Tổng hợp 5 mẫu mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh hay nhất
Hoàn thành tốt mục tiêu nghề nghiệp trong CV dành cho nhân viên kinh doanh là một cách để bạn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Vậy làm thế nào để viết mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh ấn tượng? Tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh có vai trò như thế nào?
Tăng xác suất vượt qua vòng loại hồ sơ xin việc
Thông thường mục tiêu nghề nghiệp sẽ được đặt ở phần đầu của CV nhằm gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng khi họ “lướt qua” CV của từng ứng viên. Nhà tuyển dụng không chỉ mong muốn nhìn thấy chuyên môn, động lực, mà còn nhiều hơn nữa ở các ứng viên tiềm năng.
Mục tiêu nghề nghiệp ngắn gọn và thường đặt ở phần đầu CV
Một ứng viên thông minh sẽ biết cách thể hiện các giá trị của bản thân ngay trong mục tiêu nghề nghiệp và sử dụng những giá trị đó làm công cụ tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Trên thực tế cách viết CV của mỗi ứng viên có thể nói lên nhiều điều về họ.
Mặt khác, trong mỗi kỳ tuyển dụng, nhà tuyển dụng luôn phải làm việc với rất nhiều hồ sơ và nhiều người thường sử dụng mục tiêu nghề nghiệp để chọn lọc ra những hồ sơ đạt đủ điều kiện. Mục tiêu nghề nghiệp ngắn gọn và ấn tượng chính là chìa khóa giúp ứng viên bước qua cánh cửa đầu tiên này.
Tóm lại, trong phần mục tiêu nghề nghiệp của nhân viên kinh doanh, bạn cần cho nhà tuyển dụng biết được mình “có” những gì và bạn có thể đóng góp được những gì nếu trúng tuyển.
Ứng viên cần chứng minh được mình phù hợp với tiêu chí tuyển dụng
Giúp ứng viên nhìn nhận lại con đường phát triển của bản thân
Có không ít các bạn ứng viên tỏ ra khá “lười” khi viết mục tiêu nghề nghiệp. Nguyên nhân là bởi các bạn chưa ý thức được tầm quan trọng của phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc.
Một nguyên nhân khác nữa đó là các bạn chưa thực sự quan tâm đến con đường phát triển của bản thân. Bạn chưa biết mình mong muốn đạt được điều gì khi ứng tuyển công việc nhân viên kinh doanh.
Để viết tốt phần mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần tìm hiểu về công ty và có những nhìn nhận tổng quát hơn về vị trí nhân viên kinh doanh. Đó cũng chính là lúc bạn xác định được con đường của bản thân và biết được bạn đang có những gì, bạn thiếu sót điều gì và bạn mong muốn có được những gì trong tương lai.
Suy nghĩ về những điều trên giúp bạn hiểu rõ được vị thế, điểm mạnh điểm yếu của bản thân. Từ đó, bạn không chỉ viết CV tốt hơn mà còn xây dựng được tâm lý tự tin nếu được mời phỏng vấn.
Hiểu rõ mục tiêu nghề nghiệp giúp bạn tự tin hơn nếu được mời phỏng vấn
Bí quyết gây ấn tượng với mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh
Cần có chiến lược hợp lý
Mục tiêu nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong CV nhân viên kinh doanh. Bạn cần viết cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngắn gọn nhưng vẫn phải cung cấp đủ những thông tin mà nhà tuyển dụng mong muốn.
Để làm được điều này bạn cần có một chiến lược viết hợp lý để biến phần mục tiêu nghề nghiệp trở thành lời chào đầu ấn tượng và khiến nhà tuyển dụng cảm thấy đủ hứng thủ để tiếp tục theo dõi CV của bạn.
Hãy khởi đầu với một vài nét nổi bật về tính cách nhằm tạo cảm hứng cho nhà tuyển dụng và làm tiền đề cho những giá trị khác sẽ được liệt kê sau đó. Lưu ý là chỉ nên liệt kê ra ưu điểm liên quan đến công việc bán hàng thôi nhé!
Mục tiêu nghề nghiệp tốt sẽ khơi gợi được hứng thú với CV của ứng viên
Tiếp theo, hãy đề cập đến thế mạnh về kinh nghiệm làm việc của bạn nếu có. Nếu bạn mới chỉ bước chân vào ngành bán hàng hoặc là sinh viên mới ra trường thì hãy cố gắng đề cập đến những kinh nghiệm có thể bổ trợ cho công việc bán hàng hoặc tối thiểu là kinh nghiệm đi thực tập.
Nguyên tắc chung khi viết mục tiêu nghề nghiệp cho mọi ngành nghề nói chung và mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh nói riêng đó là ngắn gọn và có sức truyền cảm hứng cho nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, đừng quên rằng thành tích cũng là một tiền đề giúp bạn “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. Thành tích thể hiện được giá trị của ứng viên và là cơ sở để nhà tuyển dụng mong chờ những cống hiến trong tương lai của ứng viên nếu họ được lựa chọn.
Hãy nói với nhà tuyển dụng rằng bạn có thể làm tốt công việc
Trong phần trước, chúng ta đã đề cập đến những thành tích trong công việc như một tiền đề để ứng viên tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, kỹ năng cá nhân, đặc biệt là những kỹ năng phục vụ trực tiếp cho công việc nhân viên kinh doanh, cũng sẽ là công cụ giúp CV của ứng viên có sức thuyết phục cao hơn.
Hãy khẳng định rằng bạn có thể làm tốt công việc
Bạn có thể sử dụng một vài tính cách hoặc kỹ năng “đắt giá” để tạo ấn tượng tốt ngay từ phần mở đầu mục tiêu nghề nghiệp, chẳng hạn như nhiệt huyết, có khả năng đàm phán tốt,…
Nếu muốn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng kỹ năng cá nhân, bạn cần đảm bảo mình sẽ đưa ra đúng những kỹ năng mà nhà tuyển dụng muốn thấy ở một ứng viên tiềm năng.
Hãy đọc kỹ tin tuyển dụng để xác định xem công việc bạn ứng tuyển có đặc biệt yêu cầu một kỹ năng nào đó hay không. Để đảm bảo ngắn gọn, bạn chỉ nên liệt kê ra một hoặc hai kỹ năng tốt nhất của bản thân.
Sau đây là một vài gợi ý về những kỹ năng được nhà tuyển dụng đánh giá cao và bạn có thể sử dụng khi viết mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh:
- Tư duy phản biện, có khả năng phân tích và tổng hợp vấn đề.
- Kỹ năng xây dựng và phân tích báo cáo.
- Kỹ năng đàm phán và thuyết phục.
- Kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề.
- Thành thạo tin học văn phòng, kỹ năng sử dụng máy tính tốt.
- …
Ngoài ra, nếu như công việc cần làm việc với đối tác là người nước ngoài thì khả năng ngoại ngữ hay khả năng xử lý tình huống linh hoạt… cũng sẽ là một điểm cộng tuyệt vời cho ứng viên.
Các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những ứng viên có kỹ năng tốt
Những sai lầm khi viết mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh
Như vậy, bạn đã tìm hiểu về tầm quan trọng của mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh và một số lưu ý để hoàn thành tốt phần này trong CV xin việc. Ngoài ra, để viết mục tiêu nghề nghiệp hay bạn cần tránh mắc phải một số sai lầm sau đây:
- Viết quá ngắn gọn, chỉ mang tính tổng quát, không nhắc đến kinh nghiệm, kỹ năng hoặc thành tích cá nhân cụ thể.
- Mục tiêu nghề nghiệp không có sự riêng biệt cho vị trí nhân viên kinh doanh, lạm dụng những cách diễn đạt phổ biến.
- Không chứng minh được bản thân phù hợp với văn hóa và môi trường làm việc của công ty, không đề cập đến tầm nhìn dài hạn của bản thân.
- Quá đề cao bản thân, không thể hiện được thái độ cầu thị, mục tiêu nghề nghiệp không được điều chỉnh để phù hợp với định hướng phát triển của công ty.
- Mục tiêu nghề nghiệp thiếu đi tính cụ thể, chẳng hạn như tăng trưởng trong doanh thu, mở rộng thị trường, mở rộng tệp khách hàng…
- Mục tiêu nghề nghiệp không có tính logic, xa vời thực tế và quá sức đối với kinh nghiệm, năng lực của bản thân.
Tóm lại, mục tiêu nghề nghiệp chính là công cụ giúp ứng viên thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và tạo ra ấn tượng ban đầu tích cực. Hãy đảm bảo rằng mục tiêu bạn đề ra phải bám sát thực tế và năng lực của bản thân.
Nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng với ứng viên thể hiện được giá trị của bản thân
>>> Tham khảo: Hướng dẫn từ A-Z cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn
Tổng hợp 5 mẫu mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh hay nhất
Mẫu 1
Mục tiêu nghề nghiệp cho nhân viên kinh doanh thời trang
Tôi có 4 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò nhân viên kinh doanh cho hãng thời trang. Tôi tự tin rằng với kinh nghiệm làm việc của mình, khả năng giao tiếp và nắm bắt tâm lý khách hàng, cùng với hiểu biết chuyên sâu trong ngành thời trang, tôi có thể đảm nhiệm tốt vai trò nhân viên kinh doanh tại công ty X, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong doanh số bán hàng.
Mẫu 2
Mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh cho sinh viên mới ra trường
Tôi tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành marketing tại trường đại học X. Tô cũng có thời gian thực tập 6 tháng trong vai trò nhân viên kinh doanh tại chuỗi cửa hàng A, mục tiêu ngắn hạn của tôi là làm sử dụng chuyên môn và những kỹ năng mình đã học được để làm tốt công việc của một nhân viên kinh doanh tại công ty S, mở rộng tệp khách hàng và doanh số trung bình hàng tháng.
Mẫu 3
Mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh cho người có kinh nghiệm và kỹ năng
Từng có 5 năm làm việc trong vai trò trưởng phòng kinh doanh cho hãng vật tư X, thành thạo nghiệp vụ xây dựng và phân tích báo cáo, kiểm soát doanh số và hiệu suất của nhân viên dưới quyền. Tôi tin rằng bản thân có thể đảm nhiệm tốt vai trò trưởng phòng kinh doanh tại tập đoàn trang sức S, giúp tập đoàn tăng cường sức cạnh tranh và bỏ xa doanh thu của các đối thủ.
Hãy đề cập đến những sự tăng trưởng khi viết mục tiêu nghề nghiệp
Mẫu 4
Mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh part-time cho sinh viên
Tôi là sinh viên năm 3 tại khoa chuyên ngành marketing thuộc trường đại học X. Tôi từng làm công việc nhân viên telesales part-time cho trung tâm ngoại ngữ ABC. Với kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân, tôi mong muốn được rèn luyện nhiều hơn trong môi trường làm việc chuyên nghiệp ở công ty S.
Mẫu 5
Mục tiêu dài hạn trong CV xin việc nhân viên kinh doanh
Tôi có nền tảng kiến thức về quy trình bán hàng, kỹ năng chốt sale và kỹ năng xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Mục tiêu của tôi là tìm kiếm một môi trường làm việc có tính thử thách, nơi tôi có thể phát huy kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân và đạt được hiệu quả tăng trưởng doanh thu rõ rệt. Trong vòng 5 năm tới, tôi mong muốn sẽ được cất nhắc lên vị trí trưởng phòng kinh doanh.
>>> Xem thêm: Làm thế nào để có mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng trong CV?
Như vậy, mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh cụ thể và rõ ràng chính là chìa khóa dẫn đến thành công khi ứng tuyển. Bạn cần thể hiện được tư duy của một nhân viên kinh doanh trong toàn bộ CV xin việc, đặc biệt là phần mục tiêu nghề nghiệp. Hãy nhớ rằng mục tiêu nghề nghiệp không chỉ là những dòng chữ viết trên giấy mà còn là động lực thúc đẩy bản thân vượt qua mọi thử thách. Tham khảo thêm cách viết mục tiêu nghề nghiệp các ngành nghề khác tại Blog TopCV nhé!