Tìm hiểu về triết lý giáo dục của John Dewey

John Dewey (1859-1952) là người đặt nền móng cho triết lý giáo dục của Mỹ thế kỷ 20. Tư tưởng giáo dục của ông là sự phát triển của chủ nghĩa kinh nghiệm trong triết học vào trong giáo dục, được ông gọi là chủ nghĩa thực dụng (hay chủ nghĩa hành động).

1. Bối cảnh và vấn đề nghiên cứu

John Dewey (1859-1952) là người đặt nền móng cho triết lý giáo dục của Mỹ thế kỷ 20. Tư tưởng giáo dục của ông là sự phát triển của chủ nghĩa kinh nghiệm trong triết học vào trong giáo dục, được ông gọi là chủ nghĩa thực dụng (hay chủ nghĩa hành động). Chúng ta tìm thấy trong nhiều ấn phẩm của Dewey như: Kinh nghiệm và giáo dục, Dân chủ và giáo dục, Cách ta nghĩ, Dewey về giáo dục, v.v… những tư tưởng về một nền giáo dục tiến bộ (giáo dục phải dựa trên nền tảng kinh nghiệm của người học) đối lập với nền giáo dục cổ truyền (quan niệm coi giáo dục là sự đào tạo từ bên ngoài; truyền dạy những nội dung gồm kiến thức, kĩ năng, chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử đã được phát triển trong quá khứ cho thế hệ mới). Trong nền giáo dục tiến bộ đó, giá trị của tự do được đề cao, học thông qua tự trải nghiệm, học tập phải gắn liền với lợi ích của cuộc sống, học là để thích ứng với môi trường cuộc sống luôn thay đổi. Vì vậy, kinh nghiệm của người học trở thành yếu tố trung tâm của nền giáo dục tiến bộ, giáo dục phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để người học phát triển kinh nghiệm cá nhân.

Nghiên cứu triết lý giáo dục của Dewey cho thấy sự phù hợp với các quan điểm, tư tưởng trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Những quan điểm, tư tưởng đó được thể hiện trong đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Đảng – Nhà nước – Bộ Giáo dục và Đào tạo [1] [2]. Đó là: “đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục”; “đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp…) theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học”; “giáo dục con người vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân”; “tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học”; “coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.

Giáo viên với vai trò là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục thì quá trình dạy học nghiệp vụ sư phạm (NVSP) cho sinh viên sư phạm luôn chịu ảnh hưởng và gắn liền với các tư tưởng của nền giáo dục tiến bộ mà giáo viên tương lai sẽ đáp ứng. Vấn đề đặt ra là cần phải xác định những luận điểm khoa học là cơ sở cho việc vận dụng triết lý giáo dục của John Dewey trong dạy học NVSP hiện nay.

2. Chủ nghĩa thực dụng trong triết học của John Dewwey

Theo từ điển Wikipedia [7]: Chủ nghĩa kinh nghiệm là một khuynh hướng lý thuyết về tri thức trong triết học đối lập với trường phái tư tưởng của chủ nghĩa duy lý, gắn liền với tên tuổi của các nhà triết học tiêu biểu bao gồm:  Aristotle (384-322 TCN), Thomas Aquinas (1225-1274), Thomas Hobbes (1588-1679), John Locke (1632-1704), George Berkeley (1685-1753), David Hume (1711-1776), và John Stuart Mill (1806-1873). Chủ nghĩa kinh nghiệm đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trải nghiệm, tri thức khoa học có quan hệ chặt chẽ với trải nghiệm, đặc biệt khi được tạo ra qua các sắp đặt thử nghiệm có chủ ý. Chủ nghĩa kinh nghiệm cho rằng, tri thức kinh nghiệm không có một cách tự động, thay vào đó, tri thức đó phải bắt nguồn từ trải nghiệm giác quan của cá nhân. Tuy nhiên, nhiều nhà triết học không đồng tình với quan niệm, tư tưởng cực đoan của John Locke rằng, tâm thức con người là một trang giấy trắng, mà viết trên đó là các trải nghiệm rút ra từ các ấn tượng giác quan khi cuộc đời một con người tiến triển.

Đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa thực dụng (hay đúng hơn là chủ nghĩa hành động) được phát triển bởi William James (1842-1910), John Dewey (1859-1952), và George Santayana (1863-1952) mà tư tưởng chịu ảnh hưởng một phần của chủ nghĩa kinh nghiệm. Trong đó, tư tưởng cơ bản của Dewey về chủ nghĩa thực dụng cho rằng, chân lý của tri thức được xác định bằng kinh nghiệm trong quá khứ. Do đó, con người sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ của họ để thực hiện thử nghiệm trên công việc và kiểm tra các giá trị thực tế của kinh nghiệm [8]. Các giá trị của kinh nghiệm như vậy được đo theo kinh nghiệm và khoa học và kết quả của các giá trị này sẽ tạo ra những ý tưởng mới làm công cụ để thử nghiệm trong tương lai.

            Các tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng được cụ thể hóa trong các ấn phẩm của Dewey [3], [4], [5], [6], phản ánh niềm tin của ông rằng, người học sẽ học tập hiệu quả nhất trong một môi trường cho phép họ sử dụng kinh nghiệm để trải nghiệm và tương tác với môi trường học tập, và tất cả người học phải có cơ hội tham gia vào việc học của mình. Những tư tưởng về giáo dục dựa trên kinh nghiệm của ông là cơ sở rất quan trọng cho việc phát triển một lý thuyết học tập từ kinh nghiệm và đào tạo giáo viên đáp ứng nền giáo dục tiến bộ đó.

3. Triết lý giáo dục của John Dewey

            Triết lý giáo dục của Dewey (mà trung tâm là một lý thuyết về kinh nghiệm) chính là sự hiện thực hóa các tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng trong triết học được vận dụng vào trong giáo dục. Trung tâm trong triết lý giáo dục của Dewey là mối quan hệ biện chứng giữa Dân chủ và Giáo dục, Kinh nghiệm và Giáo dục chi phối đến mọi khía cạnh của nội dung giáo dục. Sau đây là những nội dung chính về cốt lõi triết lý giáo dục của Dewey:

            – Giáo dục không phải là sự chuẩn bị mọi thứ cho một tương lai mơ hồ mà ở đó học sinh được học các bài học về luân lý, giáo dục phải là cuộc sống, quá trình sống của học sinh, nội dung giáo dục phải gần gũi và quen thuộc với cuộc sống của họ. Trường học giống như là một cộng đồng dân chủ mà ở đó các giá trị của kinh nghiệm xã hội được chuyển giao từ nhóm sang cho cá nhân.

            – Giáo dục là tạo điều kiện tốt nhất cho người học kiến tạo tri thức dựa vào kinh nghiệm đã có của bản thân thông qua sự tham gia và tương tác với môi trường. Những kinh nghiệm mới sẽ cho phép học sinh thích ứng với môi trường cuộc sống luôn thay đổi. Họ chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội trong cộng đồng lớp, nhóm.

            – Các khái niệm khoa học không phải là chân lý cuối cùng, mà nó được sử dụng như giả thuyết cho thực nghiệm khoa học để xác định những hệ quả do nó tạo ra khi học sinh hành động dựa vào chúng, những hệ quả đó cần được quan sát, suy xét cẩn thận để rút ra những ý nghĩa cuối cùng làm cơ sở phát triển các kinh nghiệm tiếp theo.

            – Giáo viên đóng vai trò là người hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích, động viên học sinh học tập khi cần thiết, tạo ra môi trường học tập năng động sáng tạo cho người học, chứ không phải là người có quyền lực ban phát kiến thức cho trò.

            – Phương pháp dạy học của giáo viên phải hướng vào sự phân hóa người học và tích hợp trong nội dung học tập, phải phù hợp với năng lực và kinh nghiệm hiện có của học sinh, thúc đẩy mỗi cá nhân phát triển, mở rộng vốn kinh nghiệm đó. Việc dạy học thường đặt ra các yêu cầu khác nhau với mỗi người học trong quá trình học tập.

            Như vậy, triết lý giáo dục của Dewey phản ánh tư tưởng dân chủ trong giáo dục, gắn lý luận với thực tiễn, sự tiến bộ và nhân văn trong giáo dục, học tập là sự phát triển vốn kinh nghiệm cá nhân. Triết lý giáo dục của Dewey có giá trị rất lớn cho việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để tìm kiếm con đường đưa nền giáo dục thoát khỏi tình trạng lạc hậu, sự kìm hãm bởi tư duy bảo thủ, trì trệ.

4. Cải cách giáo dục theo quan điểm John Dewey

John Dewey là người đề xướng mạnh mẽ phong trào cải cách giáo dục tiến bộ. Ông tin rằng giáo dục nên được dựa trên nguyên tắc học tập thông qua thực hành.

Năm 1894, Dewey và vợ ông đã thành lập một trường tiểu học thực nghiệm của riêng mình có tên University Elementary School, nằm trong ĐH Chicago. Mục tiêu của ông khi thành lập ngôi trường này là để kiểm tra lý thuyết giáo dục của mình, nhưng ông đã từ chức khi ĐH Chicago sa thải vợ ông Harriet.

Năm 1919, John Dewey cùng với các đồng nghiệp là Harles Beard, Thorstein Veblen, James Harvey Robinson và  Wesley Clair Mitchell thành lập Trường Nghiên cứu xã hội mới (The New School for Social Research). The New School là một ngôi trường thực nghiệm, tiến bộ, nhấn mạnh vào việc trao đổi tự do các ý tưởng trong khoa học xã hội và nghệ thuật.

Trong suốt những năm 1920, Dewey giảng dạy về cải cách giáo dục ở các trường học trên toàn thế giới. Ông đặc biệt ấn tượng với các thí nghiệm trong hệ thống giáo dục của Nga. Ông đã chia sẻ những gì mà ông học được với các đồng nghiệp khi trở về Mỹ, rằng giáo dục nên tập trung chủ yếu vào sự tương tác của học sinh với hiện tại. Tuy vậy, Dewey không bác bỏ giá trị của việc học về quá khứ.

Những năm 1930, sau khi nghỉ dạy, ông trở thành một thành viên tích cực của nhiều tổ chức giáo dục trong đó có Hiệp hội giáo viên New York và Liên đoàn tự do học thuật quốc tế.

5. Sự ảnh hưởng của triết lý giáo dục của Dewey

          Tư tưởng triết lý giáo dục của John Dewey làm thay đổi nền giáo dục nước Mỹ thế kỷ XX, tư tưởng của ông cũng ảnh hưởng ra nền giáo dục nhiều nước trên thế giới. Ở châu Á, từ năm 1919, Dewey đã được mời đến thực hiện một loạt bài giảng tại trường Đại học Hoàng Gia- Tokyo, và ngay sau đó ( cũng trong năm 1919) ông được mời đến giảng dạy về triết học và giáo dục tại Bắc Kinh và Nam Kinh( Trung Quốc). Như vậy, cách đây non nửa thế kỷ, triết học giáo dục của John Dewey đã thâm nhập vào Nhật Bản và Trung Quốc.

Tại Việt Nam, năm 1940, Vũ Đình Hòe đã giới thiệu John Dewey trên báo Thanh Nghị nhưng sau đó tư tưởng triết học của Dewey gần như đã vắng bong suốt hai phần ba thế kỷ. Cái tên John Dewey nếu có được nhắc đến đâu đó ở Việt Nam thì cũng gắn với việc phê bình triết học của ông, gắn với sự phê phán triết học thực chứng của “ giai cấp tư sản”. Trong chương trình giáo dục thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại hai thập niên gần đây, có sự âm thầm vận dụng tư tưởng của Dewey. Hiện nay, John Dewey đã được dịch và giới thiệu khá bài bản ở Việt Nam với các công trình của Phạm Anh Tuấn như: Dân chủ và giáo dục( NXB Tri thức, 2008), John Dewey về giáo dục( NXB Trẻ, 2012), Kinh nghiệm và giáo dục( NXB Trẻ, 2012) cùng với bản dịch: Cách ta nghĩ của Vũ Đức Anh( NXB Tri thức, 2013). Sự xuất hiện trở lại một cách bài bản hơn và đầy đủ hơn trước tác của Dewey ở Việt Nam hiện nay phải kể đến công lao của các dịch giả nói trên, và đặc biệt là công lao của quỹ dịch thuật Văn hóa Phan Chu Trinh và Nhà xuất bản tri thức. Tuy nhiên, sự vận dụng triết học giáo dục của John Dewey vào giáo dục và dạy học ở Việt Nam chưa được tiến hành bằng những công trình nghiên cứu chuyên sâu, chưa có các nội dụng vận dụng một cách tự giác được hiện thực hóa trở thành phổ biến.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 4 tháng 11 năm 2013.

[2]. Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành chương trình hành động của chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương khoa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 9 tháng 6 năm 2014.

[3]. Dewey, J. (1938, 1998 by Kappa Delta Pi), Kinh nghiệm và giáo dục: The 60th Anniversary Edition, bản dịch của Phạm Anh Tuấn, Nhà xuất bản Trẻ năm 2011, Tp. Hồ Chính Minh.

[4]. Dewey, J. (1916), Dân chủ và giáo dục, bản dịch của Phạm Anh Tuấn, Nhà xuất bản Tri thức năm 2014, Hà Nội.

[5]. Dewey, J. (2014), John Dewey – Cách ta nghĩ, bản dịch của Vũ Đức Anh, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.

[6]. Reginald D. Chambault biên tập (1974), John Dewey về giáo dục (John Dewey on Education), bản dịch của Phạm Anh Tuấn, Nhà xuất bản Trẻ năm 2012, tp. Hồ Chính Minh.  

[7]. Chủ nghĩa kinh nghiệm trong triết học, nguồn từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Chủ_nghĩa_kinh_nghiệm.

[8]. Chủ nghĩa thực dụng (hay chủ nghĩa hành động) trong triết học, nguồn từ http://en.wikipedia.org/wiki/Empiricism.