Tính cộng đồng của người Việt
Từ thuở bình minh lịch sử, do bản năng sinh tồn (muốn được tập hợp sức mạnh chống thiên tai, địch họa, thú dữ và kích thích quá trình tiến hóa), con người đã có ý thức liên kết bầy đàn, sống quần tụ thành một cộng đồng, tập thể. Từ đó, xã hội loài người dần dần hình thành các mô hình xã hội từ dạng sơ khai cho đến phức tạp và phát triển cao như ngày nay.
Theo nghĩa hẹp của bộ môn Nhân học văn hóa (Cultural anthropology), tính cộng đồng chỉ sự gắn bó với từng nhóm trong cộng đồng dân tộc lớn… (in-group: Gia đình, thân tộc, tôn giáo…) gần như tính tập thể. Khái niệm tính cộng đồng này của Nhân học văn hóa chỉ sự gắn bó với những nhóm (in-group) như: Gia đình, làng, xã, tổ chức xã hội, tôn giáo… trong cộng đồng dân tộc lớn. Theo nghĩa rộng, tính cộng đồng là ý thức và tình cảm gắn bó người tộc Việt với nhau (tức là tính cộng đồng dân tộc Việt). Tính cộng đồng đặc trưng cho tinh thần đoàn kết, tương trợ; tính tập thể hòa đồng; đó là sự gắn kết giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng tập thể. Tính cộng đồng chú trọng nhấn mạnh vào sự đồng nhất: Cùng họ là đồng tộc, cùng tuổi là đồng niên, cùng nghề là đồng nghiệp, cùng làng là đồng hương…
Minh họa: PHÙNG MINH
Việt Nam nằm trong khu vực có thời tiết 4 mùa, thổ nhưỡng đa dạng, nhiều sông ngòi, kênh rạch… rất phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng có nguồn gốc từ nền văn hóa lúa nước đó. Trong sản xuất nông nghiệp, các gia đình nông dân cùng canh tác trên một cánh đồng, môi trường canh tác gần gũi và mang tính tập thể đó khiến những người nông dân trong làng không thể sinh sống và làm việc đơn lẻ, mà liên kết với nhau trong mối liên hệ gần gũi, thân tình…
Trong cuộc sinh tồn và phát triển, dân tộc Việt Nam luôn phải gồng mình lên để chiến đấu chống lại các thế lực ngoại bang hùng mạnh và thiện chiến, vận mệnh dân tộc không ít lần như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước nguy cơ nước mất nhà tan, sự sống còn của cá nhân gắn liền với sự tồn vong của cộng đồng nên ngay tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam hình thành sớm. Điều này lý giải vì sao cộng đồng dân tộc Việt Nam cùng với Nhà nước trung ương tập quyền ra đời sớm, ngay vào lúc xây dựng nền móng cho chế độ quân chủ phong kiến dân tộc. Sự gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc thành một khối thống nhất chính là bức thành đồng kiên cố giúp cộng đồng có thể vượt qua mọi dã tâm xâm lược, đưa đất nước đi lên cường thịnh và trường tồn.
Tính cộng đồng biểu hiện ở cách tổ chức đời sống cộng đồng, mà làng xã là một ví dụ tiêu biểu. Tiếng Việt mang hình bóng của tính cộng đồng người Việt rất đậm đặc, đơn cử như trong tiếng Việt, không có đại từ ngôi thứ nhất và thứ hai chung cho mọi người mà phải thay bằng tiếng xưng hô trong thân tộc như: Ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu, cô, dì, chú, bác… Có lẽ đây cũng chính là một đặc thù của tiếng Việt so với ngôn ngữ khác trên thế giới. Tính cộng đồng còn được thể hiện qua phong tục, tín ngưỡng, lễ hội của người Việt. Bản thân lễ hội chứa đựng trong đó các giá trị to lớn, hướng con người tới “cái thiêng”, có sức gắn kết cộng đồng, hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp xã hội, trở thành một nhu cầu, một khát vọng của nhân dân trong nhiều thế kỷ. Tính cộng đồng cũng được hình tượng hóa qua nhiều truyền thuyết, huyền thoại với các yếu tố biểu tượng sinh động, đặc trưng như: “Con Rồng, cháu Tiên”, “Thánh Gióng”, “Sơn Tinh-Thủy Tinh”… Qua đó, ta thấy một dân tộc mà ngay từ thuở sơ khai đã gắn bó với nhau bằng nghĩa tình đồng bào ruột thịt, và lại kề vai sát cánh bên nhau bước vào cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, chung sức đồng lòng chiến đấu với bao thiên tai, địch họa để kiêu hãnh trường tồn.
Tính cộng đồng có những tác động tích cực đối với đời sống xã hội. Do có tính cộng đồng mà người Việt luôn có tinh thần tập thể, ý thức trách nhiệm. Trong mỗi hành vi ứng xử, trong lối sống và nếp nghĩ, con người luôn nghĩ đến cộng đồng, đến tập thể, luôn để ý đến các mối liên hệ xung quanh, tránh những việc làm phương hại đến tập thể. Vì tập thể, người ta sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân. Cũng vì thế mà người phương Đông nói chung, người Việt nói riêng thường đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm (khác với phương Tây thường coi trọng quyền lợi).
Vì có tinh thần tập thể nên người Việt giàu lòng nhân ái, đoàn kết, sẻ chia. Những người trong làng sống nương tựa vào nhau, vì nhau, cởi mở, hòa đồng, do đó, họ đối xử với nhau rất giàu tình nghĩa, coi trọng tình làng nghĩa xóm, “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đầy nhân ái, sẻ chia. Cũng nhờ đó, người Việt đã hạn chế sự vô cảm, ích kỷ cá nhân. Bởi lẽ, con người gắn kết cộng đồng sẽ không chấp nhận lối sống hờ hững, vô trách nhiệm. Mọi vấn đề nảy sinh đều được giải quyết bằng tình nghĩa họ hàng, bà con, láng giềng một cách mềm dẻo, tạo nên nét văn hóa trọng tình. Do đề cao tính cộng đồng nên trong xã hội Việt Nam truyền thống, có một sự đồng nhất (giống nhau, bình đẳng với nhau) cũng chính là ngọn nguồn của nếp sống dân chủ-bình đẳng bộc lộ trong nguyên tắc tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú, theo nghề nghiệp, theo phe giáp…
Như vậy, có thể thấy, tính cộng đồng có mặt tích cực là tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cộng đồng, giúp tập hợp, huy động được sức mạnh của số đông, tạo nên một tập thể đoàn kết, gắn bó để đạt được mục tiêu chung và cao nhất. Phát triển được tinh thần cộng đồng lành mạnh là cơ sở để nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Bên cạnh những mặt tích cực trên, tính cộng đồng của người Việt cũng có những hạn chế, tiêu cực.
Sự đồng nhất (giống nhau) dẫn đến chỗ người Việt Nam hay có thói dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, tâm lý xuề xòa, đại khái, tâm lý đám đông: “Nước trôi thì bèo trôi”, “nước nổi thì thuyền nổi”. Tệ hại hơn nữa là tình trạng “Cha chung không ai khóc”, “Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”… Dù khó khăn hoạn nạn, có người cũng hành xử theo tư duy “mặc kệ”: “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt, riêng mình em đâu”. Hiện tượng “hôi của”, “đánh hội đồng”… xảy ra gần đây khiến cho không ít người khốn đốn là hiện tượng đáng buồn.
Người Việt cũng có tư tưởng an phận thủ thường và cả nể, làm gì cũng sợ động chạm “rút dây động rừng” nên thường “dĩ hòa vi quý”, giải quyết vấn đề êm thấm theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”…
Tính cộng đồng đề cao tập thể cũng dẫn đến tâm lý coi nhẹ cá nhân. Bị ràng buộc bởi quan hệ cộng đồng, trách nhiệm, con người lắm lúc quên đi nhu cầu, hạnh phúc cá nhân. Lại thêm tư tưởng bình quân, cào bằng, đồng nhất tập thể nên nảy sinh thói đố kỵ, không chấp nhận sự vượt trội của người khác. Họ thà “xấu đều hơn tốt lỏi”, “khôn độc không bằng ngốc đàn”… Điều này khiến cho người Việt không tạo ra được một sự hiệp thông thống nhất, khả năng làm việc nhóm không hiệu quả, dẫn đến việc “một người làm thì tốt, ba người làm thì tồi, bảy người làm thì hỏng”. Một xã hội muốn phát triển thì cá nhân phải được tôn trọng, năng lực cá nhân phải được giải phóng. Một cộng đồng quá coi trọng tính tập thể thì yếu tố cá nhân bị lu mờ, vai trò và lợi ích của cá nhân bị gạt bỏ để phục vụ cộng đồng và tập thể.
Một mặt trái khác của tính cộng đồng là dẫn tới tính cục bộ, địa phương, kéo bè kéo cánh, lợi ích nhóm. Đây là điều tối kỵ trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cần tư duy mở, cần tinh thần đối thoại, hợp tác vì phát triển và thịnh vượng chung.
Một hạn chế lớn nữa là bệnh làm ăn kiểu tiểu nông, sản xuất nhỏ, manh mún. Cung cách làm ăn theo kiểu phường hội, thương nhân liên kết với nhau để chèn ép khách hàng của nghề buôn truyền thống,… hoàn toàn đối lập với nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt nhưng đề cao chữ tín, tôn trọng khách hàng.
Cũng như các giá trị khác trong bảng giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, tính cộng đồng là hệ quả của nền văn minh lúa nước, của lịch sử chống thiên tai, địch họa bi thương nhưng cũng rất anh hùng của người Việt. Giá trị đó đã sinh thành, sống cùng dân tộc suốt hàng nghìn năm. Nhưng tính cộng đồng của người Việt có tính tương đối và tính lịch sử cụ thể. Trong công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay đang đặt giá trị văn hóa Việt Nam trước những yêu cầu, thử thách mới. Nhìn nhận lại giá trị cộng đồng truyền thống là một cách để “ôn cố nhi tri tân”. Nhận diện đúng đắn những giá trị và hạn chế của tính cộng đồng, từ đó có giải pháp kịp thời để “gạn đục khơi trong”, khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, làm tỏa sáng, lan tỏa những mặt tích cực, tốt đẹp đến cộng đồng hiện tại như một thứ sức mạnh mềm văn hóa cho phát triển bền vững đất nước là việc làm cấp thiết và ý nghĩa hiện nay.
TS NGHIÊM THỊ THU NGA