Tìm hiểu về tư duy phản biện và vai trò của nó trong cuộc sống
Ngày nay, tư duy phản biện là một kỹ năng sống được đề cao trong nhà trường, doanh nghiệp cũng như trong đời sống trong việc phát triển kỹ năng tư duy, đàm phán, phân tích vấn đề. Những cá nhân có kỹ năng tư duy phản biện thường có quan điểm cá nhân nổi trội và được đánh giá cao giữa tập thể. Vậy tư duy phản biện là gì mà ngày nay lại quan trọng đến thế? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Tư duy phản biện là gì?
Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa chung và thống nhất nào về tư duy phản biện. tuy nhiên, phần lớn các định nghĩa giải thích về tư duy phản biện đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự rõ ràng và khả năng lập luận.
Tư duy phản biện tiếng Anh là gì? Tư duy phản biện hay còn gọi là Critical Thinking, đề cập đến khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về niềm tin mà bạn tin hay những gì mà bạn đang làm. Nó bao gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (independent thinking) và suy nghĩ phản chiếu (reflective thinking).
Tư duy phản biện bao gồm khả năng suy nghĩ độc lập và suy nghĩ phản chiếu.
Đặc điểm của tư duy phản biện
Người có tư duy phản biện thường có khả năng:
– Hiểu sự gắn kết logic giữa các quan điểm.
– Nhận dạng, phát triển và đánh giá các lập luận.
– Tìm ra những sự không nhất quán và lỗi sai phổ biến trong cách lập luận.
– Giải quyết vấn đề một cách có hệ thống.
– Nhận dạng sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng.
– Xem xét cách lập luận và sự đúng đắn trong quan điểm, niềm tin của người khác.
Tư duy phản biện không chỉ là tích lũy thông tin. Người có trí nhớ tốt và biết nhiều kiến thức chưa chắc là người có tư duy phản biện tốt. người có tư duy phản biện tốt có khả năng suy luận ra những hệ quả từ những gì họ biết và sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề, đồng thời tìm kiếm những nguồn thông tin liên quan để tăng hiểu biết của mình về vấn đề đó.
Không nhầm lẫn tư duy phản biện với việc thích tranh cãi hay chỉ trích người khác. Mặc dù các kỹ năng tư duy phản biện có thể được sử dụng để vạch trần những thiếu sót và sai lầm trong lập luận, nhưng kỹ năng này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những lập luận đúng đắn và mang tính xây dựng. Tư duy phản biện giúp chúng ta thu nạp kiến thức, tăng mức độ thấu hiểu lý thuyết đã biết, củng cố cách lập luận, nâng cao hiệu quả xử lý công việc và giải quyết vấn đề.
Rèn luyện kỹ năng tư duy nhanh
Làm sao để rèn luyện khả năng tư duy, đặc biệt là tư duy cảm tính? Một vài gợi ý dưới đây có thể là câu trả lời dành cho bạn.
Tích cực trau dồi kiến thức cho bản thân
Người có tư duy phản biện thường có khả năng ăn nói tốt, có thể tranh luận với người khác một cách dễ dàng. Tuy nhiên, để lập luận tốt chúng ta cần không ngừng trau dồi kiến thức tổng quát, nắm vững thông tin đa dạng về tất cả các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề mình đang làm việc và cả những ngành nghề không thuộc công việc của mình. Tạp thói quen quan sát và học hỏi nhiều kiến thức để khi tranh luận thì mình luôn là người nắm rõ các thông tin chính xác để làm người khác thuyết phục.
Có một tầm nhìn khách quan
Muốn có tư duy phản biện tốt, các bạn cần có cái nhìn khách quan về một vấn đề nào đó, không nghĩ hay giải quyết vấn đề theo cảm tính hay đặt cái tôi quá nhiều để nhìn nhận một vấn đề. Hãy bỏ cái nhìn chủ quan và thay thế bằng suy nghĩ khách quan, có như vậy thì bạn mới có thể lập luận vấn đề một cách chính xác.
Tập thói quen đặt câu hỏi
Khi giải quyết một vấn đề thì cần có thêm những câu hỏi tự đặt ra để nó trở nên hoàn thiện hơn. nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ để phòng tránh mọi trường hợp không hay có thể xảy ra ngoài suy nghĩ của mình. Đây cũng là cách để giải quyết mọi vấn đề một cách chỉn chu, tránh sai sót.
Sử dụng sơ đồ hóa ý kiến
Khi nhận diện một vấn đề nào đó, đầu tiên là chúng ta nắm rõ thông tin chính xác về vấn đề gì? Về ai? Về điều gì? Liên quan đến lĩnh vực gì? Sau đó, dựa trên những cơ sở khoa học và logic, hãy lên những câu hỏi để làm rõ vấn đề. Tại sao A mà không phải B, A đúng hay B đúng, nếu là A thì kết quả thế nào, B thì kết quả thế nào, cái nào mới là cái đúng và chính xác. Từ đó rút ra kết luận và nguyên nhân cho vấn đề trên.
Tổng hợp sách hay về tư duy phản biện
Cet.edu.vn giới thiệu cho bạn 5 cuốn sách để bạn tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện của mình.
Cẩm nang tư duy phản biện: Khái niệm và công cụ (Critical thinking: Concept and Tools)
Cẩm nang tư duy phản biện là sách dành cho mọi độc giả (Ảnh: Internet)
Một cuốn sách nằm trong bộ sách tư duy gồm 6 cuốn. Trong 46 trang của cuốn sách, bạn sẽ khám phá tư duy phản biện trong một thế giới đầy thú vị. Những triết lý sắc sảo và những quy tắc áp dụng cuốn sách sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn diện hơn về tư duy phản biện.
Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc vì những triết lý về tư duy nói chung và tư duy phản biện nói riêng. Nhưng nếu thực sự muốn rèn luyện tư duy phản biện thì đây là một cuốn sách rất đáng đọc.
Tư duy nhanh và chậm (Thinking fast and slow)
Một tác phẩm khoa học rất nổi tiếng nói về tính hợp lý và phi lý của con người trong tư duy. Cuốn sách được chia làm hai phần vô cùng thú vị về hai mặt thú vị của tư duy. Một phần là tư duy nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn; phần còn lại hướng đến tư duy chậm, ít khi được sử dụng, dùng logic và ý thức.
“Tư duy nhanh và chậm” được bình chọn là Sách khoa học hay nhất của Học viện khoa học Quốc gia năm 2012; Sách hay nhất năm 2011 do tạp chí New York Times bầu chọn; Một trong những cuốn sách kinh tế xuất sắc năm 2011; Cuốn sách được quan tâm nhất năm 2011 của tạp chí Los Angeles bình chọn…
Sau khi đọc xong cuốn sách có thể bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này: Mình tư duy nhanh hay chậm? Mình tư duy cảm tính hay khách quan? Mình có khả năng thiết lập tư duy phản biện hay không?
Lối mòn của tư duy cảm tính
Đọc “Lối mòn của tư duy cảm tính” để tránh đưa ra những quyết định sai lầm.
(Ảnh: Internet)
Đã bao nhiêu lần trong đời, bạn đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính chủ quan? Cuốn sách sẽ là lời cảnh báo cho những ai đang để cho những quyết định “nguy hiểm” chiếm lĩnh cuộc sống của mình.
Toàn bộ cuốn sách là những nhận định khách quan giải thích cho hàng loạt những hành vi cảm tính, đồng thời giới thiệu về các phương pháp giúp chúng ta hạn chế và loại bỏ những tác động tiêu cực của lối tư duy này.
Sau khi đọc xong cuốn sách, bạn sẽ hiểu rõ những yếu tố nào đang tác động đến quyết định của mình để sau đó đưa ra được những quyết định đúng đắn, khách quan hơn cho cuộc đời mình.
Tư duy phản biện: Công cụ để đảm đương công việc và cuộc sống (Critical Thinking: Tools for Taking Charge of Your Professional and Personal Life)
Cuốn sách được chắp bút bởi hai tác giả là nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng đồng thời cũng là nhà sánh lập Center for Critical Thinking (Trung tâm Tư duy phản biện): Richard W. Paul và Linda Elder.
Nội dung cuốn sách xoay quanh việc sử dụng hiệu quả và phát triển khả năng tư duy phản biện vào để hoàn thiện chính bản thân mình, khám phá những cơ hội, giảm thiểu những quyết định sai lầm nhằm đạt được những mục tiêu lớn của cuộc đời.
Cuốn sách khuyến khích bạn đặt câu hỏi để hoàn thiện mình từng phút một từ quyết định công việc cho đến những mối quan hệ cá nhân. Bạn sẽ tự tin hơn trong suy nghĩ và sự tự tin đó sẽ đi vào những quyết định có thể thay đổi cuộc đời bạn
Đặt câu hỏi đúng: Dẫn lối tư duy phản biện (Asking the right questions: A guide to critical thinking)
Nguyên tắt đầu tiên của tư duy phản biện đó là biết đặt câu hỏi đúng. Có được những câu hỏi đúng giúp con người thu hẹp khoảng cách giữa việc chỉ ghi nhớ hoặc mù quáng chấp nhận thông tin với một thách thức lớn hơn là phân tích tổng hợp được vấn đề.
Vậy là thế nào để đặt được câu hỏi đúng? Cuốn sách nhỏ bé này sẽ giúp bạn. Cuốn sách mở ra hướng đi khám phá các thành phần của lập luận (vấn đề, kết luận, lý do, bằng chứng, giả định, ngôn ngữ) và cách phát hiện các sai sót, trở ngại đối với tư duy phản biện trong cả giao tiếp bằng văn bản và thị giác.)
Tư duy phản biện là một công cụ rất tuyệt vời để hoàn thiện bản thân và tạo nên những bước ngoặt trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp. Bài viết về tư duy phản biện và những cuốn sách kể trên chỉ là những người dẫn đường đầu tiên, để thành công, bạn nên tìm cơ hội để thực hành dựa vào lý thuyết và tự rút ra bài học cho mình.