Tín hiệu vui từ cây cao su ở Sơn La

Năm 2007, tỉnh ta đã quy hoạch và triển khai thực hiện chương trình phát triển cây cao su. Cây trồng mới này được xác định là cây đa mục tiêu, vừa có giá trị kinh tế, vừa có nhiệm vụ là rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bảo vệ đất, chống xói mòn. 15 năm qua, trải qua bao thăng trầm, với nỗ lực của tỉnh và Công ty cổ phần cao su Sơn La, những khó khăn dần được khắc phục để hôm nay 6.000 ha cây cao su đã và đang khai thác, tạo việc ổn định cho 1.300 công nhân người địa phương và gần 6.200 hộ dân góp đất trồng cao su đã có thu nhập.

                                       

Vườn cây cao su của Nông trường Mường La.   

             

Chủ trương phát triển cây cao su

             

Với mục tiêu đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; bố trí lại cơ cấu lao động nông thôn, tạo lập được các vùng sản xuất hàng hóa và thay đổi cơ bản tập quán canh tác, trình độ sản xuất của nông dân, từng bước xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chủ trương phát triển cây cao su của tỉnh Sơn La đã thu hút đầu tư vốn và kỹ thuật của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và sử dụng hiệu quả những diện tích đất có độ dốc cao, thiếu nước tưới, vận động nhân dân chuyển diện tích đất đang trồng một số loại cây khác nhưng không hiệu quả sang trồng cây cao su.

             

Phát triển cây cao su ở Sơn La với phương thức người dân góp giá trị quyền sử dụng đất để tham gia trồng cao su và đủ điều kiện sẽ được tuyển làm công nhân, trở thành cổ đông của Công ty cổ phần cao su Sơn La, được hưởng đầy đủ quyền lợi về các loại bảo hiểm theo quy định của Bộ Luật lao động.

             

Sau 15 năm thực hiện chủ trương phát triển cây cao su, từ 70 ha cây cao su đầu tiên trồng năm 2007 tại Phiêng Tìn, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, đến nay, tỉnh ta đã giao cho Công ty cổ phần cao su Sơn La gần 8.478 ha đất tại các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu và Vân Hồ; trong đó, đất của người dân góp hơn 5.963 ha, còn lại là đất cộng đồng. Công ty cổ phần cao su Sơn La đã trồng trên 7.000 ha cây cao su, trong đó diện tích cao su đang chăm sóc gần 6.040 ha.

Ca sản xuất tại Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10.

             

Tham gia thực hiện chủ trương phát triển cây cao su của tỉnh ngay từ những ngày đầu, đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, cho biết: Mường La là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện trồng cây cao su, từ khi bắt đầu triển khai luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Với việc người dân góp giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp là một hình thức liên kết chưa từng được áp dụng tại Sơn La. Để triển khai thực hiện, cùng với nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, tỉnh Sơn La đã trích ngân sách hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cao su theo nguyên tắc “Bảo đảm trong khuôn khổ định mức hỗ trợ trồng rừng của Chính phủ quy định; động viên, nhưng không tạo tính ỷ lại trong nhân dân vùng dự án phát triển cao su”.

             

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

             

Phát triển cây cao su ở Sơn La được xác định là cây đa mục tiêu, vừa có giá trị kinh tế, vừa có nhiệm vụ là rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bảo vệ đất, chống xói mòn. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương phát triển cây cao su cho thấy, do là cây trồng mới, lại chưa qua khảo nghiệm, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân góp đất trồng cao su cũng chưa từng được áp dụng ở Sơn La, nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc.

Công nhân Nông trường cao su Mường La khai thác mủ.

             

Ông Nguyễn Bá Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La chia sẻ: Với lực lượng lao động lên đến hàng nghìn người, những năm đầu triển khai có nhiều thuận lợi, nhất là ở những bản TĐC thủy điện Sơn La. Nhưng khi kết thúc giai đoạn kiến thiết, chuyển sang chăm sóc, cây cao su bắt đầu khép tán, lại chưa được khai thác, chưa có sản phẩm, đời sống công nhân và người dân góp đất trồng cao su gặp rất nhiều khó khăn.

             

Đến năm 2016, Công ty bắt đầu đưa vào khai thác mủ 250 ha cây cao su, nhưng thời điểm này nhà máy chế biến cao su chưa được xây dựng, Công ty phải bán mủ đông, giá mủ lại xuống thấp, việc sản xuất, kinh doanh của Công ty liên tục thua lỗ.

             

Bên cạnh đó, trong tổng số gần 8.478 ha đất tỉnh đã giao cho Công ty cổ phần cao su Sơn La, hiện còn gần 940 ha chưa trồng, hoặc trồng nhưng không hiệu quả, nguyện vọng của người dân muốn Công ty trả lại những diện tích đó để sản xuất các loại cây trồng khác, nhưng do vướng mắc về các thủ tục pháp lý, nên toàn bộ diện tích đất trên chưa được giải quyết; tình trạng chặt phá cây cao su tại một số địa phương vẫn chưa được xử lý triệt để…

             

Ông Nguyễn Bá Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La, cho biết thêm: Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, những khó khăn, vướng mắc đang được tập trung tháo gỡ. Từ năm 2018, Nhà máy chế biến cao su 28/10 công suất 6.000 tấn/năm đi vào hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh của Công ty ổn định, đời sống hơn 1.300 công nhân là người dân địa phương từng bước nâng lên.

             

Năm 2021, Công ty cổ phần cao su Sơn La đưa vào khai thác 4.313 ha, sản lượng mủ đạt trên 4.700 tấn. Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10 chế biến 5.114 tấn; trong đó, gia công cho Công ty cổ phần cao su Điện Biên và Lai Châu 1.426 tấn. Sản phẩm mủ do Nhà máy chế biến đạt TCVN: 3769/2016 và TCCS 112:2017; năm 2020, Công ty được cấp chứng nhận Vilas; năm 2021, được cấp chứng nhận ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015; sản phẩm SVR10 được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu. Năm 2020, Công ty lỗ 20 tỷ đồng, đến năm 2021 doanh thu đạt trên 185 tỷ đồng, lợi nhuận trên 21,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 11 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 5,9 triệu đồng/tháng, chia sản phẩm cho 6.181 hộ dân góp đất 12,6 tỷ đồng.

             

Những tín hiệu khả quan

             

Nhờ có nguồn đầu tư của doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ của tỉnh, kinh tế, xã hội tại 9 xã trồng cao su trên địa huyện Thuận Châu phát triển khá, bình quân đạt 13 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó, năm 2019 xã Tông Lạnh đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Đến thời điểm này, huyện đã cơ bản hoàn thành việc ký hợp đồng góp giá trị quyền sử dụng đất và phân chia sản phẩm giữa các hộ góp đất với Công ty cổ phần cao su Sơn La, giúp huyện ổn định tình hình lao động và an ninh trật tự trong vùng quy hoạch trồng cây cao su.

Công ty cổ phần cao su Sơn La phát lương hàng tháng cho công nhân.

             

Gia đình chị Lò Thị Xuân, một trong những hộ tham gia trồng cao su đầu tiên ở bản Tìn, thị trấn Ít Ong. Hiện nay, chị Xuân hiện là tổ trưởng phụ trách 25 công nhân đều là bà con trong bản và quản lý 215 ha cây cao su. Chị Xuân chia sẻ: Thời kỳ khó khăn nhất của cây cao su đã qua. Hiện nay, vợ chồng tôi nhận cạo mủ 5 ha cây cao su, thu nhập bình quân gần 12 triệu đồng/tháng, đủ phục vụ sinh hoạt và có vốn tích lũy để mở thêm dịch vụ kinh doanh. Hàng ngày, 4 giờ sáng vợ chồng đi cạo mủ cao su, hơn 6 giờ cạo xong về cho con đi học và bán hàng. Năm 2021, với 2 ha đất góp, gia đình được chia cổ tức gần 8 triệu đồng.

             

Năm 2018, Nhà máy chế biến cao su 28/10 đi vào hoạt động đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho công nhân. Chị Lò Thị Duyên, ở bản Lạnh, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu là công nhân bộ phận cán mủ và đóng gói sản phẩm, với mức lương trung bình mỗi tháng từ 6-7 triệu đồng. Chị Duyên nói: Công việc của công nhân ở nhà máy rất ổn định, những tháng cao điểm sản xuất 3 ca nhiều công nhân có thu nhập lên 9-10 triệu đồng. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, mỗi công nhân được hưởng chính sách hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng.

             

Sau 15 năm phát triển cây cao su, đến nay đã có nhiều công nhân là người dân địa phương trở thành cán bộ chủ chốt của các nông trường. Chị Lò Thị Nết, trưởng thành từ cán bộ vườn ươm, hiện là Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nông trường cao su Châu Quỳnh. Chị Lò Thị Nết chia sẻ: Hiện, Nông trường đang quản lý 1.224 ha cây cao su và là đơn vị dẫn đầu trong Công ty về năng suất mủ. Qua rà soát, hơn 1.670 hộ tham gia góp đất trồng cao su thuộc Nông trường đã cơ bản không còn hộ nghèo. Chương trình phát triển cây cao su còn góp phần giúp xã Chiềng Khoang và Chiềng Bằng của huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới.

             

Với trên 6.000 ha cao su, Công ty cổ phần cao su Sơn La đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, hệ thống đường lô, liên lô được mở ngoài phục vụ sản xuất, đã giúp việc đi lại của bà con giữa các bản được thuận lợi hơn. Công ty đã xây dựng 15 trụ sở nông trường, đội sản xuất, 8 nhà văn hóa, 13 lớp học mầm non và các dịch vụ, sân thể thao phục vụ công nhân và bà con dân bản. Ngoài ra, từ năm 2016, toàn bộ diện tích cây cao su đã đạt tiêu chí che phủ rừng và được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ năm 2016 đến 2021, Công ty được chi trả gần 10 tỷ đồng, số kinh phí này đầu tư cho công tác PCCC, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ thêm sinh kế cho công nhân.

             

Một thực tế đáng ghi nhận là việc làm và đời sống công nhân cao su đã ổn định và từng bước được nâng lên. Năm 2022, diện tích khai thác tăng lên 4.800 ha và đến năm 2025, sẽ đưa toàn bộ diện tích hơn 6.000 ha cây cao su vào khai thác, cùng với tăng cường các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và phát huy hiệu quả công suất của Nhà máy, Công ty phối hợp với các cấp chính quyền tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của người dân tham gia góp đất, để người trồng cao su thực sự yên tâm sản xuất.

Ngọc Thuấn