Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được quy định như thế nào?
Chất lượng giáo dục là sự đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục, đáp ứng các yêu cầu của Luật giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước. Vậy công tác tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được quy định như thế nào. Bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về vấn đề này.
Kiểm định chất lượng giáo dục là gì?
Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.
Theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì Kiểm định chất lượng giáo dục được quy định là:
Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Kiểm định chất lượng giáo dục gồm có kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng chương trình giáo dục. Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục được áp dụng đối với tất cả các cơ sở giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo. Kiểm định chất lượng chương trình giáo dục được áp dụng đối với các chương trình giáo dục các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, có chức năng đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Các loại hình tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Khoản 1 Điều 112 Luật Giáo dục 2019 quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm:
Thứ nhất: Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập;
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai: Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài thành lập;
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
Thứ ba: Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài.
Tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài được công nhận hoạt động và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Ví dụ như tổ chức FIBAA – thực hiện các hoạt đông đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở giáo dục đại học và các chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thuộc các lĩnh vực pháp luật, kinh doanh và quản lý, khoa học xã hội và hành vi.
Tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục
Khoản 2 Điều 112 Luật Giáo dục 2019 quy định Việc tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục được quy định như sau:
a) Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy định điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam;
b) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và quy định trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
c) Kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục
Luật Hoàng Anh