Tìm hiểu về quản trị sản xuất
Quản trị sản xuất là tổng hợp các hoạt động xây dựng hệ thống sản xuất và quản trị quá trình sản xuất sử dụng các yếu tố đầu vào tạo thành các sản phẩm (dịch vụ) đầu ra theo yêu cầu của khách hàng nhằm thực hiện các mục tiêu đã xác định.
Quản trị sản xuất nhằm:
-
Hoàn thành chức năng sản xuất, cung cấp sản phẩm cho khách hàng đúng số lượng với tiêu chuẩn chất lượng và thời gian phù hợp.
-
Tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
-
Tạo ra tính linh hoạt cao trong đáp ứng liên tục nhu cầu của khách hàng về sản phẩm.
-
Đảm bảo tính hiệu quả trong việc tạo ra các sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
-
Quản trị sản xuất tập trung vào các vấn đề:
-
Thiết kế hệ thống sản xuất.
-
Phương pháp quản trị sản xuất.
-
Điều hành quá trình sản xuất.
Hướng nghiên cứu quản trị sản xuất hiện đại – Sản xuất như một hệ thống
Sản xuất như là một hệ thống là hướng nghiên cứu chủ đạo trong quản trị sản xuất ngày nay. Russel Ackoff nhà tiên phong trong lý thuyết hệ thống, mô tả hệ thống như sau: Hệ thống là một tổng thể không thể chia nhỏ được mà không làm cho nó mất đi những nét đặc trưng, và vì thế nó phải được nghiên cứu như là một tổng thể.
Hệ thống sản xuất tiếp nhận đầu vào ở các hình thái như nguyên vật liệu, nhân sự, tiền vốn, các thiết bị, các thông tin… Những yếu tố đầu vào này được chuyển đổi hình thái trong hệ thống để tạo thành các sản phẩm hoặc dịch vụ theo mong muốn, mà chúng ta gọi là kết quả sản xuất. Một phần của kết quả quản lý bởi hệ thống quản lý để nhằm xác định xem nó có thể được chấp nhận hay không về mặt số lượng, chi phí và chất lượng. Nếu kết quả là chấp nhận được, thì không có sự thay đổi nào được yêu cầu trong hệ thống; nếu như kết quả không chấp nhận được, các hoạt động điều chỉnh về mặt quản lý cần phải thực hiện.
a. Yếu tố đầu vào:
– Các nhân tố ngoại vi: nói chung là các thông tin đặc trưng và có xu hướng cung cấp cho các nhà quản trị về các điều kiện bên ngoài hệ thống nhưng có ảnh hưởng đến hệ thống.
– Điều kiện về kinh tế:
Nhân tố kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đối với sự thu hút tiềm năng của các chiến lược khác nhau. Chẳng hạn nếu như lãi suất tăng lên thì số vốn cần cho việc đa dạng hóa sẽ quá đắt hoặc không có sẵn. Hay là, khi lãi suất tăng lên thì số thu nhập sử dụng được tùy thích sẽ giảm đi và nhu cầu sản phẩm để sử dụng tùy thích cũng giảm. Khi giá cổ phiếu tăng lên, sự mong muốn có cổ phần như là nguồn vốn để phát triển thị trường sẽ tăng lên. Như vậy, khi thị trường tăng trưởng thì của cải của người tiêu thụ và doanh nghiệp tăng lên.
Các biến số kinh tế quan trọng cần theo dõi.
+ Những chính sách tiền tệ, khả năng cung cấp tín dụng, lãi suất.
+ Giá trị của đồng tiền trên thị trường, tỷ lệ lạm phát, tỷ giá hối đoái.
+ Thâm hụt ngân sách của chính phủ.
+ Thu nhập bình quân trên đầu người, xu hướng thất nghiệp.
+ Các chính sách thuế khóa, qui định về xuất nhập khẩu.
– Điều kiện về nhân khẩu, địa lý, văn hóa, xã hội.
Các yếu tố nhân khẩu, địa lý ,văn hóa, xã hội chủ yếu
+ Tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết, tỷ lệ di dân và nhập cư.
+ Mức học vấn trung bình, lối sống, các mối quan tâm đối với vấn đề đạo đức.
+ Vai trò của giới tính, thói quen mua hàng.
+ Thái độ đối với việc tiết kiệm, đầu tư và công việc.
+ Môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
– Khía cạnh chính trị, luật pháp của quốc gia
Các yếu tố chính trị, chính phủ, luật pháp có thể cho thấy các vận hội và mối đe dọa chủ yếu đối với các tổ chức nhỏ và lớn. Đối với các ngành và những công ty phải phụ thuộc rất nhiều vào các hợp đồng hoặc trợ cấp của chính phủ, những dự báo về chính trị có thể là phần quan trọng nhất của việc kiểm tra các yếu tố bên ngoài. Sự thay đổi về bằng sáng chế, luật chống độc quyền, thuế suất và các nhóm gây sức ép ngoài hành lang có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty. Sự lệ thuộc lẫn nhau mỗi lúc một tăng lên trên phạm vi toàn quốc giữa các nền kinh tế, thị trường, chính phủ và tổ chức đòi hỏi công ty phải xem xét đến ảnh hưởng có thể có của các biến số chính trị đối với việc soạn thảo và thực hiện các chiến lược cạnh tranh.
Các biến số chính trị, chính phủ và luật pháp quan trọng
+ Các thay đổi của Luật thuế.
+ Các qui định xuất nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu đặc biệt.
+ Số lượng các bằng sáng chế, phát minh.
+ Luật bảo vệ môi trường; Luật chống độc quyền.
+ Mức trợ cấp của chính phủ; mức chi tiêu cho quốc phòng.
– Khía cạnh kỹ thuật
Những thay đổi và phát minh kỹ thuật mang lại những đổi thay to lớn như kỹ thuật siêu dẫn, kỹ thuật điện toán, người máy, những nhà máy không người, truyền thông không gian, những mạng lưới vệ tinh, sợi quang… Các ảnh hưởng của công nghệ cho thấy những cơ hội và mối đe dọa mà chúng ta phải được xem xét trong việc soạn thảo chiến lược. Sự tiến bộ kỹ thuật có thể tác động sâu sắc lên những sản phẩm dịch vụ, thị trường, nhà cung cấp, nhà phân phối, người cạnh tranh, khách hàng, quá trình sản xuất, thực tiễn tiếp thị và vị thế cạnh tranh của tổ chức.
Tiến bộ kỹ thuật có thể tạo ra những thị trường mới, kết quả là sự sinh sôi của những sản phẩm mới mẽ và được cải tiến thay đổi những vị trí giá cả cạnh tranh có quan hệ trong một ngành, khiến cho những sản phẩm và dịch vụ hiện có trở nên lỗi thời. Hiện nay, không có công ty hay ngành công nghiệp nào tự cách ly với những phát triển công nghệ đang xuất hiện. Trong công nghệ kỹ thuật cao, sự nhận dạng và đánh giá những cơ hội và mối đe dọa mang tính công nghệ trọng yếu có thể là phần quan trọng nhất của việc kiểm soát các yếu tố bên ngoài trong hoạt động quản lý chiến lược.
Các câu hỏi chủ yếu thường đặt ra khi đánh giá môi trường công nghệ
+ Các công nghệ bên trong công ty là gì ?
+ Các công nghệ nào được sử dụng trong việc kinh doanh của công ty? Trong sản phẩm?
+ Mỗi công nghệ có tầm quan trọng thiết yếu như thế nào đối với mỗi sản phẩm và hoạt động kinh doanh?
+ Những công nghệ nào được quan tâm bao gồm trong việc sản xuất các sản phẩm và nguyên vật liệu mua để sử dụng?
+ Sự phát triển của công nghệ này theo thời gian là gì? Những thay đổi công nghệ này khởi đầu từ công ty nào?
+ Đâu là sự phát triển có thể có của công nghệ này trong tương lai?
+ Xếp hạng chủ quan các công ty khác nhau theo mỗi công nghệ là gì?
– Các yếu tố về thị trường:
Là các thông tin có liên quan đến cạnh tranh, thiết kế sản phẩm, sở thích của khách hàng và các khía cạnh khác của thị trường.
– Các nguồn lực ban đầu: là các yếu tố phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất và phân phối sản phẩm hay dịch vụ. Đây là các nhân tố về nguyên vật liệu, nhân sự, vốn bằng tiền, vốn bằng hàng hóa và các tiện ích khác.
b. Yếu tố đầu ra:
Là sản phẩm được sản xuất từ hệ thống, thường có hai hình thức: sản phẩm trực tiếp và sản phẩm không trực tiếp. Một số lớn sản phẩm (trực tiếp) được sản xuất hàng ngày và các sản phẩm (không trực tiếp) được phát sinh ra từ hệ thống.
Điều lưu ý là chúng ta thường bỏ qua các loại sản phẩm không trực tiếp của hệ thống như: Thuế khóa, các loại chất thải và gây ô nhiễm môi trường, các hoạt động cộng đồng. Mặc dù chúng không nhận được sự lưu tâm như là các kết quả về sản phẩm hay dịch vụ tạo ra doanh thu giúp cho hệ thống sản xuất tồn tại.
Các quyết định trong quản trị sản xuất
Theo kinh nghiệm của các nhà quản trị thường phân các quyết định thành 3 loại chính: Các quyết định về chiến lược, quyết định về hoạt động và quyết định về quản lý.
Các quyết định về chiến lược: quyết định về sản phẩm, qui trình sản xuất, phương tiện sản xuất. Đây là quyết định có tầm quan trọng chiến lược có ý nghĩa lâu dài cho tổ chức. Những quyết định này đòi hỏi tất cả nhân viên trong các khâu từ sản xuất, nhân sự, kỹ thuật, Marketing và tài chính đều phải làm việc cùng nhau để nghiên cứu các cơ hội kinh doanh một cách cẩn thận, nhằm đưa ra một quyết định đặt các tổ chức vào vị trí tốt nhất để đạt được mục tiêu dài hạn:
+ Quyết định xem có nên thực hiện dự án phát triển sản phẩm mới hay không?
+ Quyết định về việc thiết lập qui trình sản xuất cho sản phẩm mới.
+ Quyết định cách thức phân phối nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, các tiện ích, khả năng sản xuất và nhân sự giữa các cơ hội kinh doanh mới và hiện có.
+ Quyết định về việc xây dựng thêm nhà máy mới và nơi đặt chúng.
Các quyết định về hoạt động: như giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến việc hoạch định sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trách nhiệm chính của tác nghiệp và tìm kiếm đơn đặt hàng từ phía khách hàng, được thu hút bởi chiến lược marketing của tổ chức và phân phối sản phẩm hay dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Ví dụ như:
+ Quyết định xem cần có bao nhiêu dự trữ dùng cho sản xuất.
+ Quyết định số lượng và loại sản phẩm sẽ được sản xuất trong thời gian tới.
+ Quyết định là có nên gia tăng năng lực sản xuất vào thời gian tới hay không? Bằng cách nào? cho công nhân làm ngoài giờ hoặc là cho các nhà cung ứng thực hiện một phần khối lượng sản phẩm của công ty?
+ Quyết định chi tiết về việc mua nguyên vật liệu để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trong thời gian tới.
Các quyết định về quản lý: Các nhà quản trị sản xuất trong doanh nghiệp có thể khiến một doanh nghiệp thành công hay thất bại thông qua những quyết định đúng sai của họ. Đây là các quyết định có liên quan đến hoạt động hàng ngày của công nhân, không phải lúc nào công nhân cũng luôn hoàn thành công việc của mình như mong muốn. Về chất lượng sản phẩm, dịch vụ có xu hướng biến động, máy móc thiết bị có khả năng hỏng hóc xảy ra. Do đó các nhà quản lý cần hoạch định, phân tích và quản lý các hoạt động để làm giảm đi sự cản trở đến hệ thống sản xuất. Ví dụ như:
+ Quyết định về chi phí cho việc điều chỉnh lại bản thiết kế sản phẩm.
+ Quyết định tiêu chuẩn về quản lý chất lượng cho những sản phẩm có sự thay đổi trong bảng thiết kế.
+ Quyết định số lần bảo trì ngăn chặn hỏng hóc của máy móc sản xuất.
Các quyết định hàng ngày về công nhân, chất lượng sản phẩm, máy móc dùng cho sản xuất, khi được thực hiện cùng với nhau sẽ là một khía cạnh lớn trong công việc của các nhà quản lý tác nghiệp.
Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị sản xuất và dịch vụ hiện nay
Có 5 nhân tố chính ảnh hưởng quản trị sản xuất và dịch vụ hiện nay:
-
Chất lượng, dịch vụ khách hàng và các thách thức về chi phí.
-
Sự phát triển nhanh chóng của các kỹ thuật sản xuất tiên tiến.
-
Sự tăng trưởng liên tục của khu vực dịch vụ.
-
Sự hiếm hoi của các tài nguyên cho sản xuất.
-
Các vấn đề trách nhiệm xã hội.