Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

Trường hợp nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Mức hình phạt đối với tội danh này được quy định như thế nào? Luật Minh Khuê giải đáp một câu hỏi thực tiễn của khách hàng như sau:

Thưa Luật Minh Khuê gia đình tôi đăng gặp một vấn đề về Luật hình sự mong muốn nhận được sự hỗ trợ giải đáp thắc mắc từ Luật Minh Khuê, tôi xin được trình bày vấn đề như sau: Con trai tôi sinh năm 1993, do có một số những mâu thuẫn trong công việc làm ăn cũng như các mối quan hệ xã hội nên vào khoảng tháng 01/2023 con trai tôi có lên trên mạng để tìm kiếm mua một số đồ để phòng thân và thấy bài đăng quảng cáo của một anh tên là H có đăng bài bán các đồ để tự vệ. Do có nhu cầu nên con tôi đã đặt mua từ chỗ anh H một khẩu súng ổ xoay và 14 viên đoạn với giá là 2 triệu 5 trăm nghìn đồng, đặc điểm của khẩu súng cụ thể: 

– Là loại súng ổ xoay kiểu rulo, cấu tạo của súng đã được người sản xuất thay đổi kết cấu để có thể bắn với đạn cỡ 5,6×15,6mm. Súng có đầy đủ các bộ phận và bắn được đạn nổ 

– Đạn được cấu tạo: Vỏ đạn là đạn thể thao cỡ 5,6×15,6mm 

Khi nhận được khẩu súng mà anh H giao con trai tôi có đem khẩu súng ra khu vực đạn vắng bắn thử 2 viên đạn thì thấy súng có phát nổ nên đã đem khẩu súng và 12 viên đạn còn lại về cất giấu ở trong nhà. Đến ngày 12 tháng 2 năm 2023 do mâu thuẫn xung đột giữa con trai tôi và một số người bạn nên con trai tôi đã lấy khẩu súng bắn lên trời để đe dọa. Khi nghe thấy tiếng súng nổ cơ quan công an đã đến tiến hành lập biên bản và thu giữ khẩu sung của con trai tôi. Gia đình tôi đang rất hoang mang không biết đối với hành vi của con trai tôi thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không và nếu có thì hình phạt có nặng không ạ. 

Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các Luật sư Công ty Luật Minh Khuê. Trân trọng!

 

Luật sư tư vấn:

Trước tiên xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật Minh Khuê. Với nội dung thông tin mà bạn đã cung cấp đội ngũ Luật sư công ty Luật Minh Khuê chúng tôi đã nghiên cứu và trả lời như sau:

Theo Khoản 2 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (điều này được được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a Khoản 1 Điều 1 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019) thì vũ khí quân dụng sẽ bao gồm các loại: 

* Các loại vũ khí được chế tạo, được sản xuất đảm bảo theo các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như là các thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp. Những loại vũ khí này là loại vũ khí được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lương khác theo quy định để thực hiện nhiệm vụ, công việc đã được giao (được giao để thi hành công vụ), bao gồm: 

–  Các loại súng cầm tay: Loại này bao gồm các loại súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu

–  Các loại vũ khí hạng nhẹ: Loại này bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; 

–  Các loại vũ khí hạng nặng: Loại này bao gồm: máy bay chiến đấu, xe tăng, xe thiết giáp, trực thăng vũ trang, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa

* Các loại vũ khí được chế tạo, được sản xuất một cách thủ công hoặc được sản xuất theo công nghiệp nhưng việc sản xuất này không theo các tiêu chuẩn của những nhà sản xuất hợp pháp. Những loại vũ khí này khi chế tạo ra có khả năng gây ra sát thương, gây ra nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của con người hoặc loại vũ khí này có thể phá hủy kết cấu vật chất tương tự như các vũ khí được sản xuất theo thiết kế, tiêu chuẩn hợp pháp. Loại vũ khí này không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác khi làm nhiệm vụ 

Dựa theo thông tin mà bạn đã cung cấp cho Luật Minh Khuê thì loại súng mà con trai bạn mua là loại súng mà con trai bạn mua đã được nhà sản xuất thay đổi kết cấu, sử dụng đạn nổ và bắn như các loại súng thông thường (có thể gây nguy hiểm) do đó loại súng này có tính năng tương tự với vũ khí quân dụng và được xem là một loại vũ khí quân dụng theo định nghĩa được nêu trên.

Mặt khác theo quy định tại Khoản 10 Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã có quy định hành vi chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đều là các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ. Và Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đã quy định người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Với mức hình phạt: 

– Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

+ Phạm tội có tổ chức

+ Thực hiện các hành vi vận chuyển, mua bán qua biên giới

+  Gây ra hậu quả chết người

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn

+ Tái phạm nguy hiểm

– Phạt tù từ 10 đến 15 năm khi thuộc các trường hợp

+ Gây ra hậu quả làm chết 02 người

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%

– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn

– Phạt tù từ 15 đến 20 năm khi thuộc các trường hợp :

+ Gây ra hậu quả làm chết 03 người trở lên

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn

– Ngoài những hình phạt trên người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 đến 05 năm

Bạn có thể tham khảo thêm về các yếu tố cấu thành Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và các tình tiết định tội theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP và bài viết: Phân tích dấu hiệu pháp lý của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê Luật Minh Khuê đã trả lời về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Trường hợp Quý khách hàng còn bất cứ vướng mắc gì về nội dung được nêu trên Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài số 19006162 để được hỗ trợ trực tiếp. Rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý khách hàng. Trân trọng!