Tỉnh Bình Định: 12/20 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bình Định, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2023 ước tăng 4,45%; tính chung 3 tháng đầu năm tăng 1,42% so với cùng kỳ. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,61%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,49%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,72%, chỉ công nghiệp khai thác giảm 4,38% so cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Định trong 3 tháng đầu năm tăng trưởng nhờ một số sản phẩm của doanh nghiệp đã ký được đơn đặt hàng mới. Trong 22 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 12 sản phẩm tăng cao như: Ống bằng sắt, thép có nối (+70,65%); máy và thiết bị cơ khí khác chưa được phân vào đâu (+55,1%); vỏ bào, dăm gỗ (+47,82%); bộ com-lê, quần áo đồng bộ (42,64%); tinh bột sắn (+39,82%); phân khoáng hoặc phân hoá học NPK (+38,573%); dược phẩm khác (+37,84%)….
Bên cạnh những sản phẩm tăng, có một số sản phẩm giảm sâu như: Cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại (-78,08%); bàn nhựa giả mây (-53,53%); tấm lợp bằng kim loại (-50,56%); quặng inmenit và tinh quặng inmenit (-40,81%)…
3 tháng đầu năm, 12/22 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Bình Định tăng cao
Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Bình Định, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm dù tăng nhẹ nhưng xét trong bối cảnh sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm là rất đáng kể. Tuy nhiên xét về lâu dài, những yếu tố tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp của địa phương vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trong đó, tại nhiều thị trường nhập khẩu chủ lực lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh; thị trường bất động sản trong nước gặp khó khăn nên hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng về đầu ra do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng dẫn đến sản xuất giảm.
Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm mạnh, tồn kho tăng cao, sản lượng tiêu thụ chậm so cùng kỳ, đặc biệt là ngành sản xuất: Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm tấm lợp bằng kim loại, cấu kiện thép; ngành chế biến sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất; chế biến thuỷ sản giảm mạnh so với cùng kỳ dẫn đến cho doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc điều chỉnh quy mô sản xuất kéo theo lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm.
Bản thân các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao; đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khắc phục; chi phí trong logistics lớn đã gây áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là gia tăng chi phí sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, xuất khẩu gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng, thị trường bất động sản suy giảm, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng chủ yếu đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng…
Với hiện trạng trên, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã tính đến nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp của địa phương.
Cụ thể, sát sao và nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp. Chủ động phối hợp theo dõi tình hình của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất; làm việc với các doanh nghiệp theo ngành hàng như sản xuất đồ nội, ngoại thất đan nhựa giả mây; sản xuất viên nén gỗ; hoá chất- dược phẩm; chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất; sản xuất điện; chế biến thủy sản; vật liệu xây dựng; thức ăn chăn nuôi; sản xuất hàng may mặc và da giày… kịp thời đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất công nghiệp.
Tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo tiến độ cho 39 dự án trọng điểm có vốn trên 100 tỷ đồng trở lên đang triển khai sớm đi vào hoạt động theo tiến độ trong đó có 11 dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023, tạo ra giá trị mới về sản xuất công nghiệp năm 2023 phát huy hiệu quả, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Tham mưu, đề xuất các giải pháp về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) đảm bảo đúng quy định; khảo sát và báo cáo chuyên đề về quản lý và phát triển CCN trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật: CCN Bình Tân, CCN Bình Nghi, CCN Gò Cầy (huyện Tây Sơn); CCN Tân Tường An (huyện Phù Mỹ).
Tổ chức triển khai các đề án khuyến công năm 2023 đã được phê duyệt. Phối hợp các huyện, thị xã, thành phố, các sở ngành có liên quan, các cơ sở công nghiệp nông thôn kiểm tra tình hình thực hiện đề án khuyến công năm 2023 đã được phê duyệt.
Ngành Công Thương tỉnh Bình Định tập trung thực hiện các giải pháp, phấn đấu đạt các chỉ tiêu năm 2023: Chỉ số sản xuất công nghiệp 7,5% – 7,7%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 106.264 tỷ đồng.