Tổng hợp các khái niệm trong Marketing Online năm 2018
Mục Lục
Tổng hợp các khái niệm trong Marketing Online năm 2018
Tham khảo các dịch vụ thiết kế website, dịch vụ SEO, lập trình web-app, cắt HTML và lập trình di động
Một trong số những bài Blog của chúng tôi đã đưa ra gợi ý về 7 kênh bán hàng Online hiệu quả. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục ôn lại cũng như làm quen với nhiều thuật ngữ cả quen cả lạ trong Digital Marketing. Một trong số chúng có thể các bạn vẫn đang sử dụng hằng ngày và cũng có thể một số chưa từng được nghe nói đến.
Hãy nhớ lại những lần mà bạn đọc bài trên website tin tức chuyên về Marketing, có bao giờ bạn bị “mắc nghẹn” hay “đứt quãng” vì từ chuyên ngành. Hẳn nhiên là không chỉ trong Marketing mà mỗi ngành sẽ có một danh sách không ngắn những thuật ngữ chuyên ngành từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ hiểu đến sâu xa. Những thuật ngữ ấy sẽ không được dạy tất cả trên giảng đường, cũng không gặp mặt bạn mỗi ngày trong công việc. Thỉnh thoảng chúng sẽ xuất hiện trong một số bài viết chuyên ngành, nhất là những bài mang tính bình luận, phân tích. Việc tiêu hóa những từ đó còn khó hơn nhiều so với đọc cả bài viết. Đôi khi thời gian đọc bài viết chỉ đâu đó chừng 15 phút nhưng trước đó bạn cũng dành cả 90 phút cho việc tra thuật ngữ. Biết là khó khăn đến vậy nhưng vẫn phải tra. Đơn giản là vì không gặp chúng bây giờ bạn cũng sẽ gặp chúng trong một dịp bất ngờ nào đó. Thế nên cố gắng chút xíu sẽ cho bạn sự thoải mái sau này.
Vấn đề lớn nhất hiện nay đối với bạn và một số người có cùng nỗi niềm là cần một nơi để tập hợp tất cả những thuật ngữ này lại. Sau đó chỉ cần “Bookmark” trang web, mỗi khi vướng phải từ nào bạn có thể tra lại một cách dễ dàng. Và bài viết này ra đời với lý do như vậy, cung cấp cho bạn một phần trong cuốn bách khoa thuật ngữ chuyên ngành Digital Marketing, nơi bạn có thể lưu lại và để dành cho công việc của mình.
Digital Marketing Và Online Marketing
Trong Marketing hiện đại, bạn chắc chắn được tiếp xúc nhiều với hai thuật ngữ quan trọng là Digital Marketing và Marketing Online. Xét trên một vài khía cạnh, hai thuật ngữ này có nhiều nét tương đồng về nghĩa, cùng chỉ những hoạt động Marketing Online. Tuy nhiên, thực chất chúng hoàn toàn dùng để chỉ những khái niệm Marketing khác nhau. Digital Marketing là thuật ngữ bao hàm cả Online Marketing.
Online Marketing là gì?
Bạn sẽ rất dễ dàng để tra được khái niệm của từ Online Marketing trên Google. Một cách học thuật, Online Marketing hay Tiếp thị trực tuyến chỉ việc sử dụng tất cả những công cụ và phương pháp mạnh mẽ để quảng bá sản phẩm/ dịch vụ của mình trên môi trường Internet. Tiếp thị trực tuyến bao gồm các yếu tố tiếp thị rộng hơn rất nhiều so với tiếp thị kinh doanh truyền thống do các kênh bổ sung và cơ chế tiếp thị mới sẵn có trên Internet.
Một cách bình dân hơn, bạn có thể liên tưởng tất cả những gì bạn có thể làm được trên Internet để truyền thông, quảng bá sản phẩm thì đó là một phần của Marketing Online. Bản thân tôi thấy khái niệm chỉ làm chúng ta có thể tóm gọn lại các ý chính của một vấn đề mà thôi. Ý nghĩa thật sự nằm ở việc bạn thực hiện và phối hợp các phương pháp như thế nào cho hiệu quả nhất. Mấu chốt của Online Marketing chính là Internet.
Một số công cụ Online Marketing phổ biến nhất hiện nay là: Advertising Network (Mạng quảng cáo trực tuyến), Search Marketing (Quảng cáo tìm kiếm), Social Media Marketing (Quảng cáo trên mạng xã hội), Buzz Marketing (Tiếp thị tin đồn), Email Marketing (Tiếp thị qua Email), … Tất cả sẽ được giải thích trong phần lý giải thuật ngữ bên dưới.
Digital Marketing là gì?
Trong khi Online Marketing gắn liền với Internet thì Digital vẫn có thể hoạt động trong trạng thái Offline. Muốn hiểu rõ thuật ngữ này, bạn đơn giản chỉ cần hiểu Digital là gì. Theo từ điển Anh Việt, Digital có nghĩa là Kỹ thuật số. Vậy thì tất cả những phương pháp tiếp thị, quảng cáo có liên quan hoặc sử dụng trực tiếp các phương tiện kỹ thuật số sẽ được xem là một hình thức của Digital Marketing. Vậy thì Digital Marketing sẽ bao gồm Online Marketing và các công cụ của nó cùng với SMS Marketing (Tiếp thị qua tin nhắn), TV/ Radio, LCD/ Banner.
Trong hoạt động của Digital Marketing bạn sẽ được tiếp xúc với một rừng những khái niệm khác nhau.
Thuật ngữ chuyên ngành Digital Marketing
Dưới đây không chỉ là khái niệm mà Mona còn muốn mở ra cho bạn một phần nhỏ kiến thức có liên quan đến từng thuật ngữ, giúp bạn có những hiểu biết nhất định về thuật ngữ và vị tri của nó trong ngành Marketing hiện đại.
Thuật ngữ chung
Advertising: Quảng cáo
Brand: thương hiệu
Business: việc kinh doanh
Strategy: Chiến lược
Plan: Kế hoạch
Banner
Là một loại ảnh đồ họa động hoặc tĩnh được thiết kế và cài đặt trên website thực hiện nhiệm vụ chính là quảng cáo sản phẩm/ dịch vụ. Thỉnh thoảng, nhiệm vụ thứ hai là liên kết backlink về trang chủ cùa người đặt banner.
Content – Content Marketing: Nội dung tiếp thị
Nội dung trên website không chỉ được thể hiện bằng Text mà có thể bằng nhiều hình thức khác như video clip, hình ảnh, Infographic, ảnh động,… Nhiệm vụ của Content là truyền đạt thông điệp mà người bán, doanh nghiệp muốn gửi đến khách hàng của mình.
Affiliate Marketing
Affiliate Marketing là một dạng khác của đại lý tiếp thị. Nếu bạn có quan tâm về bất động sản sẽ biết về “cò đất”. Đó là những người dù không có đất, cũng không có tiền (dành để mua bất động sản) nhưng vai trò của “cò đất” cực kỳ quan trọng. Anh ta là sợi dây kết nổi giữa người bán và người mua, giữa nhà đầu tư và đơn vị chủ quản. Chính “cò đất” là người mang khách hàng về cho các công ty bất động sản, cũng chính “cò đất” là người chăm sóc và duy trì lượng khách hàng cho công ty. Trong đó lợi ích mà anh ta nhận được là khoản hoa hồng (thường là từ cả hai phía). Liên tưởng đến Affiliate Marketing cũng tương tư như vậy, chỉ khác là cách thức hoạt động. Thay vì “cò đất” sẽ chạy lăng quăng thì người chuyên làm Affiliate chỉ cần ngồi ở một nơi có mạng bất kỳ và xây dựng hệ thống cho mình, hoàn toàn trực tuyến.
Affiliate kiếm tiền như thế nào
Sẽ có nhiều cách tính tiền khác nhau cho mỗi cuộc hợp tác giữa người làm Affiliate với đối tác của mình. Nhưng tất cả thống nhất với 4 cách tính hoa hồng như sau:
PPC – Pay Per Click
Trả trên 1 lần nhấp. Cụ thể là bạn sẽ nhận được hoa hồng khi người dùng từ website của bạn truy cập vào website của đối tác (người bán).
PPL – Pay Per Lead
Hoa hồng sẽ được trả khi khách hàng điền thông tin vào biểu mẫu hoặc đơn hàng của đối tác
PPS – Pay Per Sale
Hình thức trả hoa hồng khi khách hàng mua hàng của website (dựa trên % doanh thu)
PPI – Pay Per Install
Hoa hồng sẽ được trả khi khách hàng cài đặt xong một ứng dụng từ website của bạn.
Như vậy, tùy theo khách hàng, tùy theo sản phẩm liên kết mà các công ty sẽ áp dụng chính sách hoa hồng khác nhau. Số lượng doanh thu như thế nào sẽ tùy thuộc vào cách bạn xây dựng và vận hành hệ thống Affiliate của mình.
Hình thức hoạt động của Affiliate
Có nhiều cách để bạn xây dựng hệ thống Affiliate cho mình. Nhưng hai cách điển hình nhất mà các bạn trẻ thường xuyên xây dựng và đã có thành công là thiết kế và phát triển website và xây dựng kênh Youtube của mình.
Nói qua một chút nữa về Affiliate, thì đây là hình thức Online Marketing được học hỏi từ nước ngoài, nhưng khi về đến Việt Nam, trong môi trường phát triển mặc dù còn khá mới mẻ nhưng đầy thuận lợi như thế này, rất nhiều bạn đã thành công. Nhiều website không chỉ trở thành cầu nối giữa khách hàng và người bán mà còn trở thành kênh thông tin đáng tin cậy cho người dùng của mình. Nếu bạn có thể xây dựng website của mình được như vậy, đảm bảo thời gian về sau là lúc để bạn thả lỏng và tận hưởng, không cần phải chạy đôn, chạy đáo như bọn đa cấp.
- Về Affiliate kiếm tiền Online bằng cách xây dựng website
Chủ yếu blog là hình thức website được xây dựng nhiều nhất. Bằng cách nắm tận dụng thứ vốn có của bản thân cùng quá trình nghiên cứu thật tốt nhu cầu của khách hàng, bạn có thể nhanh chóng hoàn thiện hệ thống web-blog của mình. Khi website hoạt động ổn định với lượng người truy cập tương đối, đó là khi bạn tìm kiếm cơ hội liên kết và phát triển cho website của mình. Bạn biết về Code, hãy lập một website chuyên chia sẻ kinh nghiệp lập trình của mình, hoặc kinh nghiệm thiết kế website WordPress. Bạn biết về nấu ăn sẽ tập trung viết Blog chia sẻ công thức nấu ăn độc đáo với cách trình bày thật “art” sẽ thu hút sự quan tâm của rất nhiều cô gái. Ý tưởng để phát triển website đôi khi đơn giản vậy thôi mà có thể đem về một doanh thu khủng cho rất nhiều người.
Công cụ quan trọng nhất cho hình thức này là SEO. Và thời gian chờ để bắt đầu có doanh thu ít nhất là 6 tháng. Trong trường hợp bạn chưa có kỹ năng về SEO, đừng lo lắng vì nó sẽ không đến sớm trước 6 tháng, bạn nên chuẩn bị tinh thần và cố gắng kiên trì vì thời gian có thể kéo dài từ 1 đến 2 năm. Nhưng bù lại, sau khi hệ thống đã ổn định, doanh thu nhận được là mãi mãi, chỉ cần bạn vẫn giữ vững phong độ của mình.
- Về Affiliate kiếm tiền bằng video clip
Hình thức này có yêu cầu cao hơn so với làm trên website. Vì không đơn giản rằng bạn chỉ có ý tưởng mà thôi, bạn còn phải có kỹ năng để biến ý tưởng đó thành những đoạn Clip có ý nghĩa và có sức hút. Vì chỉ khi có khán giả thì tỷ lệ thành công mới cao.
Nói qua một chút về Affiliate không thể không nói về khả năng kiếm tiền từ hình thức này. Affiliate được xem là công cụ kiếm tiền Online hấp dẫn nhất hiện nay mặc dầu để đầu tư cho nó là cả một khoảng thời gian thật dài và không ít lần “nếm mật nằm gai” chờ ngày thu trái ngọt.
Theo cách thức hoạt động như trên bạn sẽ thấy có rất nhiều bạn trẻ tham gia vào mạng liên kết này. Nguyên nhân là vì họ có cơ hội được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm và cách tiếp cận vận đề cũng mới mẻ hơn rất nhiều. Nắm bắt lợi thế này mà bạn đã thành công với hệ thống Affiliate của mình. Có thể kể đến ở đây như Thạch Phạm, Thế Khương, Ninh Đồn,…
Để hiểu chi tiết hơn về Affiliate, bạn có thể tham khảo bài viết kiếm tiền với Affiliate của Mona.
Quảng cáo với Google
Từ vai trò là trang tìm kiếm lớn nhất hành tinh, nay Google trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của nhiều chiến lược gia về Online Marketing trên thế giới. Mọi nhất cử nhất động của Google có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sự tồn vong của hàng ngàn doanh nghiệp. Nếu không tin, bạn hãy cứ tìm hiểu các thuật ngữ dưới đây sẽ rõ.
SEO – Search Engine Optimization
Nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm mà đối tượng được tối ưu ở đây chính là website của bạn. Nói đến Marketing trên Google không thể không nhắc đến thuật ngữ này.
Thật ra hiện nay trên thế giới có rất nhiều trang tìm kiếm được cung cấp bởi những đại gia trong mảng công nghệ như Bing của Microsoft, Yahoo bây giờ của Virizon, Yandex (Nga), Baidu (Trung Quốc), … nhưng chỉ có mỗi Google là ưu tú nhất trong số đó, hướng đến người dùng nhất cũng như luôn cập nhật và phát triển nhất.
Để tối ưu website trên các công cụ tìm kiếm thì điều đầu tiên nhất bạn phải có là một hệ thống website chuyên nghiệp với cấu hình SEO đúng chuẩn. Sau đó là một chuyên viên SEO có đủ khả năng và kinh nghiệp để tối ưu và dần dần thăng hạng của website trên các trang tìm kiếm của Google.
Trong tất cả các khoản chi ngân sách Marketing thì chi phí dành cho SEO được xem là hấp dẫn nhất. Lý do là bởi vì chi phí thấp mà lợi nhuận cao. Đối với những website mới, bạn sẽ mất từ 6 tháng đến một năm để tối ưu thành công website, đưa website lên top một bằng từ khóa chính. Kể từ đó về sau, nhiệm vụ của người quản lý chỉ là duy trì và phát triển các chiến dịch truyền thông mới mà thôi.
Những hiểu lầm về SEO
Khi SEO bắt đầu được nhiều người biết đến về những lợi ích của nó thì rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp đổ xô vào tối ưu website của mình. Tình trạng này dẫn đến sự ra đời của các dịch vụ hỗ trợ trung gian và những lan truyền sai lệch để thu lợi nhuận về mình nhiều hơn. Vì nếu hiểu lầm càng nhiều tỷ lệ khách hàng đến với các dịch vụ SEO càng nhiều.
Một trong những hiểu lầm tai hại về SEO là MIỄN PHÍ. Nhiều bài viết cho rằng SEO là công cụ Online Marketing miễn phí mà hiệu quả nhất. Điều đó hoàn toàn không đúng. Đồng ý rằng bạn sẽ không phải trả phí cho Google để được đứng ở số 1, số 2 trên trang tìm kiếm như Google Adwords, nhưng bạn phải trả rất nhiều phí cho khâu hậu càn, chuẩn bị. Chỉ có điều chi phí đó sao với những công cụ còn lại nhỏ hơn nhiều.
Một trong những khoản phí mà doanh nghiệp phải chi ra cho bộ phận SEO là bộ công cụ kiểm tra quản lý. Làm SEO bạn không thể không sử dụng công cụ theo dõi website và tình hình phát triển. Công cụ này cho phép bạn biết được website vẫn còn hạn chế ở những chỗ nào, cần tối ưu ở đâu, ở đâu hoàn thiện; Công cụ cho bạn biết từ khóa nào đang “hot”, từ khóa nào trên website “ăn điểm” nhất; công cụ cho bạn biết số lượng Back link, chất lượng Back link; ngoài ra còn cho phép bạn theo dõi đối thủ cực kỳ sát sao,… Tùy doanh nghiệp và bộ công cụ được sử dụng mà chi phí sẽ khác nhau.
Hiểu lầm thứ hai cũng rất quan trọng là TỪ KHÓA. Không phải cứ hễ từ khóa lên “Top 1” nghĩa là đã thành công. Có rất nhiều loại từ khóa: từ khóa chính, từ khóa phụ, từ khóa dài, từ khóa ngắn,… Từ khóa chính là từ khóa mà người dùng thường tra cứu trong ngành, từ khóa dài thường chỉ ra nhu cầu thật sự của khách hàng. Từ khóa ngắn chỉ sự tổng quát, từ khóa càng dài càng chi tiết. Tuy nhiên, làm thế nào để biết đâu là từ khóa ngắn, đâu là từ khóa phụ, đâu là từ khóa ngắn không nên dùng, đâu là từ khóa dài nhưng có sức mạnh. Có những từ khóa rất hiếm được tìm kiếm. Những từ này không cần làm SEO cũng có thể lên top. Và tất nhiên, nó chẳng đem lại giá trị gì, vì gãy không đúng chỗ ngứa của khách hàng. Xu hướng liên tục thay đổi và cách người dùng tìm kiếm từ khóa cũng vậy. Phải làm sao để chọn từ khóa “hợp thời” nhất mới là điều đáng chú ý. Nói tóm lại, chọn từ khóa không phải là điều đơn giản, bạn cần phải cân nhắc thật kỹ đồng thời, có sự phối hợp với nhiều công cụ khác để nâng cao tối ưu hiệu quả cuối cùng.
Trớ trêu thay rất nhiều người dù đã là chuyên gia SEO nhưng vẫn không hiểu hoặc cố tình quên đi sự thật này, gián tiếp gây ra sự lãng phí cho doanh nghiệp vì chi tiền không đem lại giá trị.
Gợi ý một số bộ công cụ hữu ích dành cho SEO
Người làm SEO cần có rất nhiều công cụ như tôi đã trình bày ở trên. Dưới đây là những công cụ quan trọng và công dụng của nó:
- Trọn bộ quản lý website của Google: Google Keyword Planner, Google Analytics, Google Webmaster Tools,…
Phần lớn bạn có thể sử dụng những công cụ này hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, một vài trong số đó bạn phải trả phí mới nhận được giá trị thật sự quan trọng. Nhất là số lần tìm kiếm cho một từ khóa, muốn chính xác, bạn cần phải đang chạy một chiến dịch Adword chẳng hạn.
- Ahref – Công cụ kiểm tra Backlink sang chảnh nhất và tương xứng với lợi ích cuối cùng
Ahref.com chỉ cho phép bạn sử dụng “Free” trong vòng 7 ngày với địa chỉ Email mới. Sau đó bạn bắt buộc phải trả phí, không trả phí thì không làm được gì cả. Chi phí sử dụng Ahref tương đối cao. Nhưng lý do Ahref vẫn được rất nhiều anh/ em làm SEO yêu thích bởi tính chính xác cũng như những tiện ích từ nó.
- Trọn bộ Serps.com
Cũng giống Google, Serps cung là tập hợp toàn bộ công cụ hỗ trợ SEO tối ưu trên mọi mặt từ backlink, từ khóa, thứ hạng, đối thủ,…
- Moz – Bộ công cụ SEO tổng hợp
- SEOQuake: Cung cấp tất cả những thông tin cần thiết về tính tối ưu của một website
Những lưu ý khi làm SEO
Ở thời điểm SEO đã trở thành phong trào, việc làm SEO không còn đơn giản như trước đây nữa. Bạn không chỉ tập trung vào mỗi việc xây dựng và phát triển backlink mà còn cần phải coi trọng chất lượng nội dung trên website. Chính người dùng mới là yếu tố quyết định chất lượng của website, mà chất lượng của nội dung mới là yếu tố làm lay động người dùng. Một số người làm SEO hiện nay vẫn cứ chăm chăm đi xây dựng backlink thì rồi website vẫn lên “top 1, top 2”. Tuy nhiên khách hàng sẽ không ở lại với họ. Truy cập web chẳng nhận được giá trị thì họ cũng chẳng cần phải ở lâu. Để làm gì? Trong khi đó, nếu nội dung hữu ích, có thể bây giờ chưa cần sử dụng sản phẩm của bạn, nhưng tương lai ấn tượng tốt sẽ kéo họ về với sản phẩm/ dịch vụ của bạn, trở thành khách hàng của doanh nghiệp bạn.
SEO so với Google Adwords thì mỗi hình thức sẽ có mặt lợi và mặc hai riêng. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy là Google Adwords sẽ mang về lợi ích trước mắt còn SEO chính là hướng đi dài hơi của mọi doanh nghiệp ngày nay trên thị trường Online.
Adworkds hay Google Adwords
Google bản thân nó là trang tìm kiếm. Cỗ máy của Google chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tổng hợp tất cả các website trên thế giới và sử dụng thuật toán của mình để trả về kết quả tìm kiếm đúng nhất với mong muốn của người dùng. Chính vì sự thuận tiện tự thân của mình mà từ Google đã phát triển thêm một loại hình Marketing Online mới và cực kỳ hiệu quả cho đến ngày nay là Google Adwords. Google Adwords là hình thức quảng cáo mà Google cho phép các nhà quảng lý đặt quảng cáo của mình trên trang kết quả tìm kiếm. Vị trí hấp dẫn độc tôn nhất của quảng cáo Google là top 5 dòng hiển thị đầu tiên trên trang tìm kiếm.
Hình thức quảng cáo này được Google tính phí dựa trên tỷ lệ nhấp chuột của người dùng. Cách tính phí cụ thể sẽ dựa vào từ khóa và ngành nghề mà người quản lý đang thực hiện quảng cáo.
Analytics – Google Analytics
Đây là một bộ công cụ phân tích Marketing cực kỳ hiệu quả dành cho nhà quản lý. Bất kỳ ai đang làm Online Marketing chuyên về website cũng phải sử dụng công cụ này. Chính nhờ Google có thể quản lý tất cả các website trên thế giới cũng như theo dõi người dùng của mình nên Analytics thừa hưởng tất cả những ưu thế trên. Nhà quản lý sử dụng Google Analytics sẽ có thể theo dõi tất cả các thông số về website của mình, lượt người truy cập, bài viết được truy cập nhiều, từ khóa có chất lượng tốt nhất,…
Chính nhờ những phân tích chi tiết cùng kết quả báo cáo chính xác mà nhà quản lý mới có tầm nhìn chiến lược và đưa ra những giải pháp Digital Marketing hiệu quả nhất.
Adsense – Google Adsense
Theo khái niệm thì Google Adsense là một hình thức quảng cáo mà những người sở hữu website sẽ tham gia vào một mạng lưới quảng cáo của Google. Hình thức của nó là cho phép đăng quảng cáo của Google trên website của mình, doanh thu nhận được bằng cách tính theo lượt click của người dùng vào quảng cáo từ website của mình.
Bạn có thể hiểu nó đơn giản như bạn cho phép một công ty và nhà và treo biển quảng cáo lên vậy. Hễ ai mà từ bảng quảng cáo ở nhà mình đến chính công ty đó mua hàng thì bạn sẽ nhận được một khoảng hoa hồng. Khách càng nhiều thì hoa hồng càng tăng.
Ad Network hay Advertising Network
Được hiểu là mạng lưới liên kết quảng cáo hay tổng hợp các liên kết quảng cáo. Công dụng quan trọng của loại hình quảng cáo này là người quản lý có thể cùng một lúc đăng quảng cáo trên rất nhiều website khác nhau nằm trong cùng một mạng liên kết.
Có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ Ad Network bao gồm một dịch vụ của Google là Adsense và nhiều đơn vị cung cấp hình thức tương tự như Admicro, Media.net, Adcash.com, …
Cách thức hoạt động của Ad Network là website của bạn cho phép hiển thị Banner quảng cáo của một đơn vị khác. Vị trí mà bạn thường thấy là banner ngang ở phía trên trang web, banner hình vuông thường nằm ở góc phải phía trên, banner dọc nằm hai bên trang web. Có rất nhiều doanh nghiệp đăng kí quảng cáo trên banner và họ sẽ phải đấu thầu để được hiển thị trên website của bạn.
Hoa hồng bạn nhận được thường dựa trên số lượt Click của khách hàng trên banner. Do đó, nếu website có số lượng truy cập lớn, khả năng nhận được nhiều hoa hồng càng cao.
Một lưu ý nhỏ cho hình thức này là bạn phải lưu ý khi lựa chọn đối tác liên kết.