Tôn Nữ Thị Ninh – “Quý bà độc đáo” của ngoại giao Việt Nam
Giản dị và sắc sảo
Nhiều chính khách trên thế giới đều phải thừa nhận rằng, trong môi trường ngoại giao nói riêng, nhất là ngoại giao đa phương hiện nay, có thể nói rằng ít có một nhà ngoại giao nào có thể đại diện cho Việt Nam một cách ý tứ và bặt thiệp được như bà Tôn Nữ Thị Ninh. Khi nói chuyện, ánh mắt bà luôn nhìn thẳng đầy tự tin. Đó là ánh mắt tinh nhanh nhưng ấm áp. Khuôn mặt, cử chỉ, phong thái, giọng nói bà tỏa ra một năng lượng hấp dẫn người đối diện. Điều đó khiến bà luôn tự tin và làm chủ, kể cả trong những cuộc đàm phán quốc tế trước hàng trăm chính trị gia quốc tế.
Nhiều năm sống ở Châu Âu, đã từng gặp gỡ, tiếp xúc không biết bao nhiêu nền văn hóa, thế nhưng, nhà ngoại giao thông minh, sắc sảo và hiện đại Tôn Nữ Thị Ninh vẫn luôn được giới truyền thông trong và ngoài nước đánh giá là người giữ được nét đẹp rất Việt Nam. Dường như, càng về già bà càng đẹp. Một vẻ đẹp từng trải, chững chạc, đằm thắm, mà người đối diện khi ngắm nhìn sẽ phải thắc mắc không biết hồi trẻ bà đẹp đến dường nào. Ở bà Tôn Nữ Thị Ninh, quan niệm về cái thiện cũng rất giản dị và giàu tính nhân văn. Cái thiện là cốt lõi, nó là cơ bản trước hết, rồi mới tới tài, mỹ. Thiện là phải tự xác định cho mình lẽ sống. Nếu coi làm giàu là lẽ sống, là chính yếu, suốt đời sẽ không trọn vẹn, thiếu chiều sâu. Yêu cầu và lẽ sống khác nhau. Lẽ sống phải cao hơn, rộng hơn, sâu hơn. Như thế nào? Mỗi người tự trả lời.
Cầu nối hiệu quả cho Việt Nam
Trở thành nhà ngoại giao bắt đầu bằng công việc phiên dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Xuân Thuỷ, ông Nguyễn Cơ Thạch… Khoảng thời gian đó bồi dưỡng cho bà rất nhiều kinh nghiệm để sau này xuất sắc ở vị trí đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Bà còn giữ cương vị là người đứng đầu đại diện của phái đoàn Việt Nam ở Liên minh châu Âu tại Brussel (Bỉ). Ở góc nhìn này, nếu ví von rằng bà là một người phụ nữ quyền lực, luôn phải đứng trên đầu ngọn gió và dùng sự nữ tính của mình như một sợi cỏ lau – vừa đu theo chiều gió lại vừa có thể quật mạnh làm những kẻ muốn nô đùa phải rát mặt thì đúng là như vậy.
Không chỉ sở hữu trong mình sự cương quyết của người từng bôn ba bốn biển với vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, am hiểu chính trị quốc tế, ở bà còn thể hiện cái nhu tinh tế của người phụ nữ trong những cuộc đàm phán song phương và đa phương. Là hậu duệ của hoàng tộc Huế, với tư cách lịch sự, hiền hòa, bà đã chiếm cảm tình và thu phục được nhiều thành phần ở Hoa Kỳ, Âu châu và nhiều nơi trên thế giới trong vấn đề giao tế tích cực hơn với Việt Nam. Ngay cả với những thành phần quá khích và “lỗi thời” tại Hải ngoại thì bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn là một trong những gương mặt thú vị nhất mà Việt Nam có thể trình ra cho thế giới, một người có văn hóa uyên thâm, học vị cao lại sành sỏi về thời cuộc cũng như guồng máy chính trị phương Tây. Bà nói một thứ tiếng Anh “quý phái” và nói tiếng Pháp còn tốt hơn. Nhưng dù nói thứ tiếng gì, bà đều bộc lộ những suy nghĩ sắc bén, hùng biện một cách thẳng thắn. Điều này khiến bà trở thành một người phát ngôn rất hiệu quả cho Việt Nam.
Với những đóng góp trong suốt quá trình hoạt động ngoại giao của mình, bà được nhà nước trao tặng Huân chương Lao Động Hạng Nhất, Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh và Chính phủ Bỉ trao tặng Huân chương Leopold II. Và hơn thế, bà được xem như là một nhân vật có tiếng nói và ảnh hưởng sâu sắc tới giới trẻ Việt Nam ngày nay.