Tội chống người thi hành công vụ bị xử lý thế nào theo Luật hình sự

Tội chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, có trường hợp người dân không hợp tác, chống đối, cản trở các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ gây thương tích, tử vong. Vậy, khi nào một hành vi được xem là chống người thi hành công vụ và phạm tội chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý ra sao, mức xử phạt hình chính và xử lý hình sự với hành vi này. Hãy cùng Luật L24H tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

tội chống người thi hành công vụ

Tội chống người thi hành công vụ

Thế nào là chống người thi hành công vụ?

  • Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
  • Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Hoặc, người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.
  • Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 do Chính phủ ban hành, Khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ

chống người thi hành công vụ

Yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ

Chủ thể

  • Người từ đủ 16 tuổi trở lên (Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi này. (Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017)

Khách thể

  • Xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.
  • Đối tượng tác động của tội phạm chống người thi hành công vụ là người đang thi hành công vụ.
  • Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải đảm bảo đúng pháp luật. Theo đó, trong trường hợp người thi hành công vụ là người thực hiện hành vi trái pháp luật mà bị xâm phạm thì hành vi của người có hành vi xâm phạm không được xem là hành vi chống người thi hành công vụ.

Mặt chủ quan

  • Là lỗi cố ý trực tiếp.
  • Người phạm tội nhận thức rõ hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ làm trái pháp luật là nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm nhưng vẫn thực hiện.

Mặt khách quan

  • Có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
  • Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi: dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ, Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ…, Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ., hành vi bôi nhọ, vu khống, đe dọa sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…, để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Theo đó, việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội.
  • Hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, tội giết người quy định tại Chương XII Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Mức xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ

Xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

Xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì việc chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị truy cứu hình sự theo quy định của pháp luật.

Xử phạt hành chính

Nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, bao gồm hình thức xử phạt chính và biện pháp khắc phục hậu quả.

Hình thức xử phạt chính

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
  2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  • Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
  • Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
  • Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
  1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  • Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;
  • Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
  • Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 do Chính phủ ban hành

Biện pháp khắc phục hậu quả

  • Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.
  • Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 do Chính phủ ban hành

Xử lý hình sự

Trong trường hợp, hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ. Cụ thể:

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
  • Có tổ chức;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
  • Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Cơ sở pháp lý: Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Luật sư bào chữa tội chống người thi hành công vụ

  • Tư vấn, hướng dẫn về xác định tội danh, cấu thành tội phạm của tội chống người thi hành công vụ;
  • Hỗ trợ khách hàng trong việc thu thập hồ sơ tài liệu căn cứ ngoại phạm hoặc các tình tài liệu khác để được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đảm bảo quá trình tố tụng được thực hiện công bằng, đúng pháp luật;
  • Thực hiện nghiên cứu hồ sơ, xác định phương án bào chữa tốt nhất cho khách hàng, soạn thảo đơn kiến nghị chuyển khung hình phạt, xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bản luận cứ bào chữa và các đơn từ khác để bảo vệ quyền lợi khách hàng;
  • Tham gia cùng thân chủ tại các buổi lấy lời khai tại cơ quan điều tra, tham gia phiên toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm tại Toà án.

>>> Tham khảo: Dịch vụ luật sư bào chữa

Hy vọng bài viết trên của Luật L24H có thể cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin cần thiết liên quan đến tội chống người thi hành công vụ theo pháp luật hình sự, cụ thể là yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ và mức xử phạt khi phạm tội. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn chi tiết quý bạn đọc có thể liên hệ đến hotline 1900.633.716 để được Luật sư hình sự tư vấn tận tình nhất miễn phí. Xin cảm ơn.

Scores: 5 (33 votes)

Thank for your voting!