Tìm hiểu về Lễ hội đền Hùng năm 2020 ở Phú Thọ

Khu di tích lịch sử đền Hùng thuộc địa phận Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Nơi đây nổi tiếng với lễ hội đền Hùng được tổ chức từ ngày mùng 8 – 11 tháng 3 âm lịch. Đây không chỉ là một lễ hội bình thường mà đã trở thành ngày quốc giỗ của cả nước.

Xem thêm: Những kinh nghiệm du lịch đền Hùng Phú Thọ hữu ích nhất dành cho bạn

Hàng năm đến dịp giỗ tổ mùng 10 tháng 3 hàng năm, người dân khắp mọi miền từ trong Nam ra ngoài Bắc lại nô nức đi trẩy hội đền Hùng. Có thể nói đây là nét văn hóa độc đáo của người dân Phú Thọ nói riêng và toàn thể con cháu Lạc Hồng nói chung, là dịp người dân thành kính hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên. Trong tâm thức người Việt ngày giỗ tổ như một niềm tự hào đặc biệt, vì không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có ngày quốc giỗ chung. Nhiều khách du lịch đến Việt Nam và vô tình được tham dự lễ hội giỗ tổ Hùng Vương đã không ít lần bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục văn hóa, tinh thần đoàn kết của cả một đất nước.

Lễ hội đền Hùng gồm hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được cử hành một cách trang trọng đúng nghi thức với sự tham gia của nhiều vị chức sắc trong làng cũng như các chính khách ở Trung ương về dự. Lễ vật dùng trong nghi thức tế lễ gồm có: Bánh chưng, bánh dày, lợn, dê, bò. Khi tiếng nhạc phường bát âm cất lên cũng là lúc chủ tế bắt đầu đọc lời nguyện trước ngai thờ các vị vua Hùng, trước là báo công sau là cầu phước. Cứ mỗi lần cụ chủ tế đọc lời tế trong sớ là kèm theo một hồi trống và chiêng hiệu. Sau tiếng trống và chiêng đoàn tế tiến lên phía trước tiền đường quỳ lạy và lại lùi về sau. Nghi thức diễn ra cho đến khi lời nguyện trong sớ được cụ chủ tế lần lượt đọc hết.

Đoàn kiệu cờ hoa, ô lọng rực rỡ, các cỗ kiệu được sơn son thiếp vàng do các nam thanh nữ tú của làng rước. Các cụ cao niên chức sắc mặc lễ phục kiểu quan triều đình thời phong kiến, quần thụng, áo quan, mũ cánh chuồn hoặc khăn xếp, chân đi hài cao. Không khí đám rước vô cùng đông vui và tấp nập, người xem chen chân nhau di theo để lên tới đền thượng.

Ý nghĩa của Lễ hội đền Hùng là biểu hiện rõ nét nhất tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ trong việc thờ cúng tổ tiên, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, luôn tìm về nguồn cội nơi mình sinh ra.

Phần hội của được diễn ra khá sớm, bắt đầu từ ngày mùng 8 âm với nhiều hoạt động vui nhộn đậm chất văn hóa dân gian. Đây là phần người dân mong chờ nhất và cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khách thập phương. Đi trẩy hội đền Hùng mà chưa tham gia vào các hoạt động văn hóa dân gian, các trò chơi dân gian thật là uổng phí.

Trong hội có phần thi hát Xoan, một loại hình âm nhạc cổ của người Phú Thọ, một số câu hát Xoan cũng được đưa vào nghi lễ hát thờ. Hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần này của người dân đã có từ lâu đời và lưu truyền tới nay. Ngoài ra, trong lễ hội còn có phần hát ca trù ở dưới đền Hạ, phần hát này do ban tổ chức mời phường hát về trình diễn mừng lễ hội thành công.

Phía ngoài sân tập trung rất nhiều người, ở đây thường diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cầu tre, chơi đu, đấu vật, gói bánh thi, chọi gà, bắt vịt … Mỗi trò chơi có cái hay riêng nhưng tất cả đều rất thu hút người tham gia, tiếng hò reo cổ vũ càng làm không khí thêm náo nhiệt. Trò chơi đu tiên được nhiều đôi nam nữ rủ nhau tham gia, vong đu nhịp nhàng người này cộng lực cho nhịp đu của người kia, tà áo lụa bay phấp phới trong gió. Trò đấu vật thu hút các nam thanh niên tới tham gia, không gian choáng ngợp bởi tiếng trống tiếng chiêng cổ vũ. Đây là một trò chơi dân gian mang tinh thần thượng võ cao, giúp phát động phong trào rèn luyện sức khỏe trong nhân dân. Hàng năm cứ đến ngày hội, các trai tráng trong vùng đua nhau ghi danh trong bảng tên đấu vật để đem vinh dự về cho thôn xóm của mình.

Môn cờ người không phải ai cũng chơi được, thường là các cụ cao niên, các tay cao cờ mới dám tham gia, vì quy mô lễ hội quá lớn nên người chơi cờ không chỉ là những cao thủ trong vùng mà nhiều khách thập phương đến từ các tỉnh thành cũng đăng ký thi giải cờ người trong ngày hội. Trò chơi này đòi hỏi sự mưu trí và tính toán thâm sâu, đi được nước cờ hay, người chơi làm người xem vô cùng tâm đắc. Không khí khu vực đấu cờ người không náo nhiệt như các khu vực khác, có những trận đấu căng như dây đàn, hai bên cân não từng nước đi để không bị thua.

Đêm xuống cũng có nhiều kép hát chèo, tuồng, cải lương được tổ chức ở trước đền Hạ hoặc khu gần đền Giếng để phục vụ bà con nhân dân cùng quý khách thập phương. Những dịp tổ chức lễ lớn thường có chương trình ca nhạc âm thanh ánh sáng hoành tráng.

Trong không khí lễ hội tinh thần cố kết cộng đồng được cùng cố hơn bao giờ hết, tinh thần tự tôn dân tộc được nêu cao. Trải qua biến cố thời gian, có giai đoạn lễ hội đền Hùng tưởng như bị mai một, sau dần dần được khôi phục và duy trì đều đặn hàng năm. Đặc biệt hơn ngày 21 tháng 4 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 552 về “Phê duyệt kế hoạch quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025”. Điều đó cho thấy rằng tầm quan trọng của lễ hội đền Hùng trong văn hóa người Việt, cũng như sự tự hào về một nền văn hiến lâu đời mang bản sắc riêng của người Việt Nam.

Lễ hội đền Hùng là địa chỉ lý tưởng cho những ai yêu thích loại hình du lịch tâm linh tìm hiểu văn hóa. Hàng năm Phú Thọ đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến với sự kiện lễ hội đền Hùng nhất là vào ngày lễ Giỗ tổ Vua Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Hi vọng bài viết đã cho bạn thêm một góc nhìn mới về lễ hội đền Hùng – ngày hội của toàn dân tộc. Chúc bạn có những chuyến đi vui vẻ và biết thêm nhiều nét văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.