Toàn bộ chế độ nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi của giáo viên
(GDVN) – Tuổi nghỉ hưu đã chính thức được thông qua và áp dụng từ 01/01/2021, việc tăng thực hiện theo lộ trình, không có ngoại lệ nào cho giáo viên.
Ngày 20/11/2019, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với điểm mới nổi bật là tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, hơn 90% đại biểu tán thành với phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam; 04 tháng với lao động nữ.
Như vậy thì tuổi nghỉ hưu đã chính thức được thông qua và áp dụng từ 01/01/2021, việc tăng thực hiện theo lộ trình, không có ngoại lệ nào cho giáo viên kể cả giáo viên mầm non, giáo viên dạy âm nhạc, giáo viên nữ dạy thể dục…
Dù muốn hay không, việc tăng tuổi hưu là bắt buộc nên giáo viên hay kể cả các ngành khác trừ những danh mục thuộc ngành nghề độc hại, nguy hiểm…(không có nhà giáo) có thể nghỉ hưu sớm và một số danh mục có thể nghỉ hưu muộn hơn.
Trước lo lắng, băn khoăn của nhiều giáo viên nhất là giáo viên nữ dạy mầm non, thể dục…không thể giảng dạy đến 60 tuổi, thì sẽ có nhiều giáo viên sẽ nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi.
Nhưng để xin nghỉ trước tuổi thì người lao động trong đó có giáo viên phải suy nghĩ thật kỹ về thời gian, điều kiện, chế độ khi nghỉ hưu trước tuổi.
Nghỉ việc diện tinh giản biên chế
Chính sách nghỉ hưu trước tuổi với công chức thuộc diện tinh giản biên chế được quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP.
Để được xếp vào diện tinh giản biên chế phải đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ không hề dễ dàng, tôi xin chia sẻ các trường hợp tinh giản biên chế.
Thứ nhất, áp dụng với công chức nam đủ 50 tuổi – đủ 53 tuổi, nữ đủ 45 tuổi – đủ 48 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên sẽ được hưởng các chế độ:
Hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tuổi tối thiểu tại điểm b, khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội (nam từ đủ 55 – 60 tuổi; nữ từ đủ 50 – 55 tuổi).
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
Thứ hai, áp dụng với công chức nam từ đủ 55 tuổi – đủ 58 tuổi; nữ từ đủ 50 – đủ 53 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên sẽ:
Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tuổi tối thiểu tại điểm a, khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội (nam từ đủ 60 tuổi; nữ từ đủ 55 tuổi).
Thứ ba, áp dụng với công chức nam trên 53 tuổi – dưới 55 tuổi; nữ trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên; trong đó có 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Thứ tư, áp dụng đối với công chức nam trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi; nữ trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi; đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Một số trường hợp sẽ được tinh giản biên chế
Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng;
Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động
Người nghỉ hưu trước tuổi là người nghỉ trước thời gian theo tiêu chuẩn nêu trên. Tuy nhiên, theo Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người nghỉ hưu trước tuổi vẫn phải đáp ứng điều kiện đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và thuộc một trong các trường hợp:
Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời:
Năm nghỉ hưu
Tuổi của nam
Tuổi của nữ
Năm 2019
Đủ 54 tuổi
Đủ 49 tuổi
Từ năm 2020 trở đi
Đủ 55 tuổi
Đủ 50 tuổi
Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Như vậy, để được nghỉ hưu trước tuổi, người lao động phải làm giám định mức suy giảm khả năng lao động và mức suy giảm tối thiểu là 61%.
Nghỉ hưu trước tuổi không thuộc 2 trường hợp trên
Như đã nói ở trên để việc nghỉ việc hưởng lương hưu, nghỉ trước tuổi thì xem xét có đủ điều kiện nghỉ việc dạng tinh giản biên chế hoặc phải giám định tỷ lệ sức khỏe suy giảm phải đạt từ 61% trở lên.
Việc đạt 2 trường hợp trên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, sẽ có nhiều trường hợp không đạt được các điều kiện trên.
Như vậy còn có thể có trường hợp cuối cùng là giáo viên xin nghỉ việc bình thường, không phải 2 trường hợp trên.
Nếu công chức, viên chức không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu được tính như sau:
Được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội (nghỉ hưu từ năm 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, 2021 là 19 năm và từ 2022 trở đi là 20 năm); sau đó cứ mỗi năm được tính thêm 2%.
Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm đi 2%.
Như vậy, nếu giáo viên xin nghỉ việc thuộc trường hợp trên nếu đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội ghi ở trên thì sẽ nghỉ hưu ở dạng “hưu chờ”, tức là nghỉ hưu chờ đến khi nam đủ 62 tuổi (thời điểm năm 2028), nữ đủ 60 tuổi (thời điểm năm 2035)
Tôi ví dụ vào thời điểm 2035 thời điểm áp dụng tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi, giáo viên nữ trên dạy đến 56 tuổi không thuộc diện tinh giản biên chế, giám định sức khỏe, thương tật… và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu nếu làm đơn xin nghỉ trước tuổi (trước 4 năm) thì sẽ chờ khi đến đủ 60 tuổi sẽ hưởng lương hưu 67% giảm 8% do nghỉ hưu trước tuổi 4 năm, trong thời gian nghỉ 4 năm trên gọi là thời gian “chờ” đủ tuổi để hưởng lương hưu (có thể nhận bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian quy định).
Nếu không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được lĩnh chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Tài liệu tham khảo:
Nghị định 108/2014/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP.
BÙI NAM