Tin Sông Đà – Tổng Công ty Sông Đà – CTCP

Theo các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp quy của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì khái niệm cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước đều được hiểu thống nhất là một biện pháp chuyển doanh nghiệp từ sở hữu nhà nước sang hình thức sở hữu nhiều thành phần và doanh nghiệp được chuyển hình thức hoạt động từ loại hình doanh nghiệp nhà nước sang loại hình Công ty cổ phần. Cổ phần hóa là khái niệm hẹp hơn tư nhân hóa. Trong cổ phần hóa, tài sản của doanh nghiệp nhà nước được bán lại cho nhiều đối tượng khác nhau bao gồm: các tổ chức kinh tế, xã hội, các cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp, giữ lại 1 tỉ lệ cổ phần cho nhà nước trong chính doanh nghiệp cổ phần đó. Như vậy hình thức sở hữu tại doanh nghiệp đã chuyển từ nhà nước duy nhất sang hỗn hợp, từ đây dẫn đến những thay đổi quan trọng về hình thức tổ chức, quản lý cũng như phương thức hoạt động công ty. Doanh nhiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa trở thành công ty cổ phần, điều lệ và thể thức hoạt động theo Luật Công ty.

Qua cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước đã trở thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, tạo động lực và cơ chế quản lý năng động; huy động thêm nguồn vốn của xã hội vào sản xuất kinh doanh, hiệu quả; sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của doanh nghiệp được nâng lên. Thực tiễn khẳng định cổ phần hóa đã trở thành giải pháp quan trọng, chủ yếu để cơ cấu lại, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Về lợi ích của Nhà nước:

–         Hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của công ty, như vậy có thể làm giảm chi phí quản lý đồng thời tạo được khả năng quản lý tốt và có hiệu quả cao hơn cho nhà nước

–         Cổ phần hoá tạo ra được khu vực kinh tế tư nhân hoạt động hiệu quả, linh hoạt.

–         Tăng hiệu quả của các doanh nghiệp ở cả hai khu vực Nhà nước và tư nhân do tính cạnh tranh cao, thúc đẩy cả hai bên đều phải cải tiến năng lực.

–         Cổ phần hoá thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo dựng được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thu hút vốn đầu tư của nhân dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

–         Thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán vì khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, chúng sẽ phát hành các loại chứng khoán để huy động vốn.

Về lợi ích của doanh nghiệp:

–         Thu hút nhanh chóng nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để đầu tư vào nền kinh tế bằng việc phát hành chứng khoán.

–         Nhanh chóng cấu trúc lại các doanh nghiệp về sản xuất, tổ chức… Nâng cao năng suất, chất lượng và vị thế của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế

–         Từ sự phân tích trên có thể thấy cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Có thực hiện tốt quá trình cổ phần hoá thì mới nhanh chóng thúc đẩy việc cải cách, đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước.

 

Nguồn tổng hợp từ internet