[ToMo] 23 Lợi Ích Của Mạng Xã Hội Đối Với Doanh Nghiệp

Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong kinh doanh giờ không còn đơn thuần là một sự lựa chọn nữa mà trở thành một yêu cầu cần thiết để có thể tiếp cận khách hàng, thu thập những thông tin chi tiết có giá trị và phát triển thương hiệu của bạn. Vậy, lợi ích của việc sử dụng mạng xã hội để kinh doanh là gì? Bạn cần biết rằng hiện nay trên toàn cầu có hơn 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội và họ cũng thông qua chính các kênh mạng này để tương tác với từng thương hiệu.

Sherpa Marketing nhận thấy rằng có nhiều người theo dõi các thương hiệu trên mạng xã hội hơn là theo dõi những người nổi tiếng. Riêng trên Instagram, 80% người dùng theo dõi ít nhất một doanh nghiệp.

Bỏ qua những lợi thế của mạng xã hội đồng nghĩa với việc bạn đang bỏ lỡ một cách thức tiếp cận gần một nửa dân số thế giới vừa nhanh vừa rẻ mà lại hiệu quả.

Dưới đây là những lợi ích mà mạng xã hội có thể mang lại cho bạn trong việc kết nối, tương tác và phát triển doanh nghiệp của mình.

  • Mạng xã hội giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu 

1. Tăng độ nhận biết thương hiệu

Với lượng người dùng lên tới gần một nửa dân số thế giới, các nền tảng truyền thông xã hội là nơi doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với những khách hàng tiềm năng mới.

Nếu bạn nghĩ rằng trên mạng xã hội mọi người chỉ quan tâm đến những thương hiệu mà họ biết thì bạn đã lầm. Có đến 60% người dùng Instagram cho biết họ khám phá các sản phẩm mới trên nền tảng này.

Absolut Vodka chính là một ví dụ, hãng đã đạt mức tăng năm điểm cho độ nhận diện thương hiệu khi thực hiện chiến dịch quảng bá chai Spark phiên bản giới hạn của mình trên Instagram.

2. Nhân cách hóa thương hiệu

Theo một nghiên cứu của Trinity Mirror Solutions, Vương quốc Anh, hơn nửa số người trưởng thành không có lòng tin với thương hiệu cho đến khi họ thấy “bằng chứng thực tế” chứng minh thương hiệu đang làm đúng với những gì đã hứa hẹn.

Để kết nối với khách hàng thông thường cũng như các khách hàng tiềm năng, bạn phải thể hiện khía cạnh con người trong thương hiệu của mình. Bạn làm gì để nắm bắt các giá trị thương hiệu của mình? (Bạn thậm chí có giá trị thương hiệu không?) Bạn đang tìm kiếm những lợi ích tốt nhất của khách hàng và nhân viên của mình như thế nào? Sản phẩm của bạn có thực sự tốt không?

Một trong những lợi ích chính của mạng xã hội đối với doanh nghiệp là khả năng tạo kết nối con người thực. Chúng tôi gọi đây là những Khoảnh khắc Quan hệ Có ý nghĩa. Bạn có thể giới thiệu những người theo dõi của mình với những người tạo nên thương hiệu hay phô bày sự hào hứng của những khách hàng hiện tại đang sử dụng và hưởng lợi từ sản phẩm của bạn.

Một chương trình vận động trên mạng xã hội có thể là một cách hiệu quả giúp bạn nhân cách hóa thương hiệu của mình.

3. Thiết lập thương hiệu như một nhà lãnh đạo tư tưởng

Mạng xã hội mang đến cho bạn cơ hội thiết lập thương hiệu của mình với tư cách là nhà lãnh đạo tư tưởng bất kể bạn đang kinh doanh lĩnh vực gì khi cung cấp nguồn truy cập thông tin về các chủ đề liên quan đến thị trường ngách của bạn.

Giống như quảng bá thương hiệu, lãnh đạo tư tưởng cũng là một cách tuyệt vời để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Trên thực tế, nghiên cứu của LinkedIn hợp tác với Edelman cho thấy các nhà tiếp thị đang đánh giá thấp mức độ tác động của lãnh đạo tư tưởng đến lòng tin, đặc biệt là các nhà tiếp thị B2B. Chỉ một nửa số nhà tiếp thị B2B được khảo sát tin rằng lãnh đạo tư tưởng sẽ xây dựng được niềm tin vào công ty trong khi có hơn 80% người mua tin tưởng điều đó.

Edelman Trust Barometer 2018 cũng cho thấy 63% số người khảo sát tin tưởng các chuyên gia kỹ thuật, trong khi chỉ 42% là có lòng tin vào các doanh nghiệp.

Trên LinkedIn, giám đốc điều hành Hootsuite Ryan Holmes có hơn 1,5 triệu người theo dõi, tại đây ông đã chia sẻ những hiểu biết của mình về mạng xã hội và tinh thần kinh doanh.

LinkedIn — cụ thể hơn là nền tảng xuất bản LinkedIn — chính là mạng xã hội cực kỳ phù hợp phục vụ mục đích thiết lập bản thân trở thành một nhà lãnh đạo tư tưởng.

4. Được nhớ đến

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, hầu hết người dùng mạng xã hội đăng nhập vào tài khoản của họ ít nhất một lần mỗi ngày và có rất nhiều người kiểm tra mạng xã hội vô số lần mỗi ngày.

Phương tiện truyền thông xã hội mang đến cho bạn cơ hội kết nối với người hâm mộ và người theo dõi mỗi khi họ đăng nhập vào tài khoản. Vì vậy trên mạng xã hội hãy tạo các bài đăng mang tính giải trí và nhiều thông tin, lúc đó những người theo dõi sẽ hồ hởi mỗi khi thấy bài của bạn xuất hiện trên trang chủ của họ, họ sẽ ghi nhớ bạn rất lâu và nghĩ đến bạn đầu tiên khi cần mua gì đó.

  • Mạng xã hội giúp doanh nghiệp phát triển

5. Tăng lượng truy cập các trang bán hàng

Các bài đăng và quảng cáo trên mạng xã hội là những phương thức chính thúc đẩy lượng truy cập vào các trang web bạn quản lý. Chia sẻ những nội dung bổ ích từ blog hoặc trang web của bạn lên các kênh mạng xã hội là một cách hay để thu hút được lượng lớn người đọc.

Chưa hết, tham gia vào các cuộc trò chuyện xã hội — như #HootChat hàng tuần trên Twitter — cũng có thể giúp bạn tăng mức độ nhận diện, thu hút sự chú ý từ những người mới, thể hiện chuyên môn của bản thân và tăng số lượng truy cập vào trang web của bạn.

Và trong các cuộc trò chuyện, bạn nên tập trung cung cấp những giá trị lớn cho người dùng thay vì quảng bá quá nhiều. Chỉ cần đảm bảo trong tất cả các hồ sơ trên mạng xã hội của bạn có đính kèm địa chỉ trang web để những người có nhu cầu sẽ tìm hiểu thêm về bạn chỉ với một cú nhấp chuột. Tốt hơn nữa là ghim bài đăng chứa địa chỉ trang đích có liên quan đến cuộc trò chuyện lên đầu trang web.

6. Tạo khách hàng tiềm năng

Thông qua mạng xã hội, các khách hàng tiềm năng sẽ dễ dàng tiếp cận và bày tỏ sự quan tâm đến doanh nghiệp và sản phẩm của hãng. Tạo khách hàng tiềm năng là một lợi ích quan trọng mà phương tiện truyền thông xã hội đem lại cho doanh nghiệp đến mức nhiều mạng xã hội cung cấp các định dạng quảng cáo được thiết kế đặc biệt để thu thập khách hàng tiềm năng.

Ví dụ, trên trang Facebook của hãng Renault khu vực châu Âu đã chạy quảng cáo cho phép những người quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về một mẫu xe mới có thể đăng ký lái thử trực tiếp từ Facebook chỉ với một vài thao tác đơn giản.

Nhờ quảng cáo này, với mỗi khách hàng tiềm năng Renault chỉ tiêu tốn một số tiền thấp hơn 7,9 lần so với giá của quảng cáo liên kết đến biểu mẫu trên trang web chính thức của hãng.

7. Thúc đẩy doanh số bán hàng

Bất kể bạn bán thứ gì, mạng xã hội đều có thể giúp bạn tạo ra doanh thu. Tài khoản mạng xã hội là một phần quan trọng của phễu kinh doanh — quá trình đưa mỗi khách truy cập chính thức trở thành một khách hàng.

Khi số lượng người sử dụng mạng xã hội tiếp tục tăng và các công cụ bán hàng xã hội phát triển, mạng xã hội sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với việc tìm kiếm sản phẩm và thương mại điện tử. Đó cũng là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp điều chỉnh các mục tiêu tiếp thị xã hội và bán hàng của mình.

Đối với các chuyên gia bán hàng đơn lẻ, bản thân việc bán hàng trên mạng xã hội đã trở thành một công cụ thiết yếu trong kinh doanh.

8. Cộng tác với những người có tầm ảnh hưởng

Quyết định mua hàng của mỗi người phụ thuộc 20% – 50% những lời “rỉ tai nhau”. Khi mọi người nói về sản phẩm hoặc công ty của bạn trên mạng truyền thông xã hội đồng nghĩa với bạn đã xây dựng được nhận thức và uy tín thương hiệu, đồng thời cũng tạo cho mình nhiều doanh thu hơn.

Cộng tác với những người có ảnh hưởng là chìa khóa cho việc thúc đẩy những lời “truyền miệng” – đó là những người có lượng theo dõi lớn trên các trang mạng xã hội và có khả năng thu hút sự chú ý của những người theo dõi đó đến thương hiệu của bạn.

Nghiên cứu của Nielsen, Carat và YouTube cũng cho thấy cộng tác với một người có tầm ảnh hưởng lớn sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tăng mức độ quen thuộc với thương hiệu lên bốn lần so với cộng tác với một người nổi tiếng.

  • Mạng xã hội giúp tạo dựng và phân phối nội dung quảng cáo

9. Quảng bá nội dung

Quảng bá nội dung của bạn trên các kênh xã hội là một cách tuyệt vời để đưa những nội dung thông minh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng đến với những người mới, điều đó giúp chứng minh kiến thức chuyên môn của bạn và tăng lượng người quan tâm.

Ví dụ như Adobe đã sử dụng mục Nội dung quảng cáo được Tài trợ của LinkedIn để giới thiệu nghiên cứu của mình, bao gồm đồ họa thông tin và video.

Trong số những người ra quyết định tiếp thị đã tiếp xúc với nội dung quảng cáo trên thì có tới 50% mặc định Adobe sẽ định hình tương lai của tiếp thị kỹ thuật số và 79% cho rằng Adobe có thể giúp họ tối ưu hóa chi phí truyền thông.

Để tối đa hóa phương tiện truyền thông xã hội mang lại lợi ích kinh doanh, hãy đảm bảo là bạn đã có sẵn kế hoạch tiếp thị nội dung.

10. Độ phổ biến cao

Khi mọi người bắt đầu nhấn thích, bình luận và chia sẻ các bài đăng của bạn trên mạng xã hội thì nghĩa là nội dung của bạn sẽ được tiếp cận với các khán giả mới — bạn bè và người theo dõi của họ. Phương thức lan truyền này thậm chí còn tạo độ phổ biến vượt sức tưởng tượng. Khi có người chia sẻ nội dung của bạn với mạng lưới của họ và những người theo dõi mạng lưới ấy cũng chia sẻ theo, vậy thì nội dung của bạn sẽ lan truyền trên internet với hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu lượt chia sẻ.

Điều này đặc biệt có lợi vì tất cả những lượt chia sẻ, lượt thích và bình luận đó cho thấy mối liên hệ của người xem với thương hiệu của bạn. Ví dụ nếu tôi thấy bạn bè mình thích một bài viết của bạn, tôi có thể sẽ muốn xem bạn đã nói gì, viết gì, ngay cả khi tôi chưa bao giờ nghe nói về công ty của bạn. Thế giới hiện tại có quá nhiều nội dung để một người có thể tiếp cận hết, vậy nên hành động chia sẻ một nội dung nào đó của bạn bè quen biết sẽ đóng vai trò như một lưới sàng lọc trước.

Tất nhiên để nội dung được lan truyền và trở nên phổ biến rộng khắp không phải là chuyện dễ, tuy nhiên chuyện đó sẽ không thể xảy ra nếu không có sự giúp đỡ của mạng xã hội.

11. Nguồn nội dung

Các doanh nghiệp có thể tạo nguồn nội dung trên mạng xã hội theo hai cách chính sau:

  1. Nguồn ý tưởng: Hỏi những người theo dõi của bạn xem họ muốn gì hoặc tham gia lắng nghe trên mạng xã hội để đưa ra ý tưởng cho nội dung bạn có thể tự tạo. Nói một cách đơn giản là hãy cung cấp cho mọi người những gì họ đang yêu cầu. Đó là một cách chắc chắn để tạo nội dung mà mọi người muốn đọc và chia sẻ.

  2. Nguồn tài liệu cho bài đăng: Tổ chức một cuộc thi hoặc sử dụng hashtag để tạo nguồn nội dung do người dùng tạo ra (UGC) mà bạn có thể chia sẻ. Thu hút những người theo dõi của bạn tham gia có thể tạo sự hứng thú về thương hiệu của bạn đồng thời cung cấp cho bạn cả một thư viện các bài đăng trên mạng xã hội để chia sẻ theo thời gian.

Bạn có biết mình có thể nhận được bao nhiêu nội dung thông qua một chiến dịch UGC không? National Geographic bắt đầu với hashtag #wanderlustcontest và từ hashtag đó đã tạo ra hơn 60.000 bài đăng.

  • Mạng xã hội giúp doanh nghiệp giao tiếp tốt với khách hàng

12. Quản lý danh tiếng của thương hiệu

Sự thật là khách hàng của bạn đã và đang nói về bạn trên mạng xã hội cho dù bạn có ở đó để phản hồi họ hay không. Nếu bạn đã lường ra có gì đó không ổn thì bạn có thể lượm nhặt các bài đăng quan trọng trên mạng xã hội về thương hiệu của mình để làm nổi bật những mặt tích cực và nhanh chóng giải quyết những gì tiêu cực trước khi đó trở thành một vấn đề lớn.

Nếu có ai đang đơm đặt những lời dối trá về doanh nghiệp của bạn thì hãy chắc chắn rằng bạn sẽ lên tiếng giải thích một cách lịch sự và chuyên nghiệp. Còn với những người khen ngợi sản phẩm của bạn thì hãy gửi lời cảm ơn đến họ và dùng những lời khen đó để thu hút sự chú ý của những khách hàng tiềm năng.

13. Giao tiếp với khách hàng trong khủng hoảng

Khi sự việc hai người đàn ông da đen bị bắt ở một cửa hàng Starbucks tại Philadelphia xảy ra, hashtag #BoycottStarbucks (#TẩychayStarbucks) đã lan truyền nhanh chóng và sử dụng hơn 100.000 lần chỉ trong ba ngày. Đó chính thức trở thành một cuộc khủng hoảng.

Và để đáp lại sự tín nhiệm của khách hàng, Starbucks sau đó đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi.

Tiếp đó công ty tiếp tục đưa ra một số tuyên bố khác trên mạng xã hội và thông báo rằng họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình trong một ngày để đào tạo về phân biệt chủng tộc. Chưa rõ về lâu dài vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu Starbucks như thế nào, song gần như chắc chắn một điều là hậu quả sẽ tồi tệ hơn nếu công ty không phản ứng nhanh chóng và thích hợp trên mạng xã hội.

Công ty của bạn đã có sẵn kế hoạch đối phó với khủng hoảng hay chưa? Trong khi các thương hiệu nhỏ hơn có thể không gặp phải khủng hoảng ở quy mô lớn như vậy thì một số lượng cổ phiếu nhỏ hơn cũng có thể tàn phá một cộng đồng hoặc thị trường ngách chặt chẽ.

Im lặng không phải là cách để ứng phó với khủng hoảng trên mạng xã hội. Thay vào đó bạn nên duy trì việc quản lý và vận hành tốt các tài khoản xã hội cũng như phòng sẵn kế hoạch có thể giúp bạn luôn sẵn sàng cho mọi trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra.

14. Tương tác với khách hàng và người xem

Mạng xã hội mang đến cho doanh nghiệp cơ hội tương tác trực tiếp với khách hàng và người hâm mộ, đồng thời cũng mang đến cho họ cơ hội tương tác trực tiếp với thương hiệu của bạn. Không giống như các phương tiện truyền thông truyền thống chỉ cung cấp sự tương tác một chiều, mạng xã hội đã và đang tập trung cung cấp mối quan hệ hai chiều.

Nghĩa là nếu bạn muốn khách hàng và người theo dõi tương tác thì bản thân bạn phải tương tác trước tiên. Hãy luôn hoạt động và trả lời các bình luận và câu hỏi trên các bài đăng trên mạng theo cách phù hợp với sự phát triển thương hiệu của bạn.

Bạn cũng có thể sử dụng tính năng giám sát trên mạng xã hội để cập nhật và nắm bắt những gì mọi người đang quan tâm đến trên mạng.

15. Chăm sóc và hỗ trợ khách hàng

Khách hàng luôn mong muốn nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ kịp thời từ doanh nghiệp. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh doanh Harvard cho thấy lợi nhuận của các thương hiệu sẽ thiệt hại nghiêm trọng nếu họ không đáp ứng được những kỳ vọng đó của khách hàng.

Nghiên cứu của HBR, đặc biệt xem xét các Tweet trên Twitter, cho thấy rằng những khách hàng nhận được phản hồi cho Tweet của họ sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho thương hiệu trong lần mua hàng tiếp theo, đặc biệt nếu họ nhận được phản hồi trong vòng năm phút. Điều đó đúng ngay cả khi Tweet ban đầu của họ là một lời phàn nàn thẳng thừng.

  • Mạng xã hội giúp doanh nghiệp đạt được những hiểu biết sâu sắc 

16. Giám sát các cuộc trò chuyện có liên quan đến thương hiệu của bạn

Chúng ta đã đề cập đến việc rà soát mạng xã hội ở trên như một yếu tố quan trọng trong việc tương tác với người xem. Nhưng hơn thế nữa, qua đó doanh nghiệp có thể nắm trong tay một nguồn thông tin quan trọng về thương hiệu, đối thủ cạnh tranh và thị trường ngách của mình.

17. Tìm hiểu thêm về khách hàng

Mạng xã hội tạo ra một lượng lớn dữ liệu về khách hàng của bạn trong thời gian thực và bạn hoàn toàn có thể sử dụng thông tin đó để đưa ra các quyết định kinh doanh thông minh hơn.

Tất cả các mạng xã hội lớn đều đưa ra những phân tích nhằm cung cấp thông tin nhân khẩu học về những người tương tác với tài khoản của bạn. Điều này có thể giúp bạn điều chỉnh chiến lược của mình để giao tiếp tốt hơn với người xem thực của mình.

Các hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng số liệu phân tích trong Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn, Snapchat và Pinterest đều có sẵn, vì vậy không có lý do gì mà bạn lại mù mờ về khách hàng và những người theo dõi của mình cả.

18. Đo lường độ hảo cảm của thương hiệu bạn sở hữu

Nhận được nhiều đề cập là tốt, phải không? Trong nhiều trường hợp thì điều đó đúng. Nhưng nếu bạn nhận được nhiều đề cập tiêu cực thì bạn cần phải nhanh chóng suy nghĩ xem điều gì sai và nghĩ cách giải quyết vấn đề.

Nick Martin, điều phối viên tương tác xã hội của Hootsuite, định nghĩa tình cảm trên các phương tiện truyền thông là “tâm trạng tích cực hoặc tiêu cực được thể hiện trong một bài đăng hoặc tương tác trên mạng xã hội”.

Nhận thức được mức độ mọi người đang nói về thương hiệu của bạn online là quan trọng, đúng vậy, song cảm giác thực sự của họ về thương hiệu như thế nào cũng quan trọng không kém.

Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho doanh nghiệp sẽ cho phép bạn luôn cập nhật các phân tích độ hảo cảm để có thể bảo vệ danh tiếng cho thương hiệu của mình.

19. Để mắt đến các đối thủ cạnh tranh

Biết mọi người đang nói gì về đối thủ cạnh tranh của bạn cũng là điều vô cùng quan trọng.

Ví dụ, theo dõi những đề cập đến đối thủ cạnh tranh của bạn có thể tiết lộ những điểm yếu trong sản phẩm của họ mà bạn có thể tiếp cận để giải quyết và sẽ giành được những khách hàng mới.

Tại Canada, khi Uber tung ra chương trình khuyến mãi giao kem miễn phí trong một ngày ở Vancouver, đó là một sai lầm ngoạn mục. Mọi người không thể lấy kem miễn phí và họ không hài lòng về điều đó, vì vậy họ đã lên mạng xã hội để phàn nàn.

Skip The Dishes ngay lập tức nhìn thấy cơ hội và liên hệ với những người phàn nàn về Uber bằng cách giao kem miễn phí cho riêng họ, dưới hình thức tín dụng Skip The Dishes. Tất cả những người ghét Uber đó nhanh chóng biến thành người hâm mộ Skip The Dishes và khách hàng mới của hãng (vì bạn phải tạo tài khoản Skip The Dishes mới được nhận kem miễn phí).

Theo dõi sự cạnh tranh trên phương tiện truyền thông cũng có nghĩa là bạn sẽ biết khi nào đối thủ cạnh tranh của bạn tung ra sản phẩm mới, chạy chương trình khuyến mại và phát hành báo cáo hoặc dữ liệu mới.

20. Cập nhật các tin tức về ngành công nghiệp liên quan

Trong thế giới hiện nay, mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng – bạn sẽ không thể đủ khả năng gánh chịu hậu quả nếu bị bỏ lại phía sau. Hãy đảm bảo rằng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội bạn luôn được thông báo về những thay đổi trong tương lai đối với ngành nghề của mình có thể ảnh hưởng đến cách bạn kinh doanh hiện tại.

  • Mạng xã hội giúp doanh nghiệp quảng bá

21. Quảng cáo được nhắm mục tiêu

Quảng cáo qua mạng xã hội là cách ít tốn kém để quảng bá doanh nghiệp của bạn và phân phối nội dung quảng cáo. Bạn cũng có thể chọn lựa các tùy chọn nhắm mục tiêu để tiếp cận đúng đối tượng và tận dụng tối đa ngân sách của mình.

Các nhà tiếp thị giàu kinh nghiệm đã nhanh chóng nắm bắt lợi ích chính này của mạng xã hội đối với doanh nghiệp, trong năm 2018 họ sẽ chi tiêu cho quảng cáo trên Facebook nhiều gấp đôi so với quảng cáo trên báo.

Các tùy chọn nhắm mục tiêu quảng cáo bao gồm thông tin nhân khẩu học, địa lý, ngôn ngữ và thậm chí cả hành vi trực tuyến, bạn có thể tạo ra các thông điệp cụ thể phù hợp nhất với các nhóm khách hàng tiềm năng khác nhau và chỉ trả tiền cho lượng người xem mà bạn muốn tiếp cận.

22. Tái nhắm mục tiêu

Hiện nay gần 70% giỏ hàng trực tuyến đang bị khách hàng rời bỏ.

Những người xóa bỏ sản phẩm trong giỏ hàng sẽ là những khách hàng tiềm năng chính. Họ tìm thấy trang web của bạn, xem một lượt các sản phẩm và đưa ra quyết định về những gì họ muốn. Mọi người từ bỏ vì nhiều lý do, nhưng không nên vì thế mà bỏ qua một người đã từng bày tỏ sự quan tâm đến doanh nghiệp của bạn.

Bạn có thể sử dụng các công cụ theo dõi như Facebook Pixel để tìm kiếm và hiển thị quảng cáo trên mạng xã hội cho những khách hàng tiềm năng này về chính xác các sản phẩm họ đã xem trên trang web của bạn hay cả những sản phẩm mà họ đặt trong giỏ hàng.

Ví dụ trang thủ công Craftsy đã nhắm mục tiêu lại quảng cáo Facebook để quảng bá sản phẩm cho những người đã tương tác với trang sản phẩm trên trang Craftsy.

Sau chiến dịch này, lợi tức chi tiêu quảng cáo tăng gấp 4,3 lần; doanh thu của hãng do Facebook thúc đẩy đã tăng 33%.

  • Mạng xã hội giúp doanh nghiệp chứng minh lợi tức đầu tư ROI

23. Báo cáo và phân tích

Việc chứng minh lợi tức đầu tư (Return on Investment – ROI) luôn là thách thức đối với các nhà tiếp thị. Nhưng nhờ các công cụ phân tích và theo dõi trên mạng xã hội, bạn hoàn toàn có thể nắm bắt được toàn bộ hoạt động trên mạng xã hội của mình, từ theo dõi đến tương tác cho đến mua hàng.

Các công cụ như Google Analytics và Hootsuite Impact sẽ theo dõi lượng truy cập trang web đến từ mạng xã hội, các lượt chuyển đổi, đăng ký email và chỉ số ROI cho cả chiến dịch truyền thông xã hội không trả tiền lẫn có trả tiền.

Ngoài ra các thông số UTM (một đoạn mã được thêm vào phía cuối đường link, giúp doanh nghiệp theo dõi được lưu lượng người dùng truy cập vào đường link ấy) cũng là một công cụ theo dõi tuyệt vời khác sẽ giúp bạn biết mạng xã hội nào đang cung cấp nhiều lợi ích nhất cho doanh nghiệp của mình.

 

———-

Tác giả: Christina Newberry

Link bài gốc: 23 Benefits of Social Media for Business

Dịch giả: Trần Đào Nhật Mai – ToMo – Learn Something New 

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là Dịch Giả: Trần Đào Nhật Mai – Nguồn: ToMo – Learn Something New“. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: “Theo ToMo” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo – Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.