Tổng Quan về Việt Nam

Tính đến ngày 14 tháng 4 năm 2022, Ngân hàng Thế giới đã cung cấp nguồn tài chính lên tới 25,27 tỷ USD bao gồm viện trợ không hoàn lại, vốn tín dụng, và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam thông qua 214 dự án. Danh mục hiện nay của Việt Nam gồm 31 dự án đang triển khai, với tổng mức cam kết ròng lên đến 6,72 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam còn nhận được một danh sách lớn và đa dạng các hoạt động hỗ trợ phân tích và tư vấn (ASA), với 28 nghiên cứu đang được triển khai hiện nay. Nhiều chương trình hỗ trợ phân tích và tư vấn (ASA) đã huy động thêm được sự hỗ trợ từ các đối tác cấp quốc gia và các quỹ tín thác của các đối tác phát triển.

COVID-19

Kể từ khi ca lây nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Việt Nam vào đầu năm 2020, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó quốc gia từ quản lý khủng hoảng y tế đến thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững. Khoản tài trợ từ Quỹ Tài trợ Khẩn cấp Đại dịch đã giúp tăng cường năng lực xét nghiệm cho 84 phòng thí nghiệm trên toàn quốc, cắt giảm thời gian từ lúc lấy mẫu xét nghiệm đến khi công bố kết quả từ 24-48 giờ xuống còn 4-6 giờ. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra các chuyên đề tư vấn chính sách đa ngành từ chiến lược bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương khỏi tác động tiêu cực của COVID-19 đến thúc đẩy phục hồi trên diện rộng. 

Năng lượng sạch

Dự án Thủy điện Trung Sơn hỗ trợ phát triển một nhà máy thủy điện nối lưới công suất 260 megawatt ở vùng sâu vùng xa thuộc khu vực miền Trung Việt Nam. Kể từ khi đi vào hoạt động hoàn chỉnh từ năm 2017, hàng năm nhà máy đã cung cấp 1 tỷ kilowatt giờ (kWh) điện với chi phí trung bình thấp hơn so với các nguồn tái tạo khác hoặc than. Nhà máy thủy điện Trung Sơn đã giảm phát thải khoảng 1 triệu tấn khí nhà kính so với một nhà máy nhiệt điện cung cấp cùng khối lượng điện. Dự án giúp tăng tỷ lệ người dân địa phương được sử dụng điện từ 30% năm 2015 lên 97% vào năm 2019 – đồng thời góp phần cải thiện chất lượng cung cấp điện trong vùng. Nhà máy cũng đã giúp giảm thiểu rủi ro lũ lụt ở các vùng hạ lưu.

Dự án Phát triển Năng lượng Tái tạo ở Việt Nam hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn, góp phần tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo lên gần 10% trong tổng công suất phát điện của Việt Nam. Dự án đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và vốn đầu tư ban đầu để xây dựng năng lực và chính sách khuyến khích cần thiết cho tất cả các bên liên quan, tạo tiền đề cho phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn. Ngoài ra, 19 công trình thủy điện nhỏ đã được xây dựng với tổng công suất 320 MW, hàng năm cung cấp lượng điện lên đến 1.260GWh. Tất cả các công trình này đều tuân thủ thông lệ toàn cầu tốt nhất về xã hội và môi trường trên, đặt ra những chuẩn mực mới tại Việt Nam.

Môi trường và các nguồn Tài nguyên thiên nhiên

Thông qua Chương trình Hỗ trợ Biến đổi Khí hậu và tăng trưởng xanh, Ngân hàng Thế giới đóng góp mạnh mẽ vào chương trình cải cách chính sách trong lĩnh vực liên quan. Một trụ cột chính của chương trình đã giúp cải thiện quy hoạch liên ngành ven biển và tích hợp biến đổi khí hậu vào các chương trình đầu tư công trong một số lĩnh vực quan trọng. Ngoài ra, các chính sách được hỗ trợ trong chương trình này góp phần thúc đẩy ứng dụng các công nghệ và thực hành tưới tiêu tiết kiệm nước và hỗ trợ các tỉnh thiết lập hành lang bảo vệ cho các nguồn nước chính. Những cải cách do chương trình này mang lại cũng góp phần cải thiện hiệu quả năng lượng của các thiết bị gia dụng và tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Kể từ năm 2016, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đã hỗ trợ hơn một triệu nông dân trong vùng chuyển đổi sinh kế thích ứng với khí hậu và tiết kiệm tài nguyên hơn. Dự án đã tận dụng mạng lưới các nhà khoa học rộng khắp cùng với nông dân phát triển các mô hình sản xuất có thể giúp giải quyết những thách thức về sinh thái nông nghiệp và kinh tế xã hội đặc thù từng vùng, đồng thời nhân rộng các mô hình này. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng thuận lợi đồng thời tăng cường hợp tác, điều phối vùng để quản lý nguồn tài nguyên nước và đất.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã luật hóa việc thành lập thị trường carbon có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022. Chương trình Quan hệ đối tác Xây dựngThị trường Carbon (2016 – 2021) góp phần  đặt nền tảng pháp lý và xây dựng năng lực cho Chính phủ Việt Nam để có thể sử dụng công cụ thị trường này. Chương trình cũng hỗ trợ chính phủ trong việc đánh giá các lỗ hổng về thể chế, chính sách và kỹ thuật định giá carbon đồng thời xây dựng quy trình định giá carbon bao gồm các bước thu thập dữ liệu, đo lường, báo cáo, xác minh và ghi nhận.

Phát triển Đô thị

Dự án Nâng cấp Đô thị Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã giúp cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp, ở vùng trũng tại sáu thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long thành các không gian đô thị xanh. Dự án này đã cải thiện đáng kể chất lượng sống cho khoảng 625.000 người hưởng lợi trực tiếp thông qua nâng cấp hạ tầng cơ bản. Bên cạnh đó, khoảng hai triệu người được hưởng lợi gián tiếp qua cải thiện hạ tầng và các công trình xã hội mới ở nhiều nơi trong thành phố. Lợi ích dài hạn không chỉ trong vòng đời dự án. Theo đó, tổng lợi ích kinh tế ước đạt 724 triệu USD, tính trên tiết kiệm về chi phí chăm sóc y tế, thời gian dành cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát thiệt hại về ngập lụt, và tăng giá trị đất đai.

Phát triển nông thôn

Dự án Nước sạch và Vệ sinh Nông thôn Dựa trên Kết quả theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã giúp giải quyết một trong những thách thức lớn nhất ở nông thôn Việt Nam qua đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện khung pháp lý để nâng cao tiếp cận dịch vụ cấp nước và vệ sinh bền vững. Từ năm 2013 đến 2019, hơn 1 triệu người đã được kết nối với hệ thống nước bền vững, 400.000 điểm kết nối cấp nước mới được xây dựng. Bên cạnh đó, khoảng 1,4 triệu người ở 203 xã được tiếp cận với vệ sinh toàn xã. 142.000 hộ gia đình và 1.500 trường học được lắp đặt vệ sinh cải tiến. Chương trình cũng tăng cường đáng kể các cơ chế giám sát nước sạch và vệ sinh và quy trình đánh giá của các cơ quan thực hiện ở các tỉnh có dự án.

Vốn Nhân lực

Giáo dục

Việt Nam tham gia Dự án Vốn nhân lực năm 2019 với mục tiêu cải thiện dinh dưỡng, tiếp cận giáo dục chất lượng và tăng cường phát triển lực lượng lao động cho nền kinh tế đang chuyển đổi. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam cải cách hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp. Dự án Tăng cường Khả năng Sẵn sàng Đi học giúp nâng cao tiếp cận giáo dục mẫu giáo cả ngày cho 84% trẻ em ở độ tuổi lên năm trong năm 2015, từ mức 66% trong năm 2011. Chất lượng giáo dục mẫu giáo đã được cải thiện thông qua áp dụng cách tiếp cận học tập lấy trẻ em làm trung tâm cho 250.000 giáo viên mầm non. Ngân hàng cũng tư vấn chiến lược cho Việt Nam về cách thức chuẩn bị lực lượng lao động các kĩ năng cho việc làm trong tương lai.

Y tế

Ngân hàng Thế giới đồng hành cùng các nỗ lực của Việt Nam đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, với chi phí hợp lý. Tại các tỉnh miền Bắc, 13,7 triệu người dân – nhiều người trong số họ đến từ các vùng sâu vùng xa – được tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Dự án Hỗ trợ hệ thống y tế khu vực Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng đã nâng cao năng lực điều trị cho 74 bệnh viện công lập tuyến huyện và tỉnh thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nâng cao tay nghề cho các y, bác sĩ, tập trung vào 5 chuyên khoa hay gặp tình trạng quá tải bao gồm tim mạch, sản / phụ khoa, nhi khoa, ung bướu và chấn thương (phẫu thuật).

Giảm Nghèo

Việt Nam đã có những bước tiến lớn về giảm nghèo và cải thiện chất lượng sống cho hàng triệu người. Ngân hàng Thế giới đã song hành với Việt Nam trên những chặng đường cuối cùng về xóa nghèo vì còn khoảng 8 triệu người Việt Nam vẫn sống với dưới mức 3,2 USD mỗi ngày vào năm 2018. Dự án Giảm nghèo Miền núi phía Bắc Giai đoạn Hai được triển khai ở sáu tỉnh miền núi khu vực nghèo nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2018 là điển hình cho quan hệ hợp tác hiệu quả trên. Dự án đặt mục tiêu nâng cao điều kiện sống của người dân tộc thiểu số thông qua cải thiện khả năng tiếp cận hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương và các cộng đồng, thúc đẩy kết nối với thị trường và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Dự án đem lại lợi ích cho 192.000 hộ gia đình với kết quả thu nhập tăng 16%, đem lại những bài học tốt để Chính phủ điều chỉnh cách tiếp cận công tác giảm nghèo.

Cải cách Quản trị Nhà nước

Nâng cao hiệu suất và sự liêm chính của khu vực công là một trong những ưu tiên hợp tác của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Từ năm 2018, Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Văn phòng Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử để tăng hiệu quả và tính minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ công. Văn phòng Chính phủ đã công bố trong tháng 12 và Chính phủ Điện tử trong tháng 6 năm 2019. Tháng 2 năm 2019, hai bên đã tiến hành đánh giá mức độ sẵn sàng phát triển chính phủ kỹ thuật số tại Việt Nam, đặt nền móng cho sự ra đời của Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) tháng 6 năm 2019 và Cổng Dịch vụ công Quốc gia tháng 12 năm 2019. Cổng Công khai Ngân sách Nhà nước đi vào hoạt động tháng 8 năm 2020, cung cấp thông tin ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Trước đó, Ngân hàng đã thực hiện nghiên cứu tiên phong về vấn đề xung đột lợi ích trong bối cảnh tương tác ngày càng tăng giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Lần cập nhật gần nhất: 14 Tháng 4 Năm 2022