Tổ chức đào tạo tín chỉ phù hợp với cách tiếp cận phát triển năng lực – Giáo dục Việt Nam
GDVN- Với học chế tín chỉ, người học được chủ động thiết kế kế hoạch học tập, tiến độ học tập tương đối thích hợp với khả năng, sở trường và hoàn cảnh của mình.
Tiếp theo phần 1: “Vì sao Hội nghị hiệu trưởng năm 1987 đặt vấn đề phải chuyển sang hệ tín chỉ?”
Sau Hội nghị Hiệu trưởng ở Vũng Tàu năm 1988, quy trình đào tạo mới đã được triển khai cho loại hình đào tạo chính quy tập trung ở hầu hết các trường đại học và cao đẳng lúc đó với một số đặc điểm.
Trong đó có áp dụng một học chế cho phép người học tích luỹ dần kiến thức qua từng học phần thuộc 3 loại: bắt buộc, tự chọn theo hướng dẫn của trường và tự chọn tuỳ ý. Với học chế này, người học được chủ động thiết kế kế hoạch học tập cho mình, được quyền lựa chọn cho mình tiến độ học tập tương đối thích hợp với khả năng, sở trường và hoàn cảnh riêng của mình. Điều đó đảm bảo cho quá trình đào tạo trong các trường đại học trở nên mềm dẻo hơn, đồng thời cũng tạo khả năng cho việc thiết kế chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo đại học và giữa các ngành đào tạo khác nhau.
Và sử dụng một kiểu đánh giá định lượng tổng hợp dựa vào việc lấy điểm bình quân gia quyền tính theo số đơn vị học trình làm điểm trung bình chung. Điểm trung bình chung tính theo cách này khách quan hơn và có tính ổn định cao nhờ luật số lớn, do đó đánh giá đúng hơn trình độ của người học.
Hai đặc điểm trên thể hiện các thuộc tính của hệ tín chỉ. Để cụ thể hoá những đặc điểm này, trong những quy chế mà Bộ ban hành khi đó đều đưa ra định nghĩa về học phần: học phần là khái niệm quy định một khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, được sử dụng để tạo thuận lợi cho người học tích luỹ dần kiến thức trong quá trình học tập.
Với việc đưa vào khái niệm đơn vị học trình để đo khối lượng của học phần, trên thực tế đã tách thuộc tính đo lường kiến thức ra khỏi học phần và đảm bảo cho việc xây dựng các học phần trở nên dễ dàng hơn, được các trường chấp nhận. Về hình thức, đơn vị học trình đồng nhất với khái niệm tín chỉ nhưng về định lượng thì không hoàn toàn như nhau.
Mặc dù trong định nghĩa đơn vị học trình không quy định rõ thời gian chuẩn bị cho 1 tiết học ở lớp nhưng theo thói quen ở các trường đại học nước ta, với thời khoá biểu quy định 30 tiết/ tuần thì sinh viên chỉ có thể dành ít hơn 1 giờ cho chuẩn bị 1 tiết ở lớp.
Như vậy, theo định nghĩa thì đơn vị học trình của chúng ta bằng cỡ 2/3 tín chỉ của các nước khác. Do đó khối lượng kiến thức tối thiểu quy định cho bằng cử nhân 4 năm của nước ta là 210 đơn vị học trình. Tuy nhiên, nếu bằng cách cải tiến phương pháp giảng dạy và đảm bảo những điều kiện cần thiết cho sinh viên học tập sao cho có thể rút bớt thời gian lên lớp xuống còn cỡ 2/3 (từ 30 tiết/tuần xuống 20 tiết/ tuần) mà vẫn đảm bảo đủ khối lượng và chất lượng yêu cầu thì đơn vị học trình của ta sẽ tương đương với tín chỉ của các nước về mặt định lượng.
Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy các quy chế học tập đã nói tới ở trên mới chỉ thể hiện một học chế mềm dẻo, kết hợp niên chế với tín chỉ, mà chưa thể hiện một học chế tín chỉ triệt để như ở hệ tín chỉ đang áp dụng ở các nước. Học chế kết hợp này trên thực tế trong cách tổ chức quá trình học tập vẫn có khuynh hướng thiên lệch về phía “niên chế”.
Do lớp học vẫn được tổ chức theo khoá tuyển sinh, việc các sinh viên muốn được đăng ký học tập theo kế hoạch cá nhân là điều khó thực hiện. Cách tổ chức học tập như vậy cũng gây ra một số điểm bất hợp lý thể hiện trong quy chế. Bởi vậy học chế trên chỉ có thể xem như một bước đệm trong quá trình chuyển từ học chế niên chế sang hệ chế tín chỉ.
Song việc triển khai bước đệm này trong những năm đó là cần thiết bởi vì:
Vì nhiều lý do, cho tới trước năm 2005 hệ tín chỉ không được phép triển khai đại trà trong các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam.
Điều kiện học tập và giảng dạy của các trường còn quá nhiều thiếu thốn, chưa có đủ những điều kiện tối thiểu để sinh viên học tập (sách giáo khoa, thư viện, phòng thí nghiệm…)
Tổ chức các trường đại học chưa thích hợp để thực hiện học chế tín chỉ (các trường chuyên ngành hẹp với quy mô quá bé và đội ngũ giáo chức quá mỏng không tổ chức giảng dạy được nhiều học phần khác nhau để sinh viên tự chọn).
Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo ở nước ta ở cả cấp Bộ và cấp trường phần lớn không được đào tạo ở các trường đại học có áp dụng hệ tín chỉ và cũng chưa có cơ hội để làm quen với nó.
Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh là trường đầu tiên ở nước ta quyết tâm cải tiến một cách cơ bản việc quản lý đào tạo theo hệ tín chỉ và Bộ đã chọn trường làm trọng điểm chỉ đạo thực hiện việc này. Với quyết tâm và sự nhất trí cao, với sự chuẩn bị tương đối đầy đủ, trường đã triển khai và thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Sau một năm thực hiện, vào tháng 7/1994, Bộ đã tổ chức một hội nghị rút kinh nghiệm tại trường, ở hội nghị này đại biểu của nhiều trường đã được cung cấp những thông tin về cơ sở lý luận của hệ tín chỉ, về quy trình kỹ thuật cần thực hiện để áp dụng nó, đã trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm sinh động của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau hội nghị, nhiều trường đã quyết tâm triển khai cải tiến triệt để việc quản lý đào tạo theo hệ tín chỉ như các trường: Đại học Đà Lạt, Đại học Cần Thơ, Đại học Xây dựng, Đại học Nha Trang, Đại học Thăng Long, Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh,…
Nhằm giúp các trường hình dung ra rõ ràng hơn quy trình đào tạo theo hệ tín chỉ nên trong năm 1994 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp nhiều tư liệu về kinh nghiệm triển khai hệ tín chỉ ở các nước trong khu vực và trên thế giới cho một số trường tự nguyện thực hiện thí điểm.
So sánh với các quy chế học tập kết hợp niên chế với học phần khi đó, quy chế học tập trên cơ sở tích luỹ kiến thức theo các học phần có những đặc điểm khác biệt như sau:
Một là, theo quy chế đơn vị học vụ được chọn là học kỳ, không phải là năm học như trước đây.
Hai là, việc tổ chức đăng ký khối lượng học tập của sinh viên vào đầu mỗi học kỳ kéo theo sự thay đổi hình thức tổ chức lớp học: lớp học không tổ chức theo khoá tuyển sinh như trước đây mà được tổ chức theo từng học phần được sinh viên đăng ký, đồng thời cũng kéo theo việc thay thế hệ thống giáo viên chủ nhiệm trước đây bằng hệ thống cố vấn học tập.
Ba là, hình thức học tập theo chương trình cá nhân cho phép sinh viên học với các tiến độ khác nhau, do đó phải tổ chức 2 kỳ công nhận tốt nghiệp trong mỗi năm học.
Bốn là, có sử dụng thêm một loại thang điểm phi tuyến để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Trong khi cán bộ giảng dạy vẫn sử dụng thang điểm tuyến tính 10 bậc để cho điểm thì điểm tổng hợp do phòng đào tạo tính trên máy vi tính có sử dụng cả thang điểm phi tuyến 4 bậc để dễ đối chiếu với hệ thống điểm ở các nước áp dụng hệ thống tín chỉ. Kết quả học tập của sinh viên đối với mỗi học phần được đánh giá theo quá trình.
Từ những phân tích nêu trên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tổ chức đào tạo tín chỉ phù hợp với cách tiếp cận năng lực, quy trình đào tạo phù hợp với năng lực của từng người học chứ không phải áp dụng đồng loạt, dàn hàng ngang.
* Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích về việc tổ chức đào tạo giáo dục đại học từ năm 2005 đến nay.
Thùy Linh