Tìm hiểu về nền văn hiến văn vật ngàn năm của Việt Nam

Thuật ngữ văn hiến không còn xa lạ với với mọi người, tin rằng bạn cũng đã từng nghe qua câu “Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” được trích từ Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Vậy văn hiến là gì? 

1. Văn hiến là gì? 

Ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng từ xa xưa đã phổ biến khái niệm văn hiến. Theo đó, văn hiến là từ vựng Hán-Việt, từ thời nhà Lý dân tộc ta đã tự hào nước mình là một “văn hiến chi bang”. 

Đến thời Lê, Nguyễn Trãi đã viết “Duy ngã Đại Việt chi quốc thực vi văn hiến chi bang”. Ngoài ra trong Bình Ngô đại cáo được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, Nguyễn Trãi cũng đề cập đến thuật ngữ văn hiến trong câu sau “Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. 

van-hien-la-gi-voh-1

Theo từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh (1932) khẳng định văn hiến nghĩa là “sách vở và nhân vật tốt trong một đời”. Dựa vào Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức (1970) cũng cho rằng văn hiến là “sách hay và người tài”. 

Bên cạnh đó, trong sách “Luận ngữ” cũng có giải thích văn hiến như sau: “Văn là điển tịch; hiến là tốt đẹp, tài giỏi”. Như vậy, văn hiến nguyên nghĩa là văn chương, sách vở hay, bảo tồn truyền thống văn hóa lâu đời. 

Chúng ta cũng có thể hiểu theo cách đơn giản bằng cách chiết tự như sau:

  • văn = vẻ đẹp
  • hiến = hiền tài

Như vậy, văn hiến là những giá trị tinh thần do các bậc hiền tài sáng tạo ra. Đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời của dân tộc được bảo tồn trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước từ nghìn năm. 

Thực vậy, một dân tộc có văn hiến là dân tộc có những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời cũng là dân tộc sở hữu nhiều bậc hiền tài. Họ là biểu tượng rực rỡ cho các giá trị văn hóa, đồng thời họ còn giúp các giá trị văn hóa phát huy vai trò to lớn đối với tiến trình lịch sử.

Xem thêm: Tìm hiểu tư tưởng đạo lý của người Việt và những nhà tư tưởng lớn của nhân loại  

2. Ví dụ điển hình về văn hiến 

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những giá trị tinh thần trong cuộc sống hàng ngày của người dân, chính là yếu tố văn hiến được hình thành từ quá trình xây dựng đất nước cũng như hoạt động sản xuất. 

Điển hình như: ông cha ta đã phát hiện ra cây lúa dại, trồng trọt và lai tạo nó thành cây lúc nước ngày nay. Hay chữ viết cũng là một trong những yếu tố văn hiến lâu đời và tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. 

van-hien-la-gi-voh-2
Trồng lúa nước, ăn cơm bằng đũa là yếu tố của văn hiến 

Trên cơ sở ngôn ngữ văn tự ở Việt Nam, tư liệu văn hiến được phân chia thành tư liệu chữ Hán (ghi tiếng Hán cổ đại và tiếng Hán Trung đại), chữ Nôm (ghi tiếng Việt tiền cổ – tiếng Việt cổ và tiếng Việt trung – cận đại), chữ Phạn, chữ Thái cổ, chữ Latinh cổ (chủ yếu trong các văn bản của công giáo), chữ Pháp, chữ Quốc ngữ cổ, chữ Khmer cổ, chữ Chăm cổ…  

Trong đó tài liệu chữ Hán cổ chiếm khối lượng lớn nhất – khoảng 80%, còn sách chữ Nôm của người Việt chiếm 15%. Các loại tư liệu văn hiến khác chiếm 5%. 

3. Việt Nam có mấy nghìn năm văn hiến? 

Dựa vào các định nghĩa khác nhau của văn hiến, nên mốc thời gian xác định của văn hiến cũng có phần khác biệt. 

Như ta đã biết,  khi viết Bình Ngô đại cáo vào thế kỷ 15 Nguyễn Trãi nói: “Duy, ngã Đại Việt chi quốc, thật vi văn hiến chi bang”. (Ngô Tất Tố dịch: Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu). Nguyễn Trãi đã không nhận định nước Nam có mấy ngàn năm văn hiến. 

Cũng trong thế kỷ 15, trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, (ĐVSK/NK) quyển III, sử gia Ngô Sĩ Liên viết rằng: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương”. Như thế Ngô Sĩ Liên xác định Việt Nam có văn hiến kể từ thế kỷ 2 Công nguyên. Vì vậy, tính đến thế kỷ 21 thì Việt Nam khoảng 2.000 năm văn hiến. 

Còn nếu dựa trên định nghĩa văn hiến theo nguyên văn của Khổng Tử thì lại cho rằng Việt Nam là quốc gia có lễ nghĩa từ thời Hồng Bàng Xích Quỷ. Vì vậy có 4.000 – 5.000 năm văn hiến. 

Chính vì chưa thể xác định được chính xác thời gian xuất hiện nền văn hiến nên nhiều người hiện nay chỉ nói “Việt Nam, ngàn năm văn hiến” hay “Thăng Long, nghìn xưa văn hiến”. Chúng ta có thể tự hiểu ngầm từ “hàng năm” ở đây là hàng ngàn năm hay nhiều ngàn năm, chứ không có khẳng định con số cụ thể nào. 

4. Kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến Việt Nam 

Việt Nam tự hào là quốc gia có nhiều bậc tài đức song toàn. Điều này đã được minh chứng trong sử sách, chúng ta cùng quay ngược thời gian về thuở còn khai nước mở cõi để thấy được hình ảnh những vị vua anh minh, quan lại thanh liêm chính trực như: Nguyễn Trãi, Lê Lợi, vua Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo…. 

van-hien-la-gi-voh-3
Giữ gìn giá trị văn hiến lâu đời của dân tộc 

Ở họ đều có một điểm chung to lớn đó là tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên quyết giữ vững bờ cõi thiêng liêng của đất nước. Vượt lên trên những suy nghĩ, ham muốn tầm thường nhỏ bé vì lợi ích cá nhân, đồng lòng hướng về mục tiêu cao đẹp cho quê hương, đất nước và muôn dân. 

Trong quá trình đổi mới hiện nay – thời đại Hồ Chí Minh, văn hiến đòi hỏi không chỉ xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, mà còn đòi hỏi tạo dựng môi trường thuận lợi để văn hóa và hiền tài xuất hiện ngày càng nhiều. Bởi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. 

Việt Nam sở hữu không ít các bậc hiền tài, danh nhân văn hóa được trong nước và thế giới công nhận và tôn vinh. Đây chính là “giá đỡ” tinh thần quý báu cho dân tộc cũng như là “tấm gương” để lớp trẻ mai sau noi theo học hỏi, mang đến giá trị tốt đẹp cho đất nước và tự hào cùng bạn bè thế giới. 

Hiện nay, việc du nhập nhiều nét văn hóa từ phương Tây về càng nhiều, chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc để vừa là phong phú thêm cho nền văn hóa nước nhà, vừa không làm mai một giá trị văn hiến lâu đời. 

Việt Nam đã trải qua nghìn năm văn hiến dựng nước và giữ nước. Do đó chúng ta – thế hệ trẻ ngày nay cần biết kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc ngay từ những hành động nhỏ nhất như: sử dụng, gìn giữ bản sắc vốn có của yếu tố văn hiến, văn hóa sao cho phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay. 

Mong rằng, thông qua bài viết bạn đã hiểu thêm và khái niệm văn hiến là gì? Từ đó, thêm yêu những nét đẹp của quê hương Việt Nam và phát huy những giá trị văn hiến lâu đời của dân tộc ta. 

Sưu tầm 
Nguồn ảnh: Internet