Tôi chọn nghề giáo vì yêu sự hồn nhiên, ngây thơ của học trò!

GDVN- “Nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý, tôi chọn nghề giáo vì tôi yêu sự hồn nhiên ngây thơ, đôi mắt trong sáng, những câu nói hồn nhiên của học trò”.

Đó là những chia sẻ của cô giáo Thái Thị Hải Yến, giáo viên Trường tiểu học Nam Hòa (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) sau hơn 10 năm gắn bó với nghề dạy học.

Tận tâm, yêu nghề mến trẻ

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất hiếu học Đô Lương (tỉnh Nghệ An) và yêu nghề dạy học nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thái Thị Hải yến (sinh năm 1988) đã chọn thi ngành Sư phạm tiểu học tại Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh.

Cái duyên gắn bó với ngành giáo dục đất Mỏ Quảng Ninh của Hải Yến bắt đầu từ đó.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp, cô giáo trẻ Hải Yến được phân công về Trường Tiểu học Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh để công tác.

Suốt thời gian công tác trong ngành Giáo dục, cô Yến được biết đến là một giáo viên chủ nhiệm giỏi, nhiệt huyết.

Tôi chọn nghề giáo vì yêu sự hồn nhiên, ngây thơ của học trò! ảnh 1

Hơn 10 năm làm công tác chủ nhiệm cô giáo trẻ luôn nhận được sự tin yêu, ủng hộ từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh.

Cô Yến tâm sự: “Nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý, tôi chọn nghề giáo vì tôi yêu sự hồn nhiên ngây thơ của tuổi học trò.

Tôi yêu những gương mặt ngây thơ, đôi mắt trong sáng, những câu nói hồn nhiên của học trò.

Những lúc công việc khó khăn, áp lực, tôi thường xuống lớp lặng nhìn lũ trẻ đùa vui, hay ngồi kể chuyện cho bọn trẻ nghe trong tiếng cười giòn tan như vậy mọi khó khăn, buồn phiền tan biến, tôi có thêm động lực để yêu thương và dâng hiến”.

Hơn 10 năm công tác trong ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh, cô Yến đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy cũng như công tác chủ nhiệm.

Điển hình như năm học 2016-2017, cô Yến đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Cũng năm học này, cô Yến vinh dự được công nhận là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thị xã và là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, cống hiến nhiều tiết dạy hay cho ngành.

Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, cô Yến cùng đồng nghiệp học hỏi, nghiên cứu sách giáo khoa trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh.

Nhiều tiết dạy mẫu trong tổ, nhóm, tiết chuyên đề thành công trong đó có sự đóng góp phần công sức không nhỏ của cô giáo Yến.

Nắm bắt chủ trương đổi mới chương trình giáo dục hướng tới phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh, cô Yến ý thức được vai trò của giáo viên chủ nhiệm.

Chính vì vậy, cô giáo là cầu nối quan trọng giữa nhà trường và phụ huynh góp phần phát huy tính tích cực của học sinh.

Qua nhóm Zalo của lớp, cô Yến luôn chủ động nắm bắt thông tin của học sinh, đồng thời hướng dẫn phụ huynh cách dạy con ở nhà.

Thời điểm dịch bệnh, với chủ trương “tạm dừng đến trường không dừng học”, cô giáo Yến đã thiết kế nhiều bài học qua mạng cho học trò.

Là học sinh lớp 1 nên việc dạy online có nhiều khó khăn, nhưng qua cách kênh thông tin, cô trò vẫn cùng nhau ôn tập, học hỏi.

Nói về bí quyết chủ nhiệm giỏi, cô Yến cho hay: “Là giáo viên chủ nhiệm điều quan trọng là tạo dựng và duy trì được nề nếp lớp học tốt, gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh từ đó sẽ tạo nên uy tín của cô.

Lớp học luôn có nội quy rõ ràng cùng các hình thức khen thưởng, khích lệ khiến các em học sinh chăm ngoan, có động lực phấn đấu”.

Để tạo không khí vui vẻ, tích cực từ học sinh, trong giờ giải lao cô Yến thường xen kẽ kể các mẩu chuyện ngắn có ý nghĩa giáo dục cho học sinh.

Hay động viên học trò cùng tham gia các hoạt động của lớp, trang trí lớp học thân thiện để tạo sự gần gũi giữa thầy cô, phụ huynh và học sinh trong lớp.

Nghề giáo cho cô nhiều kỷ niệm khó quên

Theo cô giáo Hải Yến, nghề dạy học đã mang lại cho cô nhiều kỷ niệm vui buồn. Nhưng kỉ niệm sâu sắc nhất với cô là năm học đầu tiên vào nghề.

Sáng nào cô cũng thấy cậu học trò tên Quang đi học muộn, thậm chí em còn nhiều ngày nghỉ học không phép.

Vào một buổi sáng, khi tiết học vần khép lại, Quang mới xin cô vào lớp. Lúc đó cô Yến rất bực và quát to: “Mấy giờ rồi cậu mới đến lớp?”

“Tôi chưa nói xong em đã òa lên khóc nức nở. Thoáng chút bối rối, tôi chạnh lòng khi nhìn em.

Lúc này, tôi dịu giọng hỏi em lí do vì sao em đi học muộn. Nhưng em vẫn nghẹn ngào không nói. Rồi một học sinh trong lớp nhanh nhảu trả lời thay bạn:

– Thưa cô nhà bạn xa lắm!

– Thưa cô, không có ai đưa bạn đi học đâu ạ!”

Tôi chọn nghề giáo vì yêu sự hồn nhiên, ngây thơ của học trò! ảnh 3

Nỗi tức giận trong cô giáo trẻ dịu đi, xen vào đó là sự cảm thông. Giờ ra chơi hôm đó, cô Yến ân cần hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình em.

Cô Yến lặng người khi nghe hoàn cảnh gia đình Quang, bố em phải đi làm rất xa, mẹ em mải lo kiếm sống nuôi các con và bà nội nên không quan tâm chuyện học hành của con cái. Quang đến lớp vì em thèm được học.

“Thời gian này, bà nội em ốm, em phải giúp mẹ chăm sóc bà. Bởi vậy, dù rất cố gắng em cũng không thể đến trường đúng giờ được. Tôi lặng đi theo lời kể ngây thơ, ríu rít của em”, cô Yến chia sẻ.

Cuối buổi học hôm đó, dù nhà xa nhưng cô giáo quyết định sẽ đưa Quang về nhà.

Đi dọc 3 km bờ ruộng,sau tiếng reo “nhà em đây rồi” cô Yến nhìn lên căn nhà vách đất lụp xụp, nhỏ bé mà chạnh lòng.

Từ đó, cô Yến thường xuyên đến nhà trò chuyện, vận động mẹ Quang để em được đi học đầy đủ

Dường như hiểu được nỗi lòng của cô, Quang chăm chỉ học hành, năm học đó em là một trong những học sinh giỏi nhất của lớp.

Sau khi trao phần thưởng, liên hoan chia tay xong về nghỉ hè, cô Yến vô cùng xúc động khi nhận được món quà bất ngờ từ Quang.

Đó là một bức tranh do chính tay Quang vẽ, trong đó có một cô giáo và một em học sinh xung quanh là rừng cây, hoa cỏ. Cạnh bức tranh là dòng chữ “Cô giáo như mẹ hiền”.

LÃ TIẾN