Tìm hiểu sâu về ngành Công nghệ sinh học – Viện nghiên cứu Công nghệ Hỗ trợ Nông nghiệp

Tìm hiểu sâu về ngành Công nghệ sinh học

Học Công nghệ sinh học (CNSH) ra trường làm gì? Có rất nhiều trường tuyển sinh ngành CNSH nhưng điểm chuẩn lại khá chênh lệch. Vậy điểm chuẩn vào trường có ảnh hưởng gì đến chương trình học cũng như khả năng tìm việc sau này?

Công nghệ sinh học là bộ môn tập hợp các ngành khoa học và công nghệ gồm: sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học, công nghệ học, nhằm tạo ra các quy trình công nghệ khai thác ở quy mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động, thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
CNSH được chia làm 3 giai đoạn chính trong sự phát triển:

* CNSH truyền thống: chế biến các thực phẩm dân dã đã có từ lâu đời như tương, chao, nước mắm … theo phương pháp truyền thống; xử lí đất đai, phân bón để phục vụ nông nghiệp …

* CNSH cận đại: có sử dụng công nghệ trong quá trình chế biến sản phẩm như việc sử dụng các nồi lên men công nghiệp để sản xuất ở quy mô lớn các sản phẩm sinh hạt như mì chính, acid amin, acid hữu cơ, chất kháng sinh, vitamin, enzym …

* CNSH hiện đại: Công nghệ di truyền, công nghệ tế bào, công nghệ enzym và protein, công nghệ vi sinh vật, công nghệ lên men, công nghệ môi trường…

Các ĐH ở Việt Nam hiện đang đào tạo một số chuyên ngành như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ mô – công nghệ protein -enzym và kỹ thuật di truyền, công nghệ sinh học (CNSH) nông nghiệp, CNSH công nghiệp, CNSH môi trường, CNSH thực phẩm, CNSH y dược, tin – sinh học.

Ngày nay, CNSH đang được ứng dụng vào trong rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y học, dịch vụ, du lịch… nhằm phục vụ cho mọi như cầu của cuộc sống như dinh dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe… Bằng những kiến thức sinh học về thực vật, động vật, nấm, vi khuẩn,… và sử dụng “công nghệ DNA tái tổ hợp” những nhà khoa học đang cố gắng tạo ra những cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, những loại thực phẩm, dược phẩm phục vụ cho việc chữa bệnh cho con người…

Chính vì vậy sinh viên tốt nghiệp ngành này được công nhận là cử nhân hoặc kỹ sư, làm việc tại các lĩnh vực: y dược (chẩn đoán bệnh, chế biến thuốc, vắcxin); môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải…); nông – lâm – ngư – nghiệp (giống, bệnh, chất lượng); công nghiệp (lên men công nghiệp, vật liệu sinh học…

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu CNSH thì để có thể học tốt hoặc đi sâu vào nghiên cứu ngành này đòi hỏi thí sinh hội tụ rất nhiều yếu tố.

Điều đầu tiên là đam mê khoa học và sáng tạo. Bên cạnh đó học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là sinh học, hóa học và vật lý. Những kiến thức vững chắc về các môn này sẽ là nền tảng tốt để sinh viên có thể tiếp thu các kiến thức phức tạp của ngành CNSH.

Ngoài ra, sự cẩn trọng, tỉ mỉ luôn là một tố chất quan trọng cho người làm CNSH. Do phải làm việc nhiều trong phòng thí nghiệm với những chi tiết nhỏ li ti hay những quá trình phải tuân thủ nghiêm ngặt nên nếu không cẩn thận trong những chi tiết, quá trình đó thì khó mà hoàn thành được kết quả.

Bên cạnh đó năng lực chuyên môn và các tố chất trên, làm việc trong thời đại hiện đại ngày nay thì người theo học ngành này cần phải có trình độ ngoại ngữ, tin học tốt và có những kỹ năng mềm.

Cơ hội việc làm ra sao?

CNSH đã và đang ngày càng tỏ ra thực sự có ý nghĩa lớn đối với đời sống con người. Nhận thức được tầm quan trọng đó, CNSH đã được ưu tiên đầu tư rất lớn cho những nghiên cứu và những kế hoạch mang tính ứng dụng.

Do đó, có rất nhiều cơ hội dành cho các cử nhân/kỹ sư tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, bao gồm cả các công ty nước ngoài chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân chuyên môn.

Thông thường, các công ty nước ngoài hay có các phòng lab để đánh giá chỉ tiêu nước thải hoặc mức độ độc hại của sản phẩm, vì thế nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí này cũng khá nhiều và cần thiết.

Còn đối với các doanh nghiệp trong nước chuyên về môi trường, xử lý nước thải, cây xanh… cũng luôn cần tuyển những nhân viên mới, có năng lực để tiếp cận các công nghệ hiện đại.

Một số các công ty nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên trong ngành này là: Unilever, Kimberly, Bia Việt Nam, San Miguel, Dutch Lady…

Ngoài ra còn có rất nhiều các công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước chuyên về xử lý chất thải, môi trường, thực phẩm…

Tuy nhiên, ngành học này làm việc trên các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền chỉ có ở các cơ sở nghiên cứu, các công ty lớn tập trung ở các TP lớn. Do đó, phần đông sinh viên tốt nghiệp hiện tại chỉ tập trung ở thành phố, ở các tỉnh không phát huy hết khả năng ngành nghề được đào tạo do thiếu trang thiết bị. Đây là lý do đầu ra gặp phần nào khó khăn.