Tìm hiểu về Thánh nữ Catarina Siena
Ban Văn hóa Dòng Đa Minh Tam Hiệp tóm lược
I. TIỂU SỬ
Catarina de Siena sinh ngày 25.3.1347 tại Fontebionda, thành Siena nước Ý, là con gái áp út trong số 25 anh chị em của một gia đình người thợ nhuộm. Thân phụ là ông Giacôbê Beninecasa, một người rất mực đạo đức và thân mẫu là bà Manna Lapa – rất giỏi nội trợ và là con gái một nhà thi sĩ.
– Năm tuổi, Catarina thích thú đọc kinh “Sai Thiên Thần” và mỗi khi lên xuống cầu thang đều dừng lại ở nơi mỗi bậc để đọc một kinh Kính Mừng.
– Sáu tuổi, khi anh ruột Têphanô dẫn đi qua nhà thờ Dòng Đa Minh đã được nhìn thấy Chúa hiện ra dưới phẩm phục Giáo Hoàng, đầu đội triều thiên ba tầng.
– Nhân một lần được anh nuôi Timaso đọc cho nghe một câu chuyện hay trong cuốn sử vàng, từ đó Catarina ngày ngày ôm ấp ý định đi tu để bắt chước Thánh Euphosina.
– 12 tuổi Catarina đã là một thiếu nữ xinh đẹp, thùy mị đoan trang và lọt vào mắt xanh của nhiều chàng trai. Gia đình nghĩ chuyện nhân duyên cho Catarina, nhưng tất cả các cuộc cầu hôn đều bị Catarina từ chối. Một đêm kia, Catarina mơ thấy thánh Đa Minh cho biết chắc cô sẽ được mặc áo Dòng này. Sáng dậy, trong bữa ăn gia đình, cô tuyên bố cho mọi người biết không ai có thể thay đổi ý dịnh đi tu của cô được. Bố cô cũng trông thấy chim câu bay lượn trên đầu con gái mình, ông cho là ý Chúa, từ đó ông không làm khổ Catarina nữa. Bà Lapa cũng đồng ý cho con gái được tự do nhưng không ưng cho Catarina là một nữ tu Đa Minh. Bà vận động Bề trên Dòng Siena để họ không nhận những thiếu nữ như Catrarina mà chỉ nhận những người góa bụa. Catiarina buồn sầu đến ngã bệnh.
– 18 tuổi, Catarina được cha Batolonro chấp thuận cho mặc áo Dòng ba Đa Minh.
– 1366: Catarina được đối thoại với Chúa Giêsu trên thánh giá.
– 02.3.1367: hai lần Catarina được Chúa Giêsu trao nhẫn cưới trong đức tin, có sự chứng kiến của Đức Mẹ, Thánh Phaolô, Thánh Đa Minh, Thánh Gioan Sử và Thánh vương Đavit.
– 18.7.1370: Catarina được Chúa Giêsu trao đổi trái tim.
– 1370: Được Chúa ban đặc ân không học mà biết đọc biết viết.
– 1371: Catarina được Chúa thưởng một bộ áo lạ bù lại áo choàng mà chị cởi cho kẻ khó.
– 1372: Được Chúa cho biết sẽ có nhiều đặc ân lạ lùng và cũng trong năm này, Catarina 55 ngày liền không ăn uống và được thỏa mãn ước nguyện “Rước lễ hàng ngày”.
– Có lần Chúa hiện đến cầm triều thiên và mão gai và hỏi: “Con muốn chọn thứ nào?”. Catarina đã chọn mão gai.
– Được mình Thánh Chúa tự nhiên bay xuống ngay từ đầu lễ khi Thánh Raymondo đọc “Lạy Chúa! Xin hãy đến với vị hôn thê của Chúa”. Ngay lúc đó, Mình Thánh Chúa bay xuống trên đĩa Thánh và Thánh nhân đem cho Catarina rước.
– 1373: Được đức Mẹ chọn Thánh Raymundo de Capua làm cho linh hướng cho chị. Catarina viết thư vận động các lãnh tụ khắp nơi tham gia Đạo Binh Thánh Giá.
– 1374: Được Bề trên cả Dòng nhất mời đến thành Florencia trong dịp Đại Hội Dòng Thuyết Giáo.
– 01.4.1375: Hai lần Catarina được Chúa in năm dấu Thánh tại nhà thờ Thánh Cơrítxtin ở Pidơ.
– 1375: Catarina giảng thuyết tại thành Rixa.
– 13.9.1376: Sau nhiều lần vất vả và hy sinh, Catarina đã thành công trong việc thuyết phục và đấu tranh cho đức Giáo Hoàng Gregorio bỏ Avignon trở về Tòa Thánh Phêrô ở Roma, nơi Thiên Chúa đã dùng làm trung tâm Giáo Hội (về tới 17.01.1377).
– 04.4.1377: Catarina lập tu viện Nữ Vương các Thiên Thần và đã soạn cuốn “Đối thoại với Chúa”.
– 28.11.1378: Được Đức Giáo Hoàng Urbano VI triệu về Roma để giúp việc Tòa Thánh
– 1378: Được mời ra chiến đấu cho Giáo Hội tại Florencia. Ngày 18.7 cùng năm, chị được sai đến để hòa giải giữa Đức Thánh Cha và thành Florencia.
– 20.9.1378: Catarina can thiệp vụ Giáo Hoàng giả Clemente VII.
– 1379: Catarina tích cực biện hộ cho Đức Thánh Cha Urbano VI. – Một lần đến viếng thi hài Thánh Agnès và được Thánh giơ chân lên cho hôn.
– 02.01.1380: Sức khỏe của Cartarina bắt đầu kiệt quệ.
– 29.4.1381: Được Chúa Giêsu hiện ra lần sau hết.
-29.4.1381: 34 tuổi Catarina từ trần và linh hồn bay thẳng về trời trong hào quang sáng chói.
– 01.5.1381: Đức Thánh Cha Urbano đài thọ lễ an táng cho Catarina.
– 5.5.1385: Đầu Catarina được cung nghinh về quê hương là thành Siena.
– 1461: Đức Thánh Cha Piô ban sắc phong thánh cho Catarina và ngài cũng sáng tác kinh nhật tụng kính Mẹ Thánh.
– Đức Thánh Cha Urbano VIII ấn định dời lễ kính sang ngày 30.4.1630.
– Đức Thánh Cha Benedito VIII ban phép cho Dòng Đaminh được mừng lễ kính Năm Dấu ngày 01.4 hàng năm.
– 04.4.1855: Đức Thánh Cha Piô IX ban phép di chuyển thi hài Mẹ Thánh từ bàn thờ Mân Côi sang bàn thờ chính.
– Đức Piô IX ban phép cử hành lễ kỷ niệm cuộc di thi hài ngày thứ năm trong tuần lễ sáu mươi, cũng là ngày kỷ niệm cuộc thành hôn với Chúa Giêsu.
– 17.4.1866: Đức Piô IX tôn nhận làm bổn mạng đệ nhị thành Roma.
– 18.6.1939: Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong làm bổn mạng đệ nhất nước Ý.
– 10.1967P: Đức Thánh Cha Phaolô VI chọn làm quan thầy tông đồ giáo dân.
– 08.01.1970: Đức Thánh Cha Phaolô VI phong Tiến Sĩ Hội Thánh cho chị.
Thánh Catarina là quan thầy bậc nhất của Hội Dòng chúng ta. Mẹ là nữ tiến sĩ tiên khởi trong Giáo hội Công Giáo và là tiến sĩ thứ ba của Dòng Thuyết Giáo.
II. TÁC PHẨM
Catarina quả là một phụ nữ độc đáo, dù không được tới trường và đã từng mù chữ nhưng Catarina đã đọc cho thư ký viết một số lượng văn phẩm khiến văn học sử xếp vào số các tác giả người Ý lừng danh vào thế kỷ XIV. Ngoài ra, những bài viết của Catarina cũng chiếm địa vị quan trọng trong các tác phẩm thần bí.
Trong lĩnh vực thư từ
Catarina đã để lại 381 bức thư cho những người bình thường và những bậc vị vọng trên đời. Nội dung chủ yếu trong các bức thư phản ánh tấm lòng đạo hạnh của Catarina. Trong thư, người ta thấy sáng lên tình yêu nồng nàn đối với con người; chị xem con người vừa là hình ảnh của Thiên Chúa, vừa là một tội nhân. Đồng thời sáng lên tình yêu Chúa Kitô Cứu Thế và yêu Giáo Hội của Chúa.
Kiểu văn của Catarina rất bình dân, không kiểu cách, khuôn sáo. Giọng văn thì hùng hồn, thẳng thắn và thêm nhiều nét thi vị.
Trong lĩnh vực tri thức
1377–1378: Dù rất bận rộn, Catarina đã sáng tác ra một cuốn sách “Dialogus De Divina” (Đàm thoại về Chúa quan phòng hoặc bàn về giáo thuyết của Thiên Chúa). Cuốn sách được viết ra trong một cơn xuất thần, thuật lại cuộc đàm đạo của Catarina với Thiên Chúa về các vấn đề hữu ích cho Giáo hội, cho tín hữu và cho toàn thế giới. Catarina diễn giải từ các mầu nhiệm sâu xa nhất trong đạo cho đến những vấn đề liên hệ đến tới đời sống tu đức và thần bí.
Chị kêu gọi những con người tội lỗi, khuyến khích con người thăng tiến theo gót Đức Kitô bằng đời sống vâng phục hầu tìm ra con đường vững chắc tới Chúa Ba Ngôi.
III. CÔNG CUỘC TÔNG ĐỒ
1. Những lời vàng ngọc:
Hai công việc chính của Catarina là phụng sự Giáo Hội và cứu rỗi các linh hồn. Bí quyết sống đời hoạt động của Catarina là: “Muốn đem Chúa cho các linh hồn thì chính linh hồn mình phải chứa đầy Chúa”.
Để phấn khởi tinh thần tông đồ của Catarina, Chúa đã cho người xem thấy một linh hồn được cứu rỗi nhờ lời cầu nguyện của chị và Chúa phán: “Con nhìn xem linh hồn có ơn nghĩa Cha tốt đẹp dường nào”. Để cứu lấy nó, ai còn dám tiếc hy sinh mạng sống của mình”.
Thánh Gioan Dominici kể rằng: “Bài giảng thuyết tại Risa (1375) của Catarina sâu sắc và hùng hồn đến nỗi tất cả các thính giả đều rơi lụy và ăn năn thống hối. Họ như những bình thủy tinh nhơ bẩn mà nhờ lời giảng của Catarina đã biến đổi thành trong sáng, như Chúa Giêsu xưa đã biến đổi con người Madalena vậy”.
Dù phải lo công việc cho Tòa thánh và cho các linh hồn, Catarina vẫn duy trì sức sống dồi dào nội tâm, cầu nguyện, hãm mình và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Bí quyết của Catarina là: “Một ly nước đầy ở trong mạch nước nếu đem ra ngoài mà uống, ly nước đó sẽ cạn đi, nhưng nếu cứ để ly trong mạch nước mà uống thì dầu uống bao nhiêu, ly vẫn còn đầy. Tình yêu siêu nhiên cũng vậy, chúng ta phải uống nước tình yêu, nhưng hãy uống trong mạch nước Chúa Giêsu, thì tình yêu ấy vẫn đầy tràn mãi mãi”.
2. Những việc tâm giao
Catarina có cuộc tâm giao hầu như liên lỉ với Chúa Giêsu. Khi chị đàm đạo với người nào thì chính Chúa Giêsu nói trong thần trí của chị và miệng lưỡi chị chỉ việc lặp lại những điều Chúa nói. Vì thế, những điều chị nói ra bùng cháy thấu tâm can người nghe.
Thức ăn nuôi dưỡng và tẩm bổ linh hồn Catarina là Máu Thánh Chúa. Đã từ lâu, Catarina cảm thấy mình không thể sống nổi nếu hằng ngày không được rước Mình Thánh Chúa. Lòng ao ước chịu Mình Thánh Chúa trở nên mối khao khát cuồng nhiệt: “Thưa cha, cha biết linh hồn con đang đói khát, xin cha hãy mau mau cho con ăn uống, nếu không con chết lả mất”. (Cattarina nói với Thánh Raymundo).
3. Vị cứu tinh của thành Florencia
Năm 1378 Catarina được mời ra để chiến đấu cho Giáo Hội và chiến địa thành Florencia. Chính ngày đến thành Florencia, Catarina đọc ba bài diễn văn nảy lửa đầy tinh thần xây dựng và thâm thúy. Chị kêu gọi những tâm hồn thiện chí hãy tôn trọng những quyết nghị của Tòa Thánh. Chị cũng đàm đạo với các chính đảng Guelfes có thế lực nhất ở Florencia. Đảng này lợi dụng thế lực để bắt bớ, giam cầm và đày đọa những kẻ gây chia rẽ với Tòa Thánh.
Ngày 27. 3.1378, Chị đã đệ thư lên Đức Giáo Hoàng Urbano VI xin người mở lượng khoan hồn với dân thành Florencia. Ngài đã chấp thuận và coi việc hòa giải là công tác đầu tiên quan trọng nhất của ngài.
IV. NHỮNG CUỘC CẢI CÁCH LỚN LAO
1. Vận động cho Cha Chung – Đức Giáo hoàng Gregorio trở về Roma
Trước tình trạng xuống dốc một cách trầm trọng trong cách sinh hoạt của hàng Giáo phẩm: các ngài chỉ lo làm giàu, để vinh thân phì gia, chỉ lo ăn mặc xa xỉ quên hẳn tinh thần thanh bần của Chúa Cứu Thế. “Những chúa chiên đã ghẻ lở bệnh tật như thế thì đoàn chiên đâu có thể nào lành mạnh được”. Catarina nhận ra trách nhiệm của mình là “tái lập sự quân bình trong thế giới kitô giáo”. Đồng thời, chị đã hăng say xin Đức Thánh Cha chấn chỉnh phong hóa trong Hội thánh, trước tiên xây dựng lại hàng ngũ chúa chiên cho thật liêm khiết, vì Giáo hội là chính Chúa Kitô. Nhưng Catarina được Chúa soi sáng, việc quan trọng nhất cần làm là vận động đưa ngôi Giáo hoàng trở về Roma, thủ đô muôn thưở của Giáo hội.
Nhờ cha Raymondo Capua thay chị trình lên Đức Giáo hoàng bức thư, trong đó “nhân danh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá” hãy thực hiện 3 điều: Tấn phong các Giám mục tốt, cắm cờ Thánh giá lên đất thánh và Đức Giáo hoàng phải mau hồi loan về Roma để muôn dân được thái bình thịnh trị.
Trinh nữ tha thiết kêu gọi Giáo hội cảnh giác mối đại họa của tiền của và hãy giữ đức khó nghèo.
Các Hồng y đã công nhận: “Chưa từng được nghe một người đàn ông nào ăn nói hoạt bát và hấp dẫn như Catarina. Khi chị nói, người ta có cảm tưởng như nghe Chúa Thánh Thần phán dạy”.
Trong những bức thư đầu tiên gởi Đức Giáo hoàng Gregorio XI, Catarina đã xin ngài cấp tốc trở về Roma. Đức Thánh Cha đã nghĩ tới điều này và đã có lần tuyên bố công khai. Nhưng là một người nhu nhược và do dự, Đức Thánh Cha tự biết mình sẽ không thể thắng vượt mọi trở lực nếu không có Catarina giúp đỡ. Với một lòng tin vững mạnh và can đảm, Catarina quyết đem hết sức lực tài trí để giúp đỡ Đức Thánh Cha. Chị khuyên Đức Thánh Cha : “Thuốc độc ghê gớm nhất mà người ta muốn cho ngài uống là cản trở ngài tuân hành ý Chúa. Ngài đã công bố sẽ công khai trở về Roma, nhưng nếu vì lẽ gì ngài không dám thực hiện lời tuyên bố đó, tức là ngài “nói dối”. Một vị Giáo Hoàng mà bị tiếng là “nói dối” thì còn được ai tin tưởng.
Bá tước Andu (Anjou), bào huynh của Carolo V vua nước Pháp, thân hành đến Avignon để phá rối chương trình trở về Roma của Đức Thánh Cha. Với cặp mắt tinh đời, Catarina hiểu ngay thâm ý của đối phương và chị đã chuẩn bị mọi lẽ khôn ngoan để đối phó với kẻ gây rối. Catarina không những thuyết phục được hai vợ chồng Bá Tước mà còn làm cho họ trở thành những người phục thiện. Họ còn xin làm môn đệ và nhờ chị hướng dẫn đường thiêng liêng. Ngoài ra, qua bá tước Andu chị đã viết thư khuyên vua Carolo: “Hãy coi vương quốc của mình như của Chúa, phải lấy đức mà trị dân, tôn trọng nhân vị và quyền lợi của mọi người, nhất là bênh vực giúp đỡ những người nghèo nàn, yếu thế”; đồng thời yêu cầu vua làm hòa với nước Anh.
Nếu không có ơn Chúa, sự tích cực đấu tranh và lòng nhiệt thành của Catarina có lẽ không có cuộc trở về Roma của Đức Thánh Cha. Vì những kẻ đối lập gồm đủ mọi thành phần: Hồng y, vua chúa, dân chúng. Đức Thánh Cha đã xin Catarina rước lễ cầu nguyện cho mình.
Trước ngày quyết định trở về Roma, Đức Thánh Cha hoang mang hỏi: “Có biết chắc thánh ý Chúa trong việc này”.
Catarina trả lời Đức Thánh Cha cách thương hại: “Tâu Đức Thánh Cha, ai có thể biết chắc chắn thánh ý Chúa bằng Đức Thánh Cha, vì Đức Thánh Cha đã chẳng khấn hứa với Chúa sẽ trở về Roma hay sao?”.
Ngày 13.9.1376 Đức Giáo Hoàng Gregorio trở về Roma từ Avignon. Ngôi Giáo Hoàng đã vắng bóng ở Tòa Thánh Roma hơn một nửa thế kỷ (1309 – 1377) trong thế kỷ XIV, kéo dài gần 70 năm và qua 7 đời Giáo Hoàng : Clemente V (1305 – 1314), Gioan XXII (1316 – 1344), BenedictoXII (1334 – 1342), Clemente VI (1342 – 1352), Inocentio VI (1352 – 1362), Urbano v (1362 – 1370), Gregorio XI (1370 – 1378). Đây là thời gian đen tối trong lịch sử Giáo Hội, các sử gia gọi là thời kỳ nô lệ Babylon.
Bảy vị Giáo Hoàng đều nuôi mộng trở về Roma – Thủ Đô Công Giáo. Nhưng các ngài không dám thực hiện vì tình thế bắt buộc, hoặc vì nhu nhược và nhát đảm. Đến thời đức Giáo Hoàng Gregorio XI, Catarina đã thành công đưa ngôi Giáo Hoàng trở về Roma, thủ đô của Giáo Hội với tất cả bầu nhiệt huyết và tài trí can trường của chị.
Catarina, một phụ nữ với bản chất yếu đuối lại không có học, nhưng lại là một vị thiên thần hộ mạng của Đức Thánh Cha, một nữ kiện tướng bảo vệ ngôi Giáo Hoàng.
V. MỘT SỐ PHÉP LẠ CỦA THÁNH CATARINA
Trên đường về nước Ý, khi đi qua Tulong, Catarina đã làm phép lạ chữa một em bé khỏi bệnh sưng cả mình.
Đến thành Varasơ (Ý), Catarina đã cứu dân thành này khỏi một nạn dịch kinh khủng khi họ nghe lời chị xây nhà thờ kính Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Đồng trinh, Thánh Giacôbê (D. Đaminh).
Ở Giênôva, Catarina đã chữa cho thầy Têphanô khỏi bệnh thương hàn và người bạn của thầy là thầy Landovico khỏi liệt giường (nan y).