Tìm hiểu về Hợp đồng vô hiệu ? Hậu quả pháp lý ?
| TÌM HIỂU VỀ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU, HẬU QUẢ PHÁP LÝ ?
1, Hợp đồng là gì:
Để tồn tại và phát triển, ngay từ thời xa xưa, con người đã sử dụng những giao dịch, thỏa thuận nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Qua thời gian nghiên cứu và phân tích, khái niệm hợp đồng được ra đời.
Bộ luật dân sự Pháp điều 1101 quy định:
“Hợp dồng là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một hoặc nhiều người cam kết với một hoặc nhiều người khác về việc chuyển giao một vật, làm hoặc không làm một công việc nào đó. “
Trong bách khoa toàn thư về Pháp luật của Hoa kỳ cũng có định nghĩa:
“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa hai thực thể pháp lý, tạo ra một sự rằng buộc nghĩa vụ nhằm để làm một việc, hoặc để không làm một việc, giao một vật xác định”
Điều 385 Bộ luật dân sự Viêt Nam năm 2015 có quy định rõ ràng về hợp đồng:
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Qua các khái niệm, ta có thể hiểu bản chất của hợp đồng được tạo nên bởi hai yếu tố pháp lý là sự thỏa thuận và sự rằng buộc pháp lý giữa các bên.
2, Như thế nào được coi là Hợp đồng vô hiệu:
Hợp đồng vô hiệu khi không đáp ứng được điều kiện về giao dịch dân sự tại điều 117 BLDS 2015:
Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.nghĩa vụ dân sự.
Trong quy định về hợp đồng vô hiệu, BLDS và luật khác có liên quan của Việt Nam không có một giải nghĩa cụ thể nào về “hợp đồng vô hiệu”. Tuy nhiên, qua quy định tại Điều 122 BLDS về việc giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của BLDS thì vô hiệu, trừ trường hợp BLDS có quy định khác và qua các quy định về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền dân sự (Điều 2 BLDS năm 2015), nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3 BLDS năm 2015), nguyên tắc giới hạn thực hiện quyền (Điều 9, Điều 10 BLDS năm 2015), tự bảo vệ quyền dân sự (Điều 12 BLDS năm 2015)…, và đường lối giải quyết các trường hợp vô hiệu cụ thểthì dưới góc độ khái niệm, có thể đưa ra các nhận định sau đây:
1) Việc xem xét vô hiệu của hợp đồng gắn liền với xác định việc xác lập hợp đồng có tuân thủ hay không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực được luật định.
2) Bằng việc quy định giao dịch dân sự khi không có một trong những điều kiện có hiệu lực thì vô hiệu trừ trường hợp BLDS có quy định khác. Cho thấy, nhà làm luật Việt Nam đã chính thức ghi nhận việc không tuân thủ điều kiện có hiệu lực hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu hoặc không bị tuyên bố vô hiệu.
3) Bằng việc quy định nguyên tắc về giới hạn thực hiện quyền dân sự tại Điều 10.2 BLDS năm 2015 về việc cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định về giới hạn thực hiện quyền dân sự thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định đã cho thấy nhà làm luật Việt Nam đã có nguyên tắc rõ ràng hơn trong xác định hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu một phần hay toàn bộ
Bằng việc quy định tại Điều 131.1 “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập” và quy định tại Điều 427.1 “Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận vềphạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp” thì BLDS năm 2015 đã có sự tách biệt hơn về mặt khái niệm giữa “vô hiệu” hợp đồng và “hủy bỏ” hợp đồng.
3. Phân loai:
3.1. Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối.
Là những Hợp đồng bị xem là đương nhiên vô hiệu do việc xác lập Hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm tới lợi ích của nhà nước hoặc lợi ích công cộng.
Hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị coi là vô hiệu tuyệt đối:
– Hợp đồng vô hiệu do giả tạo;
– Hợp đồng có nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật;
– Hợp đồng có nội dung, mục đích trái đạo đức xã hội;
– Hợp đồng không đúng hình thức do pháp luật quy định và đã được Tòa án cho các bên thời hạn để thực hiện đúng quy định về hình thức này nhưng hết thời hạn đó mà các bên vẫn chưa thực hiện; hoặc trường hợp pháp luật có quy định về Hợp đồng vi phạm hình thức nhưng các bên chưa thực hiện Hợp đồng và các bên có tranh chấp thì Hợp đồng bị xem là vô hiệu.
Một Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối thì không giải quyết theo yêu cầu của các bên. Mọi trường hợp đều giải quyết theo quy định của pháp luật và không được hòa giải, không có quyền công nhận giá trị pháp lý của Hợp đồng trong quá trình thụ lý và giải quyết tranh chấp về Hợp đồng hoặc các nội dung pháp lý có liên quan.
Lưu ý: Thời hiệu kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối là không hạn chế: có thể khởi kiện bất cứ lúc nào, kể từ khi Hợp đồng được xác lập.
3.2. Hợp đồng vô hiệu tương đối.
Là những Hợp đồng được xác lập, nhưng có thể bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.
Sự vô hiệu tương đối là ở chổ: giao dịch dân sự đó “ có thể vô hiệu” hay “ không đương nhiên bị xem là vô hiệu” vì nó chỉ xâm hại trực tiếp tới quyền lơi hợp pháp của cá nhân của từng bên chủ thể tham gia. Do đó, Hợp đồng này nếu không có sự xem xét của Tòa án thì vẫn có hiệu lực. Trong trường hợp muốn tiêu hủy Hợp đồng này, các bên phải yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tư pháp thông thường chứ Hợp đồng không đương nhiên bị xem là vô hiệu.
Các trường hợp dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu tương đối:
– Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không có năng lực hành vi tương ứng với đòi hỏi của pháp luật đối với loại giao dịch đó;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị đe dọa;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do một người xác lập trong tình trạng người đó không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình.
Lưu ý: thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu tương đối là 01 năm tính từ ngày giao dịch dân sự đó được xác lập.
Căn cứ vào phạm vi ( phần nội dung ) bị vô hiệu:
3.3. Hợp đồng vô hiệu toàn bộ.
Là Hợp đồng có toàn bộ nội dung vô hiệu, hoặc tuy chỉ có một phần nội dung vô hiệu nhưng phần đó lại ảnh hưởng đến hiệu lực của toàn bộ Hợp đồng.
Khi có những căn cứ cho là toàn bộ điều khoản của Hợp đồng vô hiệu, thì Hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Căn cứ làm cho Hợp đồng vô hiệu có thể xuất phát từ sự vi phạm nội dung Hợp đồng, nhưng cũng có thể là những căn cứ khác như: mục đích, năng lực giao kết Hợp đồng, Hợp đồng giả tạo,…
Lưu ý, có những Hợp đồng vô hiệu toàn bộ nhưng đối với một số điều khoản được các bên thỏa thuận ghi trong Hợp đồng có vai trò độc lập với Hợp đồng, thì khi Hợp đồng vô hiệu toàn bộ các điều khoản đó cũng có thể được công nhận có hiệu lực nếu đủ các điều kiện luật định mà không lệ thuộc vào hiệu lực của toàn bộ Hợp đồng.
3.4. Hợp đồng vô hiệu từng phần (vô hiệu một phần).
Là những Hợp đồng được xác lập mà có một phần nội dung của nó không có giá trị pháp lý nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần khác của Hợp đồng đó.
Đối với một Hợp đồng vô hiệu từng phần, ngoài phần vô hiệu không được áp dụng, các phần còn lại vẫn có giá trị thi hành, nên các bên vẫn phải tiếp tục thi hành trong phạm vi phầm Hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
Căn cứ vào điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng.
Dựa vào dấu hiệu này có thể phân Hợp đồng vô hiệu thành các trường hợp sau:
– Hợp đồng vô hiệu do người tham gia là cá nhân không có năng lực hành vi dân sự;
– Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm, đạo đức xã hội;
– Hợp đồng vô hiệu do không có sự tự nguyện của chủ thể;
– Hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức, nếu pháp luật có quy định về hình thức của Hợp đồng là điều kiện bắt buộc.
Căn cứ vào mức độ vượt quá phạm vi đại diện của người đại diện.
Một trong các điều kiện quan trọng để công nhận Hợp đồng có hiệu lực là tư cách đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc ủy quyền) của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức hoặc cá nhân. Trong nhiều trường hợp, khi việc tham gia xác lập Hợp đồng thay cho người thứ ba không dựa trên các trường hợp đại diện luật định thì Hợp đồng đó có thể bị vô hiệu
3.5. Hợp đồng vô hiệu do người đại diện xác lập vượt quá phạm vi đại diện.
Thường thì đây là Hợp đồng được xác lập bởi người đại diện hợp pháp, nhưng do người đại diện đã xác lập Hợp đồng trên thực tế vượt quá phạm vi đại diện. Người trực tiếp tham gia Hợp đồng tuy có tư cách đại diện hợp pháp nhưng nội dung Hợp đồng do họ xác lập có một phần giá trị, mức độ, phạm vi vượt quá giới hạn được ghi trong Hợp đồng ủy quyền hoặc được quy định trong loại đại diện tương ứng.
Hợp đồng được xác lập vượt quá phạm vi đại diện thì phần vượt quá phạm vi đại diện đó bị vô hiệu, trừ trường hợp người được đại diện biết mà không phản đối.
3.6. Hợp đồng vô hiệu do người giao kết không có quyền đại diện.
Hợp đồng vô hiệu do người trực tiếp giao kết không có tư cách đại diện hoặc tuy có tư cách đại diện nhưng đã giao kết, thực hiện Hợp đồng không thuộc công việc mà họ được phép đại diện.
Cũng bị xem là không có tư cách đại diện nếu người đại diện đưa ra những tuyên bố ý chí trái với ý chí của người được đại diện, làm những việc không thuộc đối tượng của quan hệ đại diện.
4. Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
Giao dịch dân sự bị vô hiệu sẽ có các hậu quả pháp lý sau đây (Điều 131 BLDS 2015):
Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Ngoài ra, Điều 131 BLDS 2015 quy định việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định.
Trân trọng được gới thiệu tới Quý Bạn đọc.*
HÃNG LUẬT ANH BẰNG. Since 2007 – Chúng tôi hãng Luật với các Luật sư, chuyên gia chuyên về tư vấn, soạn thảo, thẩm định; giải quyết tranh chấp các loại Hợp đồng Dân sự, Kinh doanh thương mại, Lao động…tại giai đoạn hòa giải và tố tụng xét xử Tòa án, Trọng tài; đại diện thương lượng, đàm phán điều khoản hợp đồng về Đất đai, Nhà ở, Dự án, M&A (mua bán chuyển nhượng vốn, cổ phần), liên doanh, liên danh, liên kết, hợp tác…Quý Khách có như cầu tư vấn, sử dụng dịch vụ Luật sư về soạn thảo, thẩm định, đàm phán điều khoản, giải quyết tranh chấp hợp đồng…xin vui lùng liên hệ với chúng tôi: Điện thoại: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 (HC); 0913 092 912 * 0982 69 29 12 – Ls Bằng (24/7).
Trân trọng.
〉 Hãng Luật Anh Bằng | Tư vấn | Soạn thảo | Thẩm định | Hợp đồng Dân sự, Kinh tế | Lao động | Đàm phán | Thương lượng | Hòa giải | Giải quyết tranh chấp…