Tội làm nhục người khác là gì? Mức phạt mới nhất 2023

Với sự phát triển của công nghệ, thông tin, nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để làm công cụ thực hiện hành vi làm nhục người khác. Người này có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác theo quy định của pháp luật.

3. Bị người khác làm nhục, tố cáo đến đâu?

2. Làm nhục người khác bị xử lý thế nào?

1. Tội làm nhục người khác là gì?

1. Tội làm nhục người khác là gì?

Tội làm nhục người khác hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó, hành vi làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác dưới nhiều hình thức khác nhau:

– Qua lời nói: Bằng những lời nói sỉ nhục, chửi rủa, lăng mạ người khác với mục đích hạ thấp nhân cách, danh dự của họ, khiến họ cảm thấy xấu hổ và nhục nhã, danh dự bị xúc phạm nghiêm trọng.

– Qua hành động: Bằng những hành vi (có hoặc không kèm lời nói) như lột đồ, cạo đầu, cắt tóc… giữa đám đông, ở nơi công cộng với mục đích nhằm bêu rếu, làm nhục nạn nhân hoặc sử dụng mạng xã hội để đăng bài viết, đăng ảnh bôi nhọ, vu khống người khác.

Theo đó, ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn nạn nhân phải chịu nhục với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù, để đánh ghen,… Nạn nhân trong trường hợp này phải là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, uy tín.

toi lam nhuc nguoi khacTội làm nhục người khác hiện nay diễn ra tương đối phổ biến (Ảnh minh họa)

2. Làm nhục người khác bị xử lý thế nào?

2.1 Xử phạt hành chính

Căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, có thể phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

2.2 Xử lý hình sự

Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác. Cụ thể mức xử phạt như sau:

– Khung 01:

Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

– Khung 02:

Phạt tù từ 03 tháng – 02 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Đối với 02 người trở lên;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Đối với người đang thi hành công vụ;
  • Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
  • Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% – 60%.

Phạt tù từ 03 tháng – 02 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Khung 03:

Phạt tù từ 02 – 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, người phạm tội có hành vi đăng thông tin ai sự thật làm nhục người khác còn có thể bị truy cứu hình sự về Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

3. Bị người khác làm nhục, tố cáo đến đâu?

Khi bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, mọi công dân đều có quyền tố cáo đến cơ quan chức năng để được bảo vệ.

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin tội phạm gồm:

– Cơ quan điều tra;

– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

– Viện kiểm sát các cấp;

– Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Như vậy, khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh về việc có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm thì nạn nhân có quyền làm Đơn tố cáo gửi cơ quan công an để được giải quyết kịp thời.

Khi tố cáo tại cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo, tố giác tin báo tội phạm, cần chuẩn bị một số giấy tờ sau:

– Đơn tố cáo về hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác;

– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;

– Các tài liệu, chứng cứ kèm theo liên quan đến việc mình bị làm nhục, có thể dưới các dạng: Văn bản, hình ảnh, ghi âm, ghi hình…

Trên đây là giải đáp về các vấn đề liên quan đến Tội làm nhục người khác. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.