Tinh giản biên chế trong ngành giáo dục: Gỡ khó bằng cách nào?
Tinh giản biên chế trong ngành giáo dục: Gỡ khó bằng cách nào?
Việc thực hiện tinh giản 10% theo lộ trình nên các các cơ sở GD buộc phải triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo “có HS thì phải có GV dạy học”.
Trên thực tế, do số học sinh ngày càng tăng, giáo viên thì thiếu nhưng không được phép tuyển mới, cộng thêm việc phải thực hiện tinh giản 10% theo lộ trình nên chính quyền, ngành chức năng ở địa phương và các cơ sở giáo dục buộc phải triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo phương châm “có học sinh thì phải có giáo viên dạy học”. Nhiều giải pháp được triển khai như: ký hợp đồng với giáo viên theo từng năm, thuê giáo viên thỉnh giảng theo tiết, tăng sĩ số học sinh trên một lớp học, sắp xếp, sáp nhập các trường… đã phần nào giải quyết được những vướng mắc do thiếu giáo viên, nhưng để lại những hệ lụy không thể lường hết với cả giáo viên và nhà trường.
(Ảnh minh họa)
Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Văn Bán, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ có 20 lớp, với tổng số 687 học sinh, tăng 210 học sinh so với năm 2015- 2016. Do số học sinh tăng nên số lớp cũng như nhu cầu giáo viên giảng dạy cũng tăng lên. Nhưng từ năm 2015 đến nay, trường không được tuyển bổ sung biên chế, cộng với số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu hàng năm đã khiến cho tình trạng thiếu giáo viên tăng theo từng năm. Để đảm bảo việc dạy và học tại nhà trường, Hiệu trưởng nhà trường đành phải ký hợp đồng thỉnh giảng theo tiết học với những giáo viên đã về hưu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Bán cho biết, nhà trường đã tiến hành giới thiệu hợp đồng được 2 cô giáo dạy văn hóa, đảm bảo tỷ lệ đủ một giáo viên trên lớp.
“Nhà trường đã tham mưu, báo cáo với Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ và đã được điều động tăng cường một cô giáo Tiếng Anh để dạy ở nhà trường là 3 buổi, tương đương với 17 tiết và một cô giáo dạy tin học về nhà trường tăng cường một buổi, để đảm bảo là giáo viên dạy được 23 tiết trong tuần. Sĩ số trong lớp tăng lên, thiếu phòng học cho nên sĩ số hiện tại là có những lớp 38 học sinh vượt so với quy định”, bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh cho biết.
Giống như trường Trường Tiểu học Văn Bán, huyện Cẩm Khê, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, đa phần các cơ sở giáo dục ở Phú Thọ chọn giải pháp hợp đồng với giáo viên đã bị ngừng hợp đồng thỉnh giảng theo tiết, tăng sỹ số lớp học, tăng tiết, “tích hợp” một giáo viên dạy nhiều trường, nhiều môn, nhất là các môn như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc… Hiện toàn tỉnh Phú Thọ thiếu hơn 2.000 giáo viên. Mới đây, tỉnh đã bổ sung 370 biên chế giáo viên cho bậc tiểu học, nhưng so với số giáo viên còn thiếu thì con số này vẫn còn khiêm tốn. Do phải căn ke, tính toán việc “lấp đầy” số giáo viên còn thiếu nên việc tinh giản biên chế theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ nhiều nơi không thể thực hiện được theo lộ trình.
“Trên cơ sở tinh thần chung của Nghị quyết về tinh giản biên chế thì đối với giáo dục tỉnh cũng có chỉ đạo là tinh giản chủ yếu đối với đội ngũ nhân viên. Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát sắp xếp các trường học trên địa bàn thì sau này số cán bộ quản lý cũng sẽ giảm. Riêng đối với giáo viên để giảng dạy trực tiếp, kể cả từ mầm non đến phổ thông, thì trên tinh thần vẫn là đảm bảo có học sinh phải có giáo viên và đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, hiện nay về giáo viên vẫn chưa tinh giảm, mà chủ yếu là chỉ tinh giản số nhân viên”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết.
Tại tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, để thực hiện tinh giản biên chế trong tình trạng vẫn thiếu giáo viên, địa phương đã thực hiện một loạt giải pháp.
“Hà Giang có đề án di chuyển những điểm trường về các trường chính nên trong mấy năm vừa qua, chúng tôi chuyển được gần 200 điểm trường, đây cũng là tháo gỡ cho việc tinh giảm. Bên cạnh đó, vẫn phải tính đến tăng sĩ số lớp, không còn cách nào khác, không để các cháu không được đi học. Giáo viên cũng phải tăng giờ”, ông Trần Đức Quý cho hay.
Tăng tiết, thuê giáo viên hợp đồng thỉnh giảng theo tiết, hay Ban Giám hiệu thay nhau đứng lớp trong các giờ học văn hóa, thậm chí tăng tiết so với quy định… là những câu chuyện quen thuộc của ngành Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương trong bối cảnh thiếu giáo viên mà không được bổ sung biên chế. Tuy nhiên thực sự đây chỉ là những giải pháp tình thế dù phần nào khắc phục được thực trạng thiếu giáo viên, nhưng lại gây ra những hệ lụy không lường hết được cho cả giáo viên và ngành chức năng.
Tại một số địa phương, do việc tuyển giáo viên hợp đồng không được kiểm soát chặt chẽ nên đã dẫn tới tình trạng tuyển dụng không đúng quy định, sau đó phải dừng hợp đồng hàng loạt, gây bức xúc đối với giáo viên và dư luận xã hội. Một số địa phương áp dụng các giải pháp cứng nhắc để đối phó với việc “thiếu nhưng không được tăng biên chế” bằng cách điều động giáo viên thừa ở bậc học này sang dạy ở cấp học khác vừa gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với giáo viên vừa ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Để giải bài toán tinh giản biên chế trong điều kiện thiếu giáo viên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, cần phải có các giải pháp, chính sách mang tính bền vững hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cần phải có những quy định phù hợp với ngành giáo dục trong quy định giảm.
Ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.
“Cần phân cấp cho ngành giáo dục trong điều chuyển, hiện nay chúng ta đang phân cấp cho ngành nội vụ thì có một sự ngăn cách, xử lý không kịp thời, không phù hợp thì phải giao thẩm quyền cho ngành giáo dục chịu trách nhiệm, trong việc đề xuất số lượng biên chế, điều chuyển, ngay cả việc tuyển dụng cũng nên giao cho ngành giáo dục”, ông Nguyễn Lâm Thành cho biết.
Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ngành giáo dục và đào tạo cần xây dựng tốt quy hoạch giáo dục ở địa phương, trên cơ sở đó xác định rõ nhu cầu giáo viên, số lượng giáo viên thiếu, bậc học thiếu giáo viên, nguyên nhân thừa, thiếu giáo viên, để từ đó có kế hoạch, lộ trình tuyển dụng cũng như thực hiện tinh giản phù hợp.
“Với việc yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, khắc phục tình trạng đội ngũ công chức, viên chức số lượng quá lớn như hiện nay, việc tinh giản biên chế là việc cần thiết. Tuy nhiên việc thực hiện không phải áp dụng đồng loạt mà áp dụng theo đặc thù, điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương và áp dụng này thì phải căn cứ vào điều kiện thực tế giáo viên trên cơ sở yêu cầu của người học, chứ không phải là tinh giảm theo cách đơn thuần là cứ giảm số lượng 10% như yêu cầu của Nghị quyết”, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết.
Theo ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, việc đào tạo đội ngũ giáo viên cũng cần phải được thay đổi để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, vừa có thể điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với tình hình thực tế.
“Các trường sư phạm cũng phải đổi mới quá trình đào tạo của mình để cho một giáo viên có thể giảng dạy được nhiều môn theo hướng tích hợp liên môn như vậy thì khi có thừa thiếu cục bộ thì có thể điều chuyển được và sẽ hạn chế được tình trạng thừa thiếu cục bộ. Bản thân các nhà giáo cũng phải nhận thức tình hình hiện nay đối với nhu cầu việc làm cũng như nhu cầu về sự nghiệp giáo dục để thích ứng với việc là dạy tích hợp liên môn và đặc biệt là phải luôn luôn có ý thức vươn lên, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm đạo đức nhà giáo, để đáp ứng yêu cầu thì mới có thể giữ được việc làm ổn định”, ông Vũ Minh Đức cho hay.
Giáo dục- Đào tạo là một ngành đặc thù. Thực hiện tinh giản biên chế đối với một ngành đặc thù không thể tiến hành một cách cơ học mà phải dựa trên nguyên tắc đặc thù: có người học là phải có trường lớp và giáo viên đạt chuẩn. Với ngành giáo dục, tinh giản biên chế nên được hiểu đó là việc sắp xếp lại bộ máy, tổ chức sử dụng lực lượng cán bộ, giáo viên tại những nơi có điều kiện phù hợp, tinh giản những vị trí không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm các bớt cơ quan đầu mối, lãnh đạo, nhân viên hành chính…
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, giải pháp căn cơ để giải bài toán khó này. Đó là Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị có kết luận 9028 về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước, bước đầu đã giải quyết được ở 19 tỉnh, thành phố. Tinh thần này cũng đã được Bộ Nội vụ thông báo tới 63 tỉnh, thành phố, nhưng quá trình thực hiện ở nhiều địa phương đến nay vẫn khó khăn, lúng túng./.
Theo VOV.VN