Tình yêu thương trở nên tình yêu thương khi được biểu hiện ra – Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới
“Tình yêu thương” chiếm giữ phần quan trọng nhất trong cuộc sống. Không quá lời khi nói rằng tình yêu thương chính là bản chất của cuộc sống. Song, tình yêu thương không thể nhìn thấy được bằng mắt, không thể ngửi được và cũng không thể chạm được bằng tay. Vì thế, chúng ta không thể lấy ra và đưa cho người mình yêu thương xem thấy tấm lòng ấy, hoặc đóng gói vào hộp rồi trao đi. Vậy, khi nào chúng ta cảm nhận được tình yêu thương, và bằng cách nào để truyền tải tình yêu thương ấy?
Tình yêu thương được thiết lập bởi công thức “Tấm lòng×Biểu hiện”. Tấm lòng tình yêu thương được biểu lộ ra trên mặt khi chúng ta thể hiện, và sẽ trở nên liều thuốc kỳ diệu đáng ngạc nhiên làm biến hóa cả thế giới. Dù tấm lòng yêu thương là 100, nhưng biểu hiện lại bằng 0 thì cũng không có ích lợi gì. Bởi vì, dù là mối quan hệ thân thiết, gần gũi đi chăng nữa thì đối phương cũng không thể hiểu hết nỗi lòng của bạn, vì họ không phải là bạn.
Chú chó con vẫy cái đuôi của nó và giao tiếp bằng mắt với đối tượng mà nó thích. Cá voi thì hát một bài hát ngọt ngào, con khỉ thì chải chuốt bộ lông cho. Chim cánh cụt thì trao tặng những viên đá cuội. Kể cả các loài động vật cũng thể hiện tình yêu thương theo cách riêng của mỗi loài.
Người ta thường dễ dàng bộc lộ sự tức giận hoặc thất vọng với đối phương, nhưng lại hay bỏ qua việc bày tỏ tình yêu thương vì một số lý do như “Tấm lòng mới là quan trọng, có nhất thiết phải bày tỏ điều đó không?”, “Chắc người đó cũng hiểu dù mình không thể hiện.”, “Tôi không quen thể hiện.” v.v… Song, càng là tấm lòng đẹp thì càng phải biểu hiện ra. Tình yêu thương không biểu hiện cũng giống như hạt giống đang thu mình trong đất. Không có bất cứ sự biến hóa nào xảy ra cho đến khi phát sinh hành động tưới nước và soi chiếu ánh nắng.
Khi thể hiện tình yêu thương thì chúng ta lại càng được yêu thương nhiều hơn.
Ở nước Anh, việc bố mẹ không thương yêu mà lại bỏ bê con cái cũng bị coi là tội ác, dù họ không hề đánh đập chúng. Ấy là để ngăn chặn mọi rắc rối có thể gây ra vấn đề lớn do sự thờ ơ và thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ. Bởi vì tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ là nhu cầu tâm lý lớn nhất đối với con cái, cho nên nếu điều đó không được lấp đầy, trẻ dễ bị hành động thái quá hoặc trở nên ỷ lại, và đôi khi cũng có biểu hiện phát triển giật lùi. Thế nhưng, đứa trẻ được trưởng thành trong khi nhận đầy đủ tình yêu thương thì lại có khả năng phát triển về nhân cách cũng như kỹ năng mềm theo chiều hướng tích cực bởi có được tinh thần ổn định.
Điều này cũng tương tự đối với người trưởng thành, những người có đủ năng lực tự giải quyết các vấn đề ăn mặc ở. Khi người ta cảm nhận rằng ai đó yêu thương mình, thì họ sẽ có sự nhìn nhận tốt về bản thân, bởi đó có được sự tự tin hơn. Tình yêu thương nhận được từ cha mẹ, từ người bạn đời, từ con cái không chỉ làm cho tấm lòng thư thái, mà còn tiếp thêm sinh khí trong cuộc sống và khiến cho đời sống thêm gắn bó. Sự thiếu thốn tình cảm thường là triệu chứng đến từ việc không được trải nghiệm tình cảm trong thời thơ ấu, nhưng điều này cũng có thể xảy ra kể cả ở người trưởng thành. Sự thiếu thốn tình cảm ở người trưởng thành cho thấy hình ảnh họ muốn kiểm soát đối phương hoặc phản ứng một cách cảm tính, nhận thức sự tổn thương mạnh mẽ và dễ rơi vào sự bất an hoặc căng thẳng. Điều này cũng trở thành yếu tố dễ gây ra sự bất hòa với người khác.
Dù là những cặp vợ chồng kết hôn vì yêu nhau nhưng nếu cuộc sống sinh hoạt bận rộn bởi việc công sở, nhà cửa và nuôi dạy con cái thì đương nhiên họ cũng đối xử với nhau bằng tinh thần nghĩa vụ. Thật vất vả khi làm việc một cách nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu trao tặng và nhận lại những biểu hiện yêu thương xuất phát từ tấm lòng chân thành thì sẽ mang đến cho nhau niềm vui và hạnh phúc lớn lao, cho dù gia đình có gặp phải tình huống xung đột thì cũng có thể vượt qua một cách suôn sẻ. Cũng có thể cho rằng bản thân việc chuẩn bị bữa ăn và kiếm tiền về cho gia đình là vì yêu thương gia đình. Thế nhưng, nếu không thể hiện ra thì cũng khó mà truyền trải trọn vẹn tấm lòng ấy.
Nhà tâm lý học Daryl Bem đã đưa ra “Thuyết tự nhận thức”, đó là người ta sẽ tự nhận ra trạng thái tấm lòng của bản thân, sau khi đã trải qua quá trình phân tích trong đầu về một việc gì đó. Chẳng hạn như, chúng ta cảm nhận sự yêu thương rồi hành động đi kèm theo sự đó mới phát sinh, nhưng bằng cách nói yêu thương hoặc bằng hành động như mua hoa để tặng cho người đó thì ấy là việc ghi nhận rằng “Hóa ra tôi đang yêu người này.” Tức là, nếu bạn thể hiện tình yêu thương bằng lời nói và hành động ấm áp thì đối phương sẽ có cái nhìn tích cực hơn và tình cảm càng trở nên sâu đậm hơn. Đây là lý do vì sao các gia đình không ngần ngại thể hiện tình yêu thương lẫn nhau thường sẽ hạnh phúc và gắn kết mạnh mẽ hơn so với các gia đình không làm như vậy.
Tình yêu thương phải được biểu hiện đáng là tình yêu thương
Không phải mọi hành động đều là đúng đắn khi nói rằng chúng xuất phát từ tình yêu thương. Bởi vì dù là hành động xuất phát từ tấm lòng yêu thương và mong muốn đối phương được tốt hơn, nhưng cũng có khi lại gây ra hậu quả tiêu cực. Chẳng hạn như cung cấp vật chất quá mức, đeo bám, dù người đó sai phạm nhưng vẫn khen ngợi hoặc có thái độ bàng quan, hành động chỉ trích điểm còn thiếu sót và ép buộc họ phải sửa đổi, phê bình lời chỉ dạy bằng cách biện minh, lời nói so sánh v.v…, đó là những cách biểu hiện tình yêu thương một cách sai lầm thà không làm còn tốt hơn. Cảm xúc yêu thương và làm thế nào để biểu hiện cảm xúc ấy một cách đúng đắn là hai vấn đề khác nhau.
Một công ty về thông tin kết hôn của Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát thực hiện trên 412 người nam và người nữ về cách biểu hiện tình yêu thương mà họ muốn nhận nhất, kết quả được chọn ra là “lời nói đáng yêu kiểu trẻ con”. Mặc dù câu nói “Tôi yêu bạn” là câu nói rất phổ biến, nhưng chắc chắn đây là lời nói khiến tấm lòng người nghe rung động nhất. Ngoài cách biểu hiện một cách trực tiếp rằng “Tôi yêu bạn”, còn có rất nhiều lời nói khác thấm đẫm tình yêu thương. “Đây là món ăn nhẹ mà mẹ đã làm, vì mẹ rất yêu OO của chúng ta.”, “Cảm ơn bố mẹ vì đã dành thời gian bên cạnh con.”, “Bố rất thích OO của chúng ta.”, “Con rất hạnh phúc khi có bố mẹ bên cạnh.” v.v… Hãy để gia đình nghe thấy giọng tiếng yêu thương chứa đựng lòng biết ơn, khen ngợi, khích lệ, xin lỗi bằng ánh mắt trìu mến và lời nói đầy tình cảm.
Tình yêu thương cũng được truyền đạt bằng ngôn ngữ, nhưng khi có thêm hành động theo sau thì sẽ phát huy hiệu quả đầy chân tình. Tình yêu thương chỉ bằng lời nói mà không kèm theo hành động thì không thể khiến đối phương thực sự cảm động. Đặc biệt, những đứa trẻ còn thơ ấu thì cảm nhận tình yêu thương được truyền qua da thịt nhiều hơn là ngôn ngữ, vì vậy nhất định cần thiết thời gian giao cảm bằng cách ôm, tiếp xúc qua da và chơi đùa cùng với trẻ. Việc tiếp xúc cơ thể nhẹ nhàng có hiệu quả khiến cho có được cảm giác gắn bó mật thiết với nhau và xoa dịu những căng thẳng. Hơn hết, việc chia sẻ thời gian bên nhau, lắng nghe câu chuyện và thấu hiểu cảm xúc của nhau, hoặc thái độ tích cực đảm nhiệm khi đối phương cần thiết sự giúp đỡ sẽ khiến cho tình yêu thương càng thêm bền chặt. Có thể nâng cao mức độ hài lòng lẫn nhau và mối quan hệ tốt đẹp cũng được tiếp nối lâu dài hơn khi có nhiều thời gian ở cùng và vui cười với nhau.
Dù biểu hiện tình yêu thương một cách vô điều kiện nhưng cũng phải nhất quán. Nếu chỉ thể hiện tình yêu thương khi bản thân mình được vui vì đối phương, chẳng hạn như khi con cái làm việc đáng được khen ngợi, khi bạn đời làm theo ý mình muốn, khi bố mẹ cho mình cái gì đó v.v…, hoặc thái độ đối xử với ai đó khác nhau tuỳ theo tâm trạng của bản thân thì cũng khó để duy trì một mối quan hệ lành mạnh. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải thể hiện tình yêu thương không thay đổi thì đối phương mới có thể xác tín vào tình yêu thương ấy.
“Vật tương đương với tình yêu thương chính là tình yêu thương.
Đó là biết lắng nghe câu chuyện của đối phương, tôn trọng, giúp đỡ,
đối xử một cách ấm áp và thân thiện.”
“Câu chuyện đồ vật” Annie Leonard
Yêu thương theo cách mà đối phương thích
Trong dân gian có một câu chuyện nổi tiếng, đó là “Câu chuyện tình yêu giữa bò và sư tử”. Bò và sư tử yêu nhau nên đã trở thành bạn đời của nhau. Tuy nhiên, bò ngày nào cũng tiếp đãi cỏ cho sư tử, còn sư tử chỉ tiếp đãi thịt mình đã săn được cho bò, cuối cùng hai con vật cũng đành chia tay nhau. Câu chuyện tuy vui mà buồn này vẫn đang diễn ra ngay cả trong hiện thực. Đây là trường hợp thể hiện tình yêu thương theo cách mà bản thân muốn trao tặng, nhưng nếu đối phương lại không thấy cảm động và biết ơn thì bản thân bị buồn và thất vọng.
Bởi vì không có quy tắc nào về cách thể hiện tình yêu thương, nên phương thức thể hiện tình yêu thương lẫn nhau không lúc nào cũng phải đồng nhất. Dù là cách thể hiện tình yêu thương được nhiều người đồng cảm, nhưng cũng có thể không chạm tới được với người nào đó, và dù là cùng một cách thể hiện nhưng mức độ tiếp nhận cũng khác nhau tùy mỗi người. Hầu hết mọi người có khuynh hướng thể hiện tình yêu thương với đối phương theo cách mà bản thân mình muốn nhận.
Giống như bò và sư tử đã cho nhau những gì chúng thích và quý trọng nhưng kết cục chỉ để lại tổn thương cho nhau. Cho nên, dù là hành động xuất phát từ tấm lòng nhưng nếu đối phương không thấy vui thì đó cũng không phải là phương pháp tốt. Chỉ khi đối phương cảm nhận được rằng “Hóa ra mình được yêu thương!”, thì đó mới là cách thể hiện tình yêu thương một cách đúng đắn. Thay vì cứ nói rằng “Vì yêu thương nên mới làm như vậy” và ép buộc người khác phải theo phương thức của mình, hoặc muốn đối phương làm quen với cách thể hiện của mình, chúng ta hãy quan tâm đến việc đối phương cảm thấy hạnh phúc khi nào. Điều quan trọng hơn hết là hãy bỏ sau lưng những tiêu chuẩn của bản thân và hãy suy nghĩ trên lập trường của đối phương, cũng như truyền tải tình yêu thương theo cách mà đối phương ưa thích.
Thật tốt nếu phù hợp với cách biểu hiện tình yêu thương của đối phương, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn yêu cầu đối phương thể hiện tình cảm theo cách bạn muốn và xem thường cách biểu hiện tình yêu thương của họ. Tình yêu thương cho đi để nhận lại, ý nghĩa ấy sẽ bị phai nhạt đi. Sở dĩ mỗi người có khái niệm hoặc cách biểu hiện khác nhau về tình yêu thương là vì mỗi người có những trải nghiệm khác nhau về tình yêu thương. Nếu có người khó nói được những lời yêu thương, thì cũng có người lúng túng trong việc quan tâm chu đáo đến đối phương. Hãy hiểu rằng cách chúng ta đã quen với điều gì đó tùy thuộc vào quá trình trưởng thành và môi trường sinh sống nên khó có thể thay đổi trong phút chốc, và hãy hiểu cho cách thể hiện tình yêu thương của mỗi người.
Nếu đối phương không thích cách thể hiện tình yêu thương của mình, điều đó có nghĩa là bạn vẫn chưa hiểu hết về họ. Hãy quan sát phản ứng của đối phương đối với lời nói và hành động của mình, bởi điều đó làm tăng thêm khía cạnh tiếp nhận một cách tích cực. Dầu vậy, nếu mình không biết rõ thì nên hỏi xem liệu đối phương cảm nhận được tình yêu thương khi nào? Nỗ lực tìm kiếm và điều chỉnh cách thể hiện tình yêu thương làm cho nhau cảm thấy hài lòng, cũng là cách biểu hiện khác của tình yêu thương.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Erich Fromm nói rằng “Tình yêu thương không phải là một cảm giác, mà nó là sự thực tiễn.” Nhà tâm lý học George W. Crane cũng nói điều này với ý nghĩa tương tự: “Tình yêu thương được nuôi dưỡng bởi sự biểu hiện và hành động.” Giống như một vườn hoa đẹp đẽ, chúng ta cũng phải hết lòng chăm bón nếu muốn tình yêu thương nở hoa rực rỡ. Như thể không có việc gì được thành mà không có sự nỗ lực, tình yêu thương cũng vậy. Nếu thể hiện tình yêu thương đúng cách trong gia đình, thì mọi vấn đề trong cuộc sống đều được giải quyết một cách triệt để.
Vì thời gian không chờ đợi chúng ta mãi, nên nếu không bày tỏ bây giờ, thì có thể sẽ đến lúc dù muốn cũng không thể làm được nữa. Hãy nhìn lại xem liệu cách yêu thương của tôi có thích hợp hay không, hãy hướng đến gia đình và bày tỏ tấm lòng yêu thương vô điều kiện và chân thành một cách không ngần ngại. Tình yêu thương tựa như mạch nước suối không bao giờ cạn dù có cho đi nhiều bao nhiêu. Cũng không nhất thiết phải trao tặng tình yêu thương theo cách đặc biệt vào một khoảnh khắc đặc biệt nào đó. Nếu dẫn lối tình yêu thương ở mọi nơi trong đời sống hàng ngày, thì mỗi ngày đều trở nên đặc biệt.