Tổng chủ biên từng nói gì về chương trình GDPT mới “đẻ” ra nhiều tổ hợp? – Giáo dục Việt Nam
Chương trình giáo dục phổ thông mới được bắt đầu triển khai từ năm học 2022 – 2023 tới đây đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12.
Ở cấp trung học phổ thông, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn theo: nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Như vậy, ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh phải chọn 5 môn từ 3 nhóm môn học và 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, điều lo lắng nhất hiện nay của các cơ sở giáo dục bậc trung học phổ thông là tổ chức học tự chọn cho học sinh như thế nào để đáp ứng nguyện vọng của các em mà không làm xáo trộn đội ngũ nhân lực hiện có.
Về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 từng trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng, ở cấp trung học phổ thông, chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở trung học cơ sở tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…).
Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.
Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Với băn khoăn nếu việc dạy học tự chọn ở cấp trung học phổ thông mà học sinh không được chọn môn học theo đúng nguyện vọng và năng lực của mình thì trách nhiệm thuộc về đâu? Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Sẽ khó tránh khỏi mâu thuẫn giữa mong muốn và khả năng đáp ứng của từng nhà trường. Mong muốn của người thiết kế chương trình là phân hóa triệt để nhưng thực tế không phải trường phổ thông nào cũng đáp ứng được như vậy. Do đó, quy định là nhà trường xây dựng tổ hợp môn học vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh, vừa phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường”.
Trả lời câu hỏi “với các môn học tự chọn bắt buộc, liệu học sinh có được thật sự tự chọn môn học theo năng lực, sở thích của mình hay phải tự chọn theo điều kiện dạy học của nhà trường như chương trình hiện hành?” thì Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc chương trình đưa ra những môn học tự chọn bắt buộc là một bước mới.
“Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều việc nên quy định sẵn tổ hợp các môn để học sinh tự chọn hay tự chọn từng môn? Sau đó chúng tôi đã đi đến thống nhất là nên để học sinh chọn từng môn sẽ tốt hơn với điều kiện phải chọn tối thiểu 3 trong số các môn tự chọn bắt buộc. Đổi mới giáo dục phổ thông là hình thành những con người tự chủ, tự học mà bây giờ có mỗi cái quyền quyết định học môn nào mà chúng ta cũng giành của các em thì không thể được”, ông Thuyết nhấn mạnh.
Với những môn học lần đầu xuất hiện ở cấp trung học phổ thông như: mỹ thuật, âm nhạc thì kế hoạch tuyển dụng và nguồn tuyển giáo viên những môn này ra sao. Giáo sư Thuyết trả lời: “Hiện nay cả nước có 2.700 trường trung học phổ thông, chỉ cần mỗi trường thêm một giáo viên mỹ thuật, một giáo viên âm nhạc thì chúng ta cần tối thiểu 5.400 giáo viên. Về nguồn tuyển, tôi cho rằng không phải lo. Hiện nay chúng ta có nhiều trường đại học đào tạo âm nhạc, mỹ thuật, khi cần giáo viên các môn này thì chúng ta có thể lấy từ đó”.
Cũng theo câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong bài viết đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi tháng 4/2017: “Để giảm tải chương trình và giúp học sinh lớp 11, 12 tập trung học những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình, chương trình mới dự kiến để học sinh tự chọn 5 môn học, không phân ban “cứng” thành các khối A, B, C.
Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông phải điều tra để trả lời các câu hỏi sau: Việc để học sinh tự chọn môn học có dẫn đến tình trạng học sinh đề xuất quá nhiều tổ hợp môn học mà nhà trường không xếp được thời khóa biểu không? Liệu có dẫn đến tình trạng giáo viên một số môn học thất nghiệp không? Chúng tôi đã điều tra ở 5 trường Trung học phổ thông ở Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định với gần 3.000 học sinh. Với số liệu điều tra đó thì có thể yên tâm phần nào…”.
Khó sắp xếp thời khóa biểu thì nên quy định cứng một số tổ hợp môn học, mỗi tổ hợp ứng với một nhóm ngành
Để giải thích rõ hơn những băn khoăn này, trong bài viết đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam năm 2016, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân tích rất cụ thể, rõ ràng.
“Người tự chọn định hướng nghề nghiệp và chọn những môn học phù hợp với định hướng đó đương nhiên là học sinh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo rằng học sinh ngay đầu cấp trung học phổ thôngchưa đủ độ chín để định hướng nghề nghiệp đúng sở trường và lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp đó.
Đồng thời, nếu thực hiện phân hóa sâu ngay từ đầu cấp, học sinh sẽ khó có khả năng chuyển sang định hướng khác một khi các em nhận thức lại. Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi, nên có một năm học “dự hướng”.
Cụ thể là ở lớp 10, học sinh vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn chương trình hiện hành. Trừ ba môn công cụ Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ.
Môn Giáo dục Thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn. Như vậy, số lượng các môn học ở mỗi học kỳ lớp 10 chỉ vào khoảng 6 hoặc 7 môn.
Có thể phương án này khiến một số nhà quản lý băn khoăn: Trong một học kỳ, những giáo viên không có giờ dạy ở lớp 10 sẽ làm gì?
Thắc mắc này xuất phát từ nề nếp phân công giáo viên theo khối lớp: giáo viên lớp 10 thì chỉ dạy lớp 10. Nhưng chúng ta có thể thay đổi cách phân công này; bởi vì các thầy cô được đào tạo ở trường sư phạm ra hoàn toàn có thể dạy cả 3 lớp 10, 11, 12.
Sau giai đoạn dự hướng, từ lớp 11 trở đi, học sinh cần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng về định hướng nghề nghiệp, chương trình giáo dục phổ thông sẽ phải bổ sung nhiều môn học hoặc nội dung học tập thuộc các lĩnh vực Công nghệ, Kinh tế, Tài chính, Nghệ thuật, Thể dục thể thao…
Theo tính toán của chúng tôi, mỗi học sinh chỉ cần chọn khoảng 5 môn học. Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, các em có thể chọn thêm những môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình…
Tuy vậy, cũng có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương án trên. Bởi vì nếu học sinh được hoàn toàn tự do lựa chọn môn học thì các tổ hợp môn học do các em tự “thiết kế” cho mình có thể rất đa dạng, khó cho các trường xếp thời khóa biểu.
Băn khoăn này là chính đáng, nhưng cũng cần có sự điều tra, khảo sát ở học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để biết thực tế diễn ra như thế nào.
Để giải quyết khó khăn này, có thể quy định sẵn trong chương trình một số tổ hợp môn học, mỗi tổ hợp ứng với một nhóm ngành.
Ví dụ những học sinh chọn định hướng khoa học xã hội sẽ phải chọn tối thiểu 3 môn trong tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và được chọn thêm 2 môn học khác (chẳng hạn, Ngoại ngữ, Âm nhạc).
Những học sinh chọn định hướng khoa học tự nhiên sẽ phải chọn tối thiểu 3 môn trong tổ hợp Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và 2 môn học khác (chẳng hạn Ngoại ngữ, Tin học).
Những học sinh chọn định hướng nghệ thuật sẽ phải chọn tối thiểu 3 môn trong tổ hợp thuộc nhóm ngành nghệ thuật và 2 môn học khác (chẳng hạn, Ngoại ngữ, Lịch sử)…
Phương án này chủ yếu để giải quyết khó khăn trong công tác quản lý. Nhược điểm của nó là hạn chế sự lựa chọn của học sinh.
Mặt khác, nếu các tổ hợp môn học bị quy định cứng trong chương trình thì chương trình giáo dục phổ thông khó theo kịp sự thay đổi nhanh chóng về nghề nghiệp và yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng và trường nghề.
Cũng có thể đưa ra một phương án trung hòa là chương trình cho phép học sinh được tự do lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp nhưng dành cho cơ sở giáo dục quyền xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở và địa phương mình.
Có một khó khăn chung cho cả ba phương án là không phải trường nào cũng có đủ giáo viên và cơ sở vật chất đáp ứng nguyện vọng học phân hóa rất đa dạng của học sinh.
Để khắc phục khó khăn này, cần tăng cường giáo viên các môn học và cơ sở vật chất cho các trường trên cơ sở khảo sát kỹ định hướng nghề nghiệp của học sinh địa phương.
Trong lúc chờ đợi thực hiện giải pháp căn cơ này, nhà trường có thể mời giáo viên từ các trường chuyên nghiệp tham gia giảng dạy hoặc cho phép học sinh theo học một số môn ở các trường chuyên nghiệp và những trường khác trên địa bàn có môn học phù hợp.
Việc cho phép học sinh theo học một số môn ở các trường chuyên nghiệp và những trường khác trên địa bàn có môn học phù hợp cũng là một biện pháp để giải quyết tình trạng số học sinh đăng ký học một số môn học quá ít, không đủ điều kiện tổ chức lớp.
Trong trường hợp bất khả kháng, một số trường có thể chỉ đáp ứng được nguyện vọng học phân hóa tối thiểu. Khả năng đáp ứng nguyện vọng phân hóa đa dạng có thể là một ưu thế của mỗi trường trong việc thu hút học sinh.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là một trường chỉ đáp ứng được nguyện vọng phân hóa tối thiểu sẽ không có sức hấp dẫn, nếu trường đó dạy tốt.
Trên thực tế sẽ hình thành những trường mạnh về đào tạo theo hướng phân hóa này và một số trường mạnh về đào tạo theo hướng phân hóa khác.
Xu hướng này sẽ dẫn đến khả năng hình thành những trường chuyên kiểu mới, không phải trường luyện học sinh giỏi để đi thi như bấy lâu nay, mà là những trường chuyên phục vụ một số định hướng nghề nghiệp nhất định.
Có một khó khăn không nhỏ nữa là việc tăng số môn học sẽ dẫn đến tăng giáo viên trung học phổ thông.
Để giải quyết khó khăn này, có thể tích hợp một số nội dung giáo dục về kinh tế, tài chính vào các môn học thích hợp như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ,…
Nhưng dù sao, khi mở ra hướng tự chọn các môn nghệ thuật, thể dục thể thao cho những học sinh có nguyện vọng theo đuổi những ngành nghề này, chắc chắn số giáo viên nghệ thuật, thể dục thể thao sẽ tăng.
Giáo viên trường công lập tăng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, lợi ích mà giải pháp này đem lại cho học sinh và cho nguồn nhân lực tương lai là rất lớn. Đối với một số ngành nghề, đây cũng là cơ hội để đến sớm hơn với lớp trẻ….”.
Tài liệu tham khảo:
https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4617
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-su-nguyen-minh-thuyet-doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-nen-bat-dau-tu-dau-post173030.gd
https://thanhnien.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-hoc-sinh-co-duoc-tuy-y-tu-chon-mon-post818234.html
https://thanhnien.vn/hoc-sinh-co-duoc-chon-mon-hoc-theo-so-thich-post656731.html
Hà Anh (tổng hợp)