Tôn chỉ hoạt động của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam là gì? Các môn thể thao dưới nước gồm những môn nào?
Tôi có thắc mắc liên quan đến Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam. Cho tôi hỏi tôn chỉ hoạt động của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam là gì? Các môn thể thao dưới nước gồm những môn nào? Tôi rất mong sẽ nhận được câu trả lời trong khoảng thời gian sớm nhất có thể. Câu hỏi anh Minh Thành ở Đồng Nai.
Tôn chỉ hoạt động của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 787/QĐ-BNV năm 2013 về tôn chỉ như sau:
Tôn chỉ, mục đích
1. Tôn chỉ: Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp với sự tham gia tự nguyện của các tổ chức và cá nhân có hoạt động, đóng góp vật chất và tinh thần, cổ vũ, giúp đỡ tích cực cho sự phát triển các môn thể thao: bơi, bóng nước, nhảy cầu, bơi nghệ thuật và lặn (dưới đây gọi tắt là các môn thể thao dưới nước).
2. Mục đích: Đoàn kết, tập hợp, huy động mọi nỗ lực, nguồn lực, hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm phát triển phong trào tập luyện, thi đấu các môn thể thao dưới nước, góp phần nâng cao sức khỏe, rèn luyện ý chí, phẩm chất đạo đức, góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước, phù hợp với truyền thống dân tộc cho quần chúng nhân dân, nhằm nâng cao thành tích thể thao, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, tôn chỉ hoạt động của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp với sự tham gia tự nguyện của các tổ chức và cá nhân có hoạt động, đóng góp vật chất và tinh thần, cổ vũ, giúp đỡ tích cực cho sự phát triển các môn thể thao: bơi, bóng nước, nhảy cầu, bơi nghệ thuật và lặn.
Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam (Hình từ Internet)
Các môn thể thao dưới nước gồm những môn nào?
Theo khoản 3 Điều 3 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 787/QĐ-BNV năm 2013 quy định về các môn thể thao dưới nước như sau:
Phạm vi, lĩnh vực hoạt động
1. Phạm vi hoạt động: Hiệp hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ Hiệp hội được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, chịu sự quản lý nhà nước về thể dục thể thao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội; là thành viên của phong trào Olympic Việt Nam, thừa nhận Điều lệ, Luật của các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao quốc tế và các tổ chức quốc tế khác mà Hiệp hội là thành viên.
2. Hiệp hội đại diện cho hội viên các môn thể thao dưới nước của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các tổ chức thể thao các nước, châu lục, thế giới và các tổ chức quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
3. Các môn thể thao dưới nước gồm:
a) Môn Bơi: Các môn bơi trong bể, mặt nước thiên nhiên (đường dài);
b) Các môn Lặn thể thao;
c) Môn Bóng nước;
d) Môn Nhảy cầu;
đ) Môn Bơi nghệ thuật.
Theo quy định trên, các môn thể thao dưới nước gồm môn bơi, các môn Lặn thể thao; Môn Bóng nước; Môn Nhảy cầu và môn Bơi nghệ thuật.
Ngôn ngữ chính thức của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam là gì?
Căn cứ Điều 5 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 787/QĐ-BNV năm 2013 quy định về tính pháp lý ngôn ngữ như sau:
Tính pháp lý ngôn ngữ
Ngôn ngữ chính thức của Hiệp hội là tiếng Việt, ngôn ngữ giao dịch quốc tế chính thức là tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác mà các Liên đoàn quốc tế tương ứng quy định sử dụng. Các văn kiện, văn bản chính thức được làm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đều có giá trị pháp lý như nhau. Trường hợp không thống nhất trong việc dịch hoặc hiểu thì văn bản bằng tiếng Việt sẽ được coi là văn bản chính thức.
Như vậy, ngôn ngữ chính thức của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam là tiếng Việt, ngôn ngữ giao dịch quốc tế chính thức là tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác mà các Liên đoàn quốc tế tương ứng quy định sử dụng.
Và các văn kiện, văn bản chính thức được làm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đều có giá trị pháp lý như nhau.