Tìm hiểu sự phát triển tư tưởng về con người trong lịch sử triết học
Tìm hiểu sự phát triển tư tưởng về con người trong lịch sử triết học
Ở phương Đông, từ rất xa xưa, con người đã bắt đầu tìm hiểu về bản thân mình trong quan hệ với thế giới và cộng đồng. Họ đã có những tư tưởng manh nha về con người mang tính triết lý chất phác mộc mạc. Người xưa đã lý giải về nguồn gốc của mình từ đất sét (Trung Quốc) hay cát (Ấn Độ) nhưng được sự trợ giúp của thần thánh hay từ thần thánh (như con Rồng cháu Tiên của Việt Nam)… cùng với những quan niệm: thể xác chết nhưng linh hồn vẫn còn sống, người chết sinh hoạt với người sống và có con người trên trần thế, con người ở dưới âm ty địa ngục, con người ở chốn thiên đình…
Trong tính phổ biến, chủ nghĩa duy tâm tôn giáo Ấn Độ đã thừa nhận quan điểm của Kinh Veda rằng, con người với linh hồn cá nhân (Atman) do linh hồn thế giới (Brahman) sinh ra và điều khiển. Phủ nhận điều đó, Phật giáo nguyên thủy có quan niệm về tính tự thân sinh thành, biến đổi của vạn vật tuân theo tính tất định và phổ biến của “Luật nhân – quả” bởi sự tương tác giữa “Vô ngã” và “Vô thường”. Với “Vô ngã”, vạn vật trong vũ trụ chỉ là sự “giả hợp” do hội tụ nhân duyên nên thành ra “Có” (tồn tại). Ngay bản thân sự tồn tại của con người chẳng qua cũng là do “Ngũ uẩn” hội hợp lại (Sắc, Thụ, Tưởng, Hành và Thức), do vậy không có cái gọi là “Tôi” (vô ngã). Còn với “Vô thường”, vạn vật biến đổi vô cùng theo chu trình bất tận (Sinh – Trụ – Dị – Diệt) nên “có có” – “không không”, “không không” mà “có có” luân hồi bất tận; “thoáng có”, “thoáng không”, cái còn mà chẳng còn, cái mất mà chẳng mất. Mặt khác, Phật giáo lại thừa nhận quan điểm “Luân hồi”, “Nghiệp” và “Kiếp” trong Upanisad (tập kết thúc của Veda). Con người khác con vật ở “Tâm” và “Thức”: “Tâm” là cái huyền bí không sinh ra từ cái gì nhưng lại là nguồn gốc của mọi tạo tác của con người, “Thức” là sự giác ngộ của tâm linh. Trong mỗi con người có tính trần tục (“Tham”, “sân”, “Si”) là nguồn gốc của mọi đau khổ luân hồi, có sinh có tử và có cả tính Phật, tức khả năng giác ngộ nỗi khổ, giải thoát được những thèm khát trần tục. Để thoát khỏi kiếp luân hồi đau khổ, con người phải phát huy Phật tính, tự giải thoát mình bằng cách diệt dục để lên Niết Bàn – nơi không còn sầu não khổ đau, thoát khỏi “bể khổ trầm luân” bằng giác ngộ “Tứ diệu đế” .
Ở Trung Quốc, triết học Nho gia (ít nhiều đều bị chi phối bởi thuyết “Thiên mệnh” của Chu Công Đán thời Tây Chu) tìm bản chất con người trong đạo đức mà điểm xuất phát là bản tính “Thiên phú” ở mỗi người. Khổng Tử (551 – 479 TCN) xem bản tính con người là “Gần như’ (không thiện mà cũng không ác) do “Tích ngụy” điều hay lẽ phải hay “Tập nhiễm” thói hư tật xấu của xã hội mà xa nhau (có thiện và có ác). Mạnh Tử (372 – 289 TCN) thì cho bản tính con người là “Thiện”, trong “Bản nhiên” của mỗi người đã hàm chứa lòng “Trắc ẩn” (biết thương xót) lòng “Tu ổ’ (biết xấu hồ), lòng “Tử nhượng” (biết nhường nhịn), lòng “Thị phi” (biết đúng sai). Nếu được giáo dục và giáo dưỡng tốt thì các đặc tính bản nhiên này phát triển thành những đức tính tương ứng là “Nhân”, “Nghĩa”, “Lễ”, “Trí” (“Tứ đoan”); nếu sống trong xã hội thiếu lành mạnh, tập nhiễm những thói hư tật xấu thì “Bản nhiên” sẽ bị chuyển thành: bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất trí (phản lại con người). Còn Tuân Tử (313 – 238 TCN) thì lấy “Khí” làm nguồn gốc của vạn vật và của con người nhưng xem “Bản nhiên” của con người có tính “ác” (hám lợi, đố kỵ và ham thích thanh sắc); nếu thuận môi trường xấu thì chúng sẽ thành tham lam, tàn tặc và dâm loạn (tất cả đều không văn hóa) – không thành Người; ngược lại, nếu được thầy dạy bảo cho lễ nghĩa và được răn đe thỏa đáng bằng pháp luật thì con người tự nhiên sẽ được cải thành con người xã hội. Đổng Trọng Thư (khoảng 179 – 104 TCN) cho Trời sinh ra người theo dáng Trời; Trời sinh ra vật để nuôi người, sinh lễ để dạy người, sinh vua để trị người…
Triết học Mặc gia không thừa nhận “Mệnh Trời”, Mặc Tử (478 – 392 TCN) khẳng định: con người khác con vật ở chỗ con người quyết định vận mệnh của mình bằng lao động cải tạo cuộc sống. Con người tồn tại hiện thực trong từng cộng đồng, lao động tập thể tùy theo sức mà làm hết sức, sản phẩm tạo ra là của chung và cùng nhau hưởng thụ theo những nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Còn triết học đạo gia xuất phát từ “Đạo” (nguyên lý hình thành vũ trụ) là nguồn gốc của tất cả nên Lão Tử (580 – 500 TCN) và Trang Tử (865 – 275 TCN) coi con người là bộ phận của tự nhiên và là một loại tự nhiên như tất cả các loại tự nhiên khác. Vì vậy, con người không can thiệp thô bạo vào quy luật của tự nhiên và quy luật xã hội, không dục vọng, không hung hăng chém giết, không áp bức bóc lột, không tiến hành chiến tranh xâm lấn cướp bóc lẫn nhau mà sống thanh thản, ung dung và chan hòa bên nhau trong từng lãnh thổ làng mạc bé nhỏ một cách tự do tự tại, hòa đồng trong thiên nhiên và “vô vi” theo “Đạo Trời” (quy luật tự nhiên) và “Đạo Người” (quy luật xã hội).
Ở phương Tây, thời cộng sản nguyên thủy đã có những quan niệm “tiền triết học” chất phát về con người. Qua những thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, sứ thi, anh hùng ca.., người ta cho rằng có một sức mạnh siêu nhiên nào đó sinh ra con người cùng muôn vật. Cho nên, giải thích sức mạnh của mình bằng sức mạnh của thần thánh (như Asin) và luôn tìm sự cứu giúp của thần thánh. Tuy nhiên, người nguyên thủy cũng bắt đầu có cảm nhận được sức mạnh của chính bản thân mình, thấy phần nào quan hệ của mình gắn với tự nhiên (Promite, Hacuynh…).
Chủ nghĩa duy tâm cổ đại của Pitago (khoảng 580 – 500 TCN) gán cho linh hồn là bất tử tạm trú vào cơ thể hữu tử và sau khi cơ thể tử thì linh hồn chuyển nhập vào cơ thể khác, rồi lại thực hiện một cuộc sống tái sinh. Platon (427 – 374 TCN) xem vật thể cảm tính là cái bóng của ý niệm tồn tại hỗn hợp của hư vô, tất cả đều tồn tại từ “ý niệm”, thân thể của con người là “nhà tù” của “ý niệm”.
Chủ nghĩa duy vật cổ đại xem con người như một bộ phận cấu thành của tồn tại nói chung và của thế giới, con người là do một bản nguyên vật chất nhất định (lửa, nước… hay một chất nào đó ) sinh ra và thần thánh cũng bắt nguồn từ vật chất. Cenophon (427 – 355 TCN) khẳng định con người tạo ra thần thánh theo quan niệm của mình. Heraclit (585 – 475 TCN) xem linh hồn là trạng thái biến đổi của lửa. Aristote (384 – 322 TCN) coi linh hồn gắn liền với sinh vật, các cơ thể sống là do sự vận động tích cực của linh hồn mà thực vật có linh hồn thực vật động vật có linh hồn cảm tính, con người cố linh hồn lý tính.
Thời Trung cố (Thế kỷ IV – XV), Cơ Đốc giáo dần hình thành và tạo ra những nét đặc trưng của đạo thiên chúa cùng với những quan điểm triết học của Ogystanh (357 – 430), của Thomas Dacanh (1225 – 1274) với việc xem giới tự nhiên do Chúa sinh ra từ hư vô, con người là hình ảnh của Chúa, linh hồn là chất của Chúa; đặt con người trong thứ bậc không thể vượt qua: Chúa – Thánh thần – Con người – các sự vật không có linh hồn, nếu vượt khỏi là có tội với Chúa nên sự hoạt động của con người phù hợp với thứ bậc đã định đó.
Triết học thời Phục hưng và thời Khai sáng xem con người tự do tồn tại trên trần thế, con người là trung tâm của cuộc sống nên đã nêu cao tư tưởng giải phóng con người. Thế kỷ XVII – XVIII người ta tìm thấy kết cấu của tế bào, sự lưu thông của máu, cấu tạo mô của các vật hữu cơ… làm cho khoa học tự nhiên gắn với việc giải thích con người, trở thành công cụ hữu hiệu để phê phán mạnh mẽ tính phi lý của thần học và đã khẳng định khoa học là lý trí của con người, cùng với giáo dục, khoa học là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Phranci Becon (1561 – 1621) đã khẳng định: con người là thực thể vật chất, linh hồn là thực thể thể xác; đó là thứ vật chất chân chính chỉ tồn tại trong óc người, vận động theo các dây thần kinh và mạch máu; con người phải thống trị giới tự nhiên, biến tự nhiên thành “giang sơn” của con người bằng tri thức của mình nên đã khẳng định: tri thức là sức mạnh và sức mạnh là tri thức. Thomas Hopso (1588 – 1679) xem con người là vật thể tự nhiên, linh hồn có tính vật chất, là một thực thể biết suy nghĩ. Rone Decacter (1596 – 1654) cho rằng thể xác và linh hồn là hai thực thể hòa lẫn nhau, thực thể vật chất là quảng tính tạo thành bộ máy cơ thể, thực thể tinh thần tạo thành linh hồn duy lý và khẳng định: “Tôi tư duy, vậy, tôi tồn tại”; xem nghi ngờ là điểm xuất phát của mọi duy lý song: dù anh có nghi ngờ mọi cái nhưng không thể nghi ngờ rằng anh đang nghi ngờ.
Với Gassendi (1592 – 1655), vũ trụ là vô tận, con người là do những nguyên tử nặng phát triển mà thành, linh hồn có tính thể xác do các nguyên tử lửa nhỏ năng động tạo thành; con người chết thì linh hồn cũng chết; con người và con vật chỉ khác nhau ở số lượng và cách thức hoạt động. Ở Spinoda (1632 – 1677), con người là một dạng thức của thực thể, thuộc tính tư duy của con người ở mức độ cao nhất, hình hồn là toàn bộ năng lực tinh thần, là một trong những biểu hiện của thực thể, một trong những thuộc tính của tư duy. Một đặc điểm quan trọng của thời kỳ này là triết học tập trung bàn về quyền tự nhiên của con người, tiêu biểu là sự luận giải của J.Locke (1682 – 1701) về “Quyền tự nhiên” của con người là tối cao và bất khả xâm phạm; trong những quyền đó, có quyền sống là giá trị cao nhất, quyền tự do là giá trị chủ đạo và quyền sở hữu là điều kiện để đảm bảo quyền sống và quyền tự do.
Các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII đã chống những quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, phê phán triết học kinh viện, thần học về con người và đã chứng minh được vai trò của giáo dục, hoạt động tự giác của con người cải tạo thế giới. Henvetiuyt (1715 – 1771) khẳng định trí tuệ con người là do giáo dục mang lại, con người là sản phẩm của giáo dục; ông phê phán kiểu giáo dục tôn giáo làm mất bản chất con người nhưng ông lại cho rằng kiến trúc thượng tầng mới quyết định cuộc sống của con người sung sướng hay đau khổ. Honbach (1729 – 1789) đã bác bỏ những lý thuyết của tôn giáo về sự sáng tạo thế giới của Chúa Trời và khẳng định chính tôn giáo đã làm cho con người đánh mất bản chất Người của mình.
Lutvich Phoiobac (1804 – 1872) xem con người là đối tượng chân chính của triết học mới – nhấn mạnh con người tộc loài, coi con người là bộ phận của tự nhiên, ý thức là thuộc tính đặc biệt của vật chất – óc người; bản chất con người là sự thống nhất toàn vẹn giữa linh hồn và thể xác, tinh thần và thể chất tự nhiên vốn có của mỗi cá nhân. Từ đó, ông khẳng định, nguồn gốc và điều kiện tự nhiên của đạo đức là cảm giác, tiếng nói của cảm giác là mệnh lệnh đầu tiên giúp con người nhận biết tất cả, ở đâu không có cảm giác thì ở đó không có đạo đức; không có đạo đức cá nhân, đạo đức cá nhân là một thứ do người chuyên bịa đặt. Đạo đức dựa trên tình yêu giữa người và người, một tình yêu phổ biến (yêu đồng loại); nó vượt lên mọi thời đại, mọi quan hệ xã hội và là bản chất, là mục đích của cuộc sống. Để đạt được hạnh phúc, con người phải biết hạn chế nhu cầu của mình một cách hợp lý, phải tôn trọng hạnh phúc người khác; hạnh phúc chân chính chỉ có ở tính chất tập thể, không có hạnh phúc cá nhân, nên ở đâu có cái tôi thì ở đó không có hạnh phúc. Xem tôn giáo là sự gặp gỡ giữa thằng điên và anh thầy tu nên phải xóa bỏ tôn giáo hiện tồn, nhưng ông lại chủ trương xây dựng tôn giáo mới không có Thượng Đế mà trung tâm là con người (Tôn giáo tình yêu) để làm động lực, phương thuốc bách bệnh, vị thần nhiều phép cho việc giải quyết những mâu thuẫn xã hội hiện tồn.
Trên cơ sở sự chắt lọc những tinh hoa trong lịch sử triết học của nhân loại và khái quát những thành tựu của nhiều ngành khoa học về con người, triết học macxit đã làm sáng tỏ, con người là một chỉnh thể của cái sinh học và cái xã hội.
Phê phán những quan điểm duy tâm, siêu hình về con người mà trực tiếp là con người nhân bản của Phoiobac và để nhấn mạnh tính phổ biến của yếu tố xã hội trong con người, Mác đã viết: “Bản chất của con người không phải là cái trừu tượng vốn có của một cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa tất cả quan hệ xã hội”.
Cái sinh học quy định sự tồn tại của cơ thể người. Ở cấp độ cơ thể, con người nằm trong mối quan hệ với tự nhiên và phục tùng tính tất yếu của tự nhiên; mặt sinh học chủ yếu bị quy định bởi tính di truyền. Cái xã hội quy định con người với tư cách là một nhân cách. Ở cấp độ nhân cách, con người nằm trong quan hệ với lịch sử loài người, với tồn tại xã hội và với các quan hệ xã hội; mặt xã hội được quy định bởi quá trình con người gia nhập vào bối cảnh văn hóa – lịch sử của quần thể xã hội. Cái sinh học là cái Xã hội tồn tại thống nhất và không thể tách rời nhau trong con người nên cơ thể và nhân cách là hai mặt không thể tách rời. Tính di truyền và tính xã hội của con người là một chỉnh thể thống nhất, cơ chế di truyền quyết định mặt sinh học, cơ chế tác động của xã hội quyết định bản chất xã hội của con người; bản thân những đặc tính được di truyền, với tư cách là tư chất của nhân cách, cũng là sản phẩm lịch sử văn hóa xã hội, bao hàm ngay trong đó cả bản chất xã hội của con người.
Sự hình thành thực thể sinh vật – xã hội của con người được quyết định bởi lao động. Trong lao động, con người thường xuyên làm biến đổi những điều kiện tồn tại, xây dựng nên một thế giới vật chất và tinh thần theo yêu cầu phát triển ngày càng cao của mình với tư cách là một nền văn hoá. Nền văn hóa này do con người sáng tạo ra như thế nào thì bản thân con người do nền văn hoá đó hình thành cũng trong chừng mực ấy. Lao động không thể xuất hiện ở trạng thái đơn nhất mà ngay từ đầu đã mang tính tập thể xã hội. Hoạt động lao động phát triển làm biến đổi toàn bộ bản chất tự nhiên của tổ tiên con người. Về mặt tâm lý, lao động đưa đến sự cải tạo các bản năng trên hai bình diện chính: Một là,bình diện đè nén, kìm hãm bản năng, bắt bản năng phải phục tùng sự kiểm soát của lý trí; hai là, bình diện cải tạo bản năng thành trạng thái mới về chất của hoạt động thuần túy của con người – trực giác có lý trí. Về mặt xã hội, lao động đã đưa đến hình thành những chất mới – chất xã hội của con người: ngôn ngữ, tư duy, giao tiếp, quan niệm, định hướng giá trị, thế giới quan… Tất cả những điều đó đã đánh dấu sự xuất hiện của một loài động vật mới Homosạpiens mà ngay từ đầu nó đã hiện ra với lai nguyên thể gắn bó với nhau: con người có lý tính và con người mang tính xã hội.Vì vậy, mọi sự khác biệt giữa con người với con vật trước hết đều là kết quả của cuộc sống lao động của con người trong xã hội.
Triết học macxit cũng khẳng định không có con người trừu tượng nói chung mà loài người tồn tại cảm tính trong tính hiện thực cụ thể của những cá nhân; cá nhân là phương thức tồn tại của giống loài người. Cá nhân là cá thể người với tư cách là sản phẩm của sự phát triển lịch sử xã hội, là chủ thể của nhận thức, của lao động và của mọi quan hệ xã hội. Cá nhân là một con người hoàn chỉnh trong sự thống nhất giữa khả năng riêng có của con người đó với chức năng xã hội do chính mình thực hiện. Cá nhân là cá thể riêng lẽ và là phần tử đơn nhất tạo nên cộng đồng xã hội mà mỗi phần tử này có được phương cách riêng tồn tại trong cộng đồng.
Xã hội là sản phẩm của tổng thể những mối quan hệ giữa người và người. Giữa cá nhân và xã hội có mối quan hệ không thể tách rời nhau. Cá nhân được hình thành và phát triển trong quan hệ xã hội nhưng xã hội thay đổi theo tiến trình lịch sử cho nên cá nhân là một hiện tượng có tính lịch sử; mỗi thời đại sản sinh ra một kiểu cá nhân có tính đặc thù của nó và thậm chí còn đối lập nhau. Do đó mà trong xã hội, có những cá nhân cụ thể khác nhau, cá nhân thể hiện bản sắc của mình thông qua xã hội nhưng không hòa tan vào xã hội.
Xã hội càng phát triển thì cá nhân càng nhận được những giá trị vật chất và tinh thần do xã hội đáp ứng, càng thúc đẩy việc phát triển ngày càng đầy đủ những phẩm chất của cá nhân. Sự phát triển của xã hội biểu hiện ra ở sự trưởng thành của từng cá nhân và sự trưởng thành của từng cá nhân biểu hiện trực tiếp ở sự tác động của cá nhân đối với sự phát triển xã hội. Cá nhân trong xã hội càng phát triển thì càng có điều kiện góp phần mình vào việc phát triển xã hội. Vai trò của xã hội đối với cá nhân và của cá nhân đối với xã hội phụ thuộc vào sự nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân trong toàn xã hội và của từng cá nhân. Việc thỏa mãn nhu cầu chính đáng của cá nhân trong sự đảm bảo lợi ích của xã hội là cơ sở vững chắc để liên kết có mục đích mọi thành viên trong xã hội và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội qua sự phát triển của từng cá nhăn.
Con người của triết học macxit là con người cá nhân trong sự đáp ứng nhu cầu của xã hội nên đó còn là con người nhân cách. Bản chất của mỗi cá nhân không thề tồn tại và phát triển được một cách cô lập với những cá nhân khác; đó là cơ sở hình thành tính cộng đồng, tính nhân đạo và cả những phẩm chất đặc thù của từng cá nhân. Tồn tại trong quan hệ xã hội, cá nhân thể hiện mình ra với tính cách là một nhân cách. Nhân cách là những phẩm chất xã hội biểu hiện các thuộc tính riêng biệt của từng cá nhân như: năng lực trí tuệ, trình độ chuyên môn, hệ giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ, bản lĩnh chính trị… theo những tiêu chí cơ bản của xã hội và của chủng loài.
Nhân cách là cái phân biệt sự khác nhau giữa từng cá nhân với nhau. Nhân cách là bản sắc độc đáo của con người thể hiện ở mỗi cá nhân trong quan hệ xã hội với mỗi cộng đồng cá nhân. Nếu cá nhân là khái niệm để phân biệt sự khác nhau ở các cá thể giống loài thì nhân cách là khái niệm dùng để chỉ sự khác nhau giữa các cá nhân. Cá nhân khác xã hội bởi tính cụ thể hiện thực của nó, còn mỗi cá nhân khác nhau bởi nhân cách (bộ mặt xã hội) của mình. Cá nhân là phương thức biểu hiện của giống loài, đến lượt mình, nhân cách lại là cách thức biểu hiện hay phương thức tồn tại của mỗi cá nhân. Vì vậy, đặc trưng của nhân cách là sự khẳng định “Cái tôi” của một chủ thể cá nhân tự ý thức, tự đánh giá, tự khẳng định, tự điều chỉnh và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của chính mình trước yêu cầu của xã hội.
Từ những quan điểm trên, có thể rút ra quan niệm triết học đúng đắn về con người: Con người là một chỉnh thể sinh học – xã hội, là cá nhân với sự tổng hòa các quan hệ xã hội và thể hiện mình trong các quan hệ xã hội đó với tư cách là một nhân cách, còn xã hội là tổng thể nhân cách của những cá nhân đó với tư cách là sản phẩm của những nhân cách, là môi trường để cá nhân tồn tại, hình thành và phát triển nhân cách.