Tìm hiểu về đạo Phật
PHẬT GIÁO
· Khái niệm.
· Nguồn gốc của Phật giáo.
· Giáo lý của Phật giáo.
· Nhân sinh quan.
· Vũ trụ quan.
· Quan niệm về Thượng Đế và Linh hồn.
· Kinh điển : Tam Tạng Kinh.
· Những Tông phái.
· Các vị Tổ sư Phật giáo.
· Phật giáo Ấn Độ.
· Phật giáo Trung Hoa.
· Phật giáo Việt nam.
· Lá cờ Phật giáo.
· Tiểu sử Đức Phật Thích Ca.
DẪN NHẬP :
Đời sống quốc gia với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu thiên nhiên đã tạo cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là một Ấn Độ có những rừng núi thâm u , tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues) đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà triết học, các luận sư và các luận thuyết trứ danh cũng đều xuất hiện tại xứ sở đầy huyền bí này.
Trước thời Đức Phật xuất hiện, về mặt tư tưởng Tôn giáo, triết học cũng như kinh tế, chính trị và xã hội Ấn Độ vô cùng phức tạp. Lúc bấy giờ, Ấn Độ có trên 62 học thuyết khác nhau, chi phối toàn bộ hệ thống tư tưởng triết học, nổi bật nhất là Bà La Môn Giáo. Ấn Độ như một thành phố phức tạp, bao học thuyết là bao đường đan chéo nhau, đa dạng vô cùng . Bởi các học thuyết đó không tránh khỏi vành đai tranh chấp, không tô điểm cho đời bằng vẻ đẹp an vui hạnh phúc. Còn xã hội thì phân chia bốn giai cấp rõ rệt; giai cấp Bà La Môn ( Brahmana ) và giai cấp Sát Đế Lợi ( Ksatriya ) được xem là những người thuộc giai cấp bề trên, thụ hưởng mọi quyền lợi, là giai cấp thống trị; còn gia cấp Phệ Xá ( Vaisya ) và Thủ Đà La ( Sùdra ) là những hạng nô lệ, tiện dân luôn bị xã hội khinh miệt, chà đạp, không được luật pháp bảo hộ. Họ là những người ở dưới đáy xã hội, luôn bị áp bức bóc lột không chút thương tiếc, nhất là giai cấp Thủ Đà La. Sống dưới một xã hội về vật chất thì đang rên siết dưới ách bất công, với bao phiền trược vây quanh, bao nghịch duyên đau khổ luỵ phiền. Về tinh thần thì đang quay cuồng, điên đảo trong những luồng tư tưởng lý thuyết rối ren. Con người còn biết bám víu vào đâu ? biết tin tưởng vào ai ? Thật là một diễn cảnh vô cùng bi thảm, Vì thế con người luôn khát khao có một lối sống tươi đẹp chân chánh để vượt qua thác loạn của cuộc đời .
Giữa hoàn cảnh xã hội bế tắc và con người dường như không còn lối thoát cho cuộc đời. Chính giờ phút quan trọng ấy, Đức Phật, bậc vĩ nhân trong các vĩ nhân đã xuất hiện như mặt trời sáng ấm ban mai, xua tan bóng tối của đêm đen dày đặc đã từ lâu che phủ nhân sinh. Đây là sự kiện trọng đại nhất trong các sự kiện trọng đại của lịch sử nhân loại. Sự xuất hiện của đức Thế Tôn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn mê ngủ trong đêm dài tăm tối; là thông điệp cứu khổ cho vạn loại chúng sinh đang sống trong cảnh lầm than, mê mờ đầy dẫy tham , sân , si . . .
1. Khái niệm
Phật: tiếng Phạn là Buddha, nghĩa là sáng suốt.
Phật là bậc sáng suốt hoàn toàn, giác ngộ hoàn toàn, rồi đem sự giác ngộ ấy mà giác ngộ chúng sinh. Do đó mới nói rằng: Phật tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Trong Cực Lạc Thế Giới có vô số chư Phật, có những vị đã nhập Niết bàn, có những vị Phật thường du Ta-bà Thế giới để trợ giúp nhân sinh.
Giáo: Dạy dỗ, Giáo cũng là tôn giáo.
– Phật giáo là những lời, những điều Phật dạy, tạo thành một giáo pháp có hệ thống, để dạy dỗ nhân sinh. Đó là một nền Giáo lý và Triết lý rất cao thượng, dạy chúng sinh tự tỉnh, tự ngộ, tự giác, để cuối cùng thành Phật.
– Phật giáo là một tôn giáo lớn trên toàn cầu, truyền bá trong nhiều nước, có số tín đồ tổng cộng gần một tỷ người. Số tín đồ Phật giáo đông nhất ở các nước Á Châu như: Ấn Độ, Népal, Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện, Trung Hoa, Thái Lan, Lào, Miên, Việt Nam, Nhật, Triều Tiên. vv …
2. Nguồn gốc của Phật giáo
Phật giáo là một tôn giáo rất cổ, có từ lâu đời, kể từ lúc nhân loại hình thành nếp sống quần tụ thành xã hội. Cách đây khoảng 2600 năm, Đức Thích Ca giáng sinh nơi nước Ấn Độ, tu hành chuyên nhất trong hơn 6 năm, đắc đạo thành Phật, chứng ngộ được giáo lý Tứ Diệu Đế, giúp con người giải khổ, và giải thoát khỏi vòng Luân hồi sinh tử, mở ra một con đường mới thích hợp với trình độ tiến hóa của nhân sinh thời đó, vì Đạo Bà-La-Môn lúc bấy giờ rất suy tàn, giáo lý bị sửa cải nhiều làm cho xã hội Ấn Độ có những bất bình đẳng trầm trọng, khiến con người xa vòng Thiên lương, trầm luân trong bể khổ.
Đức Phật Thích Ca đem giáo lý mà Ngài chứng ngộ được giảng giải cho chúng sinh trong suốt 45 năm, tạo thành một nền Phật giáo rất cao siêu, do Đức Phật Thích Ca làm Giáo Chủ. Phật giáo lưu truyền từ đó đến ngày nay.
Nhưng đến năm Giáp Tý (1924 theo Tây lịch, 2468 theo Phật lịch), mở đầu một kỷ nguyên mới, với số nhân loại rất đông đúc có trình độ tiến hóa rất cao, mỗi ngày mỗi nhảy vọt, nên Phật giáo đã trải qua 2468 năm không còn thích hợp với đà tiến hóa của nhân sinh, không còn hiệu quả trong công việc kềm chế tâm lý của nhân sinh; hơn nữa, sau đời Lục Tổ Huệ Năng, ngôi vị Tổ Sư Phật giáo không còn được truyền kế với Y Bát nữa, nên Phật pháp bị người đời sửa cải thêm bớt nhiều hơn, làm cho giáo lý Phật giáo càng xa dần Chính pháp và cuối cùng thì hoàn toàn bị thất chân truyền.
3. Giáo lý của Phật giáo
Giáo lý căn bản của Phật giáo là Tứ Đế và Thập nhị Nhân Duyên.
– Tứ Đế còn gọi là Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, Lý Bốn Đế. (Tứ là 4, Đế là lời dạy chân thật và căn bản, Diệu là huyền diệu, Thánh là thiêng liêng, Lý là giáo lý).
– Thập nhị Nhân duyên là 12 cái nhân duyên, nhân này sinh ra quả nọ, quả nọ trở thành nhân khác sinh ra quả khác, 12 lần như vậy trong một đời sống của con người nơi cõi trần, tạo thành một vòng tròn khép kín, chỉ cho thấy không có cái nhân nào là đầu tiên, không có cái quả nào là cuối cùng.
3.1. Tứ Đế
Tứ Đế là 4 chân lý huyền diệu tuyệt đối mà người giác ngộ mới cảm biết được. Trước khi Đức Phật Thích Ca thuyết minh giáo lý này thì các vị hiền triết đương thời chưa ai khám phá được.
Bốn Đế này là thật, nếu ai không biết và không thực hành thì không sao giải thoát được. Đức Phật Thích Ca thuyết giáo lý này lần đầu tiên để độ nhóm Kiều Trần Như gồm 5 Ông: Kiều Trần Như, A-Xá-Bà-Thệ, Ma-Ha Bạt-Đề, Ma-Ha Câu-Lợi, Thập-Lực Ca-Diếp.
Nhờ nghe Phật giảng Tứ Diệu Đế mà 5 Ông giác ngộ, liền quy y theo Phật, và đắc quả A-La-Hán.
Từ đó mới bắt đầu có Tam Bảo (3 điều quí báu): Đức Phật Thích Ca là Phật Bảo, Giáo lý Tứ Diệu Đế là Pháp Bảo, 5 người giác ngộ theo làm đệ tử của Phật là Tăng Bảo.
Pháp Bảo Tứ Đế gồm:
– Khổ Đế
– Tập Đế
– Diệt Đế
– Đạo Đế.
3.1. Khổ Đế
Tất cả việc gì không vừa lòng là khổ. Đức Phật chia ra làm 3 thứ Khổ: Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ.
– Khổ khổ:
Cái khổ có từ vô lượng kiếp trong quá khứ chồng chất lên tạo nên hình tướng của ta trong hiện tại. Mang hình hài xác thịt là kết hợp những điều đau khổ, trải qua thời gian sinh sống, con người phải chịu đựng những cái khổ bên trong do mình tự tạo ra và những cái khổ bên ngoài do Thiên tai, ách nước, vv… Chỉ có bậc trí thức nhìn vào thực trạng thì hiểu biết, còn người mê, dầu có giải thích, họ cũng không sáng tỏ được. Vậy, Khổ khổ là cái khổ trong kiếp trước và cái khổ trong kiếp này chồng chất lên nhau.
– Hoại khổ:
Hễ có sinh ắt có diệt. Thế nên, xác thân con người lúc mới sinh ra, lớn lên , già nua rồi chết, đó là khổ. Hoại khổ là cái khổ do sự tàn phá của thời gian mà không ai cưỡng lại được.
– Hành khổ:
Hành khổ là cái khổ do nơi những hành động của tinh thần và vật chất phát sinh. Phiền não chính là Hành khổ. Khi nào tư tưởng chấm dứt, tâm ý ngừng nghỉ mọi hoạt động thì lúc bấy giờ tinh thần mới hết hành và mới hết khổ. Hễ còn Hành là còn Khổ. Ba loại Khổ trên đây là của chúng sinh. Nếu nói riêng về cái khổ của con người thì Phật diễn tả 8 trạng thái khổ sau đây:
+ Sinh khổ: Lúc sinh ra đã khổ và lúc sống cũng khổ.
+ Bệnh khổ: Bệnh tật là cái khổ dây dưa nhất trong đời sống con người và làm cho những người thân yêu khổ lây với mình.
+ Lão khổ: Già thì khổ. Vai run, gối mỏi, lưng đau, mắt mờ, tai điếc, … không làm được việc gì nên tinh thần bứt rứt, đau khổ.
+ Tử khổ: Đã sống thì ắt sợ chết, thấy cái chết đến mà không tránh khỏi thì rất lo sợ, khổ sở. Khi chết, bỏ lại nơi cõi trần nhiều điều luyến tiếc. Chết là biệt ly nên khổ sở.
+ Ái biệt ly khổ: Yêu mà xa cách thì khổ. Nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, danh vọng, vợ đẹp con ngoan, nghĩ đến việc bỏ rơi hết thảy thì khổ vô cùng.
+ Cầu bất đắc khổ: Mong ước mà không được thì khổ. Biết bao người ôm mộng giàu sang hay khanh tướng mà không thực hiện được thì thất chí đau khổ.
+ Oán tắng hội khổ: Oán thù, ganh ghét, mà ở chung đụng nhau thì khổ. Oán tắng hội khổ còn chỉ cái khổ khi sống trong nghịch cảnh. Những cuộc tranh danh đoạt lợi cũng sinh ra cái khổ này.
+ Ngũ ấm xí thạnh khổ: Ngũ ấm là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trạng thái khổ thứ 8 này bao trùm lên hết mọi nỗi khổ đau của con người. Sự thịnh suy của Ngũ ấm tức là sự thịnh suy của vật chất lẫn tinh thần.
Con người đã cảm thông được những cảnh khổ não này thì thấy rằng, trong cõi đời này, không một giây phút nào con người được trọn vui.
3.1.2. Tập Đế
Tập là tụ họp mà thành. Vậy những cái gì tụ tập lại mà thành ra cái khổ ?
Để giải thích nguyên do của Khổ, Phật nói về quá khứ. Cái quá khứ đó trải qua vô lượng kiếp, nó là Nhân của kiếp sống hiện tại. Sự đau khổ mà con người phải gánh chịu trong kiếp sống này là hậu quả của những việc làm hung ác của họ trong kiếp trước. Để chứng minh chân lý này, Đức Phật nói về Thuyết Nhân Quả và Luân Hồi. Căn bản của thuyết này là Thập nhị Nhân Duyên. (Xem phần sau). Những điều kết tập xấu xa của kiếp trước gây khổ cho kiếp này nhiều không kể hết, nhưng tựu trung gồm 10 loại sau đây :
– Tham: Tham lam thì ích kỷ.
– Sân: Sự nóng giận đốt cháy lương tri.
– Si: Mê lầm do ngu dốt.
– Mạn: Kiêu căng, ganh tỵ nhỏ nhen.
– Nghi: Nghi ngờ. Hạng người này có nhiều phiền não lo âu hơn ai hết. Họ nghi ngờ tất cả, không bao giờ họ cảm thấy yên lòng.
– Thân kiến: Sự thấy biết của thân, biết cái Ta trên phương diện vật chất chớ không biết cái Phật tính của mình.
– Biên kiến: Sự thấy biết một bên, không bao quát, nên nhỏ hẹp, dễ có quyết định sai lầm.
– Kiến thủ: Bảo thủ cái biết của mình.
– Giới cấm thủ: Làm theo lời răn cấm của Tà giáo, nên có những hành động phạm pháp.
– Tà kiến: Những điều thấy biết không chân chính. Tà kiến là còn mê, Chinh kiến là giác.
Đó là 10 thứ phiền não mà con người đã kết tập chất chứa trong vô lượng kiếp đã qua và hiện tại. Đó là nguyên nhân phát sinh ra Khổ Đế.
3.1.3. Diệt Đế
Diệt là tiêu diệt, trừ bỏ. Ta đã thấy rõ cái căn nguyên của sự khổ, thấy rõ Nhân và Quả, nên muốn diệt khổ, ta chỉ cần trừ bỏ tất cả Nhân ấy.
Như vậy, ta cần phải lấy Thập nhị Nhân Duyên mà đi ngược lên dần và diệt dần, cuối cùng ta sẽ diệt được cái Vô minh. Vô minh đã mất thì như Mặt Trời ló ra khỏi đám mây đen, ta sẽ thoát ra được vòng Luân hồi đầy đau khổ.
3.1.4. Đạo Đế
Đạo đế là con đường phải noi theo để thoát khổ. Phật vẫn chủ trương lấy cái trí hiểu biết sáng tỏ mà phá sự si mê, nhưng cái trí sáng tỏ vẫn chưa đủ, cần phải có cái năng lực thực hành thì mới diệt được nguồn gốc của phiền não. Cái năng lực thực hành ấy có 8 con đường để tu cho thành Chính quả. Đó là Bát Chính đạo. Bát Chính đạo gồm:
a) Chính kiến: Thấy rõ biết rõ chân lý, không để cho Tà kiến che lấp sự sáng suốt của mình, khiến cho sự thấy biết của mình không sai lầm.
b) Chính tư duy: Suy nghĩ tưởng nhớ điều chân chính. Thể hiện Chính tư duy là suy nghĩ những điều lợi mình lợi người, không hại ai cả. Muốn Chính tư duy thì không tham, không sân, không si.
c) Chính ngữ: Lời nói ngay thẳng chân thật, chân thật với chính mình và chân thật với mọi người. Trái với Chính ngữ là Vọng ngữ. Người thực hành được Chính ngữ thì thoát khỏi Khẩu nghiệp.
d) Chính nghiệp: Hành động chân chính, không làm điều gian ác. Muốn được Chính nghiệp thì phải gìn giữ chặt chẽ các Giới cấm.
e) Chính mạng: Sinh sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện, thanh bạch, không tham lợi mà bỏ nhân nghĩa, không thừa cơ đục nước béo cò.
g) Chính Tinh tấn: Chuyên cần học tập, tu luyện cho tiến bộ. Muốn vậy phải giữ tâm trí chân chính, sáng suốt.
h) Chính niệm: Tưởng nhớ điều chân chính, để cuối cùng giữ cho Tâm được thanh tịnh, đến chỗ không không.
i) Chính định: Tập trung tư tưởng, tức là định cái Tâm của mình vào đạo lý chân chính. Đó là sự Thiền định để giữ cái Tâm cho thanh tịnh hoàn toàn.
Bát Chính đạo giúp cho người tu trị được mình, đưa đến sự giác ngộ hoàn toàn, tức là đắc đạo.
3.2. Thập nhị Nhân duyên
Thập nhị Nhân duyên là 12 cái Nhân duyên. Nhân là nguyên nhân, như hạt lúa làm Nhân sinh ra cây lúa; Duyên là cái bổ trợ cho hạt lúa sinh ra cây lúa, như là: ánh sáng, nước, phân, công chăm sóc. Vậy Nhân duyên là cái nguyên nhân và cái bổ trợ cho cái nguyên nhân ấy thành cái quả.
Thập nhị Nhân duyên nói rõ sự tương quan của tất cả hiện tượng vật lý và tâm lý. Sự vật vốn có sinh có diệt, biến chuyển theo Luật Nhân Quả, không hề bị tiêu diệt hoàn toàn. Nói cách khác, mọi sự vật đều không có bản thể độc lập, mà là tổng hợp của nhiều yếu tố, và là vô thường, luôn luôn biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác.
Trong 12 Nhân duyên, không thể nêu ra một nhân duyên nào là nguyên nhân đầu tiên, bởi vì 12 Nhân duyên tạo thành 12 cái mắt xích đan vào nhau thành một vòng tròn liên tục, không có cái bắt đầu, không có cái cuối cùng (Vô thủy vô chung), mà người ta gọi là Bánh xe Sinh hóa, hay Bánh xe Luân hồi, được biểu diễn bằng hình vẽ dưới đây.
Bánh xe luân hồi biểu thị thập nhị nhân duyên
Bánh xe Sinh hóa là vòng tròn không có khởi điểm, nhưng người ta thường trình bày nó bắt đầu từ Vô Minh.
1) Vô minh
Vô minh là trạng thái mờ ám, si mê, không tỏ ngộ chân tâm. Vô minh chỉ là tiếp diễn của sự chết (Tử). Lúc chết, thân thể bị hủy hoại, nhưng Vô minh vẫn tồn tại. Nó là nguyên nhân của HÀNH, tức là các hành động được tạo ra trong cuộc sống sau này.
2) Hành
Hành là hành động, tạo tác. Do Vô minh, phiền não nổi lên làm cho Thân, Khẩu, Ý tạo tác các nghiệp lành hay dữ, nên gọi là Hành. Vô minh và Hành được coi là 2 Nhân duyên thuộc quá khứ.
3) Thức
Thức là Thần thức, chỉ về phần tinh thần. Sau khi chết, các nghiệp dẫn dắt Thần thức đi đầu thai để chịu quả báo. Trong đời sống hiện tại, giai đoạn thứ nhất là Thức (Kết sinh thức), nó tương đương với giây phút đầu tiên thai nghén một hài nhi. Nó chưa có ý thức nhưng cái tâm tiềm thức hay Kết sinh thức hướng nó vào sự sống. Khi cái tâm tiềm thức này tiến tới một bước tạo thành hữu hình, đó là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại: Danh Sắc.
4) Danh Sắc
Sắc là thân thể. Trong thân thể có 2 phần: Phần tinh thần (Tâm) chỉ có tên gọi chớ không hình tướng nên gọi là Danh; phần hình thể gọi là Sắc. Danh Sắc là giai đoạn phát triển để Tâm và Thân lần đầu tiên kết hợp lại thành một tổ hợp, đó là một hài nhi với đầy đủ tinh thần (Tâm) và thể xác (Thân).
5) Lục nhập
Lục nhập là 6 chỗ vào. Khi đã có Thân thể rồi thì đương nhiên phải có Lục Căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, là những chỗ để cho Lục Trần xâm nhập vào, nên mới gọi là Lục nhập. Lục trần là: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.
6) Xúc
Xúc là tiếp xúc. Giai đoạn này tương ứng với 1 hay 2 năm đầu của trẻ sơ sinh. Sáu quan năng phát triển và hoạt động, nhưng quan năng xúc giác nổi bật hơn cả. Đứa bé gặp gì cũng sờ mó để tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng xúc giác của nó.
7) Thọ
Thọ là nhận lĩnh. Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần thì lĩnh thọ những cảnh vui buồn, sướng khổ. Hài nhi bắt đầu biểu lộ ý thức và lộ ra những tính cá biệt. Từ giai đoạn Thức đến giai đoạn Thọ, được gọi là 5 quả của quá khứ xuất hiện ra trong đời sống hiện tại.
8) Ái
Ái là ưa muốn. Khi thọ lĩnh cảnh vui thì sinh lòng tham, muốn làm sao cho vui hoài; khi gặp cảnh khổ thì sinh lòng sân hận, buồn rầu, muốn xa lìa. Đây là động cơ thúc đẩy Thân, Khẩu, Ý tạo tác các Nghiệp.
9) Thủ
Thủ là giữ lấy. Vì tham dục nên cố giữ lấy những thứ khoái lạc làm mục đích cuộc sống. Dẫu biết sống là khổ, nhưng vẫn không từ bỏ những cái đúng theo sở thích. Do đó Thủ mà có Hữu.
10) Hữu
Hữu là có, có ta hiện diện trong cuộc sống ở thế gian. Những cái ta thích, nó làm cho ta ham sống. Hữu là Quả của Thủ và làm Nhân của Sinh. Ái, Thủ, Hữu biểu hiện cho 3 giai đoạn trong các hành động của tuổi trưởng thành, kết hợp lại thành 3 Nhân duyên của hiện tại. Khi một cá thể thụ hưởng những hiệu quả của quá khứ thì cũng đang tạo tác những nguyên nhân cho kiếp sống vị lai.
11) Sinh
Sinh là sinh ra. Do Ái, Thủ, Hữu làm Nhân hiện tại tạo ra các Nghiệp, nên qua đời sau phải tái sinh để thọ chịu quả báo.
12) Lão và Tử
Lão và tử là già rồi chết. Sinh ra, lớn lên, già rồi chết. Sinh tử cứ luân chuyển thay đổi nhau. Chết là thể xác, còn là tinh anh. Cái tinh anh ấy lìa bỏ thể xác nhưng vẫn lẩn quẩn trong Vô Minh, cho nên lại mang cái Nghiệp mà lưu chuyển chìm nổi trong vòng Lục đạo Luân hồi. Hễ còn Luân hồi là còn khổ.
Trong Bánh xe Sinh hóa này, thời hiện tại được đặc biệt giải thích chi li với 8 giai đoạn, nhưng thực sự thì Vô Minh và Hành là của quá khứ, Sinh và Tử là của tương lai, cũng có những giai đoạn tương tự như hiện tại. Trong 12 Chi Nhân duyên, Vô minh, Ái, Thủ, được gọi là Hoặc (Mê hoặc); trong khi đó Hành và Hữu thuộc Nghiệp quả. Các Chi còn lại gồm 5 quả hiện tại và 2 quả vị lai là thuộc về Khổ quả, tức là kết quả của đau khổ.
4. Nhân sinh quan Phật giáo
4.1. Con người do đâu mà có
Để giải đáp vấn đề này, Đạo Phật có thuyết Thập nhị Nhân duyên. Trong 12 Nhân duyên ấy, Vô minh là căn bản. Vậy Vô minh là gì ?
VÔ MINH là không biết rõ sự lý đúng như thật, do đó sinh ra mê lầm, thật cho là giả, giả cho là thật, điên đảo hư vọng, chấp ngã, chấp pháp, rồi theo cảnh thuận nghịch mà khởi phiền não, nên cũng gọi là HOẶC. Từ mê hoặc mà tạo ra các Nghiệp, hoặc thiện hoặc ác. Sự tạo tác ấy là HÀNH, chi thứ 2 trong Thập nhị Nhân duyên.
Do Nghiệp lành dữ huân tập chứa nhóm thành ra Nghiệp thức. Nghiệp thức này do chỗ huân tập thuần thục, rồi thác sinh vào thai mẹ, đó là món THỨC, chi thứ 3 trong Thập nhị Nhân duyên. Trong thai mẹ, gom tinh huyết làm nhục thể. Tâm thức cùng nhục thể hoà hiệp gọi là DANH SẮC, đó là chi thứ 4 trong 12 Nhân duyên. (Danh là Tâm thức, Sắc là nhục thể).
Từ Danh Sắc lần lần tượng đủ 6 Căn, gọi là LỤC NHẬP, đó là chi thứ 5 trong Thập nhị Nhân duyên. Sau khi ra khỏi thai, 6 Căn tiếp xúc với 6 trần, biết nóng, lạnh, đau, êm… nên gọi là XÚC, chi thứ 6 trong Thập nhị Nhân duyên. Do sự tiếp xúc ấy mà Tâm dần dần sinh niệm phân biệt, rồi có những sự giác thọ vui, khổ, … Đó gọi là THỌ, chi thứ 7 trong Thập nhị Nhân duyên.
Do sự cảm thọ vui, khổ, khởi niệm ưa ghét, chấp đắm ấy mà sinh ra ÁI, chi thứ 8 trong Thập nhị Nhân duyên. Vì tham ái nên tìm cầu nắm lấy cái hay cái tốt, cái ưa thích. Đó gọi là THỦ, chi thứ 9 trong Thập nhị Nhân duyên. Muốn cho thỏa mãn chỗ nhiễm trước, ưa thích của Ái và Thủ, nên phải tạo Nghiệp. Nghiệp này có thể chiêu cảm quả báo vị lai, nên gọi là HỮU, chi thứ 10 trong Thập nhị Nhân duyên.
Đã có Hữu là cái mầm giống thì thế nào cũng có SINH, là chi thứ 11 trong Thập nhị Nhân duyên.
Đã có Sinh thì phải có LÃO và TỬ, chi thứ 12 trong Thập nhị Nhân duyên.
Trong 12 Nhân duyên, Vô minh thuộc về Hoặc, và Hành thuộc về Nghiệp. Đó là Nhân quá khứ.
Do Nhân quá khứ ấy mà có 5 quả khổ hiện tại là: Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ.
Do quả khổ hiện tại nói trên mà khởi ra Hoặc là Ái, Thủ, và tạo Nghiệp là Hữu, để làm Nhân cho Quả khổ sau là Sinh và Lão-Tử ở vị lai.
Như thế, từ Nhân quá khứ sang Quả hiện tại, và Quả hiện tại lại làm Nhân cho Quả tương lai, 3 đời cứ nối tiếp xoay vần mãi mãi không dứt, như một bánh xe xoay tròn, lên xuống, xuống lên, không ngừng nghỉ. Cứ đó mà suy ra thì biết rằng, con người chẳng những sống một đời trong hiện tại này, mà trước kia về quá khứ, đã trải qua không biết bao nhiêu đời sống rồi; và sau này trong vị lai, cũng sẽ còn vô lượng đời sống nữa.
Người hiện sống đây rồi chết, mà cái chết lại là cái Nhân làm thành đời sống vị lai. Như thế, sống chết nối tiếp nhau không bao giờ dứt, như những làn sóng đại dương, cái này tan đi để hiệp lại một cái khác không bao giờ hết, nếu còn có gió. Còn người, nếu gió Vô Minh còn thổi thì dòng sinh mạng còn lưu chuyển lăn trôi, chìm nổi mãi.
4.2. Thân người như thế nào?
Sau khi chúng ta đã biết nguyên nhân gây tạo ra sự hiện diện của người trên cõi thế này rồi, một câu hỏi khác hiện đến trong óc chúng ta là: Thân con người như thế nào? Đẹp đẽ hay xấu xa, thật hay giả, đáng quí hay đáng khinh?
Để giải đáp vấn đề này, Đạo Phật có nhiều thuyết tùy theo Tiểu thừa hay Đại thừa, tôn phái này hay tôn phái khác. Những thuyết ấy, mặc dù nhiều, nhưng không trái nhau mà lại bổ khuyết cho nhau, làm cho vấn đề được trình bày trong mọi khía cạnh, từ hẹp đến rộng, từ cạn đến sâu, từ tướng đến thể, từ biệt tướng đến tổng tướng, … Dưới đây chúng tôi xin tuần tự trình bày các quan niệm ấy từ Nhân thừa đến Thiên thừa, qua Nhị thừa và cuối cùng đến Đại thừa để độc giả có một quan niệm đầy đủ về vấn đề này.
4.2.1. Quan niệm Nhân thừa
Thân người hòa hợp, do tinh huyết cha mẹ cùng Thần thức, góp 4 chất: Cứng, Ướt, Nóng, Động mà thành. Chủ động trong ấy là Thức (Nghiệp thức). Bởi Nghiệp thức người nhóm các duyên hội hợp làm thân người. Nghiệp thức ấy có ra do bởi sự gây tạo vì đời trước huân tập nơi tự tâm, kết thành công năng có tính cách người, có thể cảm đặng thân người.
Như vậy, từ nơi tự tâm tạo tác hạnh nghiệp, các hạnh nghiệp ấy trở lại huân tập thành công năng nghiệp người nơi tự tâm, cho đến khi công năng nghiệp thức ấy thuần thục, gặp đủ các trợ duyên, chiêu cảm hiện ra có thân người. Trong khi mọi người, vì sự hiểu biết cạn hẹp, đã lầm tưởng thân thể thoạt nhiên sinh, và sau khi chết hoàn toàn tiêu diệt.
Chết để thay đổi thân mới, sinh để thế thân cũ, xoay vần nơi vòng sinh tử, tử sinh. Vậy thân thể của người hiện nay chỉ là một thân trong vô lượng thân. Người đã thay bỏ không biết bao nhiêu thân về trước, và sau này người cũng sẽ thay đổi không biết bao nhiêu thân nữa, nếu không một niệm “Hồi quang phản chiếu”. Sự sinh hiện tại chỉ là một lần sinh trong vô lượng lần sinh, và sự chết ngày nay cũng chỉ là một phen chết trong vô lượng lần chết.
Thân hiện có đây là cái quả của Nghiệp đã tạo ra từ kiếp trước, và thân sẽ có sau này là do sự tạo Nghiệp bây giờ. Cho nên, người trong Phật giáo đương thọ lĩnh báo thân hiện tại, dầu khổ hay vui, đều nhận chịu một cách tự nhiên và nhẫn nại, vì nếu có kêu cầu thế nào cũng không thay đổi được. Nếu biết lo lắng trau giồi cái thân thì có thể đổi xấu ra tốt được, để hưởng quả báo tốt đẹp ở tương lai, tức là phải tu tập các pháp lành và dẹp bỏ hành vi hung ác.
4.2.2. Quan niệm Thiên thừa
Trọn vẹn 5 giới cấm, nhân đạo đã hoàn thành, đào tạo chắc chắn nghiệp chủng người tốt lành nơi tự tâm, và sau này, khi thuần thục sẽ cảm lấy thân thể loài người tốt đẹp, mạnh khỏe, trường thọ, để hưởng hạnh phúc nơi cõi người. Đức Phật chỉ dạy những nguyên nhân và quả báo, cùng sự tu hành để khỏi bị những thân xấu xa khổ sở và được cảm hiện những thân tốt đẹp, cường tráng, vui vẻ.
4.2.3. Quan niệm Nhị thừa (Thánh nhân)
– Thân bất tịnh: Lấy con mắt của hàng Nhị thừa xem nơi thân thể, chỉ là một thứ nhơ nhớp, do nhiều chất nhơ uế hòa hiệp. Các Ngài chỉ cảm thấy nó là hiện tượng của muôn điều khổ sở buộc ràng, không có mảy may chi đáng gọi là vui thú, nên có câu: “Thân vi khổ bổn” (Thân là cội khổ). Phải chăng do nơi thân khổ, các sự thống khổ như: Lạnh, nóng, đói, khát, mỏi đau, nghịch trái, vv … đều thuộc về THỌ, mà Thọ có ra là bởi Lục căn tiếp xúc với Lục trần. Thân thể là chỗ nương dựa của Lục căn, nên sự thọ khổ lấy thân làm gốc. Vả lại, người đời không gì khổ bằng: Lúc sinh đau đớn kêu la, khi già lụm cụm run rẩy, lúc ốm đau yếu đuối bứt rứt, khi chết giãy giụa hãi hùng, 4 việc đại khổ ấy lại là cái khổ sinh, trụ, dị, diệt của thân thể. Than ôi! Thân là cội khổ, thân là bất tịnh, thân là vô thường (Vô thường nghĩa là “không chắc chắn”, “thay đổi”, “không trường tồn”), có gì đáng sợ đáng chán bằng thân!
– Thân giả hợp: Cái gốc Hoặc Nghiệp đã trừ, thì cái ngọn là Thân, tất nhiên phải khô mục. Nhân đã không còn thì Quả cũng tự mất. Thân sau không còn chiêu cảm thì các khổ lụy không nương đâu mà có, tức là an vui giải thoát. Dứt được Nghiệp Hoặc thì vô lậu huệ sinh, thành bậc Thánh Nhị thừa. Huệ nhãn của các bậc Nhị thừa Thánh nhân cũng thế. Đối với người thường là thân thể xinh đẹp, với các Ngài thì thân thể còn không có, huống nữa là xinh đẹp. Chẳng phải là duyên cảnh khác, mà chỗ thấy biết có khác. Cũng đồng một cảnh, song vì thức trí khác nhau, nên chỗ nhận biết không đồng. Do không còn thấy là thật có thân thể, nên các Ngài không còn sinh lòng luyến ái nơi thân, không còn có niệm: Thân người, thân mình, vì tất cả đều đồng là Ngũ ấm, là Lục căn. Dưới huệ nhãn của các Ngài, và hơn nữa, đều đồng là Tứ đại giả hợp: Da thịt gân xương, tóc móng, toàn là Địa đại; tinh huyết, đàm nhớt, nước mắt mồ hôi, toàn là Thủy đại; Nhiệt độ thuộc về Hỏa đại; cùng sự chuyển động thuộc về Phong đại. Tứ đại nếu trái nhau thì thân thể làm sao đặng có?
Rõ biết thân thể là hư vọng thì cả thảy phiền não tự trừ, vì thân là căn bản của Ái nhiễm, lúc bấy giờ thì Vô ngã trí phát sinh, vĩnh viễn thoát ly sinh tử trong 3 cõi, tức là rốt ráo được Nhị thừa Phật giáo.
4.2.4. Quan niệm của Đại thừa
Thân như huyễn hóa: Thân không tự có, do Thức chuyển biến mà có; thân không tự thể, lấy Thức làm thể; toàn thân là Thức, ngoài Thức không thân. Thân có là do Thức công năng biến hiện, công năng hiện thân bởi các Nghiệp duyên huân tập nơi Thức mà thành.
Nghiệp duyên có ra, lại nương nơi thân mà phát khởi, nên thân thể là pháp hư giả, do Thức biến hiện. Song, từ nơi thân thể tạo nghiệp nhiễm hay tịnh, làm duyên huân tập nơi tự tâm, khiến tự tâm chuyển thành công năng nhiễm hay tịnh. Thân thể cùng công năng xoay chuyển làm Nhân duyên cho nhau, có không phải thiệt có, không không phải thiệt không, thật đồng huyễn hóa. Vì đó nên với quán trí của Đại thừa thì thân thể như huyễn hiện.
Con người, mặc dầu sống trong đau khổ, nhưng đều có Phật tính. Với Phật tính ấy, con người có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy. Con người không cần phải quì lụy cầu xin ở một Đấng nào, mà do tự lực và hành động của mình, chỉ có mình mới giải thoát được cho chính mình mà thôi. Con người chính là vị sáng tạo của đời mình. Khi mê thì con người tự làm cho mình đau khổ, nhưng khi biết mình mê mà tìm cách thoát ra khỏi mê thì con người chính là kẻ tự gây hạnh phúc cho mình. Đó là ưu điểm của con người, đó cũng là niềm tin lớn của con người.
Đứng về một phương diện thì thân phận con người thật đáng chán, nhưng đứng về một phương diện khác thì làm được con người thật đáng quí trọng. Cho nên, bảo Nhân sinh quan của Phật giáo là bi quan cũng không đúng hẳn, mà bảo rằng lạc quan thì cũng không đúng hẳn. Lạc quan hay Bi quan là tùy ở phương diện quan sát của mình. (Theo Bài Nhân sinh quan Phật giáo của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, trong Phật Học Phổ Thông, khóa V, trang 400 đến 422).
5. Vũ Trụ Quan Phật giáo
5.1. Đặt vấn đề tiên quyết
Phật giáo khác với các tôn giáo khác, không tin có tạo vật chủ. Đối với Phật giáo, vũ trụ vạn hữu sinh ra, không nhờ một Đấng nào hay một phép nào ở ngoài nó cả, mà chỉ do tự kỷ Nhân Quả tiếp nối mà thành. Cái Quả bây giờ là do cái Nhân ở trước, cái Nhân ở trước là do cái Quả ở trước nữa; cứ như thế đi ngược trở lại mãi, Nhân này Quả nọ, không bao giờ cùng. Như thế, Vũ trụ đối với Phật giáo là Vô thỉ (không có cái bắt đầu), mà đã Vô thỉ thì làm gì có nguyên nhân đầu tiên.
Trong hiện tượng giới, ta thấy có sinh diệt, chúng ta cho là vô thường. Nhưng nếu xét toàn thể Vũ trụ, đứng về thật tại giới, thì chẳng có sinh diệt, mà vạn hữu là thường trụ. Như trước đã nói, không có nguyên nhân đầu tiên, do đó, chúng ta sẽ đặt sai vấn đề nếu ta hỏi: Nguyên nhân đầu tiên tạo thành vũ trụ là gì? Và ta lại càng đi xa hơn nữa trong sự sai lầm khi hỏi: Ai sáng tạo ra vũ trụ vạn hữu ?
Phải đặt câu hỏi thế này mới đúng: “Thật thể của cái có và cái không tương đối, tức là vũ trụ vạn hữu, là như thế nào?“ hay là: “Thật tại của vũ trụ như thế nào?” Đó là câu hỏi thứ nhất, nhằm mục đích tìm hiểu thật thể, thật tính, thật tướng, hay nói theo danh từ Triết học, nhằm mục đích tìm hiểu thật tại của vũ trụ vạn hữu.
Câu hỏi thứ hai là: “Phát nguyên từ thật tại, vũ trụ vạn hữu đã hình thành và biến chuyển bởi những nguyên nhân gì? và như thế nào?”
Đây là 2 câu hỏi chính, sau đó, chúng ta có thể thêm vào câu hỏi phụ như: Vũ trụ rộng hay hẹp? có cùng hay không cùng tận?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, Đạo Phật có Thật Tướng Luận; trả lời câu hỏi thứ hai, Đạo Phật có Duyên Khởi Luận, trả lời câu hỏi thứ ba, Đức Phật dạy: Vũ trụ hay Thế giới là vô lượng, vô biên, vô cùng tận.
5.2. Thật Tướng Luận
Thật Tướng Luận là lý thuyết giải bày về thật thể của vũ trụ. Thật thể hay Thật tướng của vũ trụ, Đạo Phật thường gọi là Chân như. (Chân là thật; Như là luôn luôn như thế, không biến đổi, không sinh diệt, vô thỉ vô chung).
Vậy Chân như là một thật thể không biến đổi, không sinh diệt, không còn mất, vô thỉ vô chung, sáng suốt, có đủ tất cả những diệu dụng của đức tính. Để chỉ Chân như, nhiều khi Phật giáo, tùy theo mỗi trường hợp, cũng gọi bằng những danh từ khác như: Chân tâm, Viên giác, Thắng nghĩa, Phật tính, Giác tính, Pháp tính, Như như, Nhất như, …
Mục đích của Thật Tướng Luận là muốn cho chúng ta nhận chân rằng: Thật tại hay Chân như, không thể dùng ngôn ngữ, văn tự mà thấy được, trái lại phải rời bỏ tất cả danh tướng mà trực nhận. Nhưng để có một ý niệm thô thiển về chân như, hãy tự bảo rằng “Chân như là cái gì trái hẳn với hiện tượng giới”, “Hiện tượng giới là mặt trái của Chân như”.
5.3. Duyên Khởi Luận
Duyên Khởi Luận là những lý thuyết nói về nguyên nhân hay lý do sinh khởi của hiện tượng giới. Duyên Khởi Luận trong Phật giáo, có nhiều thuyết, nhưng không trái ngược nhau, mà chỉ khác nhau về phương diện cạn sâu, rốt ráo hay chưa mà thôi. Vậy chúng ta tuần tự đi từ cạn đến sâu.
5.3.1. Nghiệp cảm duyên khởi
Nghiệp cảm duyên khởi luận là chủ trương của Tiểu thừa Nguyên thủy Phật giáo. Lý thuyết này rút ra từ trong Tứ Diệu Đế và Thập nhị Nhân duyên.
Như chúng ta đã biết về Tứ Diệu Đế, Phật dạy: Nguyên nhân của đau khổ, của sinh tử luân hồi là do Hoặc Nghiệp. Hoặc là mê vọng, Nghiệp là hành động tạo tác. Vì mê vọng nên có hành động sai lầm, vì hành động sai lầm nên chịu quả đau khổ, … và cái vòng Nhân Quả Luân hồi cứ tiếp tục mãi, tạo ra có Chính báo là thân ta, và y báo là sơn hà đại địa. Sơn hà đại địa sở dĩ có là có một cách tương đối với thân ta mà thôi.
Khi nguyên nhân biến đổi thì nghiệp quả cũng biến đổi, do đó Chính báo và y báo cũng biến đổi theo. Người, khi tạo những nghiệp nhân làm người thì đời sau đầu thai lại, chính báo vẫn là người và y báo vẫn là sơn hà đại địa như người đã nhận thấy. Nhưng nếu tạo những nghiệp nhân dữ thì chính báo đời sau sẽ là loài súc sinh hay ngạ quỉ, và y báo, tức là cảnh giới ở chung quanh, cũng không còn giống như cảnh giới trước của người nữa, nghĩa là vũ trụ vạn hữu sẽ biến đổi theo tầm mắt và sự hiểu biết của loài ấy. Do đó mà gọi là nghiệp cảm, nghĩa là do Nghiệp như thế nào thì cảm thọ cái thân và cảnh như thế ấy.
Nói một cách tổng quát, do nghiệp lực mà có thân (chính báo) và thế giới (y báo). Chính báo và y báo có thể thế này hay thế khác, tốt hay xấu, là do nghiệp lành hay dữ. Nhưng dù sao, hễ còn nghiệp là còn hiện tượng giới. Dứt trừ nghiệp là trở về cái Chân như, là nhập Niết bàn.
5.3.2. A-Lại-Da duyên khởi
Thuyết này thuộc về Đại thừa Thỉ giáo, đi sâu hơn thuyết trên một tầng.
Trong thuyết Nghiệp cảm Duyên khởi, chỉ nói có 6 Thức là: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý. Sau khi chết, Ngũ uẩn tan rã, Nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai, nhưng dẫn dắt cái gì? Lục Thức hay Ý thức sinh diệt vô thường, biến chuyển luôn luôn, thì nghiệp dù còn, mà lấy cái gì gìn giữ cái nghiệp quả, khiến cho nó triển chuyển không dứt?
Đại Thừa Thỉ giáo bổ khuyết cho thuyết trên, tìm thấy thêm 2 Thức nữa là Đệ thất Thức hay Mạt-Na Thức và Đệ bát Thức là A-Lại-Da Thức. Mạt-Na là cầm bắt lấy chỗ thấy biết, nghĩa là tự nhận có một cái Ngã, và gìn giữ cái Ngã ấy. Nhưng làm sao giữ được cái Ngã ấy? trong lúc Ngũ uẩn và Lục thức đều sinh diệt vô thường, hợp ly mãi mãi.
Vậy thì dưới Mạt-Na Thức, tất phải có một Thức khác thường tại, trùm chứa tất cả chủng tử của các pháp mới được. Đó chính là Thức thứ 8: A-Lại-Da Thức, hay Tạng Thức (Thức Trùm chứa). Thức này không phải vô thường như Ngũ uẩn, mà là hằng khởi, thường tại. Nó có 2 công năng: Một là thâu nhiếp tất cả pháp, Hai là sinh khởi tất cả pháp.
Khi chúng ta gây thiện nghiệp hay ác nghiệp thì những chủng tử được dồn chứa vào Tạng Thức, đến khi đủ nhân duyên thì những chủng tử ấy phát ra hiện hành. Bởi A-Lại-Da Thức bao gồm hết thảy chủng tử của chư pháp, nên nó phát hiện được hết năng lực vô hạn của vạn tượng. Khi căn thân của ta vừa phát sinh là nó bao hàm khách quan giới (tức là vạn vật). Khách quan giới thiên sai vạn biệt là do trong chủ quan giới có ý thức tác động mà ra.
Tóm lại, A-Lại-Da Thức là căn bản của hiện tượng giới. Từ vô thỉ, A-Lại-Da Thức đã bao trùm chủng tử. Hiện tượng giới do chủng tử này phát hiện. Hiện tượng đã phát hiện thì lại kích thích phát sinh duyên mới, dẫn đến chỗ tác dụng. Như thế, chủng tử cùng hiện tượng nhân quả nhau mãi mà làm cho hiển hiện vạn hữu và làm nền móng qua bao kiếp nhân quả luân hồi.
Nhưng nếu A-Lại-Da Thức là nền móng của nhân quả luân hồi thì A-Lại-Da Thức cũng là căn nguyên của giải thoát, vì trong A-Lại-Da Thức có đủ cả chủng tử hữu lậu và vô lậu. Chủng tử hữu lậu là những hạt giống phát sinh thiên sai vạn biệt, tức là hiện tượng giới; còn chủng tử vô lậu, đối với ngoại giới, biết có hư vọng, cho nên không để cho tâm vọng động, nên có thể đưa đến sự giải thoát.
5.3.3. Chân Như Duyên khởi
Thuyết này của Đại Thừa Chung giáo. Theo Đại Thừa Chung giáo, Chân như tùy duyên mà sinh ra muôn pháp, hay nhất thiết duy tâm tạo. Tâm bao gồm tất cả và có 2 phương diện: Về phương diện động, Tâm là cái cửa của sinh diệt; về phương diện tịnh, Tâm là cái cửa của Chân như.
Nhưng vì sao, cũng một Tâm mà có 2 phương diện tương phản như thế? Ấy là bởi Vô minh. Chân như vốn thường trụ, bất động, nhưng bởi vô minh làm duyên, khiến cho nó vọng động làm ra thiên sai vạn biệt. Vô minh không phải là vật có thật, nó dựa nơi tâm thể mà có. Nó là một vọng niệm. Cho nên trong Kinh thường nói: “Hốt nhiên niệm khởi, gọi là vô minh.” Do cái vọng niệm ấy mà thấy có chủ quan, có khách quan, có tự ngã, có phi ngã, có vũ trụ vạn hữu.
Nhưng vạn hữu không phải ngoài tâm mà tồn tại được. Chân như tuy bị vô minh kích thích mà diêu động, nhưng trong động có tịnh, trong tịnh có động, cũng như nước và sóng ở trong biển. Đứng về phương diện nước mà nhìn thì tất cả sóng đều là nước; đứng về phương diện sóng mà nhìn thì tất cả nước đều là sóng. Tâm ví như biển, Chân như ví như nước, và vạn tượng ví như sóng.
Chúng sinh vì vô minh che lấp nên chỉ thấy có vạn tượng giới; Bồ Tát và Phật, vì đã trừ hết vô minh, nên thấy vạn tượng là Chân như. Tâm gồm có Chân như và vạn tượng: Tịnh là Chân như, động là vạn tượng. Động, tịnh không rời nhau, không cùng là một, nhưng cũng không phải khác nhau. Đó là 2 phương diện của Tâm. Để chỉ 2 phương diện này, trong Kinh có câu: “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.”
Tùy duyên Tịnh sinh ra Tứ Thánh, tùy duyên nhiễm sinh ra Lục phàm. Từ tịnh trở thành động là đi vào cửa sinh diệt, và đó cũng là nguyên nhân phát triển của vũ trụ vạn hữu Từ động trở về tịnh là đi vào cửa Chân như và đó chính là nguyên nhân của giải thoát.
5.3.4. Lục đại Duyên khởi
Lục đại duyên khởi là chủ trương của Mật Tông hay Chân Ngôn Tông. Lục đại là: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không (Không gian) và Thức. Năm đại trước thuộc về sắc pháp (tức là vật), đại thứ 6 thuộc về Tâm pháp (tức là Tâm). Sáu đại này, mỗi mỗi đều dung thông không ngăn ngại nhau, và tùy duyên sinh khởi vũ trụ vạn hữu.
Chia ra Vật và Tâm là trí thức của ta phân biệt như thế, chớ bản thể của thật tại vẫn là một, vẫn không thể phân chia được. Vật là hình tướng, Tâm là lực hoạt động. Lực không lìa được hình, lìa hình thì lực không tồn tại. Còn hình, nếu không nhờ lực thì không phát hiện được. Vật và Tâm chỉ là 2 phương diện của bản thể nhất như.
Ta có đây là do Lục đại kết hợp mà ra. Lục đại ly tán thì ta không còn. Còn mất chẳng qua chỉ là do Lục đại đổi thay. Lục đại kết hợp hay ly tán làm thành vũ trụ hoạt động. Đứng về phương diện tổng quát mà nhìn, vũ trụ là một sự hoạt động không ngừng của Lục đại. Chân như là thực thể của Lục đại mà lý tính của ta trừu tượng được. Thánh phàm khác nhau, thiện ác khác nhau ở chỗ biết hay không biết phân biệt Chân như với hiện tượng.
5.3.5. Pháp giới duyên khởi
Pháp giới duyên khởi là chủ trương của Đại Thừa Viên giáo (Hoa Nghiêm Tông). Thuyết này cho rằng: Pháp giới (tức là vũ trụ vạn hữu) là một duyên khởi rất lớn, nghĩa là các pháp làm nhân, làm duyên cho nhau, nương tựa, tương phản, dung thông nhau mà thành lập.
Cái năng lực chủ động của pháp giới duyên khởi, không phải thuộc về nghiệp lực của chúng sinh, không phải tạng thức sai biệt của A-Lại-Da, cũng không phải cái lý tính bình đẳng bất sinh bất diệt của Chân như, mà chính là do vạn pháp, pháp này dung thông với pháp kia, pháp kia dung thông với pháp nọ, cùng nhau làm duyên khởi, mỗi lớp mỗi lớp không cùng tột, cho nên gọi là Vô tận duyên khởi, hay Trùng trùng duyên khởi. Như thế, vũ trụ vạn hữu là một cuộc đại hoạt động của hiện tượng, từ vô thỉ đến vô chung, nối tiếp và tràn lan vô cùng tận như những đợt sóng. Vì có hoạt động nên mới có sinh diệt chuyển biến. Nếu không có hoạt động thì không chuyển biến, tức là không có vạn tượng, không có vũ trụ.
Sở dĩ các pháp làm nhân làm duyên hòa hợp, dung thông nhau được là do 10 đặc tính kỳ diệu mà Đại Thừa Viên giáo gọi là 10 món huyền môn. Lại do 10 món huyền môn này mà trong pháp giới, Sự và Lý, Lý Sự và Sự Sự được dung thông vô ngại. (Sự là sự tướng sai biệt, Lý là lý tính bình đẳng).
Để kết luận về phần trình bày Duyên khởi luận này, chúng ta có thể tóm tắt như sau:
– Nghiệp cảm Duyên khởi muốn nói: Nghiệp lực là nguyên nhân của hiện tượng giới. Nghiệp bởi mê hoặc mà có.
– A-Lại-Da Duyên khởi muốn nói: Căn nguyên của hiện tượng giới là A-Lại-Da thức. A-Lại-Da bao trùm tất cả chủng tử hữu lậu và vô lậu. Do chủng tử hữu lậu mà phát sinh vũ trụ vạn hữu. Muốn giải thoát khỏi hiện tượng giới thì phải huân tập và làm phát hiện chủng tử vô lậu.
– Chân như Duyên khởi muốn nói: Chân như vì duyên với vô minh mà diêu động và làm phát sinh ra vũ trụ vạn hữu.
– Lục đại Duyên khởi và Pháp giới Duyên khởi là 2 thuyết mường tuợng giống nhau, đều thuyết minh 2 phương diện hiện tượng và thật thể của nhất như. Bất tri bất giác là nguyên nhân của hiện tượng. Tri giác được thì giải thoát được.
Những thuyết nói trên đều có những điểm giống nhau: Mỗi thuyết đều công nhận có Chân như là bản thể của vũ trụ vạn hữu. Nguyên nhân làm sinh khởi vũtrụ vạn hữu là mê vọng hay vô minh. Muốn giải thoát thì phải trừ cho được mê vọng.
5.4. Không gian và thời gian của Pháp giới
Chúng ta đã nói về nguyên nhân sinh khởi của vũ trụ vạn hữu. Đến đây, chúng ta hãy nghe Phật dạy về sự rộng lớn vô biên và sự tồn tại vô cùng của vũ trụ hay Pháp giới.
5.4.1. Không gian
Theo lời dạy trong các Kinh, vũ trụ hay nói theo danh từ của Phật giáo là Pháp giới, thì nó rộng lớn vô cùng vô tận. Thế giới chúng ta ở đây không phải chỉ có một, mà nhiều như cát sông Hằng. Cứ 1000 Thế giới nhỏ hiệp thành một Tiểu thiên Thế giới; hiệp 1000 Tiểu thiên Thế giới thành một Trung thiên Thế giới, hiệp 1000 Trung thiên Thế giới thành một Đại thiên Thế giới hay Tam thiên Đại thiên Thế giới.
Mỗi Tam thiên Đại thiên Thế giới như thế là gồm 1000 triệu (tức là 1 tỷ) Thế giới nhỏ như Thế giới của chúng ta. Hơn nữa, vũ trụ không phải chỉ có một Đại thiên Thế giới, mà gồm vô số Đại thiên Thế giới.
5.4.2. Thời gian
Phật đã dạy: Các pháp hữu vi, bất cứ một pháp nào, cũng đều bị 4 thời kỳ chi phối là: Thành, Trụ, Hoại, Không.
Thế giới cũng vậy, không thể thoát ra ngoài cái luật: Thành, Trụ, Hoại, Không, ấy được. Nhưng bởi vì trong pháp giới có không biết bao nhiêu Thế giới, nên sự thành, trụ của một Thế giới này là sự hoại, không của một Thế giới khác, cứ như thế mà xoay vần không dứt. Nếu lấy riêng ra một Thế giới để đo lường thời gian, chúng ta sẽ có những con số như sau :
Mỗi Thế giới đều có 4 thời kỳ hay 4 Trung kiếp. Mỗi Trung kiếp có 20 Tiểu kiếp. Mỗi Tiểu kiếp có 16 triệu năm. Như thế, một Thế giới từ khi hình thành đến khi tiêu diệt phải trải qua: 4 x 20 x 16 = 1280 triệu năm. Nhưng chúng ta đã biết số Thế giới nhiều như cát sông Hằng, thì sự tồn tại của pháp giới lâu dài không thể suy tính nghĩ bàn được.
Ở đây, chúng ta không có ý nêu lên các con số như trên để đo lường đích xác sự rộng lớn và sự lâu dài của pháp giới, chúng ta chỉ có mục đích là nêu ra để có ý niệm về sự vô cùng vô tận, vô thỉ vô chung của pháp giới mà thôi. Ý niệm này ngày nay cũng được khoa học tán đồng. (Theo Bài Vũ trụ quan của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong Phật học Phổ thông, khóa V trang 374).
6. Quan niệm của Phật giáo về Thượng Đế và Linh hồn
Trong quyển Đức Phật và Phật pháp (The Buddha and his Teachings) của Đại Đức NARADA, Tăng Trưởng chùa Vajirarãma ở Tích Lan, thuộc Phật giáo Nguyên thủy (Tiểu Thừa), là Giáo sư Đại học Tích Lan, đã được Ông Phạm kim Khánh dịch ra Việt văn, có những đoạn trích ra sau đây:
“Ta không nên lẫn lộn Giáo lý tái sinh của Phật giáo với thuyết chuyển sinh linh hồn hay đầu thai của một vài hệ thống tín ngưỡng khác, bởi vì Phật giáo không nhìn nhận có sự chuyển sinh của một linh hồn trường cửu do một Thần linh tạo ra hay phát xuất từ một Đại hồn”. (trang 357)
“Ta không thể xác định khởi điểm của dòng đời của chúng sinh. Nguồn gốc và lịch trình tiến hóa của vũ trụ, Đức Phật không đề cập đến”. (trang 367)
“Trong toàn bộ Tam Tạng, tuyệt đối không có đoạn nào đề cập đến sự hiện hữu của một Tạo Hóa. Nhiều lần Đức Phật phủ nhận một Linh hồn trường cửu. Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận có một Đấng Tạo Hóa, bất luận dưới hình thức một năng lực hay một chúng sinh. Mặc dầu Đức Phật không hề đặt một Thần linh siêu nhân nào lên trên con người, có vài học giả cũng quả quyết rằng Ngài đặc biệt không đề cập đến vấn đề tranh luận quan trọng ấy”. (trang 368)
“Phật giáo thuần túy không chủ trương có linh hồn người chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai”. (trang 419)
“Ngoài Danh và Sắc, Tâm và Vật, là 2 thành phần cấu tạo chúng sinh, Phật giáo không nhận có một linh hồn vĩnh cửu hay một bản ngã trường tồn mà con người đã thọ lĩnh một cách bí ẩn từ một nguồn gốc cũng bí ẩn không kém. Một linh hồn mà trường cửu, tức nhiên phải bất biến, trước cũng như sau. Nếu linh hồn mà người ta giả thiết là phần tinh túy của con người là trường tồn vĩnh cửu thì linh hồn không thể phát sinh hay tiêu diệt, mà ta không thể giải thích vì sao “từ lúc sơ khởi, linh hồn này lại khác biệt rất xa với linh hồn kia””. (trang 422).
“Phật giáo dạy một thứ Tâm lý học trong đó không có linh hồn. Phật giáo chủ trương rằng, chúng ta là sự cấu hợp của 2 thành phần Danh và Sắc, Tâm và vật chất, và 2 thành phần này ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi như một dòng suối trường lưu bất tức”. (trang 427).
“Nếu không có linh hồn, coi như một thực thể đơn thuần không biến đổi, thì cái gì đi tái sinh?. (trang 433). Trong bộ Kinh Đại Duyên thuộc Trường Bộ Kinh của Phật giáo có câu: Này A-Nan, nếu Thức không đi vào bụng của người mẹ thì Danh và Sắc có thể hình thành trong bụng của người mẹ đặng không?”. Vậy cái đi tái sinh, theo Phật giáo là: Thức hay Thần Thức (Đây là quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy, thuộc Tiểu Thừa).
Lưu ý: Trong tất cả tôn giáo trên Thế giới, chỉ duy có Phật giáo là không nhìn nhận Đấng Thượng Đế và phủ nhận sự hiện hữu của Linh hồn trong mỗi con người.
Theo như phần trích thuật ở trên thì Thức hay Thần Thức không phải là linh hồn, nhưng các Từ Điển Phật học thì đều định nghĩa Thức hay Thần Thức là linh hồn.
– Phật Học Từ Điển của Đoàn trung Còn: Thần Thức (L’âme): Phần hồn. Con người đại để có 2 phần: Phần xác và phần hồn. Bởi phần linh hồn linh hoạt mầu nhiệm, không thể bàn luận xét nét cho cùng, cho nên kêu là Thần thức.
– Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội PGVN: Thần thức: Tâm thức của loài hữu tình linh diệu không thể nghĩ bàn, nên gọi là Thần thức, còn gọi là Linh hồn.
7. Kinh điển của Phật giáo
7.1. Tam Tạng Kinh
Trong 45 năm thuyết pháp cho đến khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, những lời giáo huấn của Phật không được ghi chép trên giấy, mà các đệ tử của Phật chỉ nhớ nằm lòng rồi truyền khẩu cho nhau.
Ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, vào năm thứ 8 triều vua A-Xà-Thế, Tổ Sư thứ nhất là Ma-Ha Ca-Diếp triệu tập 500 A-La-Hán là những đại đệ tử của Phật, kết tập kinh điển lần đầu tiên tại Rãjãgaha để nhắc lại những Phật ngôn quí báu, ghi chép thành kinh điển truyền lại cho đời sau.
Ông A-Nan, vị đệ tử được diễm phúc luôn luôn ở bên cạnh Đức Phật, nghe được tất cả giáo huấn của Phật, nên Ông A-Nan được đề cử tường thuật lại những lời giảng dạy; Ông Upãli tường thuật về Giới luật, và cả 2 vị luân phiên trả lời các câu hỏi về phần Vi Diệu pháp, giáo lý cao tột của Phật. Đó là lần kết tập kinh điển lần đầu tiên, tập trung toàn thể Giáo lý của Phật và sắp xếp lại cho rành mạch thành 3 Tạng kinh, gọi là Tam Tạng Kinh, gồm: Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng.
Vì có những khuynh hướng làm sai lạc giáo pháp của Đức Phật, nên sau đó có 2 lần kết tập kinh điển nữa là: 100 năm sau và 236 năm sau lần kết tập thứ nhất. Rồi vào khoảng năm 83 TTL, dưới triều vua Vatta Gãmani Abhaya nước Tích Lan, các vị đại tỳ kheo lại kết tập kinh điển lần thứ 4 tại Aluvihara, một ấp nhỏ cách Kandy 30 cây số thuộc đảo Tích Lan. Tại đây, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, Tam Tạng Kinh được ghi chép bằng tiếng Pali trên lá buông.
7.1.1. Luật Tạng (Vinaya Pitaka)
Vinaya là Luật, Pitaka là cái giỏ để đựng. Vinaya Pitaka là cái giỏ đựng luật, dịch là Luật Tạng (Tạng là chứa).
Luật Tạng được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn con thuyền Giáo hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Phần lớn Luật Tạng đề cập đến Giới luật và Nghi lễ trong đời sống xuất gia của các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni.
Tạng Luật gồm có 5 quyển:
– Pãrajika Pãli}
– Pãcittiya Pãli} Vibhanga
– Mahãvagga Pãli }
– Cullãvagga Pãli }
– Parivara Pãli } Khandaka
7.1.2. Kinh Tạng (Sutta Pitaka)
Tạng Kinh gồm những bài Pháp có tính cách khuyên dạy mà Đức Phật giảng cho cả hai bực: Xuất gia và hàng Cư sĩ, trong nhiều cơ hội khác nhau, một vài bài giảng của các vị đại đệ tử như các Ông Xá Lợi Phất, Mục Kiều Liên, A Nan Đà, cũng được chép vào Tạng Kinh và cũng được tôn trọng như chính lời Phật dạy vì đã được Đức Phật chấp nhận. Phần lớn các bài pháp này nhắm vào lợi ích của chư vị Tỳ kheo, và đề cập đến đời sống cao thượng của bực xuất gia. Nhiều bài khác liên quan đến sự tiến bộ vật chất và tinh thần đạo đức của người cư sĩ. Tạng Kinh gồm 5 bộ:
– Trường A-Hàm, chép lại những bài pháp dài.
– Trung A-Hàm, – – – – – dài bực trung.
– Tiểu A-Hàm, – – – – – – câu kệ vắn tắt.
– Tạp A-Hàm, – – – – – – câu kinh tương tự nhau.
7.1.3. Luận Tạng (Abhidhamma Pitaka)
Tạng Luận thâm diệu và quan trọng nhất trong toàn thể giáo pháp, vì đây là phần triết lý cao siêu, nên Tạng Luận còn được gọi là Vi Diệu Pháp, là tinh hoa của Phật giáo.
Đối với một số học giả, Vi Diệu Pháp không phải do Đức Phật giảng, mà do các vị sư uyên bác khởi thảo về sau. Tuy nhiên, đúng theo truyền thống thì Đức Phật đã dạy phần chính yếu của Tạng này. Ông Xá Lợi Phất được danh dự lĩnh trọng trách giải thích sâu chi tiết. Tạng Luận gồm 7 bộ:
– Dhammasanghani: phân loại giáo pháp.
– Vibhanga: những phân hạng.
– Dhãtukathã: bài pháp về các nguyên tố.
– Puggala Pannatti: quyển sách về những cá tính.
– Kathãvatthu: những điểm tranh luận.
– Yamaka: quyển sách về những cặp đôi.
– Patthãna: đề cập đến nhân quả tương quan.
Đức Phật chỉ dạy những điều cần thiết để gội rửa cái tâm cho trở nên trong sạch, không bao giờ bàn các vấn đề không liên quan đến nhiệm vụ cao thượng của Ngài. Đức Phật cũng không truyền dạy tất cả những điều mà Phật biết, chỉ truyền dạy những điều gì cần ích cho việc tu tập để giải khổ cho chúng sinh mà thôi.
Một ngày kia, trong cụm rừng nọ, Đức Phật bốc một nắm lá cây trong bàn tay, rồi nói với các Tỳ Kheo, những điều mà Như Lai dạy cho các ngươi có thể sánh với nắm lá cây này, còn những điều mà Như Lai không dạy như tất cả lá cây trong rừng. Cho nên, chúng ta không nên cố chấp cho rằng: Những điều nào có ghi chép trong TamTạng Kinh là CÓ, những điều nào không ghi chép trong Tam Tạng Kinh là KHÔNG có.
8. Những Tông phái Phật giáo
8.1. Hai nhánh lớn
Phật giáo đến ngày nay chia ra rất nhiều Tông phái, nhưng tựu chung đều ở trong 2 nhánh lớn của Phật giáo là:
– Phật giáo Tiểu Thừa (Nam tông, nguyên thủy).
– Phật giáo Đại Thừa (Bắc tông).
8.1.1. Phật giáo Tiểu Thừa
Phật giáo tiểu thừa, trong chùa chỉ thờ Đức Phật, sư tăng mặc áo cà sa màu vàng sinh sống bằng khất thực.
Chữ Thừa, còn đọc là Thặng, nghĩa là chiếc xe, chiếc xe chở người đi thoát qua trần khổ, đến được Niết Bàn. Tiểu Thừa là chiếc xe nhỏ, chỉ chở được 1 người, ý nghĩa là ai tu thì tự độ lấy mình mà thôi.
Khi Phật Thích Ca tịch diệt, Ngài Ưu-Pa-Li (Upãli) chuyên về Giới luật, truyền Phật giáo xuống miền Nam Ấn Độ, tạo thành phái Khất sĩ, tu theo Phật giáo Tiểu thừa.
Phật giáo Tiểu thừa hành đạo giống y như lúc Đức Phật Thích Ca còn sinh tiền, tránh nơi phồn hoa đô hội, hành khất mà nuôi sống thân, tham thiền nhập định, thường mặc áo cà sa màu vàng và ôm bình bát.
Phật giáo Tiểu thừa phát triển mạnh ở miền Nam Ấn Độ, nên được gọi là Phật giáo Nam Tông, truyền xuống đảo Tích Lan (Sri Lanka) sang Miến Điện, Thái Lan, Miên và Lào.
Phật giáo Tiểu thừa đúc tượng Phật và thờ Phật rất nghiêm chỉnh.
8.1.2. Phật giáo Đại thừa
Phật giáo đại thừa, trong chùa thờ Tam Bảo, sư tăng mặc áo cà sa màu nâu sinh sống bằng tự lao động và bố thí của phật tử.
Đại thừa hay Đại thặng là chiếc xe lớn, chở được nhiều người, ý nghĩa là người tu, tự độ mình trước, rồi đi độ người khác, để cùng được chứng quả Phật, tức là tự giác rồi giác tha.
Giáo lý Đại thừa do Đức Nhất Tổ Ma-Ha Ca-Diếp truyền bá. Ngài là bậc Đại trí tuệ, giỏi nghị luận, sáng suốt cao siêu, không câu chấp Giới luật.
Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh ở miền Bắc Ấn Độ, nên được gọi là Phật giáo Bắc Tông, truyền qua Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản.
Phật giáo Đại thừa thờ Phật, Bồ Tát, La Hán, cầu phước cho chúng sinh. các vị theo Đại thừa thường mặc áo cà sa màu nâu.
Theo ý kiến chung, Phật giáo Đại thừa hay Tiểu thừa đều là Chân truyền của Phật, nhưng:
– Phái Tiểu thừa nhờ bảo thủ mà giữ được nhiều tính chất nguyên thủy của Phật giáo, nên phái Tiểu thừa còn được gọi là Phật giáo Nguyên thủy.
– Phái Đại thừa thì phóng khoáng và canh tân, nên đã hòa hợp được vào các nếp sống của mỗi dân tộc.
Hiện nay, các Tổ chức Phật giáo Thế giới đang cố gắng lập thành một nền Phật giáo Tổng hợp, dung hòa Tiểu thừa và Đại thừa.
8.2. Các Tông phái Phật giáo
Theo Giáo sư Takakusa Nhật bản, Ông nhận thấy có 11 Tông phái lớn của Phật giáo, thuộc cả hai nhánh lớn Đại thừa và Tiểu thừa, kể ra:
1. Câu-Xá Tông: Tiểu thừa, còn gọi A-Tỳ-Đàm tông.
2. Thành Thật Tông: Tiểu thừa không luận, còn gọi Nhất Thiết Không Tông.
3. Pháp Tướng Tông: Quyền Đại thừa, còn gọi Duy Thức Tông, Du-Già Tông.
4. Tam Luận Tông: Bán Đại thừa.
5. Hoa Nghiêm Tông: Đại thừa Mãn giáo.
6. Thiên Thai Tông: Đại thừa Thật Tướng Luận.
7. Chân Ngôn Tông: Đại thừa, Mật Tông, Mật giáo.
8. Thiền Tông: Đại thừa, Quán môn.
9. Tịnh Độ Tông: Đại thừa, tín ngưỡng Đức Phật A-Di-Đà.
10. Nhật Liên Tông: Đại thừa, Tân Pháp Hoa.
11. Tân Luật Tông: Đại thừa, Luật Tông.
9. Các vị Tổ Sư Phật giáo
Khi Đức Phật Thích Ca thành bậc Chính đẳng Chính giác, Ngài đem giáo lý của Ngài thuyết pháp trong 45 năm, hóa độ người đời, và tùy theo chứng bệnh của chúng sinh mà lập phương cứu chữa. Đức Phật thuyết pháp nhiều như thế, nhưng Ngài tự nói rằng: Ta chưa từng nói một chữ.
Suy câu nói ấy thì biết rằng, ngoài lời thuyết pháp của Ngài, Ngài còn truyền riêng chớ không lập văn tự. Trong Hội Linh Sơn, Đức Phật cầm một nhánh bông đưa lên cho đại chúng xem, ai nấy không rõ ý của Phật là chi, nên lẳng lặng làm thinh, duy có một mình Ma-Ha Ca-Diếp mỉm cười (gọi là Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu). Đức Phật thấy vậy mới nói với Ca-Diếp rằng:
“Ta có Chính pháp nhãn tạng, Diệu tâm Niết Bàn. Pháp môn ấy mầu nhiệm vô cùng, chẳng lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền cho ngươi. Vậy ngươi khá gìn giữ, rồi sau truyền lại cho A-Nan kế hậu”.
Phú Kệ, phú Y Bát, ban sơ từ đây mới khởi truyền về sau. Tại nước Thiên Trúc, Ma-Ha Ca-Diếp được Đức Phật Thích Ca giao Y Bát cho làm Nhất Tổ, kế đó truyền Y Bát cho A-Nan làm Nhị Tổ. Các Tổ Sư nối tiếp kế truyền gìn giữ Phật pháp, điều hòa Giáo hội, đến Tổ Sư thứ 28 là Đạt-Ma. Đức Đạt-Ma Tổ Sư y theo lời thọ ký, sang nước Trung Hoa để xiển dương Phật pháp, rồi truyền Y Bát nối tiếp được 5 đời Tổ Sư nữa ở Trung quốc, tới vị Tổ Sư thứ 33 là Huệ Năng thì chấm dứt việc truyền ngôi Tổ Sư với Y Bát. Do đó, Huệ Năng là vị Tổ Sư cuối cùng của Phật giáo. Ngài Huệ Năng tịch vào năm 713 dương lịch, nhằm năm 1257 theo Phật lịch.
Sau đây là danh sách 33 vị Tổ Sư Phật giáo:
1. Ma-Ha Ca-Diếp 15. Ca-Na-Đề-Bà
2. A-Nan 16. La-Hầu-La-Đa
3. Thương-Na-Hòa-Tu 17. Tăng-Già-Nan-Đề
4. Ưu-Ba-Cúc-Đa 18. Già-Gia-Xá-Đa
5. Đề-Đa-Ca 19. Cưu-Ma-La-Đa
6. Di-Dá-Ca 20. Xà-Dạ-Đa
7. Bà-Tu-Mật 21. Bà-Tu-Bàn-Đầu
8. Phật-Đà-Nan-Đề 22. Ma-Na-La
9. Phục-Đà-Mật-Đa 23. Hặc-Lặc-Na
10. Hiếp Tôn Giả 24. Sư-Tử Tôn Giả
11. Phú-Na-Dạ-Xa 25. Bà-Xá-Tư-Đa
12. Mã Minh Đại Sĩ 26. Bất-Như-Mật-Đa
13. Ca-Tì-Ma-La 27. Bát-Nhã-Đa-La
14. Long Thọ 28. Bồ-Đề-Đạt-Ma.
Bồ-Đề-Đạt-Ma, vị Tổ Sư đời thứ 28 bên Ấn Độ, đem Phật giáo truyền vào nước Trung Hoa, nên Ngài trở thành Sơ Tổ của Phật giáo Trung Hoa, tức là Nhất Tổ của Phật giáo Trung Hoa. Ngài truyền Y Bát lại cho Huệ Khả.
29. Huệ Khả: Nhị Tổ Phật giáo Trung Hoa.
30. Tăng Xán: Tam Tổ – – – –
31. Đạo Tín: Tứ Tổ – – – –
32. Hoằng Nhẫn: Ngũ Tổ – – – –
33. Huệ Năng: Lục Tổ – – – –
10. Phật giáo Ấn Độ
Trong thời kỳ Đức Phật Thích Ca thuyết pháp cho đến khi Đức Phật tịch diệt, và thời kỳ tiếp theo, Đạo Phật rất thịnh hành ở Ấn Độ. Tuy số tín đồ theo Phật giáo chưa đông bằng Đạo Bà-La-Môn, nhưng các tầng lớp vua quan và hàng quí tộc rất sùng mộ Đạo Phật.
Đến đời vua A-Dục (274-222 TTL), nhà vua rất sùng Đạo Phật, nên dựng thành một nền đạo đức rất cao siêu. Nhà vua chiết cành cây Bồ-đề và sai hoàng tử Mahindra đem xuống đảo Tích Lan để truyền Đạo nơi đó. Đến đời vua Kachemir, cháu của vua A-Dục, cũng rất sùng mộ Đạo Phật, cho các nhà sư tự do truyền Đạo. Đó là khoảng thời gian đầu, Đạo Phật rất thịnh hành.
Sau đó vài trăm năm, vua quan Ấn Độ không thích chủ trương bất phân giai cấp của Đạo Phật nữa, nên bắt đầu bài xích Phật giáo, bạc đãi các nhà sư. Đạo Bà-La-Môn lấy thế lực trở lại và áp chế Phật giáo. Các nhà sư và tín đồ Phật giáo bị hành hạ khổ sở. Họ phải bỏ nước ra đi, tìm nơi khác để tu hành và truyền đạo.
Một số người theo đường bộ đi về phía Bắc, sang Tây Tạng, Mông Cổ và Trung Hoa và hình thành trường phái Bắc tông.
Một số vị sư theo đường biển đến Tích Lan (Sri Lanka), qua Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan và Việt Nam và hình thành phái Nam tông.
Khi vị Tổ Sư thứ 28 là Bồ-Đề Đạt-Ma sang truyền đạo nước Trung Hoa thì Phật giáo ở Ấn Độ suy tàn lắm rồi. Năm Phật lịch 1200, tín đồ Phật giáo ở Ấn Độ càng ngày càng thỏn mỏn, cho đến dấu tích của Phật cũng không được chiếu cố nên bị tiêu tàn theo thời gian.
Phái Phật giáo Đại Thừa chỉ còn thịnh hành ở Tây Tạng, nhưng khi Tây Tạng bị Trung Hoa Cộng Sản chiếm cứ thì chùa chiền bị phá hủy, Đức Đạt-Lai Đạt-Ma phải lưu vong sang Ấn Độ thì Phật giáo lại còn điêu tàn hơn nữa.
Còn Phật giáo Tiểu Thừa thì thịnh hành ở đảo Tích Lan, vẫn giữ được nền nếp nguyên thủy Phật giáo.
Sarnath, hay còn gọi là thánh tích vườn lộc uyển ở Ấn độ, nơi được coi là nơi đầu tiên đức Phật Thích ca tới thuyết giảng sau khi giác ngộ. Bài thuyết pháp đầu tiên này được gọi là kinh Chuyển Pháp Luân.
11. Phật giáo Trung Hoa
Trước khi Bồ-Đề Đạt-Ma sang Trung Hoa thì Đạo Phật đã xâm nhập vào Trung Hoa từ nhiều năm trước.
– Đời Hán Võ Đế, Thái Tịch được vua sai làm Sứ Thần qua nước Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật đem về Tàu, lại cầu được 2 vị cao Tăng tên là Nghiệp-Ma-Đằng và Chúc-Pháp-Lan sang Trung Hoa. Nhà vua sai lập chùa Bạch Mã ở Lạc Dương để thờ Phật. Bắt đầu từ đó, Kinh Phật được dịch ra chữ Hán để truyền bá trong dân chúng.
– Đời vua Tấn An Đế, sư Pháp Hiển qua Ấn Độ 16 năm học Phật để khi trở về nước phát huy Đạo Phật.
– Đời vua Lương Võ Đế, Đức Tổ Sư Bồ-Đề Đạt-Ma qua Trung quốc truyền đạo, nhưng thế lực của Đạo Nho và Đạo Lão còn rất mạnh, nên Đạo Phật vẫn chưa được truyền bá rộng rãi. Đức Tổ Sư phải ngồi Thiền định quay mặt vào vách núi trong 9 năm (Cửu niên diện bích). Nhờ Đức Tổ Sư Bồ-Đề Đạt-Ma mà Phật giáo Thiền Tông lần lần được dân chúng hoan nghinh và Đức Bồ-Đề Đạt-Ma trở thành Sơ Tổ (Nhất Tổ) của Phật giáo Trung Hoa. Thiền Tông càng ngày càng phát triển, truyền kế thêm được 5 đời Tổ Sư nữa, đến Lục Tổ Huệ Năng thì Thiền Tông cực thịnh, lên đến đỉnh cao sáng chói, nhưng cũng bắt đầu từ Lục Tổ Huệ Năng, ngôi Tổ Sư Phật giáo không được truyền kế bằng Y Bát nữa.
– Đời nhà Đường, nhờ có Thánh Tăng Trần Huyền Trang qua Ấn Độ thỉnh kinh và học đạo, khi trở về, đem cả tinh hoa của Phật giáo về nước Tàu, đem về được 700 bộ kinh và Sư Huyền Trang đã cố gắng dịch ra chữ Hán được 670 bộ, rồi Ngài mới tịch diệt. Đạo Phật lúc này rất được trọng đãi, cùng đứng ngang hàng với Lão giáo và Nho giáo.
– Qua đời nhà Nguyên, không có vị Thánh Tăng nào ra đời hướng dẫn Phật pháp, nên Phật giáo suy yếu dần.
– Đến đời nhà Minh, thế kỷ 15, nhờ có các vị Lạt-Ma Tây Tạng qua Bắc Kinh sắp đặt lại, bỏ bớt các sự mê tín dị đoan, chỉnh đốn Phật pháp. Nhưng sự chỉnh đốn này chưa được bao lâu và cũng chưa hoàn hảo thì làn sóng Văn minh cơ khí vật chất từ Âu Châu bắt đầu tràn qua Á Châu, làm cho Tam giáo Nho, Lão, Phật, càng ngày càng tỏ ra lúng túng, nên lu lờ dần.
Đạo Thiên Chúa theo gót chân người Âu Châu xâm nhập vào các nước phương Đông, truyền giáo trong thế mạnh, thu hút được một số đáng kể tín đồ, khiến cho Phật giáo và các nền tôn giáo khác suy tàn, tuy không mất hẳn nhưng cũng không còn cách nào để khôi phục lại.
12. Phật giáo Việt Nam
Phật giáo được truyền vào Việt Nam sau đạo Nho và đạo Lão. Lúc đó, các nhà sư Ấn Độ theo đường biển đến Việt Nam, vào thời Bắc thuộc nước Tàu lần thứ 2, nước Việt Nam lúc đó được đặt là một Quận của nước Tàu, có tên là Giao Chỉ, sau đổi lại là Giao Châu, nhập vào nước Đông Ngô của Ngô Tôn Quyền thời Tam Quốc. Lúc đó Đạo Phật chưa đến nước Tàu. Lịch sử còn ghi lại một người Tàu tên là Mâu Bác, đi xuống Giao Châu mà học Phật. Nhưng Đạo Phật ở nước Việt Nam lúc đó còn đơn sơ lắm.
– Thời nhà Tiền Lý, vua Lý Nam Đế, có một người Ấn Độ tên là Vinitaruci, phiên âm là Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, học trò của Tam Tổ Tăng Xán, đem Phật giáo Thiền Tông Trung Hoa truyền vào Việt Nam, lập chùa Pháp Vân ở làng Phù Đổng, năm đó là năm 580 Tây lịch. Ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi được xem là Tổ Sư của Phật giáo Việt Nam. Ngài tịch, truyền tâm ấn lại cho Pháp Hiền.
– Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3, nhằm đời nhà Đường bên Tàu, Phật giáo Trung Hoa lúc đó thạnh lắm, truyền qua nước ta. Sư Vô Ngôn Thông ở Quảng Châu sang Bắc Việt lập chùa Kiển Sơ.
– Vua Đinh Tiên Hoàng là người rất mộ đạo Phật, nên dùng Hòa Thượng Khuôn Việt làm Thái Sư trong triều đình.
– Đến đời nhà Lý, vua Lý Công Uẩn cũng rất sùng đạo Phật, trọng đãi các sư, lấy tiền kho ra cất chùa, đúc chuông. Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1018), vua sai quan Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tàu thỉnh Tam Tạng Kinh đem về nước, để ở kho Đại Hưng. Đạo Phật lúc này thịnh lắm, nhưng vẫn chưa ảnh hưởng bằng Đạo Nho.
– Đến đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông (1225-1258), vua mở khoa thi Tam Giáo vào năm 1247 để tuyển chọn người tài đức. Xem thế, Phật giáo bấy giờ cũng được xem trọng như đạo Nho và đạo Lão.
Những người thâm thúy đạo Phật thời nhà Trần là: Từ Đạo Hạnh, Khổng Lộ, Mẫn Giác, Lư Ân. Những vị này cũng là những bậc danh Nho. Chùa chiền được xây dựng khắp nơi, dân chúng tô tượng đúc chuông, sùng bái Phật pháp. Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông sớm nhường ngôi, để vào chùa tu hành, tự lấy máu mình viết ra 20 pho kinh, lập ra một phái tu thiền Phật giáo gọi là Trúc Lâm.
Chùa Đồng, Yên Tử, Quảng Ninh, có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật), tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m), do một bà phi của chúa Trịnh dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17). Chùa được đúc bằng đồng, ban đầu chỉ là một cái khám nhỏ, một người chui không lọt. Đến năm Canh Thân 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng, bão làm bật mái chùa, sau bị kẻ gian dỡ phần còn lại chỉ để lại dấu tích các hố cột chôn trên mỏm đá. Vào mùa Đông 1930, bà Bùi Thị Mỹ từ chùa Long Hoa tái tạo chùa Đồng bằng bê tông cốt đồng trên một hòn đá vuông cao quá đầu người ở vị trí chùa Đồng cũ. Đến năm 1993, ông Nguyễn Sơn Nam, một Việt kiều ở Mỹ, cùng các phật tử ở hải ngoại phát tâm đúc lại chùa mới kiến trúc hình chữ Đinh theo dáng một bông sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá trổ hình hoa sen cách điệu, đặt ngay bên cạnh ngôi chùa Đồng bằng bê tông xây dựng đầu thế kỷ XX. Theo tinh thần, hai chùa quy vào một khối, không để Phật tử và nhân dân phải thờ hai chùa Đồng cùng một lúc, thực hiện Quyết định số 3325/QĐ-UB ngày 29/8/2005 của UBND tỉnh Quảng Ninh Phê duyệt dự án đầu tư tôn tạo tại chùa Đồng tại khu di tích Yên Tử, TP Uông Bí. Ngày 03 tháng 6 năm 2006 dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phật học Đại Đức Thích Thanh Quyết (Thượng Tọa Thích Thanh Quyết) và Ban Quản lý Dự án chùa Đồng, bằng công đức thập phương trong và ngoài nước đã khởi lễ đúc chùa Đồng theo mẫu thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn – Viện Bảo Tồn Di Tích. Chùa được khánh thành vào ngày 30 tháng 01 năm 2007, tọa lạc trên đỉnh non thiêng ở vị trí giữa hai ngôi chùa được xây dựng trước đây.
Vua Trần Anh Tông cũng nhường ngôi sớm mà tầm Đạo. Vua cũng chích máu viết kinh, cả đến Hoàng Hậu cùng các Cung phi cũng chán cảnh đời mà lo tu niệm. Vua Trần Minh Tông xuất tiền kho đúc 3 tượng Phật rất lớn, lập nhiều cảnh chùa rất hùng vĩ.
– Thời nhà Lê, Phật giáo không còn được xem trọng nữa. Các nhà Nho công kích Phật giáo dữ dội. Triều đình chỉ trọng đạo Nho, nên Phật giáo chỉ tồn tại trong dân chúng.
– Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, Phật giáo miền Bắc suy tàn, nhưng ở miền Nam, Chúa Nguyễn rất sùng bái đạo Phật, cho cất chùa Thiên Mụ ở Huế vào năm 1601.
Chùa Thiên mụ (Huế) xây 1601 dưới thời chúa Nguyễn.
– Thời kỳ Tây Sơn, cuối thế kỷ 18, Phật giáo ở miền Trung trải qua một phen sóng gió, các tu sĩ Phật giáo bị bắt đi lính, chùa chiền bị phá hủy, tín đồ Phật giáo rất bất mãn.
– Thời nhà Nguyễn, Phật giáo cũng vẫn trong tình trạng suy tàn, không được các vua lưu ý. Các nhà sư rút vào trong các ngôi chùa tu thiền định. Lúc bây giờ, Đạo Thiên Chúa mượn thế lực của người Pháp phát triển mạnh, bắt đầu lấn áp Phật giáo và Nho giáo, suốt trong thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam. Đầu thế kỷ 20, các tu sĩ Phật giáo phát động Phong trào Chấn hưng Phật giáo, bắt đầu từ Huế, lập ra các cơ quan truyền bá Phật giáo, phát hành nhiều kinh kệ.
Cả 3 miền Nam, Trung, Bắc đều có lập ra Hội Phật Học với mục đích:
– Chỉnh đốn Thiền môn.
– Vãn hồi Qui giới.
– Giáo dục học tăng.
– Phổ thông Giáo lý Phật bằng quốc ngữ.
Ngày 6-5-1951, một Hội nghị Phật giáo toàn quốc ở Huế gồm 50 đại diện, quyết nghị thống nhất các Hội để lập thành Giáo Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, và xin gia nhập Hội Phật giáo Thế giới.
13. Lá cờ Phật giáo Thế giới
“Nghĩ rằng Phật giáo là một cơ quan tinh thần vĩ đại, có một đoàn thể lớn lao đang sinh sống và hoạt động trong ánh sáng vô biên của Phật pháp, thì cần phải có một dấu hiệu hay màu sắc gì để tượng trưng đoàn thể đó, ngõ hầu duy trì và củng cố cái lý tưởng chung. Cũng như Thiên Chúa Giáo lấy Thập Tự Giá làm biểu trưng cho đức tin; mỗi quốc gia đều có quốc kỳ tượng trưng quốc hồn, thì Phật giáo cũng cần phải có Phật kỳ để biểu dương tinh thần thống nhất của Phật giáo.
Suy nghĩ mãi, Đại Tá H.S.Olcott (*) mới hình dung ra một lá cờ với những màu sắc nào mà Phật tử có thể nhận ra dễ dàng nhất, và mỗi khi thấy lá cờ đó là liên tưởng đến Đức Phật từ bi vô lượng.
Suy nghĩ tới đây, Đại Tá Olcott liền thấy cái viễn ảnh huy hoàng của hào quang Đức Phật hiện ra trước mắt Đại Tá. Đích rồi! Đại Tá mừng lên, rồi lại lo nghĩ … Vẫn biết hào quang của Đức Phật có 6 màu, lập lại 5 màu đầu: Xanh, vàng, cam, trắng, đỏ, thì rất dễ. Nhưng làm sao tìm ra ở trần gian này cái màu thứ 6, vì nó là sự phối hợp của 5 màu trước? Nghĩ đến đây, Đại Tá đến hội ý với Ban Quản Trị Hội Phật giáo Tích Lan và đề nghị lấy 5 màu trước xếp ngang lại, may dính liền với nhau để biểu tượng cho màu thứ 6 của Hào quang Đức Phật, vì không còn cách nào khác nữa.
(*) Đại Tá Henri Steel Olcott, sinh năm 1832 tại Tiểu bang New Jersey (Mỹ), tốt nghiệp Đại học Colombia, nhập ngũ quân đội, thăng đến chức Đại Tá. Năm 1874, Đại Tá gặp Bà H.P. Blavatsky (người Nga) tại Nữu Ước, cùng hoạt động binh vực Thần Linh học. Năm 1875, hai vị đồng sáng lập Hội Thông Thiên Học, đặt trụ sở tại Nữu Ước. Năm 1878, trụ sở của Hội được dời qua thành phố Madras ở bờ biển phía Đông Ấn Độ. (Xem thêm: Thông Thiên Học). Hội Phật giáo Tích Lan thấy có lý, liền chuyển đạt sáng kiến cuả Đại Tá Olcott lên Thượng Tọa Tăng Thống Hikkduwe Sumangala Thera hồi tháng 2 năm 1886, và sau khi Ngài chấp thuận và tuyên bố rằng, lá cờ này đúng với tinh thần Phật pháp, thì Phật kỳ được treo lên lần đầu tiên vào ngày Lễ Phật Đản năm 1886, và kể từ đó, dần dần lá cờ Phật giáo được thượng lên khắp xứ Phật, không phân biệt Nam Tông hay Bắc Tông.
Lá cờ này là khởi điểm tươi sáng của tinh thần Phật giáo thống nhất trên khắp thế giới.
Tới đây, xin nhường lời cho Thượng Tọa Tố Liên, tác giả quyển “Ý Nghĩa Cờ Phật Giáo“ do Hội Phật giáo Bắc Việt xuấn bản (Đoạn này được trích đăng trong Tạp chí Đuốc Tuệ số 3). “Phần nhiều người trong giới Phật Học và Thông Thiên Học ở hoàn cầu đều biết tên tuổi của Đại Tá Henri Steel Olcott. Đại Tá là một tín đồ Phật giáo rất nhiệt thành, thông hiểu đạo Phật và rất hoạt động trong công cuộc hoằng dương Phật pháp. Nhờ sự chỉ giáo và tán thành của Thượng Tọa Hikduwe Sumangala Thera, Giám đốc Đại Học Đường Phật giáo Vidyodaya Parivena ở Colombo, Đại Tá đã đề nghị lá cờ 6 màu là cờ của Phật giáo.
Cờ Phật giáo 6 màu đã được công nhận từ năm 1885 và trong ngày Phật Đản năm đó, khắp nước Tích Lan đã cử hành Lễ Thượng kỳ Phật giáo. Nhưng đây chỉ nói lá cờ Phật giáo cách đây 66 năm ở Tích Lan. Tại sao hiện nay, lá cờ Phật giáo 6 màu lại bay phất phới khắp thế giới ? Ngày 25-5-1950, 26 phái đoàn của 26 nước, gồm 129 đại biểu họp Đại Hội Phật giáo tại Colombo, thủ đô Tích Lan, đã quyết nghị lấy lá cờ 6 màu làm cờ Phật giáo Thế giới. Cờ Phật giáo là biểu hiệu tinh thần thống nhất Phật giáo của toàn thế giới. Cờ Phật giáo tượng trưng lòng Chính tín và sự yêu chuộng hòa bình của Phật tử toàn Thế giới.
Cờ Phật giáo
Các hàng Phật tử, không phân biệt màu da, chủng tộc, chính kiến khác nhau, đoàn kết chặt chẽ trong tinh thần thống nhất ý chí, thống nhất hành động, dưới ánh hào quang sáng ngời của chư Phật.
14. Tiểu sử Đức Phật Thích Ca
Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, gọi tắt là Đức Phật Thích Ca, thế danh là Sĩ-Đạt-Ta, có nghĩa là người được toại nguyện, họ Cồ Đàm (Gotama), sau đổi là Thích Ca (Sakya).
Ngài được sinh ra vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, năm 623 trước Chúa Giáng sinh, tại vườn Lâm-Tỳ-Ni ở thủ đô Ca-Tỳ-La-Vệ của một nước nhỏ thuộc miền Bắc Ấn Độ, gần biên giới xứ Népal. (Về sau, Đại Hội Phật giáo Thế giới đổi ngày giáng sinh của Đức Phật là ngày trăng tròn 15-4 âm lịch, và làm Đại Lễ Phật Đản vào ngày 15-4 này.)
Ngài là Hoàng tử con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma-Da. Sau khi sinh Hoàng tử được 7 ngày, Bà Ma-Da từ trần, trở về Cung Tiên. Em ruột của Bà là Maha Pajapati, cũng kết duyên với vua Tịnh Phạn, thay thế chị ruột nuôi dưỡng Hoàng tử Sĩ-Đạt-Ta khôn lớn. Hoàng tử Sĩ-Đạt-Ta lớn lên, hưởng được sự giáo dục hoàn hảo của bực vua chúa, trong đó có giáo lí đạo Bà – La – Môn, để sau này lên nối ngôi vua cha trị vì đất nước. Thái tử lại là người thông minh xuất chúng, nên Ngài trở thành một người văn võ toàn tài.
Khi lên 16 tuổi, theo phong tục thời bấy giờ, Thái tử kết duyên cùng Công chúa Da-Du-Đà-La (Yasodhara), một người em cô cậu cùng tuổi với Ngài. Trong suốt 13 năm chung sống sau hôn lễ, Thái tử hoàn toàn sống cuộc đời vương giả, không hay biết chi các nỗi thống khổ của dân chúng ở bên ngoài cửa cung điện. Một ngày đẹp trời, Thái tử cùng quan hầu cận đi du ngoạn bên ngoài Hoàng cung để ngắm xem sự thế bên ngoài và có thể tiếp xúc với dân chúng.
– Ngài chứng kiến được những nỗi vất vả khổ cực của kiếp sống con người phải lo làm lụng tìm phương sinh sống. Chúng sinh cũng vì sự sống mà tranh giành giết hại lẫn nhau.
– Một ngày khác, Thái tử còn chứng kiến được các cảnh khổ như: Già yếu, ốm đau, chết chóc biệt ly.
Vậy thì đời sống của con người có chi là sung sướng? Ngài nghĩ rằng chỉ riêng phần Ngài là một Thái tử, sắp sửa lên ngôi vua trị vì Thiên hạ thì nghèo đói, Ngài không cần lo, nhưng già yếu, ốm đau, chết thì không ai tránh khỏi. Ngài âm thầm lập chí tìm phương giải khổ cho nhân sinh.
Tình cờ, Ngài gặp một tu sĩ ngoài cửa Hoàng thành, với dáng điệu rất ung dung, mặt mày thơ thới vô tư. Ngài đến gần vị tu sĩ ấy để hỏi chuyện, được biết vị tu sĩ ấy xuất gia đi tu học đạo, quyết trừ hết ác căn, lấy lòng từ bi kềm chế dục vọng, hộ niệm chúng sinh không nhiễm theo thế tục, để trước là giải thoát cho chính mình, sau là giải thoát cho chúng sinh. Nghe vậy, Thái tử Sĩ-Đạt-Ta rất hoan hỷ và nhất quyết sẽ làm như vị tu sĩ ấy. Vua Tịnh Phạn thấy Thái tử có ý muốn đi tu thì nhà vua không bằng lòng, tìm đủ mọi cách để ngăn cản Thái tử.
Giữa lúc ấy thì Công chúa Gia-Du-Đà-La, vợ của Thái tử vừa sinh được một hoàng nam. Thái tử không cảm thấy vui mừng trước việc này, mà lại than rằng: “Lại thêm một sợi dây trói buộc.” Do đó, vua Tịnh Phạn đặt tên cho cháu nội là: Rahula (Ra-Hầu-La) [Rahula, tiếng Phạn có nghĩa là Trở ngại].
Ngày mùng 7 tháng 2, năm Thái tử được 29 tuổi, trong lúc vợ con và quan binh trong Hoàng thành ngủ mê sau một buổi đại tiệc ca xướng tưng bừng, Thái tử gọi quan hầu cận Xa-Nặc thắng ngựa Kiền trắc (Kanthaka) để Thái tử trốn khỏi Hoàng cung, đi vào núi rừng thanh vắng, tìm thầy học đạo tu hành. Nhờ ngựa Kiền trắc chạy rất mau, nên đêm đó, nó đưa Thái tử vượt Hoàng cung, đến một nơi cách kinh đô rất xa. Thái tử tự mình cắt tóc, gỡ gươm trao cho Xa-Nặc, bảo đem về trình với phụ vương, rồi đưa ngựa Kiền trắc cho Xa-Nặc cỡi trở về triều.
Thái tử cởi áo Thái tử đổi lấy áo thâm của một người thợ săn, rồi đi nhanh vào núi. Vua Tịnh Phạn sai các quan Đại Thần đi tìm Thái tử, khuyên nhủ Thái tử trở về triều, nhưng không thể lay chuyển được ý chí kiên quyết của Thái tử.
Thái tử tìm đến một Đạo sĩ lỗi lạc, tên là Alarama Kalama để xin thọ giáo. Ngài học hết giáo pháp của Alarama, nhưng cảm thấy chưa toại nguyện. Ngài xin từ giã và tìm đến một Đạo sĩ trứ danh khác là Uddaka Ramaputta để xin học Đạo. Ngài cũng học hết giáo pháp của Uddaka, nhưng vẫn chưa thấy được mục tiêu cứu cánh. Ngài nhận thấy rằng không ai có thể dẫn dắt Ngài đến thành tựu vì những vị mà Ngài đã học vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thoát khỏi vô minh. Từ đó Thái tử không tìm thầy học đạo nữa, mà tự mình đến chỗ thanh vắng để tự suy nghĩ tìm tòi chân lý.
Ngài gặp được nhóm 5 tu sĩ mà Ông Kiều Trần Như đứng đầu theo ủng hộ Ngài để Ngài thực hành một lối tu vô cùng khổ hạnh (Lối tu của đạo Bà La Môn). Sau 6 năm tu khổ hạnh như thế, thân mình của Ngài chỉ còn da bọc xương, hơi thở yếu ớt, gần như cái chết sắp đến với Ngài, mà Ngài vẫn chưa tìm được lí thuyết cứu cánh. Bỗng nhiên có một Ông tiều đến gần chỗ Ngài đang thiền định, mang theo một cây đàn, lên dây đàn, đàn một khúc rất hay, đến lúc hay nhất thì dây đàn bỗng đứt, tiếng đàn im bặt. Ông tiều nối lại dây đàn, lên dây cho đúng, rồi lại đàn, đàn đến khúc hay nhất thì dây đàn lại đứt. Đứt rồi lại nối, nối rồi lên dây trở lại và đàn. Làm 3 hiệp như vậy. Thái tử đang trì định phải bực bội tỉnh hồn than rằng:
– Ông đàn thì hay mà lên dây chi cho cao quá, đến khúc hay thì dây đứt, cái hay ấy phải hết mùi, rất đáng tiếc.
Ông tiều liền đáp rằng :
– Cái đàn của tôi cũng như cái tu của Ngài. Dây đàn tôi lên cao quá, nên đến chỗ hay thì đứt, thì cái hay của tiếng đàn chẳng hữu ích chút nào; còn cái tu của Ngài, nếu cái cao siêu huyền bí đạt được cơ bất diệt đi nữa thì nó cũng phải chết theo Ngài, còn chi hữu ích cho đời. Tôi cũng lấy làm tiếc vậy.
Lão tiều nói xong, liền xách đàn đi mất (Trong Kinh cho rằng Ông tiều ấy là một vị Phật hóa thân đến cảnh tỉnh Thái tử). Thái tử suy nghĩ mãi lời nói của Ông tiều, liền tỉnh giác, biết mình lầm theo lối tu khổ hạnh, làm suy giảm trí thức và mệt mỏi tinh thần. Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu khổ hạnh, cũng như 6 năm trước đây, Ngài đã dứt khoát từ bỏ đời sống lợi dưỡng.
Ngài lại nhớ đến ngày lễ Hạ điền của vua cha trước kia, trong lúc mọi người đang lo làm lễ thì Ngài đến dưới bóng mát của cây trâm, ngồi thiền định và đắc được Sơ Thiền. Ngài nhớ lại và thấy rõ rằng, đó chính mới là con đường dẫn đến giác ngộ. Đó là con đường tu, không sống theo lợi dưỡng, mà cũng không quá khắc khổ, gọi là Trung đạo.
Ngài nhất định từ bỏ lối tu khổ hạnh. Ngài mệt nhọc lần bước đến bờ sông Ni-Liên-Thiền, xuống tắm rửa sạch sẽ, rồi đi lên, và kiệt sức ngã vào một cội cây bất tỉnh. May mắn lúc đó có một thiện nữ bưng một bát sữa bột tìm đến cúng dường, thấy một Ông đạo đang nằm thoi thóp tại gốc cây, nàng liền đỡ dậy, rồi dâng bát sữa. Thái tử thọ lĩnh, uống hết, rồi Ngài định tỉnh trở lại, thấy sức khỏe dần dần được phục hồi, tinh thần bắt đầu sảng khoái. Ngài cảm ơn nàng thiện nữ (nàng tên là Suyata), rồi Ngài tìm đến một gốc cây Bồ đề to lớn, cành lá sum suê, trãi cỏ làm nệm, ngồi tham thiền, phát đại thệ rằng: “Nếu không thành đạo thì nhất định không rời khỏi chỗ ngồi này”.
Trải qua 49 ngày đêm thiền định, Ngài liền ngộ đạo, biết được nguyên nhân sinh tử của con người, tìm được con đường giải thoát chúng sinh thoát vòng luân hổi khổ não. Ngài đắc quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Lúc đó, Thái tử được 35 tuổi, lấy Phật hiệu là: Thích Ca Mâu Ni.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa quyết định truyền bá giáo pháp của Ngài, vì Ngài nghĩ rằng: Như Lai đã khó khăn lắm mới chứng ngộ được giáo pháp ấy. Người đời còn mang nặng tham ái sân hận, không thể hiểu được, vì giáo pháp ấy đi ngược dòng tham ái, rất thâm diệu, khó mà nhận thức được. Đấng Thượng Đế lo ngại Đức Phật Thích Ca không chịu đem giáo pháp của Ngài truyền dạy để cứu độ nhân sinh, nên truyền lịnh cho vị Phạm Thiên Vương đến yêu cầu Đức Phật mở lòng từ bi truyền bá giáo pháp.
Đức Phật Thích Ca nhận lời và tuyên bố: “Cửa vô sinh bất diệt đã mở cho chúng sinh. Hãy để ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng”. Trong lúc đó thì nhóm Ông Kiều Trần Như 5 người, thấy Thái tử bỏ lối tu khổ hạnh ép xác, ăn uống trở lại, cho là Thái tử trở về lối sống lợi dưỡng, thì 5 vị ấy thất vọng, từ bỏ Thái tử, không ủng hộ Ngài nữa, và họ đi đến vườn Lộc giả.
Đức Phật Thích Ca thầm nghĩ, cũng tội nghiệp cho 5 Ông này, vì đã theo ủng hộ Phật trong một thời gian dài, gần 6 năm. Nay Ngài đã đắc đạo Vô thượng Bồ đề, Ngài cũng nên đến độ 5 Ông này trước tiên. Đức Phật vận thần thông để tìm xem nhóm 5 Ông này đang ở đâu, thì biết 5 Ông đang ở vườn Lộc giả xứ Bénarès. Đức Phật liền đi đến đó. Nhóm 5 Ông định không đảnh lễ Ngài vì cho rằng Ngài đã qui phàm, nhưng khi Đức Phật đến gần, với vẻ oai nghi đầy từ bi, khiến 5 Đạo sĩ đổi thái độ, ra đảnh lễ Đức Phật.
Đức Phật Thích Ca thuyết cho 5 Ông nghe Giáo pháp Tứ Diệu Đế. Đây là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết cho 5 vị được nghe, cả 5 vị liền giác ngộ, đắc quả A-La-Hán, trở thành 5 Tỳ kheo, đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Đây là lần đầu tiên, Đức Phật chuyển diệu pháp luân, nói pháp Tứ Diệu Đế, giáo pháp căn bản của Phật giáo.
Bắt đầu từ đây có đủ Tam Bảo Phật giáo: Đức Phật Thích Ca là Phật Bảo, Giáo pháp Tứ diệu Đế là Pháp Bảo, 5 vị Tỳ Kheo đệ tử đầu tiên của Phật là Tăng Bảo. Ấy là ngôi Tam Bảo đầu tiên của thế gian.
Đức Phật Thích Ca cùng 5 vị Tỳ Kheo đi khắp nơi thuyết pháp, độ được hằng vạn đệ tử xuất gia, đủ các hạng người trong tất cả giai cấp ở Ấn Độ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quan dân, hay vua chúa. Những sự kiện quan trọng trong công cuộc hoằng hóa của Đức Phật là:
– Độ được 3 anh em Ca-Diếp-Ba đang tu theo đạo thờ Thần lửa. Ba Ông này có 1000 đệ tử, cùng qui y theo Phật.
– Độ được 2 Ông Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiều-Liên, nguyên là 2 học giả của phái Lục sư ngoại đạo.
– Độ được Quốc vương Tần-Bà-Sa-La nước Ma-Kiệt-Đà. Quốc vương kính tin Phật pháp, khuyến khích dân chúng qui y Phật pháp. Vua cho xây dựng Tịnh Xá rộng rãi trong nội thành để thỉnh Phật và chư tăng thuyết pháp thường xuyên.
– Độ được vị Phú Trưởng giả Cấp-Cô-Độc. Ông này kiến lập một tòa Tịnh Xá cao rộng tôn nghiêm, gọi là Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc Viên, để Đức Phật và chư Tăng giảng đạo.
– Độ được Phụ vương của Phật là vua Tịnh Phạn và quyến thuộc của Đức Phật.
Đức Phật Thích Ca chọn ra được 10 vị đại đệ tử xuất sắc nhất của Phật giáo, kể tên ra sau đây :
1. Xá Lợi Phất 2. Mục Kiều Liên
3. Đại Ca Diếp 4. A Nan
5. A Na Luật 6. Phú Lâu Na
7. Tu Bồ Đề 8. Ưu Ba Ly
9. Ca Chiên Chiên 10. La Hầu La.
Đức Phật lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni:
Sau khi vua Tịnh Phạn qua đời, Hoàng Hậu Maha Pajapati (là mẹ nuôi, mà cũng là dì ruột của Đức Phật) cầu xin Đức Phật cho hàng phụ nữ được xuất gia tu hành. Đức Phật liền từ chối ngay mà không cho biết lý do. Bà Maha Pajapati đã 3 lần khẩn cầu như thế, nhưng Đức Phật đều từ chối. Ông Ananda, cũng 3 lần dùng hết cách để cầu xin Đức Phật cho phụ nữ xuất gia, nhất là đối với Bà mẹ nuôi của Đức Phật, nhưng Đức Phật vẫn cương quyết từ chối. Đến lần thứ 4, Đức Phật mới chấp thuận. Lý do từ chối của Đức Phật là:
“Trong Luật Tạng có ghi mấy lời của Đức Phật như vầy: Nền Chính pháp của Ta, đáng lẽ trụ thế 1000 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng trót vì Ta đã cho hàng phụ nữ xuất gia, nên nền Chính pháp bị giảm bớt, chỉ trụ thế 500 năm mà thôi”. (Trích trong Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, trang 376, quyển 1: Chính Pháp).
Theo đó thì chúng ta thấy rằng, nếu chấp thuận cho hàng phụ nữ xuất gia học Phật tu hành, lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni thì Chính pháp của Phật sớm bị sửa cải, chỉ kéo dài được 500 năm mà thôi, thay vì được 1000 năm nếu không thâu nhận phụ nữ xuất gia. Nhưng trước sự quyết tâm chân thành của Bà mẹ nuôi, với lòng từ bi bác ái của Phật, Đức Phật không nỡ bỏ Nữ phái mà không lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, mặc dầu biết rằng việc này làm cho thời kỳ Chính pháp của Phật giảm đi một nửa, chỉ kéo dài 500 năm.
“Khi Đức Phật cho thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, Ngài đã tiên đoán những hậu quả và lưu ý:
«Này Ananda, nếu Nữ giới không được chấp thuận thoát ly thế tục để khép mình vào nếp sống không nhà cửa trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Như Lai đã công bố thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu sẽ tồn tại lâu dài. Nhưng Nữ giới đã được phép sống đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu chỉ tồn tại phân nửa thời gian“ (Trích Đức Phật và Phật Pháp, của Đại Đức Narada, trang 152).
Sau khi Đức Phật lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, Bà Maha Pajapati tu đắc quả A-La-Hán, được liệt vào hàng cao hạ có nhiều kinh nghiệm nhất, không thua bên Nam phái. Công Chúa Da-Du-Đà-La (vợ của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta) cũng xuất gia tu hành, đắc quả A-La-Hán. Trong hàng Tỳ Kheo, Bà Da-Du-Đà-La đứng đầu những vị đắc Đại Thần Thông, và Bà nhập diệt lúc 78 tuổi.
Đức Phật đi khắp nơi trong miền Bắc Ấn Độ thuyết pháp được 45 năm mới nhập Niết Bàn, hưởng thọ 80 tuổi. Trong Hội Linh Sơn trước đây, Đức Phật chọn Ma-Ha Ca-Diếp làm người kế vị cho Ngài điều khiển Giáo Hội.
Đức Phật bảo Ma-Ha Ca-Diếp: “Ta có Chính Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay Ta giao phó cho ngươi. Ngươi khéo gìn giữ Chính pháp này, truyền mãi đừng cho dứt, đến sau truyền lại cho A-Nan”. Rồi Đức Phật nói kệ:
«Pháp bổn pháp vô pháp, Pháp vô pháp diệc pháp, Kim phó vô pháp thời, Pháp pháp hà tằng pháp ».
Nghĩa là : Pháp gốc pháp không pháp, Pháp không pháp cũng pháp, Nay khi trao không pháp, Mỗi pháp đâu từng pháp. Khi nghe tin Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài Ma-Ha Ca-Diếp từ núi Kỳ-Xà-Quật liền đến thành Câu-Thi-Na làm lễ hỏa táng thi hài Đức Phật, lấy Xá lợi của Phật chia làm 8 phần phân phát cho 8 nơi, kiến tạo đài tháp phụng thờ:
1. Câu-Thi-Na 2. Pa-Bà
3. Giá-La 4. La-Ma-Già
5. Ca-Tỳ-La-Vệ 6. Tỳ-Lưu-Đề
7. Tỳ-Xá-Ly 8. Ma-Kiệt-Đà.
Phỏng theo: Đạo cao đài và các tôn giáo khác. http://www.daotam.info/tusachdd.htm
*
* *
Từ sự suy vong của Phật giáo Ấn Độ, nghĩ về văn hóa Phật giáo Việt Nam
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 5
Nhất Thanh
…Người ta nói Phật giáo mất dấu ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ tám đến thế kỷ thứ mười hai, là do các nhà vua thời đó không thích giáo lí không phân giai cấp của Phật giáo, vì điều đó bất lợi cho vị thế của vua chúa, họ đã phá hoại, san bằng những Thánh tích và giết sạch những tu sĩ Phật giáo, các tu sĩ Phật giáo còn lại phải phiêu bạt ra nước ngoài. Đạo Bà La Môn (đạo Hindu) được khôi phục trở lại vì có lợi cho chế độ vua chúa. Nhưng với người viết bài này, Phật giáo Ấn Độ không đơn thuần suy vong bởi những phá hoại ấy mà do chính những người vẫn hằng ngày thờ lạy Đức Phật…
Phật giáo ví như những bó mạ được gieo trên mảnh ruộng Ấn Độ. Những cây mạ non được nhổ đi cấy trên nhiều mảnh ruộng khác và đã tạo ra rất nhiều đồng lúa trĩu hạt, thế mà trên mảnh ruộng gốc kia, mạ lại chẳng cho được hạt nào. Nghĩ như thế cũng có phần hời hợt, bởi vì kỳ thực nhân sinh quan Phật giáo đã ăn sâu vào đời sống, nếp ăn nếp nghĩ của người Ấn Độ đến mức khiến cho người vội vàng khó nhận ra được nó. Người ta gọi đó là thứ văn hóa chiều sâu (deep culture), còn sự phát triển trên bề mặt (surface development) của Phật giáo Ấn Độ đến nay gần như tuyệt diệt. Những người chủ của các đồng lúa trĩu hạt kia (như người Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Tây Tạng…) và cả những người mới nhân giống trên mảnh đất màu mỡ của họ (như các nước Âu Mỹ) đang đem những hạt giống Phật giáo về gieo lại trên mảnh ruộng Ấn Độ. Nghĩa cử đó có thể là biểu hiện của lòng nhớ nguồn nhớ cội, cũng có thể vì người ta hiểu rằng, trên xứ sở tâm linh kia, xứ sở có một nền văn hóa lâu đời nhất thế giới, có những ngọn núi cao nhất thế giới, có những con sông dài nhất thế giới, có những vĩ nhân lớn nhất thế giới, cội nguồn của mọi tôn giáo và triết học, chắc chắn hạt giống Phật giáo sẽ lại ươm mầm mạnh mẽ nếu người ta biết chắt lọc, phân định, không để chúng lẫn lộn với những hạt giống khác, và không để những thứ cỏ dại làm ảnh hưởng đến hạt giống hiền hòa kia.
Trước khi tôi đi Ấn Độ, một người bạn đã bảo tôi rằng: “Đi Ấn Độ mà làm gì! Phật giáo chẳng còn gì ở đất nước ấy cả”. Nhưng khi thong thả chu du khắp các vùng Nam-Bắc Ấn, tôi chợt nhận ra rằng vẫn chưa có một định nghĩa chính xác về Ấn Độ, bởi Ấn Độ là một đất nước có nhiều tầng văn hóa trong cùng một không gian và thời gian.
Nếu bạn thử dạo chơi vào một buổi chiều ở thành cổ Ba-la-nại (Vanares) hay Calcutta, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thú vị, khi trên cùng một đường phố dọc bờ sông Hằng (Ganga), những ngôi thành cổ bên cạnh những tòa cao ốc cực kỳ hiện đại, trong khi bên dưới vẫn còn những người sống một đời sống cây cỏ như cách nay mấy ngàn năm. Trên đường còn nguyên vẹn những đường ray xe điện với những chuyến tàu ngang dọc có từ thời thuộc địa Anh, trong khi dưới lòng đất là cả một hệ thống metro hiện đại chằng chịt. Những gã nhà giàu bụng bự bóp còi xe inh ỏi chở những cô gái mang sắc phục Hồi giáo phủ voan đen kín mặt; những đạo sĩ Hindu tay khoát nước sông Hằng hướng về phía mặt trời cầu nguyện; những chàng trai đạo Sick tóc dài bới cao bởi một chiếc khăn; những chú bò đi nghênh ngang trên đường phố đông người; những chàng Tây ba lô lội vào các hàng quán mua vải lụa Kasia dệt bằng máy dệt thô sơ thời trung cổ; những người kéo xe tay, chiếc xe chỉ có hai cần và hai chiếc bánh to hơn bánh xe bò; và cả những giáo sĩ đạo Kỳ-na (Jainism) lõa lồ ngang nhiên trên đường phố… Tất cả đều ở trong cùng một không gian, một thời gian… Ấn Độ!
Với những thứ người ta nhìn thấy được, đúng là Phật giáo không còn ở Ấn Độ, ngoài Tứ động tâm (bốn thánh tích Phật giáo quan trọng) và những hang động vùng Nam Ấn. Nhưng ngắm nhìn một cách kỹ lưỡng hơn, ta thấy Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, có một vị vua tên A-dục (Asoka) đã kính ngưỡng Phật giáo và sắc ban những đạo luật quan trọng. Rất nhiều ảnh hưởng của Phật giáo qua vị vua này vẫn còn hiện diện, như việc hết sức hạn chế không phá hoại cây rừng, không bắn giết chim thú, thiết lập những bồn nước uống cho người qua đường dọc các đường phố… Ngày nay, giữa thủ đô Delhi vẫn còn một mảng rừng nguyên sinh, và người ta tôn trọng cây cối đến nỗi trên một đoạn đường cao tốc vẫn còn những cây cổ thụ chắn ngang giữa đường mà không bị đốn phá, chim thú vẫn sống xen lẫn với người, khách bộ hành không có tiền dù đi khắp thành thị thôn quê vẫn không sợ khát. Đó là nói về văn hóa vật thể, còn văn hóa phi vật thể của Phật giáo trong đời sống người dân Ấn Độ thì rất sâu đậm như: thái độ trước cái chết, tính hiền hòa hỷ xả, niềm tin sâu sắc vào đời sống tâm linh, xem thường vật chất, thích ăn chay, kiêng rượu thịt…, tất cả hòa quyện với văn hóa Hindu, khiến chúng ta khó lòng nhận ra màu sắc Phật giáo. Bên cạnh đó, những bữa cơm thường ngày của người dân Ấn là cơm chay, và nhà hàng nào ở Ấn cũng chua dưới bảng hiệu một câu Veg and Nonveg (Chay và không chay). Thức ăn chay hầu hết dành cho dân bản xứ, thức ăn mặn dành cho du khách. Điều ngạc nhiên nhất của tôi là khi đi vào bất kỳ quán ăn nào ở Ấn Độ cũng thấy có sẵn đồ chay.
Đạo Hindu được xem như là quốc giáo của Ấn Độ, có truyền thống từ mấy nghìn năm, trước cả khi Đức Phật ra đời. Khi còn là một thái tử, Đức Thế Tôn cũng từng được học Tứ Phệ-đà Thánh điển của Bà-la-môn. Một số quan niệm của Phệ-đà (Veda) và Áo Nghĩa Thư (Upanisad) vẫn còn dấu ấn trong kinh điển Phật giáo. Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo và giáo hóa ở Ấn Độ, người Ấn, đặc biệt là người theo Bà-la-môn giáo đã xem Đức Phật như một vị thần trong tín ngưỡng của họ. Và người ta vẫn hằng ngày thờ lạy Đức Phật như thờ lạy một thần linh. Trong khi quan niệm của Bà-la-môn là hữu ngã, thế giới này do Braman sáng tạo ra, thì Đức Phật lại chủ trương vô ngã, vạn pháp duyên sinh. Thế rồi người ta chắt lọc hết những tinh hoa của văn hóa Phật giáo – ngoại trừ quan niệm về Ngã – đem vào văn hóa truyền thống của họ, và người ta không còn quan tâm đến cái gì là của Phật giáo. Phật giáo hòa nhập vào trong họ, nhất là hình thức bên ngoài, dần dần được Hindu hóa. Ngay trong những Thánh tích Phật giáo quan trọng như Tứ động tâm, người ta cũng dựng cả một đền thờ Hindu phía trước, họ đem cả Linga vào đặt trước điện Phật, rồi hàng ngày, bao người lũ lượt vào lạy lục cầu nguyện, và thờ Phật theo quan niệm Hindu.
Văn hóa có sức mạnh vô cùng to lớn, nhất là khi văn hóa được duy trì bằng phương cách bảo thủ thì không có sức mạnh nào có thể phá hủy được. Những Thánh tích Phật giáo bị Hồi giáo và vua chúa phá hủy có thể xây dựng lại được, nhưng văn hóa Phật giáo đã được Hindu hóa rồi thì rất khó nhận ra.
Từ văn hóa Phật giáo Ấn Độ, liên hệ đến văn hóa Phật giáo Việt Nam, xem ra, với những gì người ta thấy được, Phật giáo Việt Nam cũng là một trong những nước Phật giáo mạnh nhất thế giới. Ở Việt Nam hiện tại có khoảng hơn 70% dân số là Phật tử hoặc tự nhận mình là Phật tử, theo đạo Phật, có hơn 20 nghìn tu sĩ, chùa chiền có mặt khắp chợ cùng quê. Dân tộc Việt Nam nói có hơn 4.000 năm văn hiến, nhưng những gì còn được ghi lại thực chất chỉ hơn 2.000 năm. Và ngót khoảng thời gian ấy là có sự hiện diện của Phật giáo. Nếu không có văn hóa Phật giáo ăn sâu vào tâm hồn người dân Việt, dân tộc Việt Nam hẳn đã bị Nho hóa một cách cứng nhắc bởi 1.000 năm Bắc thuộc rồi. Thậm chí nếu không có văn hóa Phật giáo với khả năng dung hòa và uyển chuyển, bản đồ Việt Nam cũng có thể đã thuộc về phương Bắc. Nói như thế không phải là quá đáng, bởi chúng ta đã bị họ đô hộ, chúng ta dùng ngôn ngữ văn tự của họ, sống theo nhân sinh quan của họ. Nhưng có nhiều cuộc đại thắng phương Bắc của dân tộc ta là do chính những triều đại, những ông vua Phật giáo, hoặc những ông vua trị quốc dưới sự cố vấn của các nhà sư Phật giáo làm nên. Điều ấy là lịch sử hiển nhiên không cần phải bàn cãi. Thế thì việc bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo là việc làm quan trọng để duy trì và phát triển văn hóa dân tộc, sự tồn sinh của dân tộc. Sự bảo tồn và phát huy ấy phải nằm trong một chiến lược lâu dài, cả vĩ mô lẫn vi mô, bằng ý thức của chính những người lãnh đạo và khắp nhân dân.
Với văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện đại, nếu nhìn từ sự suy vong của Phật giáo Ấn Độ, hẳn có nhiều điều để chúng ta suy ngẫm. Chúng ta tự hào là một nước Phật giáo mạnh, nhưng thực chất nó đang mạnh trên bề mặt, còn chiều sâu văn hóa đã dần cạn đi bởi rất nhiều lý do chủ quan và khách quan. Nếu không khôi phục và phát huy chiều sâu văn hóa thì Phật giáo Việt Nam rồi cũng sẽ suy vong bởi chính những người đang thờ lạy hoặc cổ xúy Phật giáo. Đứng về văn hóa vật thể mà đại biểu là kiến trúc và các Thánh tích Phật giáo, nếu chỉ so sánh với Ấn Độ thôi, chúng ta cũng chỉ là một cành cây trụi lá giữa đồng hoang so với mảng rừng trù phú của Ấn Độ. Ngoài Tứ động tâm được xem là di sản văn hóa lớn của nhân loại, Ấn Độ còn có vô số những di chỉ quan trọng khắp vùng Nam Ấn như Đại tháp Sanchi, quần thể hang động Phật giáo ở Aurangabad (như Ajanta, Ellora), Hyderabad, Mumbai, Puné, Nagajruna v.v… Đó là những kỳ quan thế giới được tạo dựng trên hai ngàn năm, trải qua nhiều thế hệ, bảo lưu vô số những công trình hội họa, điêu khắc và đặc biệt là linh khí hội tụ từ lịch đại Tổ sư Phật giáo. Hàng ngày, có hàng triệu lượt du khách từ khắp mọi nơi trên thế giới đến chiêm bái, cầu nguyện và tham quan du lịch. Du lịch Ấn Độ là du lịch tâm linh. Hành hương chính là hồi hương về những miền đất thánh của tâm hồn.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là những du khách đến tham quan những di tích Phật giáo Ấn Độ nhiều nhất lại là những người đến từ một cường quốc kinh tế thế giới: Nhật Bản. Đất nước Nhật như chiếc thuyền con giữa đại dương, họ hiểu hơn ai hết khi một chiếc thuyền bị nghiêng một bên thì nó sẽ bị chìm. Nên một mặt họ phát triển kinh tế, một mặt họ tạo điều kiện cho dân đi du lịch tâm linh khắp thế giới, hấp thụ tinh ba của nhân loại về làm giàu cho văn hóa của họ. Chính Suzuki, một học giả người Nhật nổi tiếng thế giới đã từng nói: Xã hội giống như một chiếc ghế ba chân, nếu cứ kéo dài cái chân ghế kinh tế và khoa học kỹ thuật trong khi hai chân ghế đạo đức tâm linh và thuần phong mỹ tục ngày càng ngắn lại thì chiếc ghế sẽ mất thăng bằng, sẽ ngả đổ. Đó là những bài học quý báu trên chiến lược phát triển văn hóa dân tộc. Ở Việt Nam, những kiến trúc Phật giáo hàng ngàn năm còn lại chỉ là một vài, một phần do binh lửa chiến tranh, một phần do chính con người phá hoại. Ngày nay người ta cũng có ý thức bảo tồn, nhưng không hoàn toàn vì mục đích Phật giáo. Văn hóa Phật giáo không thể phát huy nếu mục đích bảo tồn và phát huy ấy nằm ngoài mục đích Phật giáo.
Hàng ngày có hàng triệu người Việt nam đến các chùa lễ Phật, nhưng được bao nhiêu người lạy Phật theo tinh thần Phật giáo? Hàng ngày có hàng ngàn người đến viếng thăm lăng Hồ Chủ Tịch, nhưng được mấy người biết rằng có một tòa kiến trúc được xem là biểu tượng của kiến trúc Việt Nam có từ thời Lý – Chùa Một Cột – đang đứng một cách khiêm tốn, u khuất và nhỏ nhoi giữa viện bảo tàng và Lăng Bác? Sách báo thời đại thông tin lan tràn, nhưng những gì viết về văn hóa Phật giáo hoặc đạo đức tâm linh chỉ như muối bỏ biển. Đó là chưa nói đến sự tấn công từ nhiều mặt, sự tiếp nhận văn hóa phương Tây một cách thiếu chọn lọc đang làm băng hoại dần văn hóa bản địa, héo úa tình thương, bào mòn tính nhân bản.
CHIA SẺ BÀI VIẾT