Tình yêu và trách nhiệm
WGPSG — Yêu và được yêu là hạnh phúc lớn nhất đối với mọi người. Người nghèo cần tình yêu thương chia sẻ là lẽ đương nhiên, nhưng người giàu cũng cần tình yêu. Dù là người trí thức hay bình dân, người sống đời tu hay đời thường, người có tôn giáo hay vô thần… đều cần đến tình yêu. Vì thế, tình yêu luôn là đối tượng mà con người mọi thời đại luôn khao khát tìm kiếm. Thế nhưng, đi liền với tình yêu bao giờ cũng là một trách nhiệm. Trách nhiệm là thước đo giá trị cho tình yêu chân thành, sâu sắc và bền vững. Vậy thì, đâu là mối liên hệ giữa tình yêu và trách nhiệm? Đâu mới là tình yêu đúng nghĩa, chân thật và vĩnh cửu cho con người thời đại hôm nay?
Trước tiên, tình yêu đã trở thành đề tài muôn thuở trong ca dao tục ngữ, trong văn chương, nghệ thuật, văn hóa, tôn giáo v.v… Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều định nghĩa về tình yêu nhưng chúng ta không tìm ra một định nghĩa cuối cùng và trọn vẹn về hai chữ “Tình yêu”. Vì thế, có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết về tình yêu như là quy luật tất yếu cho vận mệnh cuộc đời của con người như sau: “Làm sao sống được mà không yêu, không nhớ không thương một kẻ nào”.
Như vậy, tình yêu vừa thực tế gần gũi nhưng cũng vừa huyền nhiệm và khó hiểu đối với con người. Thực tế đã có biết bao người ngộ nhận, ảo tưởng về tình yêu: Ta cứ tưởng là mình đang yêu mãnh liệt, say đắm nhưng thật ra đó cũng vẫn chỉ là tình yêu ở cấp độ rất thấp, chỉ là một sự rung động nhất thời, cảm tính. Vậy thì, có bao nhiêu cấp độ về tình yêu? Đâu mới thật sự là tình yêu đúng nghĩa?
Trong thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã chỉ ra ba cấp độ cốt lõi nhất của tình yêu, đó là: Eros, Philiô, và Agapê.
Tình yêu Eros là một tình yêu chiếm hữu, một tình yêu vị kỷ, tính toán, so đo và không sâu sắc, bền vững. Phần lớn con người mọi thời đại thường dừng lại ở cấp độ này: Tôi yêu người đó vì người đó hợp với tánh tình, sở thích, hợp với những tiêu chuẩn của tôi. Hay tôi yêu người đó vì người đó đẹp trai, có nhà lầu, xe hơi, có địa vị và danh vọng.
Kế đến là tình yêu ở cấp độ Philiô, đó là một tình yêu hỗ tương, một tình yêu có trao ban và đón nhận, có bổn phận và trách nhiệm như tình yêu chung thủy của đôi vợ chồng “đầu bạc răng long”. Tình yêu của cha mẹ dành trọn cuộc đời cho những người con của mình.
Cuối cùng, cấp độ cao nhất của tình yêu, đó chính là tình yêu Agapê, nghĩa là một tình yêu không tính toán, so đo, một tình yêu không có điều kiện, một tình yêu nhưng không và yêu cho đến cùng. Vâng, đây chính là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài yêu chúng ta như chúng ta là, yêu chúng ta ngay giây phút hiện tại của cuộc đời chúng ta. Đó là một tình yêu tự hạ, tự hủy để đi đến tận cùng của sự từ bỏ, hy sinh cho người mình yêu như lời thánh Phaolô diễn tả như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” Vâng, tình yêu ấy đã dẫn đến biến cố trọng đại Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người: một Thiên Chúa đã cúi xuống thật sâu để đến với con người. Phải chăng đây chính là ý nghĩa cốt lõi nhất của ngày lễ Giáng sinh?
Thế nhưng, cuộc sống con người đâu chỉ có tình yêu. Cuộc sống ấy vốn dĩ rất phức tạp, với muôn màu muôn vẻ. Vì thế, đi liền với tình yêu bao giờ cũng là một trách nhiệm. Trách nhiệm là thước đo mức độ của tình yêu. Trách nhiệm càng cao thì tình yêu càng sâu sắc. Điều này gắn liền với người sống đời tu cũng như người sống đời thường.
Đối với những người sống bậc tu trì, họ chấp nhận hy sinh tình cảm, gia đình riêng tư, để dấn thân cho một tình yêu lớn hơn, cho lý tưởng phục vụ mọi người. Điều này là cả một cuộc đời đấu tranh, cố gắng và hy sinh cho tình yêu và trách nhiệm nơi những người sống đời tu: trách nhiệm đối với Chúa và Giáo hội, giáo phận, giáo xứ, trách nhiệm đối với đoàn chiên v.v…
Như vậy, giữa tình yêu và trách nhiệm có một mối liên hệ biện chứng với nhau: Tình yêu dẫn đến trách nhiệm và trách nhiệm làm cho tình yêu thêm sâu sắc, chân thành và bền vững. Tuy nhiên, con người thường rất ít khi dung hòa giữa tình yêu và trách nhiệm. Con người thường rất thích yêu và được yêu nhưng lại rất sợ phải nhận lấy trách nhiệm.
Thật vậy, thực tế cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay cho thấy, đã có biết bao nhiêu người chồng, người vợ bỏ con cái, gia đình, để đi theo tiếng gọi của một tình yêu nông nổi, nhất thời. Đã có biết bao nhiêu trường hợp phá thai nơi các bạn trẻ vị thành niên yêu cuồng, sống vội mà không hề nghĩ đến hậu quả và trách nhiệm mà họ phải nhận lấy. Đã có biết bao nhiêu người đang đấu tranh, giằng co giữa một bên là tình yêu và một bên là trách nhiệm.
Một chị đã chia sẻ chân thành về đời sống hôn nhân của chị với nhà tâm lý như sau: “Tôi đang sống và đã có con với một người chồng đã hơn 10 năm. Nhưng trong tận đáy lòng và trái tim, tôi không hề cảm nhận được một tình yêu, một sự rung động đến từ trái tim của mình. Vì thế, tôi đau khổ, bị dằn vặt và gượng ép. Tôi phải sống một cuộc sống mà tôi không còn là chính tôi nữa. Tôi phải sống để trả ơn, trả nghĩa chứ tôi không có tình yêu.”
Ngoài ra, thực tế cuộc sống hiện đại hôm nay còn cho thấy, có những người phụ nữ học thức, địa vị, có nhiều tiền nhưng không đi tới hôn nhân vì họ sợ phải đối diện với trách nhiệm làm vợ và làm mẹ. Họ sống một cuộc đời chỉ có tình nhân nhưng không có bạn đời: Thích thì yêu, không thích thì chia tay.
Vậy thì, điều cốt lõi quyết định cho vấn đề tình yêu và trách nhiệm nơi con người, đó chính là việc lắng nghe tiếng lòng và lắng nghe những lời Chúa dạy qua Giáo hội và những người khôn ngoan, giàu kinh nghiệm sống. Lộ trình ấy vô cùng khó khăn, phức tạp và đầy thách thức, nhiều khi phải trả giá bằng những thất bại, sai lầm và cố gắng vươn lên làm lại cuộc đời mới.
Cuối cùng, chính tôi mới sống cuộc đời của tôi. Không ai có thể sống thay cho cuộc đời của tôi được. Vì thế, tình yêu và trách nhiệm còn đem đến cho chúng ta bài học về sự chấp nhận: dù có hạnh phúc hay đau khổ thì đó vẫn là sự quyết định lựa chọn của bản thân. Điều này đòi hỏi con người cần phải có nhiều thời gian, nhiều kinh nghiệm sống và nhiều nghị lực để can đảm chấp nhận và vượt qua tất cả những bão táp phong ba đầy nghiệt ngã và éo le của cuộc đời.