Tìm hiểu về chùa Hoằng Pháp Hóc Môn TPHCM
Chùa Hoằng Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ đã trải qua nhiều thăng trầm thời gian. Ngôi chùa thuộc địa phận xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, nằm trên một thửa đất rộng khoảng 6 ha. Chùa Hoằng Pháp được xây dựng từ năm 1959 bởi cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử thuộc hệ phái Bắc tông.
Tin liên quan: Du lịch Sài Gòn
Chùa Hoằng Pháp thuộc hệ phái Bắc tông – địa điểm du lịch Sài Gòn thiêng liêng(Ảnh: ST)
Chùa Hoằng Pháp ở đâu, đi thế nào?
Ngôi chùa nằm cách trung tâm Quận 1 về phía Tây Bắc khoảng 20 km, đi theo cung đường Nguyễn Văn Trỗi, Cộng Hòa, Trường Trinh, dọc quốc lộ 22 ngôi chùa nằm gọn phía bên tay phải đường đi. Bạn có thể thuê xe tự túc đi hoặc sử dụng phương tiện công cộng, đi tuyến 04, tuyến 13, tuyến 74, tuyến 94.
- Địa chỉ: Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Điện thoại: 08 3713 0002.
- Website: www.chuahoangphap.com.vn
Tham quan chùa Hoằng Pháp Hóc Môn TP HCM
Từ ngoài đi vào bạn phải đi qua cổng tam quan, tên cổng được đắp bằng chữ quốc ngữ, bên trái là “Từ Bi”, bên phải là “Trí Tuệ”. Mỗi tên cổng đều mang một ý nghĩa tượng trưng riêng hướng con người đến những điều tốt đẹp. Cổng chùa có lối kiến trúc truyền thống pha nét hiện đại, các đường cong được cách điệu có nét góc cạnh hơn chứ không uốn lượn mềm mại nhiều như cổng chùa truyền thống. Bên trên mái cổng hai tầng, lợp ngói đỏ uốn cong ở mỗi đầu đao.
Nếu để ý đa số các bức tự, câu đối, hay hoành phi đều được viết bằng tiếng Việt, không giống như nhiều ngôi chùa cổ truyền thống ở miền Bắc. Vật liệu dựng lên kết cấu của chùa cũng được làm từ những vật liệu hiện đại chắc chắn, nhưng vẫn giữ được các nét kiến trúc đặc trưng truyền thống.
Qua cổng tiến vào khuôn viên bên trong của ngôi chùa, hai bên được trang trí bố cục bởi nhiều chậu cây cảnh tươi xanh với các tạo hình cuốn hút. Nhìn sang hai bên sân chùa không gian được bao phủ bởi nhiều cây xanh tạo cảm giác vô cùng thoáng mát trong lành.
Nhìn từ xa, tòa đại điện của ngôi chùa mái đỏ nổi bật trên nền trời xanh, ngôi chùa cao ráo gồm 2 tầng 8 mái được đỡ bởi hệ thống cột cái, cột quân vững chắc. Phía ngoài cửa vào hàng cột hiên cao lớn hơn bình thường mở lối vào rộng thênh thang. Hai bên thềm bậc tam cấp có trang trí 2 con sư từ vàng dũng mãnh, chính giữa lối đi đặt một đỉnh đồng lớn với nhiều họa tiết bắt mắt.
Nếu phải tìm ra điểm nhấn trong chùa Hoằng Pháp thì đó chính là tháp “Nhị Nghiêm”. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử, người có công khai lập chùa. Tháp được xây dựng vững chắc, móng tròn rộng, cao 3 bậc càng lên cao càng thu hẹp vòng tròn lại, bên trên là tòa tháp hình vòm ốp gạch men. Trước mặt tháp đặt một đỉnh đồng, qua đỉnh đồng bước lên bậc đá để thành kính thắp nén nhang trước nhà sư.
Trên đỉnh tháp đặt biểu tượng chữ “vạn”, một biểu tượng nổi tiếng được nhiều tổ chức, hội nhóm dùng từ lâu đời. Nhưng nổi bật nhất là trong đạo Phật chữ vạn tượng trưng cho công đức vô lượng và sự vĩnh hằng cùng vũ trụ.
Tuy nhiên còn nhiều tranh cãi về hướng quay của chữ vạn, biểu tượng chữ vạn trong đạo Phật quay ngược so với chiều kim đồng hồ, biểu tượng chữ vạn của Đức Quốc xã lại xoay theo chiều kim đồng hồ.
Có thể nói đây là một biểu tượng đầy bí ẩn, và còn nhiều câu chuyện liên quan chưa đến hồi kết.
Chùa Hoằng Pháp có rất nhiều hoạt động quy mô hoành tráng và rất thú vị như: Lễ giỗ tổ chùa (lễ húy kỵ), khóa tu Phật thất, khóa tu mùa hè, lễ Vu Lan, vía A Di Đà, lễ Phật đản sanh…
Lễ giỗ tổ được cử hàng vào ngày 16 tháng 10 âm lịch hàng năm, nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của chúng tăng, chúng phật tử với cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm của chùa, được tổ chức hết sức trọng đại và trang nghiêm, thu hút rất nhiều khách địa phương cũng như khách thập phương đến tham dự.
Trong tiếng trống Bát Nhã nghi lễ được tiến hành trang trọng đầy thành kính, không gian vô cùng thanh tịnh, muôn người hướng về một cõi tâm linh.
Chùa Hoằng Pháp đã tổ chức rất nhiều khóa tu Phật thất thu hút hàng nghìn thiện nam thiện nữ từ khắp nơi về đăng ký tham gia. Trong 7 ngày tu tại chùa bạn sẽ được học rất nhiều điều, nhiều văn hóa trong cuộc sống đạo Phật như: Cách lễ bái, cách chắp tay, xá chào, cách lễ lạy và ý nghĩa của chúng. Đến đây không chỉ tu tâm, tu tính mà người tham gia còn được rèn luyện sức khỏe dẻo dai.
Hình thức các khóa tu Phật thất có ý nghĩa sâu sắc trong trong cuộc sống tinh thần, khi chết đi tâm hồn con người sẽ được vãng sinh về miền cực lạc. Những phật tử tu tại gia thường hay tham gia các khóa tu Phật thất để được thực hành và tu tập nơi cửa Phật. Qua 7 ngày 7 đêm của khóa tu tâm tính con người ngày càng trong sáng, luôn giữ được sự an nhiên, nhất là những khi gặp cảnh khó khăn mà tâm không hề hỗn loạn, luôn bình tĩnh suy nghĩ.
Ngoài ra chùa còn tổ chức các khóa tu mùa hè, đối tượng không chỉ là các phật tử tu tại gia, các bạn thanh niên mà còn thu hút rất nhiều các bạn thiếu nhi nhỏ tuổi trải nghiệm hình thức tu tập sinh hoạt trong chùa. Vào dịp hè các gia đình thường gửi con em mình lên chùa Hoằng Pháp tham gia khóa tu mùa hè để tu tập tâm tính, lòng bao dung, lối sống thanh cao có kỉ luật.
Hiện nay trụ trì của chùa Hoằng Pháp Thượng tọa Thích Chân Tính, nơi đây luôn rộng mở cánh cửa đón chào du khách đến tham quan, lễ bái.