Tín chỉ là gì?

Tín chỉ thật ra chỉ là một cách chia nhỏ số tiết học ở lớp của các môn học áp dụng ở các trường đại học – cao đẳng dạy theo tín chỉ mà thôi.

Nếu ở thời học sinh chúng ta có môn Toán, môn Văn, môn Hóa, …v.v được chia đều theo các thành các tiết học ở lớp (mỗi tiết học có 45 phút) để dạy xuyên suốt trong 1 học kỳ thì ở thời sinh viên cũng vậy, nhưng thay vì nói chúng ta phải học 45 tiết học môn Toán trong học kỳ I thì chúng ta có thể quy đổi 45 tiết học môn Toán thành 3 tín chỉ môn Toán với 1 tín chỉ = 15 tiết học (cái này còn tùy vào mỗi trường quy định 1 tín chỉ bằng bao nhiêu tiết học).

Tín chỉ là số tiết, nên nó không áp dụng cho một môn học, nó áp dụng chung cho tất cả các môn học, chỉ cần quy đổi số tiết của môn học đó ra tín chỉ là được.

Tùy theo khối lượng kiến thức của môn học đó trong 1 học kỳ mà số tín chỉ của chúng khác nhau, tức là đối với môn học cần nhiều thời gian hơn để dạy thì số tín chỉ sẽ cao hơn, ví dụ như môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lenin cần tới 5 tín chỉ (tương đương 75 tiết học) trong khi môn toán Giải tích chỉ cần 3 tín chỉ (tương đương 45 tiết học) để hoàn thành.

Điều hiển nhiên nữa là môn học nào có số tín chỉ nhiều hơn thì học phí môn đó sẽ cao hơn những môn học khác có số tín chỉ ít hơn, ví dụ như trường bạn lấy 300.000 VND cho 1 tín chỉ thì bạn chỉ việc nhân lên với số tín chỉ bạn đã đăng ký trong 1 học kỳ thì sẽ biết được học phí,

  • Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac – Lenin: 300K $\times$ 5 = 1.500.000 VND
  • Giải tích: 300K $\times$ 3 = 900.000 VND

Nếu như trong học kỳ 1 bạn chỉ đăng ký học 2 môn này thì học phí sẽ là 1.500.000 + 900.000 = 2.400.000 VND.

Vậy lợi ích của việc dạy học theo tín chỉ so với việc sắp xếp lịch học cứng theo thời khóa biểu (như học ở cấp 3) là gì?

  • Bạn có thể chọn môn học mình ưa thích qua mạng thay vì phải học môn mà mình không thích theo sự sắp đặt của nhà trường.
  • Bạn có thể linh hoạt thời gian đăng ký môn học trong tuần thay vì học theo thời khóa biểu cố định sẵn của nhà trường.
  • Bạn có thể học vượt tín chỉ, tức là nếu bạn học giỏi, bạn cảm thấy số tín chỉ tối đa mà nhà trường cho phép đăng ký trong 1 học kỳ là “không suy nhê” gì đối với bạn, bạn có thể làm đơn đăng ký thêm tín chỉ, và tất nhiên bạn sẽ ra trường sớm hơn các bạn cùng khóa khác bởi vì bạn đã hoàn thành môn học trước mà.

Số tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp thì mỗi trường mỗi ngành sẽ có những quy định khác nhau, trong đó bao gồm các tín chỉ thuộc các môn học bắt buộc và không bắt buộc, do đó mình chỉ nói ở mức chung chung như trên, hy vọng sẽ có ích.