểm c khoản 1:

  + Có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian còn 01 tháng trở lên để đảm bảo công tác nắm thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự vắng mặt tại địa phương.

  + Điểm c khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Công dân trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện nơi cư trú từ trên 10 ngày liên tục trở lên”. 

  Quy định như vậy giúp địa phương nơi đang cư trú biết, theo dõi và quản lý chặt chẽ những công dân trên, để kịp thời thông báo đến công dân khi có lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi khám sức khỏe, lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên…; nếu để 03 tháng liên tục trở lên mới khai báo tạm vắng thì không phù hợp vì thời gian quá lâu, nhiều đối tượng sẽ không đến khai báo dẫn đến không đảm bảo chỉ tiêu tuyển chọn, huy động khi có lệnh.          

– Điểm d khoản 1: có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian còn 01 tháng trở lên nhằm thuận lợi việc rà soát cập nhật di biến động nhân khẩu và phát hiện đối tượng có tiền án, tiền sự.

14- Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú (Điều 33)

  Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 33 quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an (là Bộ chủ trì) trong thực hiện công tác quản lý cư trú đối với các đối tượng trong lực lượng Quân đội, Công an nhân dân, các đối tượng thuộc lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và các lực lượng khác trong thời gian tập trung huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; quản lý hoạt động cư trú và xử lý vi phạm ở khu vực biên giới. 

          Điểm d khoản 4: có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” để thống nhất với nội dung tại điểm g khoản 2 Điều 33: “Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú

15- Về điều khoản thi hành (Điều 39)

            Khoản 3:

          – Có ý kiến cho rằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng nhưng những thông tin của các thành viên trong Sổ vẫn còn giá trị pháp lý và là cơ sở để các cơ quan quản lý tham khảo, cập nhật dữ liệu. Có 2 ý kiến chọn  Phương án 2:Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành”.

          – Hầu hết các ý kiến cho chọn Phương án 1. Phương này tạo thuận lợi cho công dân và cơ quan có thẩm quyền trong thời gian chuyển tiếp (vì theo Phương án 1 Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú được dùng đến 31/12/2022, nhưng theo phương án 2 thì các loại sổ này không có giá trị sử dụng kể từ ngày 01/7/2021, là ngày Luật có hiệu lực).