Tính hợp lí, hợp pháp của quyết định hành chính?

Trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, các cơ quan không thể thiếu những công cụ, phương tiện để có thể quản lý và đảm bảo trật tự xã hội. Quyết định hành chính là một trong những phương tiện, công cụ đó.

NỘI DUNG TƯ VẤN:

Xã hội ngày càng phát triển, vai trò của các cơ quan hành chính trong lĩnh vực quản lí hành chính nhà nước ngày càng trở nên quan trọng. Để thực hiện tốt chức năng của mình, trong quá trình hoạt động, cơ quan hành chính ban hành rất nhiều quyết định hành chính. Đó là một yếu tố giúp các cơ quan hành chính có thể làm tốt vai trò của mình. Vì vậy để hiểu rõ hơn về quyết định hành chính bạn có thể tham khảo nội dung ở phía dưới đây:

1. Lí luận chung về quyết định hành chính:

1.1 Định nghĩa về quyết định hành chính:

Thuật ngữ quyết định hành chính không chỉ xuất hiện trong khoa học mà còn cả trong những quy định của luật thực định: Luật khiếu nại, tố cáo; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Chính vì vậy, việc làm rõ khái niệm quyết định hành chính cũng như việc giới hạn nội dung của khái niệm là việc rất cần thiết cho việc nghiên cứu và thực tiễn hoạt động quản lí hành chính nhà nước.

Có quan điểm cho rằng, quyết định hành chính bao gồm cả hành vi vật chất của chủ thể ra quyết định và văn bản thể hiện hành vi đó (quyết định bằng hình thức văn bản). Về chủ thể ban hành quyết định, theo khoa học có nhiều chủ thể có những chức năng khác nhau được trao quyền ra quyết định này. Ví dụ: Quyết định hành chính không chỉ do cơ quan hành pháp ban hành mà còn do cơ quan lập pháp hoặc cơ quan tư pháp ban hành.

Theo từ điển tiếng Việt “ quyết định” là định một cách chắc chắn với ý nhất định phải thực hiện.

Theo một số tài liệu nghiên cứu về quyết định hành chính thì quyết định bắt đầu từ thuật ngữ La tinh “actus” có nghĩa là hành động, hành vi. Bởi vậy, sách báo tạp chí nước ngoài thường gọi quyết định là hành động, một hành động dẫn đến một hậu quả pháp lí được gọi là quyết định pháp luật.

Trong tài liệu pháp lí nước ta người ta thường đồng nhất khái niệm văn bản và quyết định pháp luật với văn bản. Cách hiểu này chưa thực sự đúng đắn bởi văn bản chỉ là một trong những hình thức thể hiện, hình thức bên ngoài của quyết định pháp luật, ngoài ra còn có cả kí hiệu, tín hiệu hoặc hình thức nói. Văn bản thể hiện tính ưu việt hơn so với các hình thức khác bởi nó phản ánh tính khuôn mẫu, có căn cứ chắc chắn tạo nên sự ổn định của hoạt động quản lí hành chính. Có thể do tính ưu việt đó nên nhiều người đã mắc sai lầm với khẳng định trên.

Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học (Nxb Công an nhân dân Hà Nội, 1999) thì “quyết định hành chính” có được hiểu là: “ Kết quả của sự thể hiện ý chí của quyền lực đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người có chức vụ, các tổ chức và cá nhân được nhà nước trao quyền, thực hiện trên cơ sở và để thi hành pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lí hành chính trong lĩnh vực hoặc vấn đề được phân công phụ trách.”

Những quan điểm nêu trên không chỉ khác nhau về tên gọi của quyết định mà còn khác nhau về cả tính chất cũng như nội dung của quyết định.

Để thực hiện quyền lực nhà nước, trên phương diện lí luận cũng như thực tiễn người ta đều thừa nhận vị trí và vai trò quan trọng của hệ thống cơ quan nhà nước có chức năng quản lí hành chính nhà nước trên cơ sở quyền hành pháp – lĩnh vực thể hiện quyền lực nhà nước một cách thiết thực nhất, bởi lẽ đó là những hoạt động với mục đích thực hiện luật (thi hành luật) nhằm cụ thể hóa những quy định của luật vào các lĩnh vực đời sống xã hội. Chính vì vậy, hình thức hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này chủ yếu và quan trọng đó là ra quyết định hành chính để đề ra những chủ trương, chính sách lớn, xây dựng quy tắc xử sự hoặc áp dụng pháp luật cho một công việc cụ thể (quyết định hành chính cá biệt) nhằm mục đích thực hiện chức năng của nhà nước thông qua quyền hành pháp.

Mặt khác, quyết định hành chính do nhiều chủ thể khác nhau ban hành với những nội dung phong phú và đa dạng tác động đến các lĩnh vực khác nhau của quản lí hành chính. Như cơ quan quyền lực, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát. Tuy nhiên, những quyết định đó chỉ nhằm xây dựng ổn định chế độ công tác nội bộ cơ quan và khả năng tác động trực tiếp đến xã hội rất hạn chế. Vì vậy, trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước, chủ thể có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính là các chủ thể trong hệ thống các cơ quan hành chính thực hiện quyền lực nhà nước để quản lí các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từ những cơ sở trên ta có thể đưa ra định nghĩa sau:

“Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật nó là kết quả của sự thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua hành vi của các chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành theo một trình tự, dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp luật nhằm đưa ra các chủ chương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng các nguyên tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lí hành chính nhà nước.”

1.2 Đặc điểm của quyết định hành chính nhà nước

Là một dạng của quyết định pháp luật do đó quyết định hành chính có những đặc điểm sau:

Tính quyền lực nhà nước: Tính chất này được thể hiện ở hình thức của quyết định, bởi chỉ có cơ quan nhà nước mới được ban hành các quyết định đơn phương ra các quyết định pháp luật xuất phát từ lợi ích chung. Về nguyên tắc, tất cả các quyếtt định hành chính đều được đảm bảo bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước khi cần thiết.

Tính pháp lí: Quyết định hành chính là kết quả của sự thể hiện ý chí nhà nước, nó tác động ngay đến cơ chế điều chỉnh của pháp luật. Đồng thời, làm xuất hiện quy phạm pháp luật, thay thế hoặc hủy bỏ quy phạm pháp luật, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

Tính dưới luật: Quyết định hành chính do cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước ban hành nên nó là những văn bản dưới luật nhằm thi hành luật. Được nhiều chủ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Bao gồm các chủ thể từ trung ương đến địa phương, có thẩm quyền chung hay thẩm quyền chuyên môn. Có nội dụng và mục đích phong phú.

1.3 Phân loại quyết định hành chính

Căn cứ vào tính chất pháp lý, quyết định hành chính bao gồm: quyết định hành chính cá biệt, quyết định hành chính quy phạm, quyết định hành chính chủ đạo.

Căn cứ vào chủ thể ban hành ta có 5 loại quyết định hành chính: quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân; cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân và quyết định hành chính liên tịch.

2. Tính hợp lí, hợp pháp của quyết định hành chính:

Để phát huy vai trò của quyết định hành chính cần quan tâm đến tính hợp lí hợp pháp của nó bởi rõ ràng quyền hành pháp luôn luôn bị giới hạn bởi quyền lập pháp, đồng thời chỉ có các văn bản phù hợp với điều kiện thực tế mới có thể phát huy tốt vai trò của nó .

2.1 Tính hợp pháp của quyết định hành chính:

Bất kì quyết định hành chính nào cũng phải đáp ứng các yêu cầu sau: phải được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thực hiện quyền hành pháp; phải phù hợp với luật về nội dung cũng như mục đích bởi đây là những quyết định dưới luật; phải được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục và hình thức do pháp luật quy định. Quyết định hành chính chỉ cần vi phạm một trong những điều kiện trên có thể bị khiếu nại vì sự sai phạm trong quá trình ban hành quyết định đó. Quyết định bị khiếu nại có thể bị hủy bỏ hoặc điều chỉnh bằng một quyết định khác có nội dung thay thế chuẩn xác hơn, nếu việc khiếu nại là có cơ sở pháp lý, còn nếu việc khiếu nại không phù hợp, quyết định hành chính đảm bảo là một quyết định hợp pháp thì giữ nguyên giá trị pháp lý và vẫn tiếp tục có giá trị thi hành theo nội dung đã công bố.

2.2 Tính hợp lí của quyết định hành chính

Những yêu cầu xuất phát từ thực tiễn của hoạt động quản lí hành chính cũng như trên cơ sở của sự kiểm chứng khoa học: Quyết định hành chính phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, không được tách rời giữa lợi ích của nhà nước với nguyện vọng của nhân dân; quyết định phải xuất phát từ yêu cầu khách quan của việc thực hiện nhiệm vụ quản lí hành chính nhà nước, tuyệt đối không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của chủ thể ra quyết định; Ngôn ngữ của quyết định phải rõ ràng, dễ hiểu ngắn gọn, các thuật ngữ pháp lí phải chính xác không được đa nghĩa; quyết định hành chính phải có tính dự báo; quyết định hành chính phải có tính khả thi.

3. Kết luận:

Thông qua việc phân tích khái niệm hành chính, ta đã tìm hiểu thêm được những vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước. Để phát huy vai trò của quyết định hành chính cần quan tâm đến tính hợp lí, hợp pháp của nó bởi rõ ràng quyền hành pháp luôn luôn bị giới hạn bởi quyền lập pháp, đồng thời chỉ có các văn bản phù hợp với điều kiện thực tế mới có thể phát huy tốt vai trò của nó. Bên cạnh đó cần nâng cao kiến thức và trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức bởi họ chính là những người trực tiếp áp dụng quy phạm pháp luật vào đời sống. Chỉ như vậy, quyết định hành chính mới có khả năng tác động tích cực đế quản lí hành chính nhà nước và toàn xã hội.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật Minh Khuê