Toàn cầu hóa là gì? Tại sao lại là vấn đề quan trọng trong năm 2019 – Trung tâm hỗ trợ Hội nhập WTO Tp HCM
Từ hoạt động gia công (outsourcing) đến thuế quan, toàn cầu hóa tràn ngập trên mặt báo trong thời gian gần đây. Vậy toàn cầu hóa là gì?
Rất ít đề tài khơi gợi được nhiều quan điểm mạnh mẽ như vấn đề toàn cầu hóa. Đây là chủ đề liên quan đến thuế quan, việc làm và nhập cư, và đều là những vấn đề gây tranh cãi lớn.
Vậy toàn cầu hóa chính xác là gì, và đâu là cách thức vận hành của toàn cầu hóa?
Toàn cầu hóa là gì?
Toàn cầu hóa nghĩa là kết nối các nền kinh tế trên khắp thế giới về thương mại, đầu tư, lao động, ngân hàng, dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, và con người. Định nghĩa trên có vẻ khó hiểu, nhưng tóm lại, toàn cầu hóa là việc chính phủ các nước ngày càng cho phép công dân của họ được làm việc xuyên biên giới.
Tuy vậy, đây vẫn còn là một khái niệm khá rộng.
Toàn cầu hóa không phải là một định nghĩa cố định. Toàn cầu hóa có thể diễn ra dưới bất cứ cách thức nào, miễn là thông qua đó, các quốc gia trở nên kết nối hơn. Mặc dù là một hiện tượng mới, nhưng thuật ngữ “toàn cầu hóa” đã được dùng phổ biến kể từ những năm 1990. Sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo ra ý tưởng về một thế giới mới kết nối với nhau, nơi con người không còn bị chia cách bởi Chiến tranh lạnh, cho phép toàn cầu hóa ăn sâu vào ý thức con người.
Toàn cầu hóa trong thương mại và việc làm
Hình thức phổ biến nhất của toàn cầu hóa là ngoại thương.
Toàn cầu hóa trong thương mại nghĩa là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với nước ngoài. Cụ thể, các công ty giao thương với nước ngoài là để tiếp cận các sản phẩm mà họ không thể tìm thấy trong nước, đồng thời tìm cơ hội tiếp cận thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa, hoặc tìm kiếm những môi trường kinh doanh chi phí thấp thông qua lợi thế tương đối.
Dưới đây là ba động lực chính dẫn đến toàn cầu hóa trong thương mại:
1.Tiếp cận hàng hóa
Một trong những mục đích của thương mại quốc tế là để có được một sản phẩm không thể tìm thấy trong nước. Ngày nay, số lượng các giao dịch thương mại vì mục đích trên ngày càng giảm, bởi vì sự dịch chuyển công nghệ và dân số đã giúp hầu hết sản phẩm được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, trong lịch sử, tiếp cận hàng hóa lại là nguyên nhân chính của hoạt động giao thương, chẳng hạn như câu chuyện về các thương nhân châu Âu đã đi khắp thế giới để tìm các loại gia vị chỉ phát triển ở châu Á.
Những người đàn ông và những người phụ nữ can đảm đã phải bỏ mạng để mang được hạt tiêu đen từ châu Á đến bàn ăn tối của người Anh. Còn ngày nay, chỉ có thể tìm thấy ví dụ tương tự trong việc một sinh viên năm hai đại học của Mỹ trốn làm thủ tục hải quan khi trở về từ Amsterdam.
Ngoại trừ một số ngoại lệ, phần lớn các hoạt động nhập khẩu ngày nay đều là vì lí do chi phí. Mặc dù, hầu hết sản phẩm có thể được trồng/tạo ra ở bất cứ đâu, tuy nhiên, điều này thường rất tốn kém. Do vậy, các công ty vẫn ưa chuộng nhập khẩu.
2.Phát triển thị trường
Thương mại còn nhằm mục đích phát triển thị trường cho các sản phẩm sẵn có. Đây là lý do khác của nhập khẩu. Một công ty sẽ cố gắng tìm kiếm quan hệ đối tác ở các quốc gia mới, nhằm mở rộng khách hàng mới.
Nhìn chung, các công ty hướng đến xuất khẩu là nhằm mục đích xây dựng và mở cửa nhiều thị trường. Điều này không hẳn lúc nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng vẫn có các doanh nghiệp hưởng lợi từ hoạt động trên, ví dụ như Coca-Cola. Nhờ theo đuổi các thị trường mới nổi, Coca- Cola (KO) là một từ được nhận diện nhiều thứ hai thế giới.
3.Lợi thế cạnh tranh
Thương mại cũng cho phép các công ty tìm kiếm các môi trường kinh doanh với chi phí thấp, do có được nguồn cung nguyên liệu và lao động giá rẻ. Ví dụ, người Mỹ có thể đặt nhà máy sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc, hoặc hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng tại Ấn Độ. Cả hai quốc gia trên đều có nguồn lao động giá rẻ, thúc đẩy các công ty di dời một số hoạt động nhất định nhằm đạt được lợi thế so với đối thủ cạnh tranh.
Điều này được gọi là lợi thế cạnh tranh.
4.Lợi thế tương đối
Thương mại toàn cầu cho phép các nước chuyên biệt về một loại hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ chuyên sâu. Điều này được gọi là lợi thế tương đối. Lợi thế tương đối nghĩa là các quốc gia sẽ mua được những mặt hàng rẻ hơn so với khi họ sản xuất trong nước, đồng thời tập trung chuyên sâu sản xuất về một số hàng hóa sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Lấy ví dụ về “hẻm ô tô” (auto alley) trong NAFTA. Trình độ kinh tế và giá trị tiền tệ của Mexico khiến cho lao động tay chân tại Mexico có giá rẻ hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục tiên tiến của Mỹ lại giúp những lao động tại Mỹ có kỹ năng xuất sắc hơn. Do vậy, các công ty xe hơi Mỹ chỉ cần tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và các công đoạn sản xuất đòi hỏi kỹ năng cao ở trong nước. Sau đó, các nhà máy ở Mexico sẽ cung cấp nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Thường một chiếc xe sẽ vận chuyển qua lại biên giới vài lần trước khi hoàn tất, bởi vì các khâu sẽ chỉ đặt tại nơi nào có nguồn cung rẻ nhất.
Điều này nghĩa là Mexico sẽ nghiễm nhiên chuyên biệt về nguồn cung lao động giá rẻ và Mỹ sẽ chuyên biệt về lao động có kỹ năng, do vậy mỗi quốc gia sẽ hoạt động hiệu quả hơn với lợi thế của mình so với các nước khác.
Công nghệ và toàn cầu hóa
Các nền kinh tế thế giới đã được kết nối với nhau trong phần lớn các giai đoạn của lịch sử loài người, từ Con đường tơ lụa đến Công ty Đông Ấn của Anh. Đầu thế kỷ 20, các quốc gia đã trở nên đan xen về kinh tế đến độ, nhiều nhà sử học và kinh tế nổi tiếng đã dự đoán về sự kết thúc của các cuộc xung đột vũ trang. Kết quả đáng xấu hổ của những dự đoán đó đã khiến các nhà bình luận hiện đại nhắc lại thường xuyên.
Mặc dù vậy, nền công nghệ của thế kỷ 21 đã cho phép quá trình toàn cầu hóa được hiện diện nhiều trong cuộc sống của con người hơn.
Điều này là do nhiều nhân tố, nhưng có lẽ hai nhân tố quan trọng nhất là hạ tầng viễn thông (còn gọi là internet) và hạ tầng giao thông. Nói một cách đơn giản, việc di chuyển của hàng hóa, con người và ý tưởng trên khắp thế giới sẽ trở nên nhanh hơn, rẻ hơn và dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ vào hai nhân tố này. Các cá nhân có thể tạo quyền sở hữu trí tuệ ở bất cứ đâu trên điện thoại của mình. Người tiêu dùng có thể đặt hàng sản phẩm được sản xuất ở một nước này và được vận chuyển đến một nước khác, với rất ít hạn chế và chi phí ngày càng rẻ.
Các công ty đã kết hợp các công nghệ truyền thông và công nghệ vận tải để tạo ra các mạng lưới sản xuất công phu trải rộng trên toàn cầu. Điện Swift và vận tải giá rẻ đã hình thành nên các chuỗi logistic hiện đại, như trong trường hợp “Hẻm ô tô” của NAFTA, giúp hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn bao giờ hết.
Luật pháp và toàn cầu hóa
Trong vài thập kỷ qua, chính sách công cũng đóng vai trò chủ đạo trong quá trình mở rộng toàn cầu hóa.
Phần đông các nhà kinh tế và chính phủ các nước lớn đều chấp nhận thương mại tự do như một nguyên tắc cốt lõi của kinh tế học toàn cầu. Mặc dù các rào cản thương mại không biến mất hoàn toàn trên thế giới, nhưng ngày nay, các hành vi cản trở thương mại được xem là trường hợp ngoại lệ. Các nhà hoạch định chính sách thường tiếp cận thương mại tự do theo những định kiến cũ, trừ khi có lý do để quy định thành luật.
Đây là một sự thay đổi so với chủ nghĩa trọng thương của thế kỷ 19 và thập niên 1930, khi mà cấm vận thương mại và thuế quan là nguyên tắc được thừa nhận chung. Trong kỷ nguyên đó, các chính phủ tin rằng cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng là bảo hộ ngành công nghiệp trong nước khỏi cạnh tranh với nước ngoài. Ngày nay, các chính phủ tin rằng, cách đạt được tăng trưởng tốt nhất là cho phép các ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả nhất như có thể bằng cách tiếp cận các sản phẩm và lao động giá rẻ trong thế giới toàn cầu hóa.
Mặc dù, các vấn đề chính sách công xung quanh toàn cầu hóa hết sức phức tạp, độc giả nên biết về ba chủ đề sau:
1.Rào cản
Rào cản có thể tồn tại dưới dạng cấm vận, ví dụ như cấm vận thương mại, hoặc dưới dạng hệ thống kiểm duyệt ngăn cản tiếp thu các tư tưởng từ bên ngoài.
Toàn cầu hóa đã giúp loại bỏ hầu hết các lệnh cấm vận thương mại, tuy nhiên một số ít vẫn còn tồn tại. Các quốc gia thường sử dụng chúng như một tuyên bố chính trị hoặc trong trường hợp nhận thấy các mối đe dọa an ninh quốc gia. Ví dụ, Mỹ đã kiểm soát chặt chẽ hàng hóa được vận chuyển đến Iran hay Bắc Triều Tiên và chỉ trong những năm gần đây mới nới lỏng phần lớn lệnh cấm vận với quốc đảo Cuba.
Tại Trung Quốc, Bức tường lửa là một ví dụ về rào cản dưới dạng hệ thống kiểm duyệt.
2.Thuế quan
Thuế quan là một loại thuế mà chính phủ áp dụng cho việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Điều đáng chỉ trích là, thuế quan không phải là một loại thuế đánh lên chính phủ và các công ty nước ngoài. Các công ty nội địa nhập khẩu hàng hóa là người phải trả thuế, đồng thời, sẽ chuyển khoản thuế đó cho người tiêu dùng sản phẩm đó.
Chính phủ sử dụng thuế quan để thay đổi chi phí hàng nhập khẩu. Thông thường, đây là một biện pháp bảo hộ, được thiết kế để tạo lợi thế cho các công ty trong nước so với các đối thủ nước ngoài bằng cách làm cho sản phẩm nước ngoài trở nên đắt hơn.
3.Nhập cư
Cuối cùng, kiểm soát nhập cư là một hình thức ảnh hưởng của chính sách công lên toàn cầu hóa. Thông qua việc điều chỉnh các chính sách nhập cư, chính phủ sẽ tác động đến nguồn cung lao động và kỹ năng cho nền kinh tế trong nước. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển và mở rộng quy mô các ngành công nghiệp trong nước.
Các chỉ trích về toàn cầu hóa
Mọi người thường chấp nhận rằng, quá trình toàn cầu hóa sẽ khiến tổng tài sản của các nước tham gia lớn lên. Bằng cách cho phép các công ty tự chọn những cách kinh doanh rẻ nhất và hiệu quả nhất, các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra sẽ nhiều lên.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là, toàn cầu hóa không có điểm gì chê trách. 3 vấn đề dưới đây là một trong những lý do khiến cho nền kinh tế toàn cầu hóa bị lên án:
1.Gia tăng sự bất bình đẳng
Mặc dù, toàn cầu hóa cho phép việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ một cách hiệu quả hơn, điều này vẫn chỉ tạo ra lợi thế cho các công ty lớn, trên chi phí mất đi của các công ty nhỏ. Các công ty có phạm vi toàn cầu có thể tận dụng lợi thế của thương mại tự do, mang lại cho họ một lợi thế mà các công ty vừa và nhỏ không thể đạt tới.
2.Bất lợi cho tầng lớp trung lưu
Toàn cầu hóa, theo nhiều cách, đã biến mỗi nền kinh tế thành một thị trường việc làm toàn cầu. Điều này làm lợi cho hàng tỷ lao động tại các nước đang phát triển, do mức lương rẻ đã đem lại việc làm cho các nước này. Tuy nhiên, quá trình như vậy đã khiến các công ty ở những nước như Mỹ thuê ngoài nhân công tại các nền kinh tế đang phát triển.
Và điều này sẽ làm suy yếu khả năng của người lao động trong việc mặc cả mức lương cao hơn và có được tiêu chuẩn sống khá hơn. Các công ty hoặc là thuê ngoài đối với các vị trí công việc thông thường ở bất kỳ đâu miễn là giá nhân công rẻ, hoặc họ sẽ giảm lương cho lao động trong nước và đe dọa là, nếu không chấp nhận mức lương thấp hơn, họ sẽ thuê ngoài.
3.Khủng hoảng toàn cầu
Các nền kinh tế bị cô lập sẽ ít bị tổn thương hơn trước tác động khủng hoảng kinh tế của các nước láng giềng. Trong nền kinh tế toàn cầu, quyết định của bất cứ một cộng đồng doanh nghiệp hay tập hợp các nhà hoạch định chính sách đều có những ảnh hưởng sâu rộng. Điều này khiến các nước dễ bị tổn thương trước các điều kiện kinh tế không thể kiểm soát, điển hình như quyết định Brexit của cử tri Anh đã gây khó khăn cho thị trường việc làm trên khắp hành tinh.
Nguồn: The Street
Từ khóa: toàn cầu hóa, hàng hóa, xuất nhập khẩu, cấm vận, thuế quan, nhập cư, bất bình đẳng, khủng hoảng