Tổng hợp các loại biển báo giao thông đường bộ
Hệ thống biển báo hiệu đường bộ ở nước ta có đến hàng trăm loại biển, được chia làm 06 nhóm. Ngoài ra, cũng có thể tạm xếp thêm 02 nhóm nữa là: nhóm biển dành cho đường cao tốc và nhóm biển mới theo hiệp định GMS. Trong bài viết này, Sài Gòn ATN sẽ tổng hợp các loại biển báo giao thông đường bộ đang có hiệu lực để giúp bạn có thể nắm rõ hơn về hệ thống báo hiệu nước ta.
1. Nhóm biển báo cấm
Gồm có 40 biển, được đánh số từ 101 đến 140, là loại biển thông báo các điều bị cấm. Người lái xe không được phép làm trái với nội dung nêu trên biển. Những trường hợp không chấp hành đều được xem là vi phạm luật và sẽ bị xử phạt. Biển báo cấm có hình tròn, nền trắng, viền đỏ. Nội dung biểu thị trên biển báo màu đen. Trừ một số biển ngoại lệ như:
– Biển cấm đi ngược chiều: Nền đỏ, hình vẽ màu trắng.
– Biển cấm dừng và đỗ xe, cấm đỗ xe: Nền xanh, viền đỏ.
– Biển cấm đỗ xe ngày lẻ, cấm đỗ xe ngày chẵn: Viền đỏ, nền xanh, hình vẽ màu trắng.
– Biển báo hết cấm vượt, hết tất cả lệnh cấm, hết hạn chế tốc độ tối đa: Nền trắng, viền xanh, nội dung biểu thị màu đen.
2. Nhóm biển báo nguy hiểm
Có tổng cộng 46 loại, được đánh số từ 201 đến 246. Nhóm biển này có tác dụng cảnh báo với người tham gia giao thông những nguy hiểm có thể xảy ra ở phía trước. Giúp lái xe chú ý để chủ động phòng tránh.
Biển nguy hiểm hình tam giác, nền màu vàng, viền đỏ. Nội dung biểu thị bên trong biển màu đen. Ngoại trừ nhóm 05 biển báo hiệu đường sắt giao với đường bộ.
3. Nhóm biển báo hiệu lệnh
Gồm có 09 loại với tổng cộng 18 biển, được đánh số từ 301 đến 309. Biển báo hiệu lệnh thông báo các lệnh mà người lái xe phải chấp hành theo.
Nhóm biển báo an toàn giao thông này hình tròn, nền xanh và không có viền. Nội dung biểu thị trên biển màu trắng.
4. Nhóm biển báo chỉ dẫn
Hệ thống biển báo chỉ dẫn có 48 loại, được đánh số từ 401 đến 448. Loại biển này có tác dụng hướng dẫn những nội dung cần thiết, giúp người điều khiển phương tiện di chuyển thuận lợi hơn.
Phần lớn biển báo chỉ dẫn hình vuông hoặc chữ nhật. Nền biển báo màu xanh, không viền. Nội dung trên biển màu trắng. Ngoài ra, cũng có một số biển nền xanh lá hay vàng.
5. Nhóm biển báo phụ
Biển phụ có tất cả 10 loại, được đánh số từ 501 đến 510. Biển báo phụ dùng đặt bên dưới biển chính với tác dụng làm rõ thông tin của biển chính phía trên.
Loại biển này có hình vuông hoặc chữ nhật với nhiều kích thước khác nhau. Phần lớn là màu trắng, viền đen, nội dung bên trong màu đen. Một số ít biển màu đỏ hoặc xanh.
6. Vạch kẻ đường
Dù là loại vạch sơn trên mặt đường nhưng vạch kẻ đường cũng được xem là một loại biển báo đường bộ. Loại báo hiệu này có tổng cộng 23 kiểu, được đánh số từ 1.1 đến 1.23. Tác dụng của vạch đường là phân làn xe và chỉ hướng di chuyển của phương tiện.
Vạch kẻ đường được phân loại theo dạng nét liền, nét đứt hoặc vạch kẻ đứng, vạch nằm ngang. Vàng và trắng là hai màu sắc được sử dụng cho nhóm báo hiệu này.
7. Nhóm biển báo trên đường cao tốc
Bao gồm 16 loại, được đánh số từ 450 đến 466. Thực chất nhóm biển này cũng thuộc biển báo chỉ dẫn. Nhưng vì cao tốc là loại đường đặc biệt nên yêu cầu dành cho các biển trên cao tốc cũng khác biệt so với biển báo đường đô thị.
Cụ thể, biển chỉ dẫn trên cao tốc có hình vuông hoặc chữ nhật với nhiều kích cỡ khác nhau. Phần lớn biển có nền xanh lá, viền và nội dung màu trắng. Một số loại có nền vàng hay xanh đậm.
8. Nhóm biển báo theo hiệp định GMS
Hiệp định GMS được ký kết bởi các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Bao gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc. Mục đích là tạo ra hệ thống vận tải xuyên quốc gia giữa những nước này. Các biển báo mới trong hiệp định GMS chỉ được sử dụng cho những tuyến đường đối ngoại.
Trên đây là các loại biển báo giao thông đường bộ hiện hành Công ty Sài Gòn ATN tổng hợp và chia sẻ với các bạn. Hi vọng rằng sau khi tham khảo bài viết, bạn sẽ hiểu rõ hơn về các nhóm biển báo và chú ý thực hiện đúng khi bắt gặp trên đường.
Tham khảo thêm: Các loại biển báo đặt trước ngã ba, ngã tư