Tọa đàm “Đô thị thông minh – Từ chính sách đến thực thi”

Ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng:

Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng là cơ quan được giao quản lý nhà nước về công tác phát triển đô thị nói chung. Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 950) cũng được lãnh đạo giao Cục Phát triển đô thị nghiên cứu tham mưu, trong thời gian ngắn chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án và đã được ban hành tháng 8.2018.

Chúng tôi cũng tham gia đánh giá quá trình phát triển đô thị Việt Nam và định hướng phát triển đô thị Việt Nam định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tính từ sau đổi mới năm 1986 đến nay, 36 năm phát triển đô thị Việt Nam đã có những bước phát triển. Năm 1986, tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 20%, đến nay tỷ lệ này đạt 40%. Có thể nhìn thấy tốc độ, tỷ lệ đô thị hóa nhanh, đến nay có 870 đô thị trên toàn quốc.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Lê Hoàng Trung chia sẻ tại tọa đàm

Trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh như vậy, Đảng và Nhà nước đã giao các bộ, ngành, địa phương phải có định hướng, công cụ quản lý phù hợp. Đô thị thông minh chỉ là một trong những phương hướng phát triển đô thị, hướng đến mục tiêu làm sao quản lý, phát triển đô thị tốt hơn. Chúng tôi cũng đề ra mục tiêu đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh…

Từ 2018, Đề án 950 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong chỉ đạo định hướng của Đảng cũng có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gần đây là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định phát triển đô thị thông minh là một trong những xu hướng tất yếu. Chính phủ cũng có các nghị quyết liên quan đến chính phủ số, văn bản định hướng công tác phát triển đô thị trong thời gian tới.

Là người nghiên cứu đề xuất Đề án 950, tôi cho rằng đô thị thông minh chúng ta nghe nhiều, thế giới cũng nói nhiều, nhưng đây vẫn là vấn đề mới của cả thế giới và Việt Nam. Chúng tôi đã học tập kinh nghiệm về đô thị thông minh của các nước, mỗi nước có cách tiếp cận đô thị thông minh khác nhau. Như Tokyo, New York, London, các thành phố đô thị thông minh của thế giới, đã qua quá trình đô thị hóa, đang ở quá trình tái thiết đô thị, chỉnh trang đô thị, tiềm lực kinh tế, trình độ hạ tầng của họ đã khác. Đó là vì sao chúng tôi đặt ra phát triển đô thị thông minh nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Với đô thị Việt Nam, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan, được phân định thành nhiều loại: đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn. Phát triển đô thị là 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) khác với đô thị trực thuộc tỉnh (như Phủ Lý, Hà Nam; TP Bắc Ninh; TP Bắc Giang; Thủ Dầu Một, Bình Dương)… và khác với các đô thị loại nhỏ chiếm trên 70% là các thị trấn – tương đương với cấp xã. Phát triển đô thị hay phát triển đô thị thông minh, tùy từng đô thị, từng cấp độ, mà có định hướng khác nhau.

Bên cạnh đó, cơ bản trên thế giới không có đô thị nào thông minh toàn diện, mà chỉ có đô thị thông minh từng phần, từng đô thị chọn thách thức, giải pháp của họ, làm sao phát triển tiềm năng lợi thế. Các thành phố già cỗi như London, Tokyo muốn tái thiết đô thị thông minh nhằm đối mặt với dân số già, biến đổi khí hậu… Hay như Ấn Độ đặt ra mục tiêu 100 thành phố thông minh, có thành phố chỉ giải quyết 1 vấn đề, có thành phố giải quyết về rác thải, có thành phố xử lý không khí ô nhiễm… Vì vậy chúng ta không thể đặt mục tiêu đô thị thông minh theo hướng tổng hòa tất cả.

Hàn Quốc đặt ra đô thị thông minh, sử dụng công nghệ cảm biến, thu dữ liệu đầu vào để xử lý, tính toán làm sao tối ưu cho các hoạt động trong thành phố, tuy nhiên chi phí đầu tư cho một đô thị như vậy cực kỳ đắt đỏ, họ chỉ làm thí nghiệm, còn đầu tư mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư chưa chắc có hiệu quả.

Có thể thấy, tiếp cận đô thị thông minh Việt Nam có những thách thức. Trong Đề án 950 chúng tôi cũng nhận định đô thị thông minh là vấn đề mới, chúng ta cần xây dựng thể chế, công cụ, dù đã có chủ trương định hướng nhưng chưa có văn bản pháp luật để quy định, hỗ trợ thúc đẩy nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh, phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc như thế nào…

Qua theo dõi của chúng tôi, nhiều đô thị của chúng ta đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển, đề án có thể vẽ nhiều bức tranh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Với đô thị Việt Nam, chúng ta sẽ lựa chọn vấn đề ưu tiên, ví dụ Phú Quốc chọn du lịch thông minh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế cũng làm tốt…

Khó khăn nữa là dữ liệu, nếu đô thị thông minh không có dữ liệu đầu vào để phân tích thì sẽ không có đô thị thông minh. Tuy nhiên, dữ liệu chúng ta thống kê theo hệ thống, theo chu kỳ, báo cáo, bị chậm so với quá trình hoạch định chính sách, thực hiện hỗ trợ ra quyết định… Chúng ta đang bắt đầu triển khai chuyển đổi số để xây dựng dữ liệu, nhưng hiện tại cách thức làm giàu kho dữ liệu đang thiếu hụt.

Cách thức tiếp cận của địa phương có thể không phải đô thị thông minh mà tiếp cận theo điều kiện, trình độ phát triển của họ, có thể địa phương khó khăn phát triển bằng sáng kiến chứ không phải đầu tư về công nghệ. Công nghệ là một trong những công cụ giải quyết vấn đề, nhưng cuối cùng tất cả phải xoay quanh con người thông minh, xã hội thông minh, công nghệ hỗ trợ để giải quyết vấn đề đô thị.

Đô thị thông minh cũng có những lợi ích và cả mặt trái. Chúng ta đầu tư về công nghệ nhưng công nghệ có thể thay đổi, có thể mất nhiều kinh phí nếu lựa chọn sai công nghệ. Thứ hai, dữ liệu liên quan đến an ninh an toàn bảo mật, nếu thu thập dữ liệu đầy đủ nhưng không có cơ chế, biện pháp kiểm soát, để thất thoát lộ lọt cực kỳ nguy hiểm khi phát triển đô thị thông minh…