Tin tức – Hội nông dân Tp.Hồ Chí Minh
Nuôi yến – Việc mới cần cẩn trọng
Hiện cả nước có gần 20 ngôi nhà thực hiện nuôi yến lấy tổ. Nhiều nhất có lẻ là ở Khánh Hoà. Việc nuôi chim yến trong nhà lấy tổ, không phải là cách làm mới lạ đối với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện cả nước có gần 20 ngôi nhà thực hiện nuôi yến lấy tổ. Nhiều nhất có lẻ là ở Khánh Hoà. Việc nuôi chim yến trong nhà lấy tổ, không phải là cách làm mới lạ đối với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt tại Indonesia có hàng ngàn ngôi nhà nuôi yến, mỗi năm sản xuất gần 100 tấn tổ yến để cung cấp đi các nơi. Nuôi yến khi thành công thì nguồn lợi thu vào rất lớn so với các loại hình trồng trọt, chăn nuôi khác trong nông nghiệp nhưng cũng phải nói là lắm rủi ro. Không phải ai cũng thành công cả. Việc nuôi yến trong nhà luôn cần vốn lớn, được trang bị kiến thức, phương tiện vật chất cần có sao cho phù hợp với yến ngụ. Thông thường nhà nuôi chim yến phải ở độ cao không quá 1.000 mét so với mặt biển, không ở chốn ồn ào, nhiều nhà máy hay nơi quá đông người. Nơi phù hợp nhất vẫn là vùng gần biển, sông hồ, đồng ruộng, rừng cây thấp…những nơi có nhiều côn trùng làm thức ăn cho chim yến. Kinh nghiệm ở các nơi cho thấy, nhà nuôi chim yến đạt kết quả thường là những ngôi nhà đáp ứng đầy đủ các thông số kỷ thuật, thiết kế cảnh quan, vi khí hậu, môi trường sống và sinh sản của yến. Một khi đã thực hiện được việc dụ chim yến vào nhà nuôi, thì có thể coi như việc nuôi đã bước đầu thành công trên 60% phần việc. Hiện công ty yến sào Khánh Hoà là đơn vị đã nghiên cứu xây dựng quy trình kỷ thuật nuôi chim yến non, chế độ dinh dưỡng, quy chuẩn thiết kế, chế tạo các công cụ hỗ trợ việc ấp nuôi chim yến, các thiết bị vật tư cho nhà nuôi yến…Đây là một địa chỉ mà người nuôi cần tìm hiểu thật kỷ trước khi quyết định nuôi hay không?.
Nghề nuôi chim yến theo công nghệ mới – nuôi chim yến trong nhà lấy tổ- hiện đang thực hiện ở vài tỉnh thành.Trong đó tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có một số hộ tổ chức nuôi tự phát. Việc nuôi chim yến trong nhà bắt nguồn từ kết quả nghiên cứu của công ty yến sào Khánh Hoà.
Trong bước đầu thực hiện việc nuôi yến lấy tổ. Có người băn khoăn nói rằng, nuôi chim yến lấy tổ cầm chắc việc may rủi “năm ăn năm thua” chứ khó mà thành công hoàn hảo.Riêng các chuyên gia thì cho rằng, chỉ có 30% người nuôi yến trên thế giới là có hiệu quả cao. Thậm chí có nơi nuôi không thành công lắm hoặc thất bại. Nhất là việc chim yến là loài rất sợ tiếng ồn, mà thành phố là nơi tiếng ồn đang bị ô nhiểm nặng. Đó là một hạn chế lớn của việc nuôi yến sào lấy tổ. Vả lại hiện việc nuôi chim yến trong nhà cũng chỉ là dựa vào phương pháp dụ yến tự nhiên.Các biện pháp về nhân giống qua ấp trứng nở vẫn còn chưa hiệu quả. Đây là một cản trở lớn cho việc phát triển mô hình nuôi yến trong nhà ở các thành phố so các tỉnh ven biển miền Trung.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, gần đây cũng có một số hộ tự phát nuôi yến lấy tổ. Nhất là ở những khu nhà ven sông, nhà kho, nhà dạng phố cổ nơi có môi trường mát, độ ẩm cao thuộc các quận 1,2,3,4,7,9 hoặc các huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Nhưng việc nuôi này phần lớn chỉ mong chờ vào một vận may trời cho là chính. Ấp An Hoà, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ là một địa điểm được giới nuôi chim yến lấy tổ coi là lý tưởng nhất cho việc thực hiện phương thức chăn nuôi nầy. Nhiều nhà đầu tư rất muốn đến đây để tổ chức nuôi yến. Hiện huyện Cần Giờ xây dựng đề án làm thí điểm việc nuôi chim yến lấy tổ tại ấp An Hoà, xã Tam Thôn Hiệp với quy mô 256 ha, trong đó diện tích nuôi khoảng 50 ha. Nuôi thí điểm ở 10 nhà nuôi, có diện tích xây dựng 100- 200m2 do một công ty và 3 hộ dân thực hiện nuôi gần 16.000con chim yến. Anh Nguyễn Văn Phấn (nông dân xã Tam Thôn Hiệp)cho biết, việc nuôi yến cần vốn lớn tuy có kết quả ban đầu nhưng vấn đề môi trường của bà con sinh sống chung quanh như phân chim, tiếng ồn từ âm thanh dụ chim, nhất là việc phòng dịch bệnh cúm H5N1…nhà đầu tư cần phải quan tâm nhiều hơn nữa. Có vậy thì loại hình nuôi mới này mới thật sự phát triển bền vững trên vùng đất Cần Giờ…
ĐẶNG VĂN THÀNH