Tìm hiểu về các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự
Tìm hiểu về các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự
Tìm hiểu về các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự là những biện pháp được cơ quan điều tra, viện…
CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Kiến thức của bạn:
Xin luật sư cho tôi biết các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự hiện nay.
Kiến thức của luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nội dung tư vấn các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự:
1. Khái niệm về các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự
Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự là những biện pháp được cơ quan điều tra, viện kiểm sát hay tòa án sử dụng để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì các biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong tố tụng hình sự bao gồm:
2.1. Biện pháp bắt
Khi có đủ các căn cứ xác định một người nào đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, có dấu vết thực hiện tội phạm mà xét thấy cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng thì có thể áp dụng biện pháp bắt người bao gồm các trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ. Việc bắt người phải tiến hành đúng thẩm quyền, đúng thủ tục theo luật định, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Phải có biên bản về việc bắt người và phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.
2.2. Biện pháp tạm giữ
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì biện pháp tạm giữ được áp dụng đối với trường hợp bắt khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Tổng thời hạn tạm giữ (bao gồm thời hạn tạm giữ thông thường và thời hạn gia hạn tạm giữ 2 lần) là 9 ngày. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam, một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
2.3. Biện pháp tạm giam
Tạm giam được hiểu đó là biện pháp cách ly bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không áp dụng biện pháp tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp là những người này bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, tiếp tục phạm tội hoặc người đó phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia…
2.4. Bảo lĩnh
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự thì bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh. Đối với biện pháp này thì người đứng ra bảo lĩnh phải đáp ứng được điều kiện về chủ thể như sau: phải là cá nhân đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh, là người thân thích của người được bảo lĩnh và ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan.
2.5. Đặt tiền để bảo đảm
Nếu biện pháp bảo lĩnh là xét đến nhân thân của người bảo lĩnh để có thể cho bị can, bị cáo được trở về nhà thì việc đặt tiền để bảo đảm lại đánh vào kinh tế, căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm. Biện pháp này cũng là biện pháp thay thế cho biện pháp tạm giam.
2.6. Cấm đi khỏi nơi cư trú
Biện pháp này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú có trách nhiệm quản lý, theo dõi họ. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
2.7. Tạm hoãn xuất cảnh
Đây là một biện pháp ngăn chặn mới được quy định tại Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm; bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi về các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Nếu còn bất cứ vướng mắc gì, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Luật hình sự miễn phí 24/7: 1900.6500 để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp dịch vụ. Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để chúng tôi được ngày càng hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách hàng!
Trân trọng./.
5
/
5
(
1
bình chọn
)