Tìm hiểu về thuốc điều trị ARV
Để hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030, ngoài việc tăng cường xét nghiệm HIV tự nguyện phát hiện các trường hợp nhiễm mới, thì, bản thân người nhiễm HIV, cũng cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn điều trị bằng thuốc ARV.
Thuốc ARV sử dụng trong điều trị ức chế vi rút HIV (ảnh minh họa – nguồn Interrnet)
Đến nay, bệnh AIDS do vi rút HIV gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chữa khỏi hoàn toàn. Thuốc sử dụng trong điều trị cho người nhiễm HIV hiện nay là ARV và là tên viết tắt của loại thuốc có tác dụng gây ức chế, giảm sự phát triển của vi rút trong cơ thể người bệnh.
Khi người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV, có thể giảm nồng độ vi rút trong cơ thể giúp cải thiện sức khỏe, tăng khả năng chống lại các bệnh do hội chứng suy giảm mắc phải ở người. Đồng thời cũng giúp cho người nhiễm HIV giảm đi khả năng lây nhiễm HIV cho người khác nếu nồng độ vi rút trong cơ thể thường xuyên được kiểm soát ở mức thấp.
Trước đây việc áp dụng điều trị ARV cho người nhiễm HIV dựa trên tiêu chuẩn hàm lượng vi rút trong cơ thể (CD4) và giai đoạn lâm sàng của người nhiễm theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên hiện nay tất cả các Trường hợp chẩn đoán xác định là bị nhiễm HIV, đều có thể được điều trị bằng thuốc ARV. Việc điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV càng sớm thì hiệu quả ức chế vi rút càng cao, và người bệnh sống khỏe mạnh như người bình thường.
Trước năm 2019, thuốc ARV được cấp miễn phí cho người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Từ 01/1/2019 người bệnh phải thanh toán hoàn toàn. Tuy nhiên thuốc điều trị ARV được thanh toán qua bảo hiểm y tế, do vậy người nhiễm HIV cần tham gia bảo hiểm Y tế để được điều trị thường xuyên, liên tục.
Thuốc điều trị ARV, yêu cầu người nhiễm HIV phải điều trị liên tục, suốt đời, uống đúng đủ liều lượng và thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đạt được hiệu quả cao nhất cho người bệnh. Khi điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV, sau khoảng 03 tháng nồng độ vi rút trong cơ thể người nhiễm HIV sẽ giảm mạnh và dần được cải thiện sức khỏe.
Quá trình điều trị ARV, đòi hỏi người bệnh uống đúng loại thuốc, uống đúng liều lượng, uống đúng thời gian. Ngoài việc uống thuốc đều đặn, đúng giờ, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn phù hợp với từng loại thuốc. Không sử dụng rượu,bia cùng với thuốc, dễ gây ra tác dụng phụ của thuốc, thậm chí là ngộ độc cho cơ quan gan và thận. Trong quá trình điều trị ARV, người nhiễm HIV vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người khác như là không sử dụng chung bơm kim tiêm và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Thuốc ARV cũng như các loại thuốc kháng sinh khác, thường xuất hiện một số tác dụng phụ khi sử dụng như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy… tuy nhên các biểu hiện này thường tự khỏi sau vài tuần đầu sử dụng. Người bệnh không được tự ý dừng thuốc dễ gây ra vi rút kháng thuốc và làm thất bại trong công tác điều trị.
Tính đến hết tháng 11 năm 2021 lũy tích trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 3.073 người nhiễm HIV. Trong đó 2.862 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 2.135 người tử vong do AIDS và các bệnh liên quan. Số nhiễm HIV còn sống hiện tại là 938 người, trong đó đang điều trị thuốc ức chế vi rút (ARV) là 760 người.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm HIV, ngoài việc phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, bản thân người nhiễm HIV cần được sử dụng thuốc điều trị ARV càng sớm càng tốt nhằm góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của mình và giảm khả năng lây nhiễm cho người khác hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030.
Minh Mạnh – TT KSBT